Sunday, August 13, 2017

TRUYỆN HỌ HỒNG BÀNG

Lĩnh Nam Chích Quái bình giải:


TRUYỆN HỌ HỒNG BÀNG
Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất.
Long Quân dạy dân việc cày cấy, cơm ăn áo mặc, đặt ra các cấp quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng. Đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không lại cứu chúng con” (Người Việt xưng Phụ là Cha hoặc là Bố (1), xưng Quân Vương là Vua (2)) thì Long Quân tới ngay. Sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi.
Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Vì nhớ đến chuyện ông tổ Đế Minh du hành phương Nam gặp tiên nữ, nên Đế Lai nhân khi phương Bắc thiên hạ thái bình bèn sai quần thần là bọn Xi Vưu thay mình trông coi việc nước, rồi đi tuần xuống nước phía nam đến nước Xích Quỷ. Khi đó, Long Quân đã về thủy phủ, trong nước không có vua. Đế Lai bèn để ái thiếp là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành cung rồi đi chu du thiên hạ, ngắm xem các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, voi, tê, đồi mồi, ngọc ngà, vàng bạc, quế, tiêu, hương, trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai vui thích mà quên trở về. Dân phương Nam khốn khổ vì bị quấy nhiễu, không được yên sống như xưa, nên ngày đêm mong mỏi Long Quân trở về. Thế nên cùng nhau gọi lớn: “Bố ơi, bố ở đâu mau về cứu chúng con”. Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ sống một mình, có dung mạo đẹp đẽ lạ thường, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống trước hành cung Âu Cơ ở. Âu Cơ thấy vậy, sinh lòng ưa thích. Long Quân đón Ấu Cơ ở Long Trang Nham. Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc. Truyền ngôi đến đời Du Võng, đánh nhau với Hoàng Đế ở đất Bản Tuyền, đánh không nổi mà chết (3). Đời Thần Nông tới đây thì hết.
Long Quân lấy Âu Cơ, trong năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài đồng; qua bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không cần phải bú mớm, các con tự lớn lên, người nào cũng trí dũng song toàn, ai ai cũng nể phục, đều cho là những kẻ phi thường. Long Quân ở lâu dưới thủy phủ, vợ con sống một mình, nay muốn về đất Bắc. Âu Cơ về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, nên ngày đêm lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi buồn khổ thế này”. Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương Dã. Âu Cơ khóc mà nói rằng: “Thiếp vốn là người phương Bắc, nay ở với vua, sinh được trăm trai. Xin vua đừng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, để vợ con phải làm người không chồng, không cha, thật là đáng thương”. Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng giòng giống khác nhau, thủy hỏa tương khắc, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng lời, sau đó từ biệt mà đi.


Âu Cơ và năm mươi con về ở đất Phong Hiệp (Nay là huyện Bạch Hạc), cùng nhau tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Chia nước ra làm 15 bộ là Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Sai các em cùng nhau chia trị các nơi đó. Lại đặt các em làm tướng văn, tướng võ, văn là Lạc Hầu, võ là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan gọi là Bố Chính, nô bộc gọi là Trâu, con ở gái gọi là Tinh. Bề tôi của vua gọi là Côi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ Đạo, đều xưng là Hùng Vương, không hề thay đổi.
Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Vua nói rằng: “Giống sơn man và giống thủy tộc khác nhau, nên xâm phạm lẫn nhau”. Bèn khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình loài thủy tộc. Từ đó, dân không bị họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đó. Lúc đất nước còn sơ khai, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy bả cơm làm rượu; lấy cây cau, cây cọ làm đồ ăn; lấy cầm thú, cá, tôm làm mắm; lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất trồng được nhiều gạo nếp, dùng ống tre để thổi cơm ăn. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ vào rừng. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến cứu. Việc cưới hỏi giữa nam nữ trước lấy gói muối làm lễ vật đi hỏi, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để vào phòng cùng ăn, rồi mới thành thân. Đây là lúc chưa có trầu cau.
Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy.
—————————
Chú thích:
1. Cha: chữ Nôm viết là 吒, Bố: chữ Nôm viết là 布
2. Vua: chữ Nôm viết là (Trên 王 dưới 布)
3. Lĩnh Nam Chích Quái, bản VHV 1473 có thêm đoạn sau: Lúc đó Xi Vưu ở phương Bắclàm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên Hoàng Đế đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xi Vưu mình thú mặt người, sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hoàng Đế dùng trống da thú làm lệnh, Xi Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Hoàng Đế chiếm được nước, lên làm vua. Đế Lai nghe biết bèn trở về phương Bắc đánh với Hoàng Đế 3 lần, đều thua, bị giáng phong ở đất Lạc Ấp. Đời Thần Nông tới đây thì hết.
Nguyễn Hữu Vinh dỊch

Trần Đình Hoành bình:

• Huyền thoại Hồng Bàng, cho thấy một cuộc đấu tranh kịch liệt , và kết quả cuối cùng là trộn lẫn, giữa hai nền văn hóa phụ hệ và mẫu hệ.
Phụ hệ là văn hóa bắc phương, với Thần Nông, Đế Minh, Lộc Tục (Kinh Dương Vương).
Mẫu hệ là văn hóa phương nam với Vụ Tiên, Long Nữ, Âu Cơ…
Lĩnh Nam theo truyền thuyết là vùng Nam sông Dương Tử–Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Bắc Việt ngày nay–nơi người Hán gọi các dân tộc ở đó là Việt, tức là “vượt qua” (sông Dương Tử). Vào thời cổ đại, văn minh Trung Quốc phát triển ở châu thồ sông Hoàng Hà ở bắc Trung quốc, xuống nam đến mạn bắc sông Dương Tử. Qua sông, miền nam sông Dương Tử — vùng Lĩnh Nam — là một nền là văn minh khác, của các dân tộc Việt.
Phụ hệ xem ra thắng thế trên văn từ: Dòng bố là dòng chính của “cây gia phả” của “người”. Và sinh ra 100 con trai, chẳng có thị mẹt nào cả.
Dòng mẹ gồm “tiên” (Vụ Tiên, Âu Cơ), “rồng” (Long Nữ) và “nước” (Động Đình Hồ).


Nhưng phụ hệ chỉ thắng về mặt nổi. Về mặt chìm thì, mẫu hệ xem ra thắng thế:
1. Âu Cơ có hai chồng, là hai anh em họ Đế Lai và Sùng Lãm, gần giống như tục nối dây hiện nay vẫn còn tồn tại với các một số dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn theo chế độ mẫu hệ.
2. Sùng Lãm Lạc Long Quân xem ra có máu miền nam (mẹ và nước) nhiều hơn văn hóa bắc phương: Ông nội Đế Minh lấy vợ phương nam (con gái Vụ Tiên), sinh ra Lộc Tục Kinh Dương Vương. Lộc Tục lại lấy Long Nữ của Động Đình Hồ ở phía nam, sinh ra Sùng Lãm Lạc Long Quân.
3. Rốt cuộc, 50 con theo Lạc Long Quân về biển, biến mất trong lịch sử. 50 người con thành lập lịch sử Việt sau này là 50 đứa theo mẹ.
4. Người Việt nói “Ta là con cháu Rồng Tiên.” Nhưng bố rồng này lại là rồng từ họ ngoại của bố, rồng từ Long Nữ của Động Đình Hồ. Cho nên cả hai cha mẹ (rồng tiên) đều là lấy họ ngoại là chính.
Đây xem ra vẫn là văn hóa Việt Nam ngày nay. Ra đường chồng chúa vợ tôi, về nhà vợ nắm hết thôi cũng huề. 
• Long nữ, Lạc Long Quân, Động Đình Hồ: Văn hóa “nước” (từ các dòng bên ngoại) quan trọng cho người Việt đến nỗi từ “nước”, quan trọng nhất cho sự sống con người, cũng dùng cho quốc gia, quê hương, tổ quốc: Nước Việt, làng nước, non nước…
• Chúng ta nói “Mẹ Việt Nam”. Chẳng nghe ai nói Bố Việt Nam cả.
• Vật biểu Rồng Tiên của văn hóa Việt có sự quân bình nam nữ, âm dương, khác với nhiều nền văn hóa khác, chỉ có một. Giáo sư Kim Định viết trong Kinh Hùng Khải Triết:
Nếu có một ai chịu đưa mắt nhìn rộng ra năm châu, rồi nhìn sâu vào thời cổ đại sẽ thấy không một nước nào trên thế giới có vật biểu đi đôi như thế mà tất cả chỉ là một:
Ấn Ðộ là con voi.
Nước Pháp là con gà.
Nước Ðức là con chim ưng.
Nước Anh là con sư tử.
Nước Tàu trước hổ sau rồng.
Riêng nước Việt lại nhận cả đôi, cả tiên lẫn rồng.
Nam nữ, âm dương cân xứng đương nhiên là quân bằng, hài hòa, và hợp tự nhiên hơn các nền văn hóa chỉ có một—phải bỏ hết tất cả, để giữ một còn lại.
• Bọc trứng vất ở ngoài đồng 7 ngày mới nở ra trăm con: Đây là biểu tượng của linh khí của trời đất trong 7 ngày. Tức là người Việt có cả ba yếu tố trong mình: Người, trời và đất.
• Cánh đồng là biểu tượng của đất, của ruộng đồng—Mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và mảnh đất quê hương.
Cánh đồng của nhà Nông còn là biểu tượng của liên hệ đến tổ Thần Nông, người sáng tạo ra cách trồng trọt.
• Một trăm con một bọc, nhấn mạnh ý nghĩa “đồng bào”, và còn nhấn mạnh tính “bình đẳng.” Mọi người ngang nhau vì trong 100 người chẳng có ai là anh ai là em cả.
• Xem ra các con số dương, biều hiệu cho sự phát triển, được cố tình sử dụng: Đế Minh là cháu 3 đời của Thần Nông, đến Lạc Long Quân là cháu 5 đời của Thần Nông, và bọc trứng được nằm ngoài đồng (của nhà Nông) 7 ngày.
• Số một trăm là ý chỉ số nhiều, số đông: Trăm họ, sống lâu trăm tuổi, trăm năm hạnh phúc, trăm phương nghìn kế, trăm hoa đua nở…
• Giáo sư Kim Định nói về hai chữ “Văn Lang”:
1. Chữ Văn theo nghĩa cổ là vẽ mình quen gọi là “Văn Thân”. Rồi từ đó có nghĩa là văn vẻ: thân mình được vẽ là thân có văn vẻ. Sau cùng đạt tới nghĩa bao quát chỉ tất cả những gì có văn vẻ. Văn Lang là nước có văn vẻ ngược với nước bị cai trị theo lối thú vật bằng gậy, bằng chuồng thì gọi là võ trị. Chỉ có văn trị mới làm nảy sinh được các mối nhân luân, những mối liên hệ người với người được thấm nhuần bằng lễ, nghĩa, liêm, sỉ, tức những mối tình cao cả của con người.
2. Về chữ Lang xét như bởi chữ làng thì có nghĩa là làng nước. Văn Lang là nước có văn vẻ; còn xét theo âm chữ Nho thì Lang có nghĩa là người, ta quen gọi bằng lang quân.
• Phần kể các tục lệ của dân nước Văn Lang, có vẻ như là tục lệ của các dân tộc thiểu số vùng cao ngày nay, vẫn còn theo mẫu hệ:
Lúc đất nước còn sơ khai, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy bả cơm làm rượu; lấy cây cau, cây cọ làm đồ ăn; lấy cầm thú, cá, tôm làm mắm; lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất trồng được nhiều gạo nếp, dùng ống tre để thổi cơm ăn. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ vào rừng. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến cứu. Việc cưới hỏi giữa nam nữ trước lấy gói muối làm lễ vật đi hỏi, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để vào phòng cùng ăn, rồi mới thành thân.


Chỉ có dân vùng cao mới lấy vỏ cây làm áo, cỏ tranh làm chiếu, rễ gừng làm muối và quý muối như vàng, đốt rừng để trồng trọt–trồng bằng lửa, ăn nếp thay gạo, thổi cơm trong ống tre, làm nhà tránh hổ sói nghe như nhà sàn, cắt tóc ngắn (khi xưa người Kinh để tóc dài), đẻ con lót lên lá chuối, dùng muối làm lễ vật đính hôn, và giết trâu hành lễ–người vùng xuôi có lẽ là giết bò hơn là trâu…
• Tóm lại, truyện họ Hồng Bàng là trộn lẫn và đấu tranh giữa hai nền văn hóa nam (mẫu hệ) và bắc (phụ hệ). Dù là các điểm lớn như đàn ông làm vua là văn hóa bắc (phụ hệ), nhưng đa số các chi tiết khác là của văn hóa miền nam (mẫu hệ) với khá nhiều chi tiết phong tục vẫn còn tồn tại trong các dân tộc thiểu số mẫu hệ miền cao ngày nay.
Trần Đình Hoành bình