Đó là một từ khá quen thuộc ở Việt Nam. Nhậu ở đám coi mắt, đám hỏi, đám cưới, đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, tân gia, khai trương, tất niên, tân niên, trúng số, chung độ bóng đá, rửa xe, trúng tuyển, tốt nghiệp, bạn bè lâu ngày gặp lại… Đến những chuyện buồn như đám ma cũng nhậu, thi rớt: nhậu, bị “bồ đá”: nhậu, người yêu đi lấy chồng: nhậu…
Có cảm giác như ở xứ mình bất cứ nguyên cớ gì người ta cũng có thể nhậu được. Đó là lý do giải thích vì sao Việt Nam đứng vào hàng top ở châu Á và thế giới về tiêu thụ bia. Rượu thì nước ta cũng thuộc vào loại “có máu mặt”. Một nhà sản xuất rượu mạnh nổi tiếng thế giới ở Scotland từng công bố Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về lượng tiêu thụ một dòng sản phẩm của họ. Khiếp!
Nói đến lợi và hại của chuyện nhậu, đa số thiên về sự hại. Tại sao? Vì hậu quả diễn ra ngay trước mắt: nhiều tài xế gây tai nạn hàng loạt thời gian qua chỉ vì đã “chén tạc, chén thù” trước khi leo lên cầm tay lái; Người chồng say xỉn về nhà kiếm chuyện đánh vợ, đập con; Nghịch tử xỉn say về “quậy tưng” cha mẹ xong rồi tiếp tục phá làng phá xóm…
Trong giáo luật của một số đạo cấm tín đồ nhậu vì bia rượu là hiện thân của quỷ dữ, nó xui khiến con người dễ hành động dẫn đến tội ác. Tương tự, chẳng liên quan gì đến tôn giáo nhưng các nước trên thế giới đều cấm người lái xe uống bia rượu khi lưu thông trên đường, vì rất dễ xảy ra tai nạn, gây ra tội ác.
Ở Việt Nam, không phải ai nhậu xong cũng đều gây ra tội ác, vì hai lý do: Một là, uống có chừng mực, biết dừng lại đúng lúc; Hai là, họ biết kiềm chế bản thân do nhận thức được vấn đề, biết điều khiển hành vi không vượt quá giới hạn của phạm trù đạo đức. Thế nhưng sự đời không phải ai cũng thích “nhậu tao nhã”, có nhiều người chỉ muốn nhậu “tới bến” theo kiểu… “tao mày”. Kết cục của chuyện nhậu theo kiểu “tao mày” thường bi đát, khó lường. Nhẹ thì choáng váng, ói mửa, qua hôm sau bơ phờ rũ rượi; Nặng hơn thì như số phận của anh chàng N.T.G, 21 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Anh này cùng với 3 người bạn cùng quê tuổi từ 21-23 rủ nhau nhậu vào tối 13.5. Ngồi nhậu được lúc, N.T.G không uống rượu được nữa đành cáo lui, bỏ sang tiệm cà phê uống nước. Xét về mặt lý trí, đó là một quyết định đúng đắn, kịp thời. Nhưng trong thực tế đôi khi không như người ta nghĩ. Sau nhiều lần điện thoại nhưng N.T.G nhất quyết không quay lại nhậu tiếp, thế là 3 “chiến hữu” tìm đến đánh anh này tắt thở tại chỗ. Một cái chết lãng xẹt.
Người xưa có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, ý nói con trai mà không biết uống rượu như cờ không có gió. Trong bối cảnh các chuẩn mực đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay, câu nói trên và cả câu “rượu bất khả ép, ép bất khả từ” e rằng không còn phù hợp, vì sao thì chắc mọi người đã rõ.
Đoàn Xuân Hải
No comments:
Post a Comment