Vô tư, nhẹ nhàng, thỏa mái, đó là ba từ thật giản dị, nhưng cũng đủ để lột tả và định nghĩa về một thời kỳ chuyển giao giữa 2 thế kỷ : thời kỳ mà tất cả các rào cản xã hội dường như được xóa bỏ, những tiến bộ về công nghiệp đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng được thừa hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, một thời kỳ hẳn đã in đậm dấu ấn trong lịch sử nước Pháp, một chấm son của văn hóa Paris.
Vào những năm cuối của thế kỷ 19, hay nói chính xác hơn là vào năm 1889, một cột mốc về thời gian đã đánh dấu sự ra đời của một nhà hát nhạc vũ kịch bình dân đầu tiên tại Kinh đô Ánh sáng, nơi mà, cũng là lần đầu tiên, từ các tầng lớp tư sản bourgois của Paris, cũng như giới thợ thuyền thủ công có thể ngồi chung với nhau cùng một hàng ghế, để tận hưởng những chương trình ca nhạc tạp kỹ giải trí, được dàn dựng một cách công phu, trong một không gian bài trí đặc sắc của nhà hát Le Moulin Rouge – Cối Xay Đỏ.
Nếu một ngày nào đó bạn đặt chân đến thủ đô Paris, xin các bạn đừng nhầm lẫn giữa Le Moulin Rouge – chiếc Cối Xay Đỏ này với những chiếc cối xay vừng, lúa mì, hay đại mạch… trong câu chuyện cổ tích thần thoại “Alibaba và bốn mươi tên cướp”, bởi vô tình, bạn đã làm mếch lòng người dân Paris, khi bạn nghĩ về chiếc Cối Xay Đỏ – Le Moulin Rouge của họ như vậy.
Nơi đây chính là niềm tự hào không chỉ của riêng người Paris, mà còn của toàn thể mọi người Pháp về những sáng tạo nghệ thuật, văn hóa phi vật thể, mà trong chuyên mục Góc Vườn Âm Nhạc tuần này, mời quý vị và các bạn cùng dạo quanh một vòng chiếc Cối Xay Đỏ ấy, để cùng thưởng thức những lời ca tiếng hát đặc sắc, những giai điệu hào hoa, tưng bừng của lễ hội, mà nhiều thế hệ các ban hợp ca của nhà hát Le Moulin Rouge, đã không ngừng mệt mỏi cống hiến tài năng nghệ thuật của mình cho khán giả bốn phương, một cách bền bỉ và cần mẫn trong suốt 120 năm qua, mặc dù trải qua biết bao nhiêu những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian.
Có thể nói phần lớn các ca khúc sáng tác cho các chương trình biểu diễn tại Le Moulin Rouge, đều ít nhiều dành để ngợi ca thủ đô Paris, với đặc thù và khuynh hướng của nhạc tạp kỹ Music Hall, mang tính nghệ thuật bình dân.
Vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, những cây đại thụ của phong trào âm nhạc tạp kỹ Pháp Music Hall, như nữ danh ca huyền thoại Edith Pìaf, hay nam danh ca kiêm nhạc sỹ Yves Montand, cũng thường xuyên có buổi biểu diễn tại đây.
Trong những đêm diễn của các danh ca này tại Le Moulin Rouge, khán giả Paris nô nức đổ về đây xếp hàng, tạo thành một đám đông dài dằng dặc, suốt từ quảng trường Trắng (Place Blanche) cho đến tận khu vực xung quanh đồi Montmartre thơ mộng.
Ngay từ khi ra đời vào năm 1889, các nghệ sỹ của nhà hát Cối Xay Đỏ – Le Moulin Rouge đã luôn luôn không ngừng sáng tạo, để mang đến cho công chúng khắp nơi những chương trình nghệ thuật tạp kỹ đặc sắc, pha trộn một cách hài hòa giữa nhạc và múa.
Một trong những chương trình tạp kỹ huyền thoại nhất phải kể đến Le Quadrille (Vũ điệu đấu bò) để rồi sau này chính là tiền thân của vũ điệu French Cancan nổi tiếng, do các nghệ sĩ như La Goulue, hay Valentin le Désossé đảm nhiệm.
Có thể nói sự kết hợp giữa nhạc và múa của French Cancan mang tính đột phá nhất trong lịch sử của nhà hát Le Moulin Rouge. Thành công nối tiếp thành công, khán giả mọi nơi không những chỉ hài lòng và thỏa mãn về những đêm diễn của French Cancan, mà còn cảm thấy như niềm vui và niềm hạnh phúc của cá nhân họ cũng được nhân lên vô tận.
Quay trở lại với vũ điệu French Cancan thì nó được mô phỏng dựa trên vở tạp kỹ Le Quadrille – Vũ điệu đấu bò, do Charles Morton, một trong những bậc thầy về nhạc tạp kỹ – Music Hall nghĩ ra tại London vào năm 1861.
Đã hơn một thế kỷ trôi qua, âm nhạc và những điệu nhẩy của French Cancan vẫn gần như không hề thay đổi, vẫn tiết mục ấy, luôn được trình diễn hàng đêm tại nhà hát Le Moulin Rouge.
Thuật ngữ Cancan nhằm để miêu tả những tiếng động của gót giầy nhẩy mà các vũ nữ đập xuống sàn diễn, cốt để tạo thành một âm thanh bổ xung trên nền nhạc vui nhộn hào hứng, đồng thời kết hợp với những cử chỉ vén váy hơi lộ liễu và táo bạo hướng về phía khán giả, quay cuồng theo điệu nhạc.
Trong khi công chúng Anh Quốc, nơi mà từ đó, Charles Morton đã sáng tác ra điệu nhẩy này, có vẻ tỏ ra hơi “shock” về tính sỗ sàng, bỗ bã và một chút gì đó hơi mất lịch sự thiếu nhã nhặn của điệu nhẩy này, thì tại Paris khán giả của French Cancan không ngừng gia tăng
Nền nhạc vui nhộn của French Cancan sẽ khép lại chuyên mục tuần này, một ngày nào đó nếu các bạn có dịp đặt chân đến thủ đô Paris, thì đừng ngần ngại xếp hàng vào xem chương trình biểu diễn của Le Moulin Rouge, để tận hưởng những giây phút thỏai mái nhất mà French Cancan đem lại cho quý vị.
Đức Bình
Theo: RFI
Theo: RFI