Saturday, August 12, 2017

BONNIE VÀ CLYDE, CUỘC ĐỜI VÀ TỘI ÁC

Hôm nay nghỉ ở nhà xem vài clip của "Nhóm Cơm Hến" thấy cũng hay lắm đấy. Với 2 cái clip này anh chàng cơm hến kể về câu chuyện "Bonnie & Clyde", 2 tay tội phạm Mỹ và trở thành anh hùng. Tôi chưa nghe qua nên thấy lạ nhất là trong cuộc sống có những trào lưu ngược ngạo mà những kẻ tội phạm lại được những người "không bình thường" cho là "anh hùng" theo cái kiều "không thành công thì thành nhân".


Tôi không đánh giá mà tôi chỉ muốn cho các bạn nào chưa biết biết đến một câu chuyện đã xảy ra ở Mỹ và ngay cả ở nhiều nơi khác trên "cái thế giới ta bà" này. Bạn nào không thích đọc thì xem cái clip tôi post phía dước, các bạn sẽ nghe anh cơm hến kể lại rất dễ nghe và vui nữa. Video clip sẽ có 2 phần nhưng nếu các bạn chịu xem thì thật tình không phí thời gian tí nào. Xem xong với tôi, tôi sẽ không có gì phê bình nữa nhưng có chút cảm động. Có lẽ đúng sai sẽ ở cái suy nghĩ riêng tư của mỗi người, ở mỗi một trình độ và hoàn cảnh nhưng cuối cùng theo tôi "Pháp luật vẫn là pháp luật" nếu muốn có một đất nước an toàn và bảo vệ mọi người dân trong một quốc gia dân chủ mà sự tự do phải trong khuôn khổ của luật pháp.

Note: Trong link đọc thêm có bài thơ tình của Bonnie và Clyde cũng hay lắm. (LKH)

HUYỀN THOẠI BONNIE & CLYDE

Mấy người bạn đi chơi “phố dancing” (đường số 6) ở Austin thấy có quán bar mang tên Bonnie & Clyde, hỏi tôi có phải đó là tên của đôi giang hồ huyền sử trong bộ phim Bonnie & Clyde và bài hát cùng tên hay không? Đúng là vậy, bởi đôi này từng là những nhân vật sống ngoài vòng pháp luật, khét tiếng đối với cảnh sát nhưng lại được xem là những người hùng của dân nghèo, giống như huyền thoại Billy The Kid hoặc tướng cướp Bạch Hải Đường của Sài Gòn thời trước.


Huyền thoại Clyde & Bonnie được dựng thành phim

Hồ sơ của FBI công bố, Bonnie Parker và Clyde Barrow là những tên tội phạm khét tiếng bị phát lệnh truy nã toàn quốc. Hàng loạt những vụ án cướp ngân hàng chấn động xã hội, dân chúng hoang mang. Không những vậy, tháng 1/1934, Bonnie và Clyde đã tấn công một nhà tù giải thoát các tù nhân hình sự, bắn chết hai viên cảnh sát cưỡi mô tô khi họ đang sáp đến gần chiếc V8 tình nghi. Sau khi bọn cướp thoát chạy, cảnh sát nhận được nguồn tin từ “kẻ phản bội”, rằng Bonnie và Clyde đang ẩn náu tại thị trấn Arcadie gần địa phận Louisiana. Cảnh sát Texas và cảnh sát các tiểu bang lân cận lập tức phối hợp lên phương án đón lõng ngay lập tức cho dù bắt sống hay bắn chết.


Chiếc Ford của Clyde Barrow và Bonnie Parker lỗ chỗ vết đạn được phát mại giá 200,000 USD năm 1973 – nguồn Terribles Car

Và ngày đó đã đến (23/5/1934). Bonnie và Clyde cùng thuộc hạ dự tính thực hiện một phi vụ lớn. Clyde trầm lặng lái chiếc Ford V8, Bonnie ngồi bên cạnh, mặc chiếc đầm màu đỏ, miệng nở nụ cười, vỗ vai trấn an Clyde đang căng mắt luôn nhìn kính chiếu hậu. Clyde linh cảm có điều gì xấu sắp xảy ra, nhưng anh tự trấn an mình bằng điếu xì gà bên khóe miệng. Mọi diễn tiến đúng theo kế hoạch, cặp đôi đã nhìn thấy Moss một thuộc hạ của mình xuất phát từ một hướng khác để chuẩn bị đổi xe nhằm đánh lạc hướng những tai mắt có thể đang theo dõi từ phía sau. Bỗng Moss dừng lại gần một mô đất bên đường, giả vờ xe bị hỏng, hắn bước ra khom mình mở nắp máy. Kẻ phản bội ra ám hiệu cho cảnh sát nấp từ phía sau mô đất chuẩn bị hành động.


Clyde và Bonnie lúc sinh thời – nguồn FBI File

Cuộc vây ráp được điều nghiên kỹ lưỡng, đặt dưới sự chỉ huy của Jordan, cảnh sát trưởng Arcadie và đại úy Frank Hamer, một tay thiện xạ nổi danh bách phát bách trúng. Trong khi đó, từ đầu dốc, Clyde cũng dừng xe lên tiếng gọi Moss xem chuyện gì đã xảy ra. Trong tình huống ấy, họ rất dễ dàng bị bắt sống. Bất ngờ, một chiếc xe tải lớn phóng tới trong cơn lốc bụi mịt mù làm cảnh sát bối rối. Chỉ vài mét nữa chiếc xe tải sẽ là tấm bình phong ngăn cách họ với Bonnie và Clyde. Không chậm trễ, Jordan hét lớn ra lệnh tấn công. Clyde vớ lấy khẩu tiểu liên bên cạnh, Bonnie cũng lên cò khẩu súng lục trên tay. Nhưng mọi chuyện quá trễ, cảnh sát phía dưới mô đất tràn lên, đồng loạt vang lên những tiếng súng nổ không dứt. Bonnie và Clyde quằn quại, người ghim đầy đạn. Chiếc Ford đổ dốc rồi đâm sầm xuống cái hố bên đường. Trong trận phục kích giết chết Clyde và Bonnie, cảnh sát khám xét trong cốp xe có hàng chục biển số, 11 súng lục, 3 súng trường, một tiểu liên và 2,000 viên đạn.

Báo cáo trong hồ sơ FBI mô tả có phần giống như trong phim Bonnie & Clyde của Hollywood, trong đó Faye Dunnaway thủ vai Bonnie, và Warren Beatty vai Clyde. Phim lấy bối cảnh những năm 1931-1932 khi nền kinh tế Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử. Những kẻ không nhà sống lang thang và người thất nghiệp chiếm giữ các vỉa hè, dưới bóng các tòa nhà chọc trời. Cướp bóc nổi lên khắp nơi. Clyde là một trong số họ. Một chàng thanh niên lớn lên ở thành phố nhỏ, không có việc làm, nổi loạn kiếm tiền bằng những vụ ăn cắp xe hơi. Bị bắt giam, để khỏi phải lao động, Clyde dùng dao chặt đứt hai ngón chân của mình. Vài tháng sau, anh được trả tự do. Năm 1932, Clyde tròn 22 tuổi, một hôm khi lang thang trong khu phố ở Dallas, anh chợt có ý định “chôm” chiếc xe hơi đậu ngay trước tầm mắt. Và thế là anh cố loay hoay thực hiện mở khóa cửa chiếc Plymouth mới cáu cạnh. Bonnie ngồi trong quán rượu nhìn ra thấy hết mọi chuyện. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, gặp đúng dân cùng nghề, nhưng thấy tay nghề của tay thanh niên điển trai kia còn non kém lắm, Bonnie bước ra, đi đến gần chiếc xe, khẽ đằng hắng một tiếng. Clyde quay lại, đúng lúc Bonnie ném chiếc chìa khóa về phía anh ta. Clyde ngẩn người trước người phụ nữ cùng trạc tuổi, dáng dấp cao ngạo. Bonnie vừa phả khói thuốc vừa nói, “Còn chần chờ gì nữa, mở cửa nhanh lên và chúng ta lên đường.”


Bảo tàng trưng bày hình ảnh và hiện vật của đôi gangster nổi tiếng – nguồn AmericanRoad.com

Cuộc gặp gỡ bất ngờ của đôi nam nữ có cùng chung “lý tưởng”, sống bất cần đời, họ sóng vai tung hoành trên những nẻo đường Texas. Chàng và nàng chia sẻ những đêm trăn trở bên nhau, sau những phi vụ cỏn con chỉ đủ tiền tiêu cho những đêm ăn uống rượu chè và tiền trọ rày đây mai đó qua các motel cũ bẩn. Họ tình cờ nhớ đến Billy The Kid, tay giang hồ lừng danh mấy chục năm trước trong những phi vụ cướp tiền của người giàu đem phân phát cho đám dân nghèo ở miền trung tây. Clyde nói với Bonnie, “Phải làm điều gì đó cho ra trò, có nhiều tiền, và có thể giúp gì đó cho đám dân nghèo và những người lang thang không nhà không cửa.”

