Thành ngữ Trung Hoa có câu:
近朱者赤 近墨者黑
(Cận chu giả xích. cận mặc giả hắc)
(Cận chu giả xích. cận mặc giả hắc)
mà người Việt Nam ta thường hay nói:
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"
Chắc chắn là như vậy rồi, môi trường và hoàn cảnh xã hội tạo nên con người. Có bài viết sau đây rất là thấm thía:
LUẬT NHÂN QUẢ ÁP CHO CẢ QUỐC GIA
1.
Ông bà xưa rất quý trọng cái đẹp toát ra từ cốt cách của một người, đặc biệt là của phụ nữ.
Vì vậy, dáng đứng, dáng đi, dáng ngồi, dáng nằm của một người con gái, phải được dạy dỗ từ nhỏ, rất chi tiết, cẩn mật.
Từ câu chuyện tấm ảnh chụp cô Hoa hậu nằm hớ hênh trên Facebook, lan truyền trên cộng đồng mạng xuống các câu chuyện chung quanh những bàn tán của người đời hôm nay, để nói rộng ra, chuyện văn hóa của người Việt.
Cái cốt cách của một con người từ đâu mà có? Có người nói trời sinh, có người lại nói là do giáo dục mà thành.
Một người con gái đẹp được sinh ra nếu có sẵn cốt cách thì không gì quý bằng, nhưng nếu được thụ hưởng một nền giáo dục tốt thì còn hay hơn cả. Người xưa và cả người nay đều có câu khen “Đẹp người đẹp nết” để chỉ một giai nhân, mệnh phụ, ví như hoàng hậu Phương Nam.
Tôi đã từng chứng kiến những người, tạm gọi là “đa nhân cách”, và họ cũng là ca sĩ, nghệ sĩ rất nổi tiếng, họ đang rất ngọt ngào chú chú bác bác với người lớn tuổi, dạ thưa êm ái, khi có ai đó gọi họ từ sau lưng, quay lại họ nhận ra và cho đó là “kẻ dưới” mình, họ liền đổi giọng ngay: “Cái thằng chó này, mày biến đi đâu lâu thế, mày để bà đợi nãy giờ”, “A, cái con đĩ kia, sao dám cầm cái điện thoại của tao mà không thèm nói một tiếng, mày là đố khốn nạn…”. Sự thay đổi chóng vánh ấy, lần đầu tiên chứng kiến đã làm tôi bàng hoàng không hiểu là gì nữa. Có cái nền văn hóa nào để giải thích cho hai cách cư xử, xưng hô ngược nhau như thế ở trong một con người?
Một người bạn của tôi theo dõi con mình trên Facebook, có lần chị tâm sự: “Con mình nó có bạn bè trên Facebook, thấy bạn bè nó chửi thề dữ quá mà mình sợ luôn, giờ phải làm sao?”- “Nó có chửi thề theo không?”- “Chưa thấy, nhưng sợ nó bị lây”- “Hồi giờ trong nhà mình có ai chửi thề không?”- “Không bao giờ, nhà mình đến mày tao còn không gọi”- “Vậy chị đừng lo, nó sẽ không bị ảnh hưởng đâu, vì thực ra, nó đã được nuôi dưỡng trong một phông (nền) văn hóa rất tốt rồi. Nhưng để “kháng viêm” cho bé, chị cũng nên sớm nói chuyện với con”.
Cho nên, tôi không bàn luận chuyện cô Hoa hậu ngủ nữa, tôi chỉ muốn nhắc lại một điều, ngày xưa, ông bà chúng ta luôn chú trọng việc dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở” chính là học cái văn hóa, đó cũng chính là nền văn minh mà nước Việt đã từng thụ hưởng. Tiếc thay, nó đã bị hủy hoại và mai một theo thời gian. Và tấm ảnh nhỏ đó, chỉ là một chi tiết rất nhỏ nhoi, cho thấy một lỗ hổng lớn về văn hóa ngàn đời giờ đã nằm thật sâu dưới trầm tích thời gian mà không biết bao giờ mới được khai quật trở lại.
2.
Chuyện Hào Anh không còn xa lạ với truyền thông và những ai quan tâm đến cậu bé này.
Khi được cứu thoát khỏi bạo hành gia đình, Hào Anh trở thành tâm điểm với câu chuyện ly kỳ về cuộc đời đau thương. Hàng triệu người quan tâm đến em và trong đó có rất nhiều người đóng góp số tiền mà họ cũng chắt chiu để giúp đỡ em.
Nhưng sau khi nhận được số tiền đó, em lại càng hư hỏng hơn và tỏ ra phản kháng với thế giới.
Điều này chỉ có những chuyên gia tâm lý mới giải nghĩa rạch ròi khoa học, nhưng một người bình thường đã có trải nghiệm cuộc sống, cũng biết một điều rất đơn giản rằng, ngay cả người lớn còn khó để trở lại với cuộc sống bình thường sau những sang chấn về tinh thần và thể xác bị hành hạ, huống chi một đứa trẻ như Hào Anh. Cho em tiền và muốn em- ngay lập tức- trở thành người bình thường, là điều bất khả.
Nhưng bây giờ Hào Anh đã hư rồi, bị bắt vì tội trộm cắp rồi, chúng ta không thể trút cơn giận lên một đứa trẻ mà cuộc đời nó, chưa sống qua tuổi mới lớn, đã trở thành tàn phế về nhân cách bởi hết sự hành hạ này đến ngược đãi khác.
Câu chuyện của Hào Anh, rất nhiều người thương cảm, nhưng chẳng có ai đặt câu hỏi và tìm câu trả lời rốt ráo về em. Chẳng có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ và giúp đỡ em, từ tư vấn về tâm sinh lý đến việc dùng luật pháp để bảo vệ quyền làm người của em. Tất cả đều hành động như một cái máy bị vặn hết cỡ theo truyền thông: nghe kể chuyện -> cho tiền -> không hài lòng -> chửi bới.
Hình ảnh của Hào Anh, rồi sẽ nhắc cho chúng ta nhớ những hành xử trong gia đình, xã hội của chính chúng ta với những đứa trẻ như em, không sớm thì muộn, không nay thì mai và nó không đi ra ngoài luật nhân quả, không chỉ ở một gia đình mà sẽ đến một cộng đồng và cả một quốc gia cộng nghiệp.
Ngân Hà
(Sưu tầm trên mạng)
http://vnexpress.net/…/hao-anh-tu-cau-be-bi-bao-hanh-den-ng…