LY KỲ CÁC GIAI THOẠI VỀ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
50 năm sau vẫn không có đối thủ
Sinh thời, Trạng Trình nổi tiếng là người thông hiểu thuật lý số. Tiếng tăm của ông không chỉ nổi ở trong nước mà còn vang đến cả Trung Hoa là đất nước phát tích của môn này. Giới học giả Trung Hoa cũng ngưỡng mộ xưng tụng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Trình Tuyền tức là hiệu của Trạng Trình vì triều Mạc phong cho ông tước Trình Tuyền hầu.
Bởi tiếng tăm vang dội ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm nên sau khi ông mất đi rồi, có thầy địa lý nổi tiếng ở Trung Quốc đã không quản đường xá, lặn lội sang tận nơi thăm viếng mộ. Ông thầy địa lý đến nơi thấy rõ ràng ngôi mộ đặt đúng vào huyệt đất tốt nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược. Cho là Trạng Trình cũng chỉ có danh mà không có thực, ông thầy Tàu mới tự đắc bảo: “Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh-nhân cái gì đâu, hay là thánh-nhân mắt mù đó”.
Con cháu cụ Trạng nghe thấy vậy liền về báo với trưởng tộc. Ông trưởng tộc vội vàng ra mời thầy về rồi khẩn khoản nhờ thày đặt lại mộ cho. Thầy địa lý đồng ý và bảo: “Không cần phải đem đâu xa cả, chỉ cần đào lên rồi xoay lại và nhích lên một chút là được”.
Con cháu cụ Trạng theo lời đào mộ lên để xoay lại. Đến gần quan tài thì thấy có tấm bia. Tò mò, thầy địa lý mới bảo rửa sạch đi để xem bia có viết gì. Khi đã rửa sạch sẽ, thấy tấm bia có khắc một bài thơ:
"Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu
Ngũ thập niên hậu mạch quy túc
Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri?
Hà vị thánh-nhân vô nhỉ mục?".
Nghĩa là:
"Ngày nay mạch lộn xuống chân
Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu.
Biết gì những kẻ sinh sau?
Thánh-nhân mắt có mù đâu bao giờ?"
Đọc thấy tấm bia, thày địa lý mới ngã ngửa. Thì ra cụ Trạng đã tiên liệu mọi việc, thậm chí còn biết mình sẽ nói câu “Thánh nhân mắt mù”. Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ, trước khi chết, cụ Trạng đã dặn con cháu kỹ càng mọi việc rằng không được cải táng và phải trông coi kỹ càng, nếu có ai đến thăm mộ mà nói: “Thánh nhân mắt mù” thì phải mời họ về nhà rồi nhờ họ để lại hướng của ngôi mộ, nếu không con cháu đời sau sẽ lụn bại.
Cụ còn dặn dò kỹ là khi chôn cụ phải để một tấm bia lên nắp quan tài trước khi lấp đất. Khi ấy tấm bia được cụ sơn cẩn thận bên ngoài nên không ai biết tấm bia có cái gì. Đến đây mọi sự vỡ lẽ, thày địa lý Trung Quốc thầm kinh hãi mà tự nhận vẫn chỉ đáng là học trò của cụ. (Theo sách Trạng Trình - Sấm và Ký)
Cứu quan tổng đốc
Cũng với mô típ giống giai thoại trên, dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác về việc cụ Trạng cứu quan Tổng đốc Hải Dương. Truyện rằng: “Lúc sắp mất, Trạng có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Tống Đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở xem, trừ quan Tổng đốc.
Cái ống tre ấy truyền đến người cháu 7 đời cụ, mới rước lên Dinh quan Tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả. Khi quan mở ống, thấy một cuộn giấy, ngài rút ra xem thấy có hai câu chữ nho:
"Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách,
Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần".
Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần".
Nghĩa là :"Ta cứu mày khỏi sà nhà đổ,Mày cứu ta cháu bảy đời nghèo".
Đang lúc bận việc, quan Tổng Đốc thấy hai câu nói xấc xược gọi quan bằng mày ấy, ngài cả giận sẵn cầm chiếc quạt, ngài đứng dậy chạy lại định đánh người cháu Cụ. Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc xà nhà đã từ ngay trên đỉnh đầu đổ rớt xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời, ngài mới bước ra, nên không sao.
Quan Tổng Đốc lúc đó mới giật mình, hiểu rõ Cụ Trạng đã cứu cho mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Quan phải ân cần xin lỗi người cháu Cụ, mời về tư thất thế đãi cơm rượu, rồi đưa một số tiền ra giúp, để cứu vãn cho gia đình con cháu Cụ khi đó đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.
Tự kiểm chứng khả năng phán đoán
Sấm Trạng Trình thì nhiều người biết nhưng ít người biết rằng lúc sinh thời, cụ Trạng đã từng tự kiểm chứng khả năng tiên tri của mình khi tự lấy số tử vi cho cái quạt rồi cẩn thận theo dõi kết quả để xem mình đoán đúng hay trật.
Một hôm trời mùa hạ, bà Trạng đi chợ mua về cho cụ một cây quạt giấy. Cụ tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá số tử vi. Cụ đoán ra cái ngày chết của nó. Tất cả những việc làm ấy, cụ đều bí mật không cho một ai hay. Cụ phân vân nghĩ: “Nếu để dùng, lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc đi, cái đó là sự bình thường. Nếu đúng như số thật, thì quả nó như vậy, mọi việc đều do nơi tiền định, không ai có thể ngăn cản được, thì ta hãy cất đi xem nó ra thế nào. Đúng đến ngày ấy, nó có chết thật không?”
Nghĩ vậy, cụ niêm phong cây quạt và treo ngay trên chỗ đầu giường. Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên. Bữa đó từ sáng đến chiều, cụ ở nhà cả ngày để xem cây quạt chết ra sao. Thỉnh thoảng cụ lại ngắm nghía, và lấy phất trần phủi những hạt bụi bám xung quanh.
Trưa hôm ấy, người cháu gọi bà Trạng bằng cô, có việc cần, đến mấy lượt thỉnh cụ lại chơi, cụ cũng từ chối không đi. Anh ta nghĩ cho cụ giận mình về việc chi mà không nói, đến than thở, nói với bà Trạng, để nhờ bà đốc cụ đi dùm cho, không có, công việc anh không thành.
Bà Trạng từ sáng đã ngứa mắt thấy cụ cứ chốc chốc lại phủi bụi cho cây quạt. Bà lên đốc cụ đi sang cho nhà cháu. Cụ không đi. Bực mình, bà Trạng liền la lối ỏm tỏi: “Ông ở nhà làm gì, con cháu nó mời mấy lần, mà ông không chịu sang. Tôi mua quạt về dùng, đâu phải để ông cất đi, làm đày tớ mà phủi bụi cho nó”
Vừa la lối bà Trạng vưa nhẩy lên với lấy cây quạt xé tan nát thành từng mảnh. Thấy vậy, cụ Trạng cả cười nói: “Đúng thật, ta tưởng nó chết thế nào, thì ra như vậy đó”.Bà Trạng cũng không biết ý cụ nói thế là làm sao. Lúc đó cụ mới chỉnh tề khăn áo đi sang nhà người cháu, và kể lại đầu đuôi câu chuyện với mọi người. Ai nấy cũng đều phục cụ là tiên tri.
Theo: Kiến Thức