- Tên gọi khác: Rau bồ khai, Rau bù khai, Dây lá hương, Hồng trục, Rau ngót leo, Rau nghiến, Phắc hiển (Tày), Long châu sói (Dao)...
- Tên tiếng Anh: Erythropalum scandens (nguyên gốc Latin).
- Tên khoa học: Erythropalum scandens Blume., Bijdr., Fl., Ned. 1826
- Tên khoa học đồng nghĩa:
Dactylium vagum Griff.
Decastrophia inconspicua Griff.
Erythropalum grandifolium Elmer
Erythropalum populifolium Mast.
Erythropalum vagum (Griff.) Mast.
Mackaya populifolia Arn.
Modeccopsis vaga Griff.
Passiflora heyneana Wall.
Nguồn gốc và phân bố:
Họ Dây hương (Erythropalaceae) là một họ thực vật hạt kín trong bộ Santalales. Họ này không được hệ thống APG III (năm 2009) công nhận mà chỉ coi là một phần trong họ Olacaceae , nhưng được đề cập trong website của APG. Họ này đang có nhiều tranh luận về phân loại, tạm thời nó bao gồm 3-4 chi và khoảng 40 loài.
Chi Dây hương (Erythropalum) là một chi có duy nhất một loài là Dây hương (Erythropalum scandens) có nguồn gốc ở khu vực Đông Dương (từ Miền Bắc Việt Nam kéo dài tới Đông Malesia, tới khu vực các quần đảo Talaud và Flores).
Rau Bò khai hay Dây hương (Erythropalum scandens) là một loại cây tiểu mộc thuộc họ Dây hương. Nó cũng là loài duy nhất còn sinh tồn hiện được công nhận thuộc về chi Erythropalum.
Ở Miền Nam Trung Quốc cũng tìm thấy loài này và được dùng cả ba tên khoa học đồng nghĩa là:
Dactylium vagum Griffith;
Erythropalum populifolium Masters;
E. vagum (Griffith) Masters.
Loài Rau bò khai có mặt tại các khu rừng bãi bồi và khu rừng ven sông, ở độ cao từ 100-1500 m.
Có tại Trung Quốc (các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, nam Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, đông nam Tây Tạng) và các quốc gia ở Đông Nam Á, Nam Á như: Bangladesh, Brunei, Bhutan, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Ở Việt Nam cây Rau bò khai phân bố phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, cũng gặp ở các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, duyên hải nam Trung Bộ. Tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Bắc bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.Cây sống ở độ cao từ 100-1500m, mọc hoang ven rừng thứ sinh, rừng đang phục hồi hoặc rừng nghèo bị tác động mạnh của kiểu rừng thường xanh ẩm nhiệt đới, tập trung nhiều ở ven rừng, mọc trên núi đá vôi.
(Theo: Rau Rừng Việt Nam)
RAU DẠ HIẾN
Dạ hiến (còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Đây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng rất ít gặp. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ai vào rừng hái được một, hai nắm rau Dạ hiến là cảm thấy rất quý.
Cách xào Dạ hiến cũng gần như xào rau muống, mỡ càng già càng tốt và chỉ cần đảo nhanh tay cho rau vừa chín tới (xào tái), là ngon nhất. Dạ hiến xào có vị béo ngậy, thơm ngon. Nhiều lương y cho rằng, Dạ hiến không chỉ đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon hấp dẫn, mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Đặc biệt, rễ cây rau Dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa vô sinh.
Do ngon và có nhiều chất bổ dưỡng nên từ nhiều năm nay, Dạ hiến trở thành đặc sản ở Cao Bằng. Vào dịp xuân hè, ở thị xã cũng như ở các thị trấn, thị tứ hầu như không có bữa tiệc, bữa cỗ nào là không có đĩa rau Dạ hiến xào lẫn thịt bò tươi, v.v. Trong vài ba năm lại đây, nhiều vị khách quen từ miền xuôi lên Cao Bằng công tác hoặc thăm người thân vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6, tháng 7 âm lịch đều không quên tìm ăn món phở xào rau Dạ hiến.
Dạ hiến còn là loại rau rừng rất sạch bởi thế các bà, các cô từ các làng bản xa gánh ra chợ thị xã bao nhiêu cũng không đủ bán. Hiện nay thứ rau này không chỉ có ở Cao Bằng, mà người ta đã biết cách bảo quản để chuyển về dưới xuôi làm "quà".
Theo: dulichcaobang