Tuesday, August 8, 2017

CƯỜNG DƯƠNG HAY CƯỜNG ĐIỆU

Lâu lâu thay đổi không khí một chút, bài post hôm nay hơi người lớn một chút nhưng trong trang của mình chắc không có con nít đâu hả các bạn.
Bài này đọc chơi cho vui thôi nghen, uống bia mà tốt thì tôi mới nghe, nhiều người và chính bản thân tôi uống bia nhiều bị bệnh "gout" thì có, vì tôi đã bị rồi nên sau này ít uống bia mà đổi lại vang đỏ.


CƯỜNG DƯƠNG HAY CƯỜNG ĐIỆU ?

Một độc giả gửi email cho tôi đường link tới bài báo đăng trên web tờ Dailymail của Ăng Lê, có tựa đề cực kỳ hấp dẫn “How BEER makes men better in bed” (1), dịch phóng ra là “ Vì sao bia bọt làm đàn ông dũng mãnh hơn trên giường”.
Độc giả này viết thêm: “ Ông có thể cho ý kiến về bài báo này không, dù sao bia cũng là thực phẩm?”. Dưới đây là “tâm sự” của tôi sau khi đọc bài “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” này.
Hoành tráng bên bàn nhậu, dũng mãnh trên giường ngủ
Chỉ cần uống vài ly bia (mỗi ly khoảng 0,5 lít), nhất là bia đen (stouts) là có thể làm tăng bản lĩnh đàn ông. Đọc bài báo mà tim cứ đập loạn xạ. Càng đập loạn xạ hơn, khi biết nhiều trích dẫn trong bài đến từ một chuyên gia về sex, nữ tiến sĩ Kat Van Kirk. Cái gì chứ mấy chuyện tế nhị này, tôi tin lời mấy bà nói, hơn là tin mấy ông nhậu bốc phét trên bàn bia bọt.
Bài báo nói trong bia chứa một số dưỡng chất như vitamin, khoáng,..làm tăng thể lực, tim mạch,rồi tăng sức dẻo dai…. Những thứ này là độ phụ tùng, không bàn. Xin đi thẳng vào 2 vấn đề chính mà tiến sĩ Krik đưa ra
Thứ nhất, bia có nhiều phytoestrogens, những chất này đã được khoa học chứng minh có khả năng “kéo dài cuộc chơi hơn”, nói cách khác, trì hoãn việc phóng tinh (delay ejaculation).


Thứ hai, bia có hàm lượng sắt cao, nhất là uống bia đen (loại porter và stout), là gia tăng số lượng hồng cầu, lượng máu đổ về dương vật nhiều, làm độ cương cứng mạnh hơn và kéo dài hơn.
Đúng là sắt là chất cần thiết để tạo ra huyết cầu tố của máu, nhưng chắc gì cơ thể cứ có nhiều sắt là có nhiều hồng cầu. Và đúng là cơ chế cương cứng cần máu đổ về “mục tiêu”, nhưng chuyện đời đâu có đơn giản, hễ có máu là cương, có máu là bất tận đâu, thưa bà tiến sĩ Krik. Điều đó bị chi phối bởi nhiều yếu tố: nội tiết, thần kinh, mạch máu, sinh lý, tâm lý, kích thích,…Nói như bà thì mấy ông bác sĩ nam khoa (andrologist) giải nghệ hết cho rồi.

Phytoestrogen – Lộng giả thành chơn
Những chất phytoestrogen mới là điều hấp dẫn bởi chúng nửa hư nửa thực.
Estrogen là một kích thích tố nữ, chủ yếu do buồng trứng tiết ra. Nhờ chất này mà phụ nữ mới ra phụ nữ từ thể hình, sinh dục, sinh sản cho tới nữ tính.
Đàn ông cũng có estrogen, do kích thích tố sinh dục nam testosteron chuyển hoá qua, nhưng có rất ít, nếu có nhiều là gay go rồi, phải đi khám chuyên khoa.
Khi estrogen đi vào các tế bào, nó sẽ gắn với thụ thể dành riêng cho nó (estrogen receptors), tương tự như chìa khoá phải đúng với ổ khoá, và rồi kích hoạt thụ thể.


Trong một số loại thực vật có những chất có cấu trúc hoá học có vẻ giống với estrogen, và giới khoa gọi chung là phytoestrogens (estrogen thực vật). Điểm độc đáo là những phytoestrogen này lại có thể gắn được vào thụ thể estrogen, rồi kích hoạt. Điều này cũng giống như dùng chìa khoá nhà mình đi mở ổ khoá nhà người khác. Vào được nhà người ta rồi thì bắt đầu quậy phá. Đại loại chúng hoạt động như những chất gây rối loại nội tiết (endocrine disruptors), có khi được việc (có lợi), nhưng cũng có lúc rách việc (có hại).
Có rất nhiều loại phytoestrogen, và khoa học vẫn đang nghiên cứu những điểm lợi và hại của chúng đối với sức khoẻ con người. Phytoestrogen có khá nhiều trong đậu nành, đã được nói đến trong bài “Đậu nành hiền như thầy tu”(2).
Phytoestrogen cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất thực phẩm chức năng, quảng cáo.. ve kêu, nhưng sẽ được đề cập trong bài viết khác.
Phytoestrogen trong bia – cương hay nhu?
Bia đa số được làm từ hạt lúa mạch (barley), ngâm nước cho nẩy mầm một phần thành mạch nha (malt). Sau đó thêm hoa bia (hops) để tạo hương, và rồi cho lên men. Nồng độ cồn của bia khoảng 3-5 độ.
Các loại ngũ cốc khác, miễn có nguồn tinh bột, cũng có thể được dùng để làm bia. Muốn có bia đen, thì trước khi lên men, đem sấy khô hạt đã được malt hoá (nẩy mầm). Tuỳ độ sấy mà bia có màu đen đậm hay nhạt.
Trong bia cũng có nhiều loại phytoestrogens. Loại mà bác sĩ Krik nói đến có lẽ là 8-prenylnaringenin, một loại phytoestrogen được xem là mạnh nhất có trong bia (đến từ hoa bia). Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chất này có khả năng chống ung thư, chống loãng xương, và làm “hạ hoả” mấy bà đang ở tuổi mãn kinh. Đó là những nghiên cứu riêng lẻ với chất 8-prenylnaringenin thôi, chứ còn uống bia có được những lợi ích như trên hay không vẫn chưa được xác định. Mấy bả uống bia không chừng lại “bốc hoả”, chứ chắc gì đã “hạ hoả”


Không có nghiên cứu nào cho thấy chất 8-prenylnaringenin làm tăng bản lĩnh đàn ông. Nhóm nghiên cứu của trường King’s College, London (3) đưa ra bằng chứng cho thấy, uống nhiều bia có thể làm tinh trùng suy yếu và suy giảm về lượng, mà thủ phạm chính là chất 8-prenylnaringenin (?)
Nói nữa…, ngượng!
Không kể đến thần tửu, xuân tửu của Trung Quốc, mà sau này được phát hiện là đã pha thêm sildenafil, hoạt chất của viagra. Hàng Tàu thứ gì cũng “bí ẩn” cả, chẳng cứ gì thực phẩm hay thần tửu. Cường dương và cường điệu không có ranh giới.
Bia là thức uống giải khát… hơi mạnh cả ngàn năm. Các chiến hữu bia bọt đã từng uống, và hiểu được giá trị của việc uống 1 ly, 3 ly, 5 ly hay cả chục ly bia, đều biết lợi và hại liên quan đến chuyện mây mưa thế nào rồi. Chẳng riêng gì bia, rượu cũng thế. Cái cơ chế dai dẳng, nếu có, hãy để cho mấy ông bác sĩ nam khoa giải thích, đó là niềm vui hay đau khổ. Mà liệu bia vàng hay bia đen có phải là thứ độc quyền “dai dẳng” hay không? Trải nghiệm riêng không ai giống ai. Nói nữa…, ngượng!
Sex là chuyện riêng tư giữa hai người, “thăng trầm”, trôi nổi theo tâm trạng của con người. Sex của con người không đơn giản chỉ là bản năng, là cơ bắp (physical), là chuyện vật lộn trên giường,và cũng không thể đứng ngoài ngắm nghía, rồi đo lường công suất như cái máy phát điện.


Khi viết bài này, xin thề, tôi chưa đụng tới giọt bia giọt rượu. Lý trí áp đảo đủ để thở dài (tiếc), và khẳng định rằng, bài báo trên tờ Dailymail không có chứng cớ khoa học, chỉ là những suy diễn đầy cảm xúc của một nữ tiến sĩ tình dục học.
Lý trí và tình cảm thường mâu thuẫn nhau, nhưng cùng tồn tại trong một con người. Tối nay nếu có “duyên” với vài ly bia, không chừng tôi lại rụt rè nghĩ khác.
Vũ Thế Thành

(3) Environmental ‘hormones’ wreck sperm http://news.bbc.co.uk/2/hi/health/2082449.stm

(Sưu tầm trên mạng)