Thursday, August 24, 2017

ẤN VÀNG ẤN NGỌC ĐÃ ĐI ĐÂU?

Dưới chế độ quân chủ, ấn kiếm thường là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua chúa. Ấn của vua vốn có nhiều loại, đúc bằng vàng, bằng ngọc, và gọi chung là bảo (bửu) tỷ.


Từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, họ Nguyễn đã cho đúc bảo ấn vàng với ý định hùng cứ một cõi giang san. Tuy nhiên, phải từ khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn, việc đúc ấn mới được chú trọng. Tổng cộng trong thời Nguyễn sơ (1802-1883), nhà Nguyễn đã đúc đến hơn 20 chiếc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc. Trong vài chục chiếc ấn này, loại đúc bằng vàng chiếm đa số; mỗi chiếc đều có công năng và ý nghĩa riêng, được bảo quản và giữ gìn vô cùng nghiêm cẩn.
TRIỀU NGUYỄN CÓ BAO NHIÊU ẤN NGỌC ẤN VÀNG?
Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, triều Nguyễn có những bảo tỷ sau:
Loại bằng vàng, gồm 14 chiếc:
1- Ấn Ngự tiền chi bảo: dùng để đóng vào các chỉ dụ bình thường.
2- Ấn Văn lý mật sát: dùng để đóng vào các chỉ dụ, sớ chương đã có tẩy xóa hoặc thêm vào hoặc những chỗ giáp nhau của hai tờ văn bản quan trọng.
3- Ấn Hoàng đế chi bảo.
4- Ấn Sắc mệnh chi bảo: dùng trong việc ban cấp sắc mệnh, sắc cáo cho các quan văn võ và chiếu văn phong tặng các thần, người.
5- Ấn Chế cáo chi bảo: dùng đóng các chiếu văn bản và ban cấp chiếu lệnh sai phái quan viên.
6- Ấn Mệnh đức chi bảo: dùng đóng các văn bản khen thưởng người có công trạng, có thành tích nổi bật, người trung lương.


7- Ấn Quốc gia tín bảo: dùng đóng các văn bản mời các tướng súy và trưng binh, phát binh.
8- Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo: dùng đóng các văn bản kính dùng thụy hiệu.
9- Ấn Sắc chính vạn dân chi bảo: dùng đóng các văn bản, dạy bảo quan dân, răn dạy 4 phương, khen thưởng người hiếu nghĩa, trinh tiết.
10- Ấn Thảo tội an dân chi bảo: dùng đóng các văn bản sai tướng ra quân đánh dẹp giặc cướp trong hoặc ngoài nước.
11- Ấn Khâm văn chi tỷ: dùng đóng các văn bản chọn người tài, làm sách vở, lập nhà học, mở khoa thi, mời kẻ sĩ, cầu nói thẳng... (nói chung là các việc về văn).
12- Ấn Duệ võ chi tỷ: dùng đóng các văn bản về việc võ bị như huấn luyện quân đội, kiểm tra tướng sĩ, mở khoa thi võ, chấn chỉnh việc quân.
13- Ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo: dùng vào việc ban chính sóc.
14- Ấn Tề gia chi bảo: dùng đóng các dụ chỉ dạy bảo thưởng phạt ở nội bộ hoàng gia.


Tất cả các ấn vàng này đều làm núm hình rồng.
Bảo tỷ bằng ngọc thì có 6 chiếc:
1- Ấn Vạn thọ vô cương (làm bằng ngọc xanh), dùng cho việc khánh tiết, vạn thọ, các điều khoản ban ơn.
2- Ấn Hoàng đế chi tỷ (làm bằng ngọc trắng): dùng cho việc trọng đại như đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, lễ mừng lớn...
3- Ấn Đại Nam hoàng đế chi tỷ (làm bằng ngọc biếc): dùng cho việc tổ chức điển lễ lớn như tuần thú, xem xét các địa phương, ban thư sắc cho nước ngoài.
4- Ấn Đại Nam Thiên tử chi tỷ (làm bằng ngọc biếc).
5- Ấn Thần hàn chi tỷ: dùng cho việc vua viết dụ chữ son.
6- Ấn Hành tại chi tỷ (làm bằng ngọc trắng): dùng vào việc vua đi tuần thú, xem xét các địa phương mà ban huấn dụ, sắc thư...


Trong 6 chiếc bảo tỷ bằng ngọc này có 4 chiếc núm hình hai con rồng cuốn, là các ấn Hoàng đế chi tỷ, Đại Nam hoàng đế chi tỷ, Đại Nam Thiên tử chi tỷ và Thần hàn chi tỷ.
Ngoài 20 chiếc bảo tỷ trên, triều Nguyễn có 4 chiếc Ấn đúc từ thời chúa Nguyễn. Đây là những chiếc ấn được xếp vào loại “tôn tàng bảo tỷ”, chỉ để cất giữ. Bốn chiếc ấn này gồm: ấn Truyền quốc kim bảo; ấn Truyền quốc ngọc tỷ (làm bằng ngọc trắng); ấn Tiểu lang kim bảo và ấn Tự lịch kim bảo.
Như vậy, triều Nguyễn có đến 24 chiếc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc được xếp vào loại Quốc bảo. Nếu căn cứ theo bản Dụ năm 1847 của vua Thiệu Trị, triều Minh có 24 bảo tỷ, triều Thanh có 25 bảo tỷ, thì số lượng bảo tỷ của triều Nguyễn cũng tương đương với các triều đại trên của Trung Hoa.


Ngoài 24 chiếc bảo tỷ trên, triều Nguyễn còn nhiều ấn triện quý khác cũng làm bằng vàng ngọc, như ấn Tự Đức thần hàn làm bằng vàng; các ấn Khâm minh văn tứ, Thể Thiên hành kiện, Tuân triết văn minh, Khuê bích lưu quang làm bằng ngọc trắng; các ấn Thiên điện tâm, Phong cương vạn cổ, ký thọ vĩnh xương làm bằng ngọc xanh và 6 chiếc ấn bằng ngọc tốt khác. Tuy nhiên các loại ấn triện này chỉ được xếp vào loại “đồ thư văn bảo” chứ không xếp vào loại bảo tỷ.
HOÀNG ĐẾ CHI BẢO VÀ SỰ LƯU LẠC KỲ LẠ
Trong 20 chiếc bảo tỷ đúc đầu thời Nguyễn, có 6 chiếc đúc thời Gia Long và 14 chiếc đúc dưới thời Minh Mạng. Và chiếc ấn quan trọng nhất, biểu tượng cho hoàng đế là ấn Hoàng đế chi bảo. Đây chính là chiếc ấn mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.
Ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng vào ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Đây là chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Theo ảnh tư liệu mà chúng tôi hiện có, ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía hai bên quai khắc nổi hai dòng chữ: Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4); Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân - nếu tính 27 lượng tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg).


Về việc đúc chiếc bảo ấn này, sách Đại Nam thực lục (tập VI, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH-1963, trang 146) có ghi khá rõ: “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế chi bảo (núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 180 lượng 9 đồng 2 phân” (Ở đây có lẽ do tổ phiên dịch của Viện Sử học đọc nhầm chữ “nhị bách” thành “ nhất bách” nên mới dịch nhầm thành 180 lượng 9 đồng 2 phân).
Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo chỉ dùng khi “gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”. Như vậy, kể từ khi đúc ra đến khi trao cho chính quyền Cách mạng, ấn Hoàng đế chi bảo đã có 122 tuổi. Nhiều người cho rằng, Bảo (bửu) dùng để chỉ ấn bằng vàng, Tỉ dùng để chỉ ấn bằng ngọc, nhưng theo cách ghi chép của Nội các triều Nguyễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (ví dụ tại phần Bộ Hộ, quyển 225) thì bảo tỉ là từ để chỉ chung ấn của hoàng đế. Theo Khang Hy Từ điển, mục bộ ngọc chữ Tỉ giải thích là “ấn của Thiên tử và Chư hầu” (Thiên tử Chư hầu ấn dã); ở mục chữ Bảo (Bửu) cũng giải thích là ấn của hoàng đế và chú thêm: “nhà Tần gọi ấn hoàng đế là Tỉ, nhà Đường đổi lại gọi là Bảo (bửu)”. Thiều Chửu trong Hán Việt Tự điển cũng có cách giải thích tương tự), ở phần chữ Ấn và có giải thích thêm như sau: “Phép nhà Thanh định, ấn của các quan thân vương trở lên gọi là bảo. Từ quận vương trở xuống gọi là ấn; của các quan nhỏ gọi là kiềm kí; của các quan khâm sai gọi là quan phòng; của người thường dùng gọi là đồ chương”.


Ở đây chúng tôi muốn nói thêm về sự lưu lạc kỳ lạ của chiếc ấn quan trọng đặc biệt này.
Chiều ngày 30/8/1945, trên nền đài lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn, trước mặt hơn 5 vạn nhân dân Thành phố Huế đang sục sôi trong khí thế cách mạng, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền Cách mạng. Chiếc ấn chính là đệ nhất bảo tỷ Hoàng Đế Chi bảo, và cùng với nó là chiếc kiếm báu truyền từ thời vua Gia Long. Thay mặt Chính phủ Cách mạng, ông Trần Huy Liệu đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước VNDCCH cho cựu hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau được đem ra Hà Nội để kịp có mặt trong lễ độc lập vào ngày 2/9/1945.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược thủ đô, cuối năm 1946, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội, trước khi rút lên Việt Bắc. (Về câu chuyện vì sao người Pháp tìm lại được bộ ấn kiếm này cũng như vị trí và thời điểm phát hiện ra chúng, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau). Nhưng trớ trêu thay, sau đó, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt, chúng lại phát hiện ra bộ ấn kiếm trên. Ngày 3/3/1952, thực dân Pháp đã tổ chức một lễ khá long trọng tại Hà Nội để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại - không phải trên cương vị “Đại Nam hoàng đế”, mà là “Quốc trưởng” của một chính phủ bù nhìn mới được vội vã nặn lên. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn còn lưu trữ được một tập ảnh chụp lại buổi lễ “trọng thể” này.


Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên, Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng châu Âu (Union des Banques Européennes). Nghe nói rằng, cũng vì bộ ấn kiếm này mà hai cha con Bảo Đại - Bảo Long đã kiện cáo nhau rất lôi thôi để giành quyền sở hữu. Kết quả là tòa án đã xử cho cựu hoàng Bảo Đại được giữ chiếc ấn, còn con trai ông được giữ chiếc kiếm. Cũng nghe nói rằng, gần đây, vì túng tiền nên vị hoàng tử lỡ thời Bảo Long đã bán mất cây kiếm trên (!). Còn chiếc ấn, sau khi Bảo Đại qua đời nó đã lọt vào tay bà đầm Monique Baudot - bà vợ Tây mà ông mới cưới năm 1982. Lịch sử quả là trớ trêu!
Bộ ấn kiếm cuối cùng và cũng có thể xem là bộ ấn kiếm quý giá nhất của triều Nguyễn lẽ đúng ra phải thuộc về quyền sở hữu của nhân dân Việt Nam nhưng bây giờ lại đang lưu lạc ở trời Tây xa xăm. Và không chỉ có bộ ấn kiếm trên mà còn vô số những bảo vật của người Việt Nam hiện nay vẫn đang được trưng bày công khai tại các Bảo tàng quốc gia và tư nhân tại Pháp, Nhật, Mỹ...
NGUYỄN THỪA KẾ