Tuesday, August 8, 2017

TIỂU THANH TRUYỆN

"Người đẹp vẫn thường hay chết yểu,
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai"

Nhớ bài "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du, ông cũng cảm thấy buồn mà than:

"Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"

Bây giờ có lẽ ông đã ngậm cười nơi chín suối, vì người dân VN đã tôn vinh ông là đai thi hào và "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn" mặc dù không biết ai có khóc cho ông không?...Tối nay ngồi đọc "Tiểu Thanh truyện", tôi chỉ thấy tội nghiệp, xót thương cho cuộc đời người con gái chết trẻ. Có lẽ ngày xưa tình yêu đơn giản nhưng bền chặt của sự chung thủy. chịu đựng bởi những khắc khe và gò bó trong xã hội dưới thời phong kiến đó. Nếu ai chưa biết qua thì xin cùng đọc. (LKH)

TIỂU THANH TRUYỆN - 小青傳 (Khuyết danh)
Tiểu Thanh là vợ lẽ của Phùng sinh ở Hổ Lâm, quê ở Quảng Lăng. Vì cùng họ với chồng nên tránh nhắc tới họ, chỉ gọi tên chữ là Tiểu Thanh. Nàng bẩm sinh thông minh khác thường. Lúc mười tuổi, được một ni già truyền dạy Tâm kinh cho; chỉ đọc một vài lần đã hiểu rõ mọi điều, đọc thuộc cũng không sót một chữ. Ni già bảo: "Cô bé này trí tuệ phát triển sớm nhưng phúc mỏng, xin cho nhận làm đệ tử. Nếu không được thế, xin đừng cho nó biết chữ, may ra có thể sống được đến ba mươi tuổi". Người nhà cho là nói xằng và chế giễu ni già.


Mẹ Tiểu Thanh là một cô giáo tư thục nên nàng được theo học tập. Những người thường giao du đều là con nhà giàu sang nên nàng học được nhiều tài nghệ, tinh thông âm nhạc. Giang Đô là đất sinh ra nhiều gái đẹp, từng có thời các cô gái tinh anh và tài hoa tụ tập thưởng trà, đánh cờ, nhộn nhịp họp thành nhóm đông hoặc từng đôi một. Tiểu Thanh tuỳ cơ ứng biến, đối đáp trôi chảy, lúc nào cũng vượt ngoài dự liệu của mọi người nên ai cũng chỉ sợ không gặp được nàng. Dù thông thuộc phép tắc lễ nghi, nhưng vốn là người đã có phong tư hình dáng đẹp tuyệt vời, nàng vẫn thích trang điểm cho thật kiều diễm, tính trời cho thế mà!
Năm 16 tuổi, về làm thiếp của Phùng sinh. Chàng là một công tử hào phóng, ba hoa, ngây ngô, xốc nổi, kém phong độ. Vợ cả lại là người hay ghen hiếm thấy. Nàng luôn cố hạ mình song vẫn không giải nổi lòng hờn ghen.
Một hôm, theo vợ cả đi chơi núi Thiên Lam, bà ta hỏi nàng: "Ta nghe nói Tây Phương có nhiều Phật, sao người đời chỉ chuyên lễ bái Quan Thế Âm Bồ Tát?". Tiểu Thanh đáp: "Vì Bồ Tát từ bi". Bà ta biết là châm chọc mình, cười nói: "Ta cũng sẽ đối xử từ bi với nàng!". Bèn bảo Tiểu Thanh dời đến một biệt thự trên núi Cô Sơn và răn đe: "Không có lệnh ta thì dù chàng có gửi thư tới cũng không được cho mang vào!". Nàng nghĩ: "Mụ ấy đem ta đến chỗ hoang vắng này, tất sẽ bí mật dò la chỗ sơ suất của ta để kiếm chuyện bịa tội mà hãm hại ta đây!". Bởi vậy nàng luôn cố giữ mình cho kín kẽ.
Có lần bà cả ra ngoài du ngoạn, gọi Tiểu Thanh cùng lên thuyền. Hễ thấy các chàng trai ăn chơi cắp cung phóng ngựa ở trên hai con đê, là các cô gái dưới thuyền nhìn đông, ngó tây, chỉ trỏ nhảy nhót cười đùa. Riêng Tiểu Thanh vẫn thản nhiên ngồi im. Có một phu nhân thân thích với bà cả, tài đức vẹn toàn, thường đến chỗ Tiểu Thanh học đánh cờ, hết sức thương yêu Tiểu Thanh. Phu nhân dùng mấy cốc lớn chuốc rượu bà cả, nhân khi liếc thấy bà ta đã say mèm bèn thong thả bảo Tiểu Thanh: "Thuyền có lầu, nàng theo ta lên đó một lát". Lên lầu, nhìn hồi lâu ra phía xa, phu nhân vỗ nhẹ vào lưng Tiểu Thanh rồi nói: "Tuổi xuân quý lắm, chớ làm khổ mình! Chương Đài Liễu cũng có lúc còn biết tựa lầu hồng mà nhìn chàng trai họ Hàn cưỡi ngựa đi qua dưới lầu, sao nàng cứ giống như một ni cô quỳ trên chiếc nệm cỏ bồ, coi mọi vật như hư vô vậy?". Tiểu Thanh đáp: "Mũi kiếm của Giả Bình Chương đáng sợ lắm!". Phu nhân cười nói: "Nàng nhầm rồi! Kiếm của Bình Chương cùn, "Bình Chương đàn bà" mới ghê gớm!". Một chốc, phu nhân lại từ tốn khuyên bo: "Nàng vừa thông thuộc phép tắc lễ nghi, có nhiều tài nghệ, phong thái hình dung xinh đẹp thế kia, sao để cho thân mình rơi vào xứ sở của La Sát? Ta tuy không phải là nữ hiệp sĩ, song cũng đủ sức cứu nàng khỏi lửa. Ta vừa nói đến chuyện Chương Đài Liễu, chẳng lẽ nàng không phải là người hiểu được lòng người khác sao? Chẳng lẽ thiên hạ lại thiếu những chàng trai họ Hàn sao? Vả lại, giả dụ bà ấy đối xử tử tế với nàng thì rốt cuộc nàng cũng chỉ làm con hầu suốt đời dâng rượu thịt cho lão tướng quân họ Đảng mà thôi!". Tiểu Thanh đáp: "Xin phu nhân đừng nói nữa! Lúc còn bé thiếp đã từng nằm mơ thấy mình tự tay bẻ một bông hoa, từng cánh của bông hoa đó theo gió tả tơi rơi xuống nước, số mệnh thiếp cũng chỉ như thế mà thôi! Ác nghiệp kiếp trước chưa hết, sao có thể nảy ra ý gì khác. Sổ nhân duyên chốn âm gian chẳng phi là "Ngọc Như ý" của thiếp, còn tạo ra một nỗi nhục nữa làm gì? Chỉ tổ khiến cho miệng chúng chế giễu mà thôi!". Phu nhân than thở: "Nàng nói cũng đúng, ta không ép nàng nữa. Song nàng vẫn phải bảo trọng. Nếu bà ta có nói năng ngọt ngào, cho nàng ăn uống tử tế, thì đó lại là điều càng đáng phi lo nghĩ. Sớm tối nàng có cần gì thì cứ nói với ta, chớ ngại". Đoạn hai người nhìn nhau, nước mắt đẫm áo. Lau nước mắt, hai người quay về chỗ cũ. Chốc lát, phu nhân cáo biệt. Cứ mỗi lần phu nhân kể chuyện Tiểu Thanh với bà con thân thích, không ai là không thở than đau xót.


Từ đó, đau thương uất ức, Tiểu Thanh thường viết một số bài thơ hoặc bài từ ngắn để kí thác tâm tình. Còn phu nhân thì theo chồng đi làm quan nơi xa. Ngày càng cảm thấy trống trải cô đơn, Tiểu Thanh đổ bệnh. Bà cả mời thầy thuốc đến chữa nhưng lại phái nô tì mang thuốc đến. Giả bộ cảm tạ, nô tì vừa đi khỏi, nàng liền hắt thuốc xuống đầu giường rồi cất tiếng than: "Dù chẳng thiết sống nữa, ta vẫn phải giữ cho thân trong sạch để về với Phật, làm gà chó của Lưu An, sao có thể bỏ mạng vì một chén thuốc độc được?". Bệnh Tiểu Thanh vẫn càng ngày càng nặng, không ăn uống được gì, mỗi ngày chỉ hớp được một chén nước lê. Nàng càng ra sức trang điểm, ăn mặc đẹp, thường quấn khăn ngồi nghiêng người trên giường. Có lần gọi ca kỹ tới vừa đàn tì bà vừa diễn xướng những ca khúc dân gian để tiêu khiển, mệt đến mức khi tỉnh khi mê, nàng vẫn không chịu sổ tóc nằm xuống.
Một hôm, bỗng nhiên Tiểu Thanh nói với u già: "Nhờ lão nói với anh chàng oan nghiệp mời đến cho ta một hoạ sĩ thật giỏi". Hoạ sĩ đến, nàng nhờ ông ta vẽ cho một bức tranh chân dung. Vẽ xong, Tiểu Thanh cầm gưng nhìn kỹ bóng mình rồi nói: "Đã giống hình dáng bên ngoài song chưa lột được thần. Hẵng tạm để đó đã". Lại vẽ một bức khác. Tiểu Thanh xem, nói: "Thần giống rồi song phong thái chưa sinh động. Thế là vì khi thấy thiếp, tay mắt ngài quá đoan trang rồi mọi thao tác trở nên cứng nhắc, câu nệ. Hẵng tạm để đó đã". Tiểu Thanh bảo hoạ sĩ cầm bút đứng cạnh, còn nàng thì cùng với u già chỉ chỉ trỏ trỏ, nhìn nhau nói cười, khi thì quạt lò pha trà, chọn lựa sách, khi thì pha các màu xanh đỏ... cho hoạ sĩ để khi gợi sự thể nghiệm và kích động trí tưởng tượng của ông ta. Hồi lâu mới bảo hoạ sĩ vẽ. Tranh vẽ xong, truyền được hết thần thái diễm lệ, mảnh mai của nàng. Tiểu Thanh cười nói: "Được rồi đấy!".
Hoạ sĩ ra về, nàng liền đem bức tranh đặt lên trước một chiếc giường hẹp, thắp hưng, bày lê, rót rượu rồi khấn rằng: "Tiểu Thanh ơi Tiểu Thanh! Chả lẽ duyên phận ngươi lại ở chốn này sao?". Đoạn phục xuống án mà khóc, lệ rơi tầm tã; khóc gào lên một thôi rồi tắt thở. Bấy giờ là năm Nhâm Tí đời Vạn Lịch, Tiểu Thanh mới 18 tuổi!
Thương thay! Người đẹp hơn ngọc song mệnh mỏng hơn mây, như nhuỵ hoa quỳnh, như đoá hoa đàm thoáng hiện một chốc trong cõi nhân gian. Muốn cầu cho nàng được sống lại như Đỗ Lệ Nương bên cạnh đình Mẫu Đơn nhưng nào có được!
Chiều tối, người chồng mới hốt hoảng chạy tới. Vén màn, thấy vẻ mặt nàng vẫn kiều diễm thanh tú siêu phàm, nàng vẫn rực rỡ vẻ đẹp đẽ như lúc còn chưa mắc bệnh, người chồng bỗng dẫm chân gào lên một tiếng dài rồi thổ ra hơn một thăng huyết. Lục tìm hồi lâu, thấy được một quyển thơ, một bức tranh chân dung để lại và một bức thư gửi cho phu nhân nào đó. Mở thư xem, lời lẽ trần tình cực kỳ ai oán, cuối thư có một bài thơ tuyệt cú. Người chồng lại gào lên đau đớn: "Ta đã phụ nàng! Ta đã phụ nàng!".


Hay tin, vợ cả nổi trận lôi đình, chạy đến đòi bức tranh. Người chồng giấu bức tranh thứ ba mà đưa bức thứ nhất để đánh tráo. Người vợ cả liền đem đốt đi. Bà ta lại hạch tập thơ, khi lấy được, cũng đem đốt nốt. Thế là từ nay khúc Quảng Lăng tán không bao giờ còn vang lên nữa! Đau xót thay! Ngọn lửa Sở rừng rực, sao không biết dùng mưu của Kỉ Tín để đánh lừa! Thế thì tội không phải ở vợ mà là ở chồng rồi!
Lại lục tìm bản thảo nhưng thất lạc hết. May mà lúc lâm chung, Tiểu Thanh có tặng mấy thứ trang sức cài đầu cho cô gái con u già, hai trang giấy dùng để lót dưới đồ trang sức chính là bản di cảo thơ của nàng. Có 9 bài tuyệt cú, một bài cổ thi, một bài từ, một bài tuyệt cú kèm theo thư gửi cho phu nhân nào đó, tổng cộng là 12 bài thơ và từ.
Bức thư gửi cho phu nhân nào đó viết rằng:
"Huyền Huyền cúi đầu, xin dốc cả bầu tâm huyết gửi tới dưới ghế phu nhân:
Từ lúc dự tiệc ở ngoài thành để tiễn phu nhân đi tới miền quan ải tới nay, thiếp và phu nhân xa cách nhau như kẻ trên trời, người dưới đất. Nơi cửa quan, lúc thời tiết đẹp, hẳn phu nhân cũng không đến nỗi cô đơn. Tình cảm thiếp luôn tha thiết hướng về phu nhân, ngước trông như luôn thấy đám mây từ bi trước mặt; được phu nhân chia nồng sẻ lạnh, thiếp thấy như đang nép dưới gối bố mẹ. Dù thân phân thành trăm mảnh cũng chưa đủ đền đáp.
Em và dì đều khoẻ cả chứ? Nhớ đêm nguyên tiêu năm nào ở lầu phía nam, xem đèn hoa, cười đùa, dì chỉ vào hình một cô gái đứng tựa lan can trên bức bình phong rồi nói: "Con yêu tinh xinh đẹp dễ thương kia đứng một mình trước gió nhìn ra phía xa, bàng hoàng như dang có tâm tư gì, có lẽ chính là Tiểu Thanh đó chăng?". Thiếp cười rồi cũng chỉ vào hình một người hầu gái và bảo: "Cô a hoàn kháu khỉnh đang cầm cây phất trần lén đứng cạnh chàng trai kia chả phải cũng giống cô em đấy chăng?". Hôm đó, mọi người tranh nhau giật giải trong các trò chơi, vui vẻ lu bù thâu đêm suốt sáng, ai ngờ gió thổi mây tan, mỗi người một phương như ngày nay!
Chiếc thuyền xưa đã đưa phu nhân vượt sông lên Bắc, chỉ còn một cành cây gãy ở lầu Nam! Tiếng gầm gừ như chó sủa, tiếng gào rống như thú kêu, một ngày phải nghe không biết đến bao lần! Dần dà rồi cũng có những lời nói nửa vời, úp mở đúng như phu nhân đã dự liệu và chỉ giáo. Kẻ hèn mọn trộm nghĩ không bao giờ có thể thế được. Làm gì có tấm lòng Bồ Tát ở bọn đồ tể, có chuyện chồn đói thương chuột cùng sào. Họ nói thế chỉ là muốn đem thiếp "đổi ngựa", không thì cũng đưa thiếp ra bán rượu ở quầy để làm nhục đó thôi! Bỏ ra đi thì thân thiếp sẽ như cánh hoa mỏng manh vật vờ trước gió, ở lại thì như chồi lan u sầu chìm đắm trong sương. "Nhân" là giống lan quý mà "quả" lại là cánh hoa mỏng manh, nghiệp báo này sao mà sâu nặng! Cắt tóc nương nhờ cửa Phật thì phải bỏ hết mọi thứ điểm trang, phải tẩy sạch mọi suy nghĩ trần tục, song với thiếp, chỉ cần một thoáng xúc động là những suy nghĩ tình tứ, những lời nói văn hoa sẽ ào tới ngay. E rằng Phật tính dù đã phôi thai song tình đời khó dứt. Đó quả cũng là điều không dễ thổ lộ!


Chưa nói chuyện mỗi độ thu buồn, tiếng địch từ xa vọng tới, nghe tiếng mưa rơi bên ngọn đèn cô quạnh, mưa tạnh địch ngừng, lại nghe tiếng thông reo nổi lên rền rĩ. Mặc áo lụa mỏng mà cảm thấy như làn da bị chèn ép, soi gương chẳng bao giờ thấy hình bóng khuôn mặt ráo khô, nước mắt sáng chiều đã dâng thành nước triều sớm tối. Mảnh thân gầy nay đã cơ hồ không thể chống chọi được nữa! Đờm sôi phổi cháy, nhìn thấy thức ăn là nôn oẹ. Tình ý rối bời, mừng giận khôn bề chế ngự. Mẹ già và các em ở cách phương trời, bặt vô âm tín. Than ôi! Đã không còn biết sống là lạc thú thì sao còn biết chết là đau thương? Đâu phải là không biết oán hận cuộc đời ngắn ngủi và muốn ở lại với đời thêm chút nữa? Song bẩm sinh đã quá thông minh, nhanh nhẹn, sắc sảo, bỉ sắc tư phong, xét về lí, làm sao có thể đôi bề trọn vẹn? Đã đành là thế và giờ hoá kiếp thành thần hồn của thiếp đã gần đến song thiếp cũng không nên lặng lẽ ra đi. Đâu phải cho đến giờ đời thiếp mới đắm chìm? Từ ngày kết tóc xe tơ, đã chỉ có đêm không ngày. Không khí thê lương ở chốn dạ đài cũng có gì khác đâu! Hà tất phi như Tử Ngọc biến thành khói, vợ Hàn Bằng biến thành bướm mới mới gọi là chết?
Sau này có quay xe về Nam và dừng lại nghỉ ở Dương Châu, nếu mẹ già của thiếp được phu nhân hạ cố đến thăm hỏi và uý lạo, thì cũng như chính thiếp nhận được ân huệ của phu nhân vậy.
Dì Tần thật tội nghiệp, dám mong phu nhân luôn thương yêu chăm sóc cho. Những tặng phẩm quý giá ngày xưa, thiếp rất muốn được chôn theo cùng thiếp: áo thêu, trâm hoa quý báu... những thứ mà phu nhân, vị phúc tinh của thiếp, cho thiếp, có thể giúp thiếp vượt qua kiếp luân hồi, rửa sạch ác nghiệp. Dì Sáu qua đời trước, đang đợi thiếp; xuống đó, thiếp không lo thiếu bạn!
Cuối thư, xin dâng phu nhân một bài tứ tuyệt. Đây là tiếng kêu lâm li của con chim bé nhỏ. Tập thơ và bức tranh chân dung của thiếp, thiếp nhờ má Trần cất giấu kỹ, khi có dịp sẽ gửi ngay đến phu nhân. Song tấm thân đã không thể bảo toàn thì làm gì những thứ vặt vãnh, lạnh lùng còn lại ấy?
Nếu có bao giờ phu nhân đi thuyền ven đê, lên núi Cô Sơn thưởng mai, hãy mở tung cửa lầu phía tây, hãy ngồi lên chiếc giường phủ bóng cây xanh của thiếp, phu nhân sẽ mường tượng thấy hình bóng của thiếp, nghe thấy tiếng nói của thiếp y như lúc bình sinh, sẽ thấy bức màn trống trải bay dập dờn lặng lẽ. Đây là thực chăng? hư chăng? Con người thiếp còn lởn vởn đâu đây chăng? Than ôi! Phu nhân ơi! Âm dương ngăn cách, từ nay vĩnh biệt. Cổ tay trắng muốt, nhan sắc đẹp như ngọc, thế mà nay sắp hoá thành bụi đất! Nghĩ đến đó, khóc than sao cho xiết!


Huyền Huyền xin cúi đầu, cúi đầu lạy tạ.
Bài tuyệt cú kèm theo ở cuối bức thư nói rằng:

Bách kết hồi trường tả lệ ngân,
Trùng lai duy hữu cựu chu môn.
Tịch dương nhất phiến đào hoa ảnh,
Tri thị đình đình sảnh nữ hồn?
Tạm dịch:

Thắt ruột viết dòng thả đẫm lệ,
Ai về chỉ thấy cửa son xưa!
Bóng nhỏ cành đào nương nắng xế,
Hay hồn ta đó đứng chơ vơ?
Có người nào đó bà con với Phùng sinh gom những bài thơ của Tiểu Thanh lại thành tập rồi đưa in, đặt tên sách là Phần dư.
Nguyễn Khắc Phi dịch
Tham khảo:
- Tạp chí Văn học nước ngoài số 5 năm 1997
- Thơ văn cổ Trung Hoa mảnh đất quen và lạ, Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo Dục (1999)

No comments: