Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
(Ca dao)
Người bạn già nhìn tôi, tay nâng ly trà:
- Ông có hiểu tại sao trong Ca Dao có hai câu:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
không? Theo thiển ý, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời!
Tôi cười:
- Quả thật chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện này!
Huy Ái – tên ông bạn tôi – uống ly trà rồi vui vẻ:
- Trước khi đến Nam Hà, tôi cũng như ông, tuy có nhớ câu ca dao ... Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?.... nhưng đâu có nghĩ đến chuyện trả lời. Cũng như khi đọc câu Kiều:
- Trăng già độc địa làm sao?
Cầm giầy chẳng lựa, buộc vào tự nhiên...
Mình cũng chẳng thắc mắc tại sao trăng lại ... già!
Thế rồi một bữa nằm trong "lán", nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy những ngọn Núi Vôi quây quần bên nhau; lại thấy vành trăng thượng tuần lẻ loi trên không, tôi vụt có ý nghĩ mạo muội trả lời hai câu ca dao nói trên, đọc ra để ông cười chơi.
- Xin cứ cho nghe.
Huy Ái rung đùi ngâm:
- Núi có đôi muôn đời núi trẻ,
Trăng cô đơn mãi mãi trăng già!
Tôi buột miệng:
- Hay quá, xin diễn tả tôn ý.
- Này nhé. Ông thấy núi có mấy khi đứng một mình không? Thường là quần sơn quy tụ một vùng đồi núi, hay trường sơn một dãy núi dài. Như vậy núi có bạn bên cạnh, tôi gọi là núi có đôi. Có đôi thì trẻ lâu...
Tôi giơ tay:
- Điều này tại hạ xin phép không đồng ý với huynh ông. Theo thiển ý, chẳng phải là có đôi thì mau già sao?
Huy Ái cười:
- Sai rồi! Có đôi mới ... thọ. Ông còn nhớ có lần chúng ta đứng trước hiệu sách Khai Trí Sài Gòn, nhìn qua bên công viên, thấy lão tiền bối Hi Di Bùi Xuân Uyên cùng Lão Bà âu yếm ngồi bên nhau không? Đó, có đôi thì mới sống lâu được!
Tôi cười theo:
- Có thể huynh ông có lý!
Huy Ái đắc ý nói tiếp:
- Còn trăng, ông có thấy vầng trăng lẻ loi giữa trời không? Trăng cô đơn thiệt là tội nghiệp. Do vậy mà ... trăng già đó!
Tôi lắc đầu:
- Trăng đâu cô đơn? Bên cạnh "nàng" chẳng có "chú Cuội" là gì?
- Chuyện hoang đường! Ta trở lại câu chuyện Trăng và Núi, tôi muốn kể ông nghe một câu chuyện có liên quan đến Trăng và Núi.
Tôi hăm hở:
- Kể đi!
Huy Ái ngả người ra ghế dựa, chậm rãi:
- Nói đến núi, có lần tôi thấy trên đỉnh núi có vỏ sò, trai, hến. Tôi tự hỏi, phải chăng ngàn xưa núi nằm trong lòng biển, rồi dần dà nhô lên? Núi đứng sững trước mắt, thế mà có người mải mê nhìn đường, không thấy núi, như vậy, nói theo một vị Thiền Sư, những người sống trong thanh tịnh chỉ thấy núi, không thấy đường, thì dù ở trong núi có thể làm được gì? Câu nói gần như công án, hơi khó hiểu! Thiền mà. Nhưng người trần như mình cũng cần biết qua ... quy luật của núi. Cũng như ... nước thì có quốc pháp, nhà thì có gia quy. Tôi bèn phịa ra cái tên ... sơn quy để diễn lả quy luật của Núi. Chẳng vậy mà không ít lứa đôi đều ... chỉ Trăng chỉ Núi mà thề thốt, xin Trăng và giám lời thề .. trăm năm tạc một chữ "đồng" của mình. Nếu vi phạm lời thề thì phải gánh chịu mọi hậu quả!
Kiều có câu:
Để lời thệ hải, minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.....
Nói đến Trăng, văn chương đại chúng của Ta khi viết hay truyền miệng về Trăng nhiều vô hạn. Ca dao về Trăng có những câu tuyệt diệu, như:
Hỡi cô tát nước bên đàng.
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Cũng không ít lứa đôi nhờ Nguyệt lão xe duyên, chỉ Trăng mà thề nguyện một dạ sắt son.
Kiều có câu:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Lời thề có Trăng chứng giám là cả tấc thành, khiến đôi lứa trọn đời sống mãi bên nhau.
Nếu đã lấy Trăng và Núi để minh thệ mà vi phạm lời thề thì có thể ứng nghiệm nhãn tiền. Mới đây, khi được tin Bà FD tử nạn xe hơi trên Đèo Rù Rì..
Tôi ngắt lời Huy Ái:
- Bà FD?
Bạn tôi gật đầu:
- Phải. Vào một đêm trăng, đúng là ứng nghiệm lời thề...
Tôi vui vẻ:
- Ông có vẻ rành ... sáu câu lắm!
- Đúng vậy! Là do anh chàng thất tình Sáu Hổ tâm sự với tôi. Chuyện tình của họ bắt đầu thắm thiết từ một đêm trăng trên Đèo Rù Rì. Anh chị ôm nhau ngồi trên phiến đá nhìn lên trời, chỉ Mặt Trăng, lại nhìn lên rặng Núi trước mặt mà nguyện thề là Trăm Năm Một Dạ với nhau, xin Trăng và Núi chứng giám. Nếu ai sai lời sẽ bị chết không toàn thây! Quả nhiên, vào một đêm Trăng sau một năm bỏ Sáu Hổ để đi theo Lão Điền Sai, một thương gia miệt Ninh Hòa, FD đã tử nạn trên đường lái xe một mình từ Ninh Hòa về Nha Trang! Ông nghĩ coi, lời thề đã ứng nghiệm! Thiêng thật!
Tôi góp ý:
- Tuy vậy, còn biết bao kẻ vi phạm lời thề, đâu phải tất cả đều bị trừng phạt?
Huy Ái gật gù:
- Rồi cũng sẽ đến một thời gian nào đó, sớm hay muộn thôi!...
Hoàng Ngọc Liên