Saturday, August 26, 2017

HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH TRONG CA KHÚC CỦA LAM PHƯƠNG

Nói tới nhạc Lam Phương, hầu hết những người yêu mến nhạc của ông, thường liên tưởng ngay tới những ca khúc viết về người lính.


Ðiều này cũng dễ hiểu. Bởi vì ông không chỉ là một trong số rất ít nhạc sĩ mang hình ảnh người lính vào trong cõi giới âm nhạc của mình, sớm nhất. Mà, người lính trong ca khúc của Lam Phương, còn là hình ảnh người lính rất gần với đời thường.

Ở miền Nam, khi cuộc chiến bước lần tới giai đoạn của những trận đánh khốc liệt, với nhu cầu gia tăng quân số, khiến đa số thanh niên phải tòng quân thì số lượng ca khúc viết về tâm cảnh người lính cũng gia tăng mạnh mẽ.

Người ta thấy khá nhiều nhạc sĩ đã tạo hình ảnh người lính trong ca khúc của họ, là những thanh niên hào hoa phong nhã. Nhiều ca từ trong số những ca khúc này, cho người nghe cảm tưởng người lính ra mặt trận, đi hành quân, như đi “picnic!” Hay đi du lịch tới một nơi chốn mà ở đó, là cảnh tượng thanh bình, của những sông, suối, trăng, sao!... mơ màng, làm thơ ca ngợi mây, gió vu vơ khi nhớ, nghĩ tới người yêu “bé nhỏ” ở thành phố...

Tính chất lãng mạn hóa đời thực của người lính nơi trận tuyến của những nhạc sĩ này, theo tôi, vô hình trung là một thứ ma túy, một loại cần sa, tạo ảo giác cho cả đối tượng được nói đến trong ca khúc, cũng như những người yêu mến ca khúc ấy.

Ðứng ở góc độ tuyên truyền, những ca khúc đó rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, ở lãnh vực sáng tác thì, mọi chủ tâm triệt tiêu sự thật, đời thường, lại chỉ là một thứ dầu gió hay, cao dán ngoài da. Ðôi khi phản tác dụng. Gây bất mãn cho chính người được ca ngợi.

Tôi không biết có phải bản chất Lam Phương vốn thật thà, đôn hậu hay không? Nhưng hiển nhiên, những ca khúc viết về tâm tình người lính của ông, ngay tự những năm đầu tiên, của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, đã cho thấy, ông không quay lưng, không chối bỏ sự thật.



Tính nhậy cảm, khả năng sống được, sống cùng những buồn vui của đám đông, kẻ khác, đã mang lại Lam Phương, đồng thời cho kho tàng âm nhạc miền Nam khá nhiều những ca khúc trung thực viết nói về người lính thời chinh chiến. Có dễ vì thế, dù chiến tranh chấm dứt đã lâu, mà hôm nay, một người không liên hệ, không trải qua những ngày binh đao xưa, vẫn có thể hình dung, cảm nhận những sự thật về người lính một thời, qua ca từ của Lam Phương.

Tôi xin trích dẫn một ca khúc Lam Phương sáng tác rất sớm, vào những năm cuối thập niên (19)50, với những bày tỏ hay, thú nhận (xác nhận) không thể thành thật và cụ thể hơn, khi ông viết:

Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn

Ta yêu nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi

Từ khi anh là lính chiến không về thăm ghé nhà em

Không còn nghe tiếng cười thâu đêm buồn ơi sao là buồn.

Ôi ước mơ nhiều cũng thế thôi

Ðời chỉ làm bạn cùng sương gió

Nghe gió đêm từng cơn ru cô đơn

Biết cho chăng đêm nay

Chiến tranh đem thân trai đi ngàn phương

Ðời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu.

Rừng lá rừng chập chùng, giá lạnh trai chiến trường

Ðêm nay xa quê hương, xa lìa tiếng nói người thương

Ngày anh lên đường chiến đấu hoa lòng đã chớm tình yêu

Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu chờ đến xuân về chiều.


(Trích “Biết Ðến Bao Giờ”)


Sự khẳng định một cách chân chất như “đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu,” vốn rất ít thấy trong ca từ của những nhạc sĩ khác, khi viết về người lính. Họa chăng, mãi sau này, mới có thêm một nhạc sĩ nữa. Ðó là nhạc sĩ Trúc Phương. (*)

Qua ca khúc “Kẻ Ở Miền Xa,” Trúc Phương không chỉ giữ tính “mộc” nhất (nên cũng con người nhất) cho người lính của mình, mà ông còn thẳng thắn lên án những người mị lính qua trích đoạn dưới đây:

Ðơn vị thường khi nằm trên đất giặc

Thèm trong hãi hùng tiếng hát môi em

Tiếng hát ngọt mềm...

Người nâng lính khổ

Viết bởi câu ca

Vì tiền hay thiết tha?

Xin đối diện một lần bên tôi

Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi.

Ðến với tôi, hãy đến với tôi

Ðừng yêu lính bằng lời!


(Trích “Kẻ Ở Miền Xa,” Trúc Phương)


Trở lại với Lam Phương, theo ghi nhận của cố nhà báo Trường Kỳ, trong bài đã dẫn thì:

“...Ðến năm (19)58 là thời gian Lam Phương gia nhập quân đội thì ông nghiêng hẳn những sáng tác của mình về những nhạc phẩm đề cập đến đời lính chiến. Sang năm (19)59, ông giải ngũ để sau đó gia nhập ban văn nghệ Bảo An rồi qua đến đoàn Hoa Tình Thương. Cùng thời gian này ông cộng tác với các đài phát thanh Quân Ðội và Sài Gòn cùng một lúc là thành phần của Biệt Ðoàn Văn Nghệ cho đến ngày 30 tháng 4 năm 75, cũng là ngày ông rời khỏi Việt Nam trên chiếc tầu Trường Xuân.

“Cuộc sống vật chất của Lam Phương đã sáng sủa hơn rất nhiều sau khi ông tung ra hai nhạc phẩm về đời lính là ‘Tình Anh Lính Chiến’ và ‘Chiều Hành Quân.’

“Hai nhạc phẩm này đã do chính Lam Phương in và tự phát hành. Trước đó ông đã sắm được một chiếc Lambretta để ngày ngày đi giao những bản nhạc lẻ cho các sạp bán nhạc rời ở Sài Gòn nhờ lợi nhuận của những bản nhạc trước mang lại. ‘Tình Anh Lính Chiến’ đã đạt được con số bán kỷ lục vào thời đó. Một thời gian sau nhạc phẩm ‘Chiều Hành Quân’ ra đời và cũng đạt được một con số bán cao không kém...”

Cả hai ca khúc này, được tác giả viết trong thời miền Nam tương đối còn thanh bình. Nhưng không vì thế mà Lam Phương cho người lính một chân dung, một diện mạo khác!

Phải chăng vì vậy mà hai ca khúc vừa kể, tính đến hôm nay, vẫn còn được những người yêu nhạc trước 1975, coi là hai trong số những ca khúc “kinh điển” nhất viết về người lính?

Xuyên lá cành trăng lên lều vải

Lòng đất ấm thương tình đôi mươi

Thương những người mạch sống đang khơi

Ðang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương

Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến

Ðời lính chiến xui gặp nhau đây

Ðôi đứa mình còn mỗi đêm nay

Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường

Rồi ngày mai ra đi

Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy

Có bao giờ anh nhớ chăng

Ðêm nào nằm gần nhau

Hồn xây mộng ước mai sau

Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối

Ðừng quên nhé những ngày bên nhau

Ðêm cuối cùng buồn quá anh ơi

Bao giờ tình ngàn phương hòa lòng trai nơi sa trường.


(Lam Phương, trọn bài “Tình Anh Lính Chiến”)


Và:

Một chiều hành quân qua thôn xưa

lúc nắng xuân chưa nhạt màu,

Chạnh lòng tìm người em gái cũ:

Em tôi đã đi phương nào?

Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh

ngắm bóng chim đua trên cành,

Giờ tìm đâu hình bóng cũ: Em ơi!

Em đi về đâu?

Về đâu em ơi lúc tình còn sâu

lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu

Về đâu khi em vẫn là nguồn sống,

khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng...

Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi

nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay.

Thế thôi vui chi sống trong tình đầu!

Nhạc “chiều hành quân” nay biết gởi về đâu? (...)


(Trích “Chiều Hành Quân” Lam Phương)


Bây giờ, hình ảnh người lính miền Nam trước đây, chỉ còn được gợi nhớ qua những bộ quân phục, xuất hiện trong những lễ kỷ niệm hoặc những họp mặt lớn mỗi năm ở hải ngoại. Nhưng, người ta sẽ rất khó hình dung tâm tình của người lính miền Nam cách đây trên ba thập niên, nếu không có những ca khúc, như các ca khúc của Lam Phương.

Ở khía cạnh quân sử của một quân lực nay không còn nữa thì, đóng góp của nhạc sĩ Lam Phương, trong lãnh vực này, là một đóng góp tôi nghĩ, chúng ta không thể không ghi nhận.

Du Tử Lê

Chú thích:

(*) Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật Nguyễn Thiện Lộc. Ông sinh năm 1939 tại Trà Vinh, Vĩnh Bình, mất năm 1996, tại Saigon. Trúc Phương nổi tiếng rất sớm với những tình khúc, như những khám phá hay cách nói khác về tình yêu.


Chiều Hành Quân-Mạnh Đình

Tình Anh Lính Chiến - Trường Vũ


No comments: