Saturday, October 31, 2020

THƯỜNG XUYÊN NHAI KẸO CAO SU ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE NHƯ THẾ NÀO?

Nhiều người trong chúng ta có thói quen nhai kẹo cao su để giảm bớt căng thẳng và thơm miệng. Thực tế, nhai kẹo cao su mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh.


1. Ảnh hưởng đến răng

Tốt: Kẹo cao su không đường là chất diệt vi khuẩn hiệu quả. Kẹo cao su kích thích tạo ra nhiều nước bọt giúp rửa sạch axit và thức ăn thừa nên bạn sẽ tránh bị sâu răng và viêm lợi. Nó cũng bổ sung canxi và phốt phát giúp men răng khỏe hơn.

Không tốt: Kẹo cao su có chứa đường sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Trước khi đường trôi xuống dạ dày, vi khuẩn sống trong khoang miệng sẽ ăn chúng rồi tích tụ lại thành mảng bám trên răng. Răng của bạn sẽ bị sâu dần theo thời gian.

(Ảnh: Shutterstock)

2. Cải thiện trí nhớ

Nhấm nháp kẹo cao su giúp bạn tăng nhịp tim, lưu lượng máu và cung cấp oxy cho não. Một trong những tác động tích cực của thói quen nhai kẹo là cải thiện sự tỉnh táo, trí nhớ và giúp bạn đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Nhưng kẹo cao su không phải phương pháp thần kỳ có tác dụng lâu dài. Đôi khi nó sẽ mang lại hiệu quả khi bạn nhai trước hoặc trong khi làm các nhiệm vụ đặc biệt khó khăn.

(Ảnh: Shutterstock)

3. Hỗ trợ giảm cân

Tốt: Kẹo cao su có thể ngăn chặn sự thèm ăn của bạn. Nhai kẹo vào buổi sáng sẽ làm bạn bớt đi cảm giác đói. Kẹo cao su có vị ngọt, lại ít calo nên sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác thèm đồ ăn vặt. Động tác nhai liên tục cũng làm bạn tốn nhiều năng lượng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp bạn không bị mệt mỏi sau khi ăn.

Không tốt: Chuyển động nhai và tiết nước bọt liên tục khiến não nghĩ rằng bạn đang thực sự đói. Kẹo cao su vị bạc hà làm bạn có xu hướng ăn thêm các món không lành mạnh (đồ chiên rán, nhiều dầu, đồ ngọt). Những người có thói quen nhai kẹo cao su có xu hướng ăn ít bữa hơn nhưng khi ăn thì lại nạp lượng calo nhiều hơn bình thường.

(Ảnh: Shutterstock)

4. Gây ra các vấn đề về hàm

Thói quen nhai kẹo cao su liên tục có thể gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), gây đau đớn bên trong và quanh vùng khớp xương hàm. Chứng TMJ cũng có thể gây ra tiếng kêu khi mở miệng hoặc nhai. Nhai kẹo cao su lâu cũng gây ra sự mất cân bằng của các cơ hàm, dẫn đến đau tai và nhức đầu. Nguy cơ ảnh hưởng đến hàm sẽ tăng cao khi bạn nhai kẹo lúc căng thẳng vì mọi người có xu hướng nghiến răng một cách vô thức khi lo lắng.

(Ảnh: Shutterstock)

5. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Tốt: Nhai kẹo cao su tiết ra nhiều nước bọt giúp chống say xe và ốm nghén hiệu quả. Một số người nói rằng kẹo cao su hoạt động tốt hơn thuốc, giảm nguy cơ nôn mửa, khó chịu ở bụng và buồn nôn, đồng thời nó rẻ và dễ mua hơn.

Không tốt: Nhưng khi nhai kẹo, bạn vô tình nuốt từng ngụm không khí cực nhỏ vào dạ dày, dẫn đến hiện tượng đầy hơi. Vì thế bạn không nên mở miệng quá nhiều khi nhai kẹo. Một lưu ý khác là kẹo cao su chứa các thành phần tổng hợp có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Mẹ bầu nhai kẹo để chống nghén nên tìm cách khác an toàn hơn.

6. Giảm chứng ợ nóng

Sau bữa ăn, nhai kẹo cao su có thể làm giảm nồng độ axit trong thực quản của bạn. Dòng nước bọt sẽ làm loãng và trung hòa axit trong trường hợp bạn ăn đồ nhiều dầu, nhiều đường. Vì thế nhai kẹo có thể giúp bạn giảm trào ngược axit và chứng ợ nóng.

7. Tác động đến não

Tốt: Ít người biết rằng kẹo cao su có khả năng làm giảm mức độ cortisol, hormone căng thẳng, giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta. Chỉ hành động nhai đã đủ tạo ra cảm giác thư giãn cho mọi người.

Không tốt: Nhưng áp lực liên tục lên hàm sẽ làm tăng tần suất xuất hiện của chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng. Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể bị đau đầu mãn tính. Nếu có xu hướng bị đau nửa đầu, bạn hoàn toàn không nên ăn kẹo cao su.

(Ảnh: Shutterstock)

8. Ngăn ngừa nhiễm trùng tai

Nhiễm trùng tai xuất hiện khi có nhiều vi khuẩn tập trung trong các ống nối mũi và tai. Kẹo cao su có chứa chất ngọt tự nhiên xylitol giúp ngăn vi khuẩn trú ngụ tại đó.

Minh Khuê / Theo Bright Side

KIẾP TRƯỚC


Con lợn sau khi bị giết, linh hồn bay đến chỗ Diêm Vương tố khổ:

- Diêm Vương ơi, oan uổng cho con quá! Cả đời con phải ăn cơm thừa, canh cặn, rốt cuộc vẫn bị chọc tiết để cho người ăn thịt. Hu hu! Đau quá!

Diêm Vương nói:

- Mi kiếp trước không chịu lắng nghe nỗi thống khổ của người dân, nên kiếp này mi phải mọc ra đôi tai vừa to vừa dài.

Mi còn khinh miệt dân chúng, nên kiếp này mi có đôi mắt béo múp. Mi còn hay lớn tiếng quát mắng nên kiếp này mõm mi mọc dài ra đằng trước.

Kiếp trước mi suốt ngày ngồi ghế làm việc, không chịu vận động nên kiếp này bốn chân mi ngắn và nhỏ lại.

Mi còn thường xuyên uống sữa vợ người khác nên kiếp này mi mọc cả hàng vú dài cho lũ con nhay dứt.

Kiếp này, mi ngày nào cũng húp cơm thừa canh cặn là vì đó là những thứ mi đã từng lãng phí ở kiếp trước, có biết hay không hử?


Con lợn nín khóc, nghi hoặc hỏi:

- Lẽ nào kiếp trước con từng là cán bộ?

(Sưu tầm trên mạng)

CẦU KỲ CHUYỆN... CHẤM!

Người Việt có thói quen ăn gì cũng chấm. Có chấm chấm, mút mút thì món ăn mới không đơn điệu, mới khoái khẩu. Đối với nhiều món ăn Việt, thành hay bại, “đỉnh” hay không “đỉnh” nhiều khi tùy thuộc vào nước chấm.



Tỉ mỉ nước chấm

Nhiều người vẫn nói nước mắm là thứ “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc Việt Nam, kể ra cũng đúng. Chưng cất nước mắm đã là một nghệ thuật, nhưng pha nước chấm ngon cũng cần đến nghệ thuật của những đầu bếp. Nhiều bà nội trợ chế biến được khá nhiều món ngon nhưng lại đành chịu bất lực ở khâu cuối cùng là pha nước chấm.

Cứ theo những công thức gia truyền thì nước mắm chấm ngon đôi lúc phụ thuộc vào những vật dụng tưởng chừng rất vô vị. Chẳng hạn, chày, cối dùng để giã hành tỏi phải bằng gỗ, tốt nhất là gỗ mít, gỗ me. Tỏi phải được bóc tách từng tép, không để nước làm ẩm đi, còn ớt phải là ớt hiểm tươi thật đỏ, loại xanh hay mới chuyển sang màu cam cam mà lại héo thì không thể góp phần tạo được nước chấm ngon. Đường cũng phải chọn loại đường cát trắng, hạt lớn, chanh chọn quả lớn, đầu hơn nhọn, vỏ thật dày. Những người cầu kỳ còn gia giảm thêm nhiều thứ nguyên liệu khác như nước dừa xiêm, đậu phộng rang cháy bóc vỏ hay miếng thơm băm nhuyễn.

Thường thì mỗi món ăn có món nước chấm riêng, từ rau sống, rau luộc đến các loại bánh (bèo, nậm, lọc, ít, hỏi…), cá thịt hấp hay gỏi, chả giò các thể loại. Loại dùng mắm mặn, loại dùng mắm pha, lúc đặc kẹo như mệt, lúc sền sệt như bột khuấy, có khi lại lõng bõng hay sóng sánh một màu vàng nhạt. Dẫu là kiểu nào thì đó cũng là sự tổng hòa của các vị mặn, cay, chua, ngọt và thường có mùi thơm đặc biệt chứ không còn mùi nặng của mắm.


Cầu kỳ chén muối ớt chanh

Không ít người ăn muối cũng rất cầu kỳ, bắt nguồn từ truyền thống gia đình, lúc nào trong nhà cũng có hũ muối ớt theo cách riêng.

Đơn cử như món muối ớt chanh – một món đồ chấm rất tuyệt hảo để ăn hải sản, ăn gà luộc hoặc nướng, sườn nướng, cá nướng và rất nhiều món ăn chơi hấp hẫn khác.

Làm một chén muối ớt chanh ngon không khó, nhưng ít người chịu làm vì không coi trọng nó. Họ đâu có biết rằng đã cực công nấu cả bữa ăn ngon mà không chịu khó làm thêm chén muối cho ngon nữa thì món ăn vẫn chưa thể đạt đến diệu vợi của ẩm thực.

Nhiều người thường lấy muối (hoặc bột canh) pha chút tiêu (trắng hoặc đen) rồi dọn ra bàn cùng một miếng chanh để thực khách tự pha trộn. Đơn giản đấy, nhanh gọn đấy, nhưng… độ ngon sẽ không hoàn chỉnh!

Thường thì có hai loại muối ớt chanh: muối ớt xanh và muối ớt đỏ. Ớt xanh trái nhỏ, bầu, cay nồng nhưng cay không lâu, cay mà rất thơm, cay mà không nóng và chỉ ngon khi còn xanh, nếu bắt đầu ngả vàng thì mềm xèo, ăn rất nhạt miệng. Ớt xanh có nhiều ở miền Trung và dường như chỉ ở miền đất này nó mới đạt đủ độ ngon.

Ớt đỏ trái nhỏ nhưng dài, đầu nhọn hoắt và chỉ ngon khi đã chín đỏ. Ớt đỏ trồng mà thiếu nắng thì sẽ không nhọn đầu – bằng chứng của chất lượng kém. Ớt đỏ cay xé lưỡi, cay lâu và nóng nhưng dễ trồng, trái nhiều, màu sắc hấp dẫn hơn nên thường được chuộng hơn.


Muối để ăn nên dùng muối hạt, loại vừa mới đạt về khẩu vị, tránh dùng muối bọt, muối i-ốt, muối tinh… Trong cuốn Dạo Chơi, ông già Nam bộ Sơn Nam có viết một đoạn rằng người miền Nam ăn đồ ngọt thường dằn miếng muối, nấu chè cũng dằn chút muối, trái cây ngọt cũng chấm với muối. Nhờ dằn chút muối mà món ăn ngọt trở nên ngon hơn, đậm đà hơn.

Ở món muối ớt chanh, muốn ngon hơn thì đối lại, phải dằn chút đường. Tất cả nguyên liệu ớt, muối, đường cho vào cối rồi giã thật nhuyễn, vắt chanh cho ngập mặt, khuấy đều chừng một phút cho tất cả hòa quyện vào nhau, đủ độ ngon để người dùng phải chấm mút liên tục.

Nếu làm muối ớt chanh ăn với thịt gà luộc thì có thêm chút lá hoặc vỏ chanh xắt nhuyễn như sợi chỉ để thả vào đĩa muối, riêng món chấm hải sản thì dằn thêm chút tiêu trắng cho thơm.

Nổi tiếng nhờ muối

Nhiều người cho rằng nói như thế là làm “phức tạp vấn đề”, muối tiêu hoặc ớt, nặn miếng chanh vào thì cứ thế mà ăn. Nhưng nếu đơn giản chỉ là muối, sao muối ở Tây Ninh lại thành đặc sản?

Đơn giản là vì người Tây Ninh “biết” ăn muối.


Muối tôm Tây Ninh làm từ muối hạt tinh, tôm, thịt heo, củ cải đỏ, ớt đỏ, tỏi… và được rang theo một bí quyết đặc biệt trước khi đóng gói để bảo đảm mùi vị không thay đổi sau một thời gian dài.

Muối tôm Tây Ninh ăn không cũng đã ngon, chỉ cần rắc muỗng muối lên chén cơm trắng mà ăn là… muốn nứt bụng, ăn với trái cây thì tuyệt hảo, nặn thêm miếng chanh tươi chấm miếng thịt gà thả vườn hấp hành thì có người phải… nhỏ nước mắt vì ngon.

Muối tôm Tây Ninh là một đặc sản nhưng điều đáng ngạc nhiên là tỉnh này không giáp biển, không có mỏ muối và cũng chẳng nuôi được tôm. Người ta nói muối tôm Tây Ninh ngon vì người Tây Ninh thích ăn muối, vì xứ Tây Ninh nóng nên dễ làm muối… Có nhiều nguyên do, nhưng ai đến Tây Ninh hoặc người Tây Ninh đi đâu cũng mua một ít muối làm quà là vì thế.

Đàm Hà Phú

20 NĂM CỦA HỌ VÀ TA

Đợi cơn lũ lịch sử này qua đi, nhà nước, chính quyền, nhân dân… hay con người nói chung phải ngồi lại tìm cách để làm một cái gì đó bền vững hơn để cứu nguy cho người dân miền Trung chứ nhỉ?


Chứ nhìn trận lũ lịch sử năm 1999 với trận lũ lịch sử năm 2020 này có khác gì nhau đâu? Cũng những ngôi nhà ngập tận nóc, cũng những người dân khốn cùng phải leo lên mái nhà, chìa bàn tay để đón lấy mấy thùng mì tôm, chai nước, cái bánh trong khi nhà cửa, của cải của họ đã trôi theo dòng nước lũ… Và đau hơn cả là những cái chết tập thể đau thương vì lũ cuốn, vì lở đất, vì những đồi trọc bị xói mòn đổ ụp xuống chôn vùi bao nhiêu mạng người.

Và tình trạng này chắc chắn vẫn còn tiếp diễn, thậm chí còn dữ dội hơn với tình trạng biến đổi khí hậu tàn khốc đang diễn ra, nếu không tìm ra một giải pháp bền vững và an toàn cho người dân.

Xem dữ liệu do Google cung cấp và phần mềm biên tập video của Google Earth mới thấy những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn trải dài từ Huế ra Quảng Trị, Quảng Bình bị tàn phá như thế nào. Những cái đồi trọc trơ khấc này, chỉ cần gặp một trận mưa lũ lớn như vừa qua là dễ dàng đổ ụp xuống ngay. Hai cái thảm họa xảy ra ở Rào Trăng 3 (Huế) và Hướng Hóa (Quảng Trị) là những ví dụ đau lòng nhất.



Phá rừng thì cũng đã phá mất rồi. Giờ đổ tội hay chửi bới cũng không giải quyết được gì nữa khi bao mạng người vẫn tiếp tục bị chôn vùi.

Trong những bộ phim tài liệu tuyệt hay của BBC như Planet Earth I, II; Seven Worlds One Planet hay mới đây nhất là David Attenborough: A Life on Our Planet… điều tôi thích nhất là tính giải pháp của chúng. Cho dù đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy con người đã tàn phá hành tinh như thế nào, những nhà làm phim tài liệu này, qua giọng dẫn chuyện của sir David Attenborough cuối cùng cũng tìm đến những giải pháp tích cực nhất, tìm đến những con người nhỏ bé âm thầm làm những điều đẹp đẽ nhất để hàn gắn một phần nào đó những vết thương của Mẹ Trái đất do chính đồng loại tham lam và vô cảm của họ gây ra.

Và đây là một ví dụ khác.

Trong bộ phim tài liệu chân dung từng tranh giải tại LHP Cannes và được đề cử giải Oscar THE SALT OF THE EARTH (2014) kể về cuộc đời và sự nghiệp hơn 40 năm cầm máy ảnh của nhà báo, nhiếp ảnh gia xuất chúng Sebastião Salgado, người đã từng đặt chân đến 6 châu lục, hơn 100 quốc gia để ghi lại hàng vạn bức ảnh đáng giá về nỗi thống khổ của con người trên Trái đất – điều tôi ấn tượng nhất ở bộ phim này chính là phần cuối của bộ phim: hành trình chữa lành trái tim đầy thương tổn của ông.


Sebastião Salgado đã chứng kiến tận mắt những cuộc xung đột chính trị, sắc tộc, chiến tranh liên miên ở vùng Balkans, nạn chết đói, tị nạn và di cư ở Sudan, Ethiopia, Rwanda, những bộ lạc thổ dân mất đất sống ở Indonesia, hàng ngàn người đàn ông lao động như khổ sai ở hầm mỏ khai thác vàng lộ thiên ở Brazil và hàng ngàn thân phận bi thảm khác trên Trái đất này.

Những thảm kịch đó gây cho ông một sự chấn thương tinh thần lớn, khiến ông rơi vào trầm cảm vì cảm thấy bất lực. Là một người dành 2/3 cuộc đời để đi đến từng nơi hiểm hóc khắp thế giới, thế nhưng bước vào tuổi 60, ông quyết định trở về vùng đất quê hương ông ở một vùng quê hẻo lánh tại Brazil để tìm cách chữa lành vết thương tinh thần. Tại đó, ông kinh hoàng phát hiện ra khu rừng nhiệt đới tươi tốt mà cha mẹ ông từng sinh sống đã bị phá hủy hoàn toàn bởi nạn phá rừng.

Nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado

Chuyện phá rừng không còn xa lạ ở Brazil quê hương ông. Ở Amazon, có khoảng 17% diện tích rừng đã bị biến mất trong 50 năm qua, phần lớn là do người dân chuyển đổi đất rừng để chăn nuôi gia súc. Nạn phá rừng ở ở Brazil còn lan rộng đến các khu vực đông dân cư, đường sá và sông ngòi, thậm chí ngay cả những khu vực hẻo lánh cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Đứng trước quả đồi trọc bị tàn phá nghiêm trọng ở quê hương ông, nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado và người vợ của mình đã lên kế hoạch hành động. Họ thành lập một tổ chức nhỏ có tên là Instituto Terra. Tổ chức này đã tìm cách để mang lại sự sống cho khu đồi trọc bằng cách lên kế hoạch trồng 4 triệu cây non. Sebastião Salgado nói rằng, “có một sinh vật duy nhất có thể chuyển từ CO2 thành oxy, đó là cây xanh. Vì thế chúng tôi phải trồng lại rừng”.

Họ bắt đầu thực hiện dự án trồng rừng từ năm 2001. Và bây giờ, sau gần 20 năm, 600 ha đất đồi trọc cằn cỗi trước đây đã trở thành một khu rừng lớn với hơn 2 triệu cây với 293 loài sinh vật khác nhau. Các con suối trước đây khô cạn giờ bắt đầu chảy luồn lách trong khu rừng và mang lại nguồn nước cho cây. Và khi khu rừng đa dạng được khôi phục trở lại, động vật hoang dã cũng bắt đầu tìm về. Họ đếm được 172 loài chim, 33 loài động vật có vú, 15 loài lưỡng cư và bò sát đã trở về thiên đường xanh mới được phục hồi chưa lâu.


Khu rừng tươi tốt đó của Sebastião Salgado giờ đây được coi là Khu bảo tồn Di sản Thiên nhiên Tư nhân.

Theo National Forest Foundation, việc tái trồng