Không biết cái thú đi uống cà phê du nhập vào nước ta từ hồi nào, tôi nghĩ chắc cũng không lâu, vì thế hệ của các bậc cha chú không thấy các cụ nói đến đi uống cà phê bao giờ, ít nhất là trong thời niên thiếu thanh niên của thế hệ chúng tôi, đặc biệt là trong các gia đình bắc kỳ chay. Nghe nói thói quen la cà cà phê cà pháo là do dân Pháp mang vào từ những ngày họ làm thực dân ở nước ta.
Nếu quả thế thì dân miền Nam chắc hẳn chịu ảnh hưởng trước dân miền Bắc. Khi tôi bắt đầu để ý đến thế giới của người lớn thì đã thấy các bác xích lô đạp xích lô máy, các bác đánh xe thổ mộ, dân buôn bán thức khuya dậy sớm, công tư chức, dân lao động các thứ trong Nam sáng sáng đã thấy tụ tập nơi các quán cà phê cóc để làm một ly trước khi bắt đầu một ngày mới. Họ làm một cái xay chừng( cà phê đen) , cà phê sữa, hay bạc xỉu( sữa chút xíu cà phê) có khi lại ăn kèm với vài cái dầu cháo quẩy hay cái bánh tiêu bánh bao, phì phèo điếu thuốc Bastos, Mélia, sang thì Ruby, Capstan, Pallmall, sang tí nữa thì Craven A hay 555 hộp thiếc. Dân lao động có cách uống rất lạ là đổ cà phê ra dĩa cho nguội bớt rồi bưng lên húp xụp xọap rất enjoy. Húp xong, họ trò chuyện trên trời dưới đất với nhau hay dở nhật trình ra đọc tin tức thời sự , những chuyện xe cán chó, chó cán xe, chuyện kép cải lương này cặp với đào hát kia.. Vụ này thì cũng giống y chang như mấy bà đi chợ bên này lúc tính tiền ở counter là tiện tay lấy mấy tờ báo lá cải như tờ Enquirer, People để xem hôm nay con Jenifer Lopez nó có bầu với ai, thằng Brad Pitt bỏ vợ rồi cặp với con nào vv…
Cà phê trên đường phố Sài Gòn xưa
Sau này tôi đọc trong cuốn The Journalist (ký giả chuyên nghiệp) thì nghe họ nói rằng báo chí sống nhờ chó cán xe chứ không phải xe cán chó, vì xe cán chó là chuyện thường, nhưng ‘chó cán xe’ mới là tin giật gân; người ta mua báo để xem chó cán xe chứ không phải để xem xe cán chó. Người ta mua báo để xem những chuyện tình ái lăng nhăng bất thường của Công chúa Dianna, chứ không phải để xem công chúa lấy thái tử đẻ ramột lũ con khôi ngô tuấn tú, học hành tử tế,cưới vợ đẹp cócon khôn rồi sống mãi không bao giờ chết!
Cách pha cà phê thường là pha theo kiểu bí tất hay gọi là pha vợt, hầm hì trên bếp lò cả ngày để cà phê lúc nào cũng nóng. Nhưng cà phê lọai này uống ngay khi mới pha xong còn đơ,õ chứ uống chậm chút nữa thì chua lè. Sau này, khi các quán cà phê nhạc bắt đầu thịnh hành thì có thêm cà phê phin, mà ông Túy có lần đề cập đến trong bài quán cà phê Thăng Long.
Cà phê trên đường phố Sài Gòn xưa
Ly cà phê đầu tiên trong đời của tôi xảy ra ở quán Thăng Long này: lần đó tôi thấy cái phin cà phê phải xoay xoay con ốc trong đó để điều chỉnh độ đậm lạt của cà phê là cả cái sự tân kỳ. Rồi cô Hương còn phải nhắc là đậy cái nắp phin lại, cho cà phê nó chín. Cái vụ cà phê cà pháo khởi đi từ dạo ấy mà cho đến bây giờ trở thành một nếp sống hồi nào không hay.
Nay đã tới tuổi tri thiên mệnh, nghiệm lại tôi thấy băng cà phê cà pháo chúng tôi có khối chuyện để nói chung quanh cái phin cà phê, ở một nơi nào đó gọi là quán cà phê: Có một cô nào đó gọi là cô hàng cà phê, có một cái việc gì đó gọi là đi cà phê. Từ những chuyện thi cử học hành đến những chuyện cua con này ve vãn con kia của cánh con trai chúng tôi tới những buổi ngồi đồng với các cô bạn gái nhìn ra phố mưa rơi rả rich, nghe những ca khúc da vàng phản chiến não nuột của Trịnh công Sơn, nghe tục ca của Phạm Duy, nghe Christophe với Main dans la main, Santana với Oye comova, Black magic women, Beatles với Yesterday, Hey Jude, Eric Clapton, Jimmy Hendrix, The top of the world với Carpenter và nhiều nhiều quá.
Không biết Nguyễn Kim Ðĩnh ở Bremen có còn nhớ cây hoa ngọc lan to lắm ở quán cà phê Ðỉnh Thiêng trong cư xá phủ tổng thống không: Những đêm rất khuya hương ngọc lan thoang thoảng quấn quýt với vị dịu mát của sương đêm tôi, Ðĩnh, Nguyễn xuân Quang. thỉnh thỏang có Nguyễn văn Lương- bây giờ ở Berlin- Ðức nghỉ phép về. Chúng tôi ngồi quây quần ở cái bàn dưới gốc cây nhe răng cười với nhau vì nhiều duyên cơ:ù Dạo đó tuổi thanh xuân tươi trẻ quá thành ra chúng tôi có nhiều chuyện vui và chuyện hay buồn nhất là không đủ tiền uống cà phê, thế thôi. Cô hàng cà phê quán này đẹp và có chiếc răng khểnh và thích cho chạy bản Roman dễ nghe do ban Paul Mauriat chơi, bản này solo 3 khúc, piano, guitar, và violon; đối với tôi, hay nhất vẫn là khúc chơi guitar. Cô hay đi lên đi xuống cái cầu thang đàng sau quầy tính tiền. Chắc là để đám khách ngòai kia enjoy những bước chân thục nữ lan đài uyển điệu trong tà áo dài mỏng như tơ trời của cô chăng. Còn tôi chỉ muốn gây sự chú ý của cô, lâu lâu lại chập một lúc ba que diêm lại rồi đánh xoè lên ngọn lửa sáng chói đầy mùi lưu hùynh, trong cái không gian mờ ảo của quán cà phê. Bây giờ nghĩ lại thấy thật trẻ con nhưng cũng thấy dễ thương làm sao.
Trồng cây si cô hàng cà phê ngòai bọn tôi ra có thêm nhiều người: Ðối với chúng tôi thì cũng có hơi gượng vì nàng hình như lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi (lớn tuổi hơn chứ chưa luống tuổi), nên chỉ ít lâu bọn tôi rút lui trong trật tự. Một trự nữa là lính của 1 liên đòan công binh tháo gỡ đạn dược, một vài tay pilot trực thăng vào quán hay đeo súng ống lủng lẳng quanh người, như niên trưởng Nguyễn văn Tịnh chẳng hạn. Không biết thực hư thế nào nhưng tay tháo gỡ đạn dược lần nào tới quán cũng đi chiếc xe Jeep có cái còi hụ sơn màu đỏ chót trông rất oai phong. Có một đêm, tôi ngồi một mình bàn bên này, còn bàn bên kia tay tháo gỡ đạn dược thay vì uống cà phê thì lại uống rượu với một đám các hảo hán, mới nhìn thấy cũng đủ mất vía vì tòan những tay mặt mũi trông rất sọc dưa, mặc đủ mọi thứ quân phục trên đời. Tay tháo gỡ đạn dược khụng khiệng đi tới bàn tôi với đôi mắt đỏ ngầu say rượu. Liếc qua bàn của họ, tôi thấy ngổn ngang vài chai brandy Napoléon lion d’or rồi. Ðứng cạnh bàn tôi, anh ta hất hàm hỏi:
– Ê.Mày làm gì?
Tôi rụt rè trả lời: – Dà, em chưa có làm gì.
– Thế mày còn đi học à?
– Dà, em học trường Luật
– À, giống thằng em tao
Nghe nói, tôi mừng hết lớn vì chắc không bị ăn cái chai lên đầu như tôi nghĩ, tay này bom mìn sắp nổ chả còn dám bò vào gỡ ngòi nổ thì cỡ mình sá gì mà chả không cho một chai lên đầu nếu thấy chướng mắt. Ðúng vậy, ông ấy bảo: – Mày qua nhậu với tụi tao không?
Tôi đâu dám từ chối, bèn bưng ly tách qua ngồi nhậu ké với các đại ca.
Sau này, ông ta bảo hôm đó tao thấy mái tóc dài của mày tao ngứa mắt quá ,định qua úynh mày chơi nhưng sao thấy mày lành quá nên thôi. Từ đó tôi quen thêm với một đám lính tráng, và vì tôi cũng có những bạn học cũng đang ở trong lính như Nguyễn văn Lương, Mai đình Ngọ nhảy dù, Cao thành Cách, Bùi huy Tâm không quân v.v.. Nên biết thêm về tâm trạng sống nay chết mai của họ giống như cha anh, tôi nên càng cảm thấy thương họ hơn. Trai thời lọan thế đấy.
Ðường Nguyễn Du có lá me bay từng là một nơi quen thuộc của chúng tôi đàn đúm. Dạo đó tôi học trường Luật, khi có giờ trống hay khi gặp những giờ lecture cổ luật ngán ngẩm của ông Vũ văn Mẫu, chúng tôi thường bỏ học ra Nguyễn Du, con đường có hàng hàng lớp lớp các quán cà phê san sát bên nhau ( nói theo kiểu Mỹ là- A huge selection for café goers-), với những cặp loa công suất mạnh đặt hướng ra đường tranh nhau đập inh ỏi. Dân uống ở đây phần lớn là sinh viên của đủ thứ trường nhưng có lẽ đông nhất là từ Văn khoa và Luật khoa: Các cậu các mợ đều khệnh khạng, ra dáng trí thức trẻ người ( và non dạthực!). Chúng tôi hay chở nhau trên những chiếc Honda và giống như Francois Sagan hay mô tả trong các cuốn chuyện của bà là:- Ði hết quán nọ đến quán kia nhìn xem có ai quen trong đó không. Sao mà thanh niên Pháp thời sau World War 2 giống chúng tôi quá, cái đám thanh niên mà một số nhà đạo đức( thật cũng như giả) thốt ra rằng“ bọn thanh niên thối nát,trụy lạc và buồn tẻ”.
Thế cái bọn thanh niên thối nát và buồn tẻ ấy, chúng nó làm cái gì ở trong quán cà phê? Thật ra thì ‘cũng chẳng có gì mà ầm ĩ’ cả. Mỹ họ nói, có gì là big deal đâu. Ngọai trừ một số nhỏ vào quán cà phê để chơi heroin, nghe nhạc rồi phê cho nó đã đời ( hay quên đời), còn phần đông chỉ để gặp bạn bè tán gẫu, rồi nếu không đi học thì chở nhau đi loanh quanh, ciné xi cảo vớ vẩn thế thôi. Ngày ấy, trong bọn chúng tôi Nguyễn văn Lương là thời thượng nhất : Chàng là người đầu tiên biết đeo kính râm, lúc không muốn ‘râm’ nên chàng lại gác cái kính lên đầu thao diễn nghỉ, nom rất tân kỳ. Vào quán, chàng hay dở tạp chí Hồng khổ tabloid của cánh Nam Lộc- Trường Kỳ gì đó chủ biên ra xem. Trường Kỳ thì chắc niên trưởng rành hơn tôi vì ổng được phong là vua hippy mà. Trong tạp chí này tôi đọc được những chuyện ngắn rất trưởng giả, như chuyện có chàng và nàng kia đi nghỉ hè ở Ðà lạt, họ đi dạo quanh hồ Xuân Hương vừa đi vừa thò tay vào túi áo măng tô lấy hạt dẻ ra ăn( chứ không chịu ăn đậu phụng rang như chúng tôi), rồi họ xuôi về Nha Trang nô đùa với sóng nước, lại còn chạy canô ra ngòai đảo xa xa nữa, xong, về hotel nghỉ ngơi. Họ xài chung một cái bàn chải đánh răng nữa ,rất là trữ tình.. Cá nhân tôi từ nhỏ được dạy dỗ trong vệ sinh thường thức là mỗi người một bàn chải đánh răng, không được xài chung. Thế mà đọc đến đây, sao tôi thấy họ yêu nhau thật là đỉnh cao cách mạng, dễ thương quá! Về sau tôi mới biết, những tay viết cho tạp chí Hồng có nhiều người học trường Tây trường Ðầm như Taberd, Marie Curie, Régina Pacis, Régina Mundy vv.. Thành ra câu chuyện của họ viết,nghe trưởng giả là ‘chính kiểu’ rồi.
Lương hay rủ tôi đi thâu nhạc ở tiệm Thúy Nga, tiệm Phạm mạnh Cương bên Phú Nhuận và lúc nào cũng kè kè mấy cuốn băng Magnétophone to đùng như cái bánh đúc. Bạn tôi ngọai ô thanh lịch quá nhưng tôi hơi coi thường vì lúc đó tôi biết chơi dĩa nhựa rồi . Còn ông Ðĩnh đeo kính cận khi vào quán khi nhìn dáo dác kiếm bạn luôn lấy tay đẩy đẩy kính cận lên cho nó yên vị ngay chánh giữa trên cái sống mũi hơi gồ lên 1 chút, trông trí thức ghê đi. Ðĩnh dạo đó có mộng làm bác sĩ nên học chứng chỉ dự bị Sinh lý Sinh hóa ở Thủ đức. Chàng này sính tiếng Tây nên thay vì nói là học đại học khoa học như lệ thường thì chàng hay gọi là Faculté de Sciences, nghe rất gồ ghề nên tôi cũng hay bắt chước gọi trường tôi là ‘Faculté de la Droit’ cho nó oai; nhưng sao phát âm chữ droit khó quá nên lại thôi, trở về với chữ luật cho nó đỡ phiền cái lưỡi. Ðĩnh thì không có nhiều đồ chơi khi đi café, chàng còn mải nghĩ đến mấy cục ô mai mà các mợ ái mộ học cùng lớp hay bỏ dưới ngăn bàn cho chàng. Ông Ðĩnh này hồi thanh niên rất đào hoa: Nghe chàng tuyên bố tao hay có ô mai ăn chùa, bọn tôi ngờ rằng bạn ta chỉ nói xạo cho oai. Một ngày kia, tụi tôi rủ nhau kéo xuống tận chỗ chàng học ở Thủ đức điều tra xem sao. Ðến lúc chàng xăm xăm như quân xâm lược đi đến chỗ ngồi, thò tay dưới hộc bàn lấy ngay ra được một gói ô mai mơ đàng hòang! Lúc đó chúng tôi bèn phục lăn ra thật…
Ðinh Tuyên