Cây Bồ Đề (trái) và cây Lâm Vồ (phải)
Trước tiên, chúng ta cần biết sơ qua về các đặc điểm của Bồ đề và Lâm vồ. Cây Bồ đề (Ficus religiosa), là một cây thuộc chi đa đề (Ficus), cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và sau đó, đi theo các nhà sư tới các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia. Đây là một loài cây rụng lá về mùa khô. Cây cao nhất có thể cao tới 30m với đường kính thân tới 3m. Gỗ Bồ đề nhẹ, mềm và đều, ít cong vênh, dễ xẻ nên được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp giấy, làm diêm, nhựa Bồ đề còn được sử dụng trong công nghệ thực phẩm và sản xuất nước hoa.
Trong tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, Bồ đề được xem là giống cây linh thiêng, nơi mà Đức Phật Thích Ca Mầu Ni giác ngộ. Ngoài ra, đây cũng là giống cây tiên phong trong phát triển hệ sinh thái rừng, đòi hỏi nhiều ánh sáng, chịu rét tốt nên cây còn được nhiều người tượng trưng cho sự can trường, đi tiên phong trong các vấn đề.
Khác với Bồ đề, cây Lâm vồ là loài cây được trồng phổ biến ngoài đường phố, các quảng trường, khuôn viên, ngõ xóm và có thể ở trong khuôn viên nhiều chùa Phật giáo,… Cây có tên khoa học là Ficus rumphii, phân bố rộng rãi ở nhiều nước Đông Nam Á.
Do nằm trong cùng chi phân loại nên Lâm vồ có rất nhiều điểm tương đồng với Bồ đề. Cách dễ nhất để phân biệt hai giống cây này là dựa vào hình thái lá. Lá Bồ đề có mũi kéo dài thành chuỗi kim hình cong, dài 2-4 cm, hệ gân nổi rất rõ, gồm nhiều cặp gân bên gần song song và mọc gần đối. Phiến là dày với mặt trên bóng láng, mép gợn sóng, cuống lá dài tương đương chiều dài phiến lá. Trong khi đó, lá Lâm vồ có mũi nhọn 1-2 cm, hệ gân ít nổi rõ, các cặp gân bên thưa, mặt trên phiến lá thường không bóng láng, mép phiến lá không gợn sóng, cuống lá thường ngắn hơn phiến.
Hy vọng bài viết trên đây đã phần nào giúp các bạn phân biệt được hai giống cây bonsai thường gặp này.
SonSonBio
No comments:
Post a Comment