Thế là họ tổ chức các vụ cướp đánh vào dân nhà giàu, chống trả cảnh sát kịch liệt, lái chiếc Ford hiên ngang trong các trận thư hùng. Và mọi chuyện không dừng ở mức cướp các tiệm buôn nhỏ hay các hàng quán. Trong tay Clyde và Bonnie đã có một số thuộc hạ hoạt động dưới trướng. Làm điều gì lớn hơn gây tiếng vang đây, Clyde bàn với Bonnie một vụ cướp ngân hàng vào Tháng Tư năm 1932 sau khi họ sánh vai bên nhau được hai tháng. Clyde và Bonnie cùng vài đàn em thực hiện thành công vụ cướp First National Bank tại thành phố Lawrence, Kansas. Sau khi “ăn hàng” bọn họ rút về Kaufman, Texas, rồi thực hiện thêm một số vụ cướp táo bạo.


Chiếc áo sơ mi của Clyde Barrow được bán với giá 75,000 USD cho một sòng bài ở Las Vegas, để trưng bày cho công chúng xem – nguồn Casino.Lasvegas

Đây là sai lầm lớn nhất của cặp đôi, họ bỗng hứng chí chơi trò anh hùng một cách mù quáng. Clyde từng tuyên bố một câu nói của tướng cướp Dillinger ngày trước: “Các nhà bank ăn cắp của dân chúng, tôi ăn cướp các nhà bank.” Họ lấy tiền của cướp được phân phát cho dân nghèo. Thế nhưng nhiều thành phần dân chúng Texas không ủng hộ, thậm chí nhiều băng đảng khác cũng thù ghét băng của Clyde và Bonnie. Clyde và Bonnie cho thuộc hạ tấn công và giết những ai chống trả. Điều này khiến cảnh sát tăng cường tảo thanh truy lùng các băng đảng không riêng gì Clyde và Bonnie, khiến những băng cướp cạn “làm ăn” khó khăn.

Có lẽ tính cách giang hồ sóng đôi bên nhau của Clyde và Bonnie đã làm xuất hiện những câu chuyện thêu dệt mang tính lãng mạn. Chẳng hạn chuyện Bonnie, một cô gái bất cần đời, đầu đội mũ lệch, miệng luôn phì phà thuốc lá, lại là một nhà thơ, thậm chí còn từng viết một cuốn tiểu thuyết trên bước đường “hành hiệp”. Những sáng tác của cô được các báo, tạp chí thời ấy đăng tải. Có thể đúng như vậy cho nên đến nay, dù cái chết của Clyde & Bonnie đã hơn 80 năm, vẫn còn nhiều người ái mộ hành động trượng nghĩa của đôi kẻ-cướp-người-hùng này. Người ta không tìm ra những bút tích của Bonnie, và các báo thời đó cũng chẳng biết tác giả Bonnie là ai, vì chẳng dại gì Bonnie lấy tên thật của mình trên những sáng tác, “lạy ông tôi ở bụi này”, để cảnh sát mò ra tông tích của họ.


Bonnie Parker 
Huyền sử Bonnie & Clyde kết thúc từ xa xưa, nhưng nếu có dịp đến thị trấn Gibsland, Louisiana, các bạn sẽ bắt gặp một bảo tàng nhỏ mang tên đôi tướng cướp nổi tiếng một thời. Bên trong có trưng bày nhiều hình ảnh và vật dụng của đôi trai gái người hùng trong phim “Clyde & Bonnie”. Chiếc Ford V8 với những vết máu và thân xe lỗ chỗ khoảng 160 vết đạn không còn nữa. Nó đã được phát mại với giá 200,000 USD hồi năm 1973. Năm 1997, một sòng bạc ở Las Vegas đã mua lại chiếc sơ mi cuối cùng của Clyde với giá 75,000 USD để trưng bày trong cửa kính. Không xa bảo tàng là bia tưởng niệm Clyde Barrow và Bonnie Parker ngay tại vị trí cả hai bị bắn, điều này khiến nhiều người nghĩ rằng sau khi chết thì họ được chôn chung trong một nấm mồ tại đây. Nhưng bí mật của huyền sử là hai người được chôn ở hai nơi cách biệt.

Bia tưởng niệm Clyde & Bonnie tại thị trấn Gibsland, LA bbrasseaux.files.wordpress.com

NT
(Sưu tầm trên mạng)

Note: Bonnie và Clyde, thật sự yêu nhau và cùng chết nhưng sau khi chết không được ở bên nhau vì gia đình Bonnie không nhìn nhận Clyde là rể nên đem xác con về chôn nơi khác.



No comments: