Wednesday, August 16, 2017

VĂN MIẾU MAO ĐIỀN

Toàn cảnh văn miếu Mao Điền
Nằm bên đường 5, cách thành phố Hải Dương 15km về phía bắc, văn miếu Mao Điền được biết tới là văn miếu lớn thứ hai chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Với hơn 500 năm tồn tại và thờ hơn 600 tiến sĩ của trấn Hải Dương, nó đã trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người xứ Đông. 

Tam quan đồ sộ

Văn miếu Mao Điền nay thuộc xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương. Lịch sử của nó bắt đầu từ hơn 500 năm trước.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông, triều đình cho mở thêm một số trường học nữa ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh thành để đẩy mạnh phát triển Nho giáo. Ở xứ Đông (gồm toàn bộ tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, huyện Đông Triều của Quảng Ninh) văn miếu Mao Điền được xây dựng vừa làm nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học vừa làm trường thi của vùng.

Từ giữa thế kỷ 15 cho đến khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn, nơi đây trở thành nơi thi hương của vùng trấn Hải Dương. Đặc biệt trong thời Mạc (1527-1593) đã bốn lần tổ chức thi đại khoa ở Mao Điền.

Đi trên quốc lộ 5 theo hướng từ Hải Dương lên Hà Nội, từ xa ta có thể nhìn thấy văn miếu Mao Điền với tam quan đồ sộ nằm giữa cánh đồng trống. Qua cổng tam quan thấy ngay lầu chuông, lầu trống nằm về phía đầu hồi của hai dãy nhà giải vũ.

Lầu trống với kiến trúc giản dị mà vẫn mềm mại uyển chuyển

Theo tục xưa, tiếng chuông, tiếng trống là tiếng tập hợp các học trò khi thầy có việc cần hoặc để báo giờ nghỉ. Lầu chuông, lầu trống được kiến thiết theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng tám mái hoàn toàn bằng gỗ lim. Không dùng nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ mà nhìn vẫn đẹp một vẻ đẹp mềm mại uyển chuyển. Và nếu tinh ý có thể nhận ra lầu chuông, lầu trống ở đây có dáng dấp giống thủy đình dùng làm nơi múa rối nước.

Trước sân có một cây gạo cổ thụ hơn 200 tuổi. Đây là cây lưu niệm được trồng trong đợt kiến thiết lại văn miếu năm 1801, dưới thời Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn.

Dãy nhà chính của văn miếu gồm hai lớp quay mặt về hướng tây. Nhà ngoài đặt bàn thờ và bát nhang công đồng. Hai bên vách treo bảng danh sách 637 vị tiến sĩ quê ở trấn Hải Dương trong thời đại khoa cử Việt Nam. Nhìn vào bảng danh sách đồ sộ ấy ta không khỏi cảm phục tinh thần hiếu học của người dân xứ Đông.


Tiếng chuông, tiếng trống là hiệu lệnh tập hợp học trò xưa

Cây gạo cổ thụ 200 tuổi trước sân văn miếu Mao Điền

Từ khoa thi đầu tiên dưới triều Lý đến khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn, trấn Hải Dương đều có người đỗ đạt. Thời nào cũng có những nhân vật xuất chúng của trấn Hải Dương đỗ đạt ra giúp đời, giúp nước. Điển hình như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài tiên đoán sự việc trước 500 năm, hay lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, hoặc Vũ Hữu - nhà toán học lỗi lạc trong lịch sử trung cổ…

Hai di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền được đặt ở dãy nhà ngoài là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh đá có âm thanh trong trẻo thể hiện trình độ rất cao của người thợ chế tác đá Việt Nam đầu thế kỷ 19, với một bên tai đã vỡ.

Năm 1948 giặc Pháp chiếm văn miếu lập đồn và đã phá hủy nhiều công trình, hiện vật văn miếu. Chiếc khánh đá cũng bị đem bắc cầu ao. Ngày nay, sau khu văn miếu vẫn còn một di tích lôcốt giặc Pháp xây dựng để giữ đồn.

Phía trong hậu cung của văn miếu thờ cả thảy chín bài vị. Chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ.

Trong cách bài trí thờ tự cũng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khổng Tử là ông tổ đạo nên được thờ ở chính giữa, bên trái là Chu Văn An, một người thầy mẫu mực trong truyền thống đạo Nho nước ta. Những người còn lại đều là những người con xuất chúng của trấn Hải Dương. Đặc biệt là trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ, nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt.

Khánh đá từ thời Cảnh Thịnh

Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong hậu cung

Chuyện kể rằng sau khi nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng, cha con bà Nguyễn Thị Duệ cũng theo lên. Năm 1593, bà giả trai đi thi và đỗ trạng nguyên của triều Mạc. Nhưng khi vào dự yến tiệc thì vua Mạc phát hiện bà là gái giả trai. Lẽ ra tội khi quân phải chém đầu, nhưng vì cảm phục tài năng bà, vua đã giữ bà lại trong cung dạy học cho cung tần. Sau lại lấy làm vợ, phong làm Tinh phi.

Trấn Hải Dương - xứ Đông của nước Việt với sông Bạch Đằng mấy lần vùi xác quân thù lập nên võ công hiển hách, lại có văn miếu Mao Điền thờ hơn 600 vị tiến sĩ xuất thân từ đây thật là mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Bài, ảnh: TRẦN VŨ
Tuổi trẻ online 19/01/2010



No comments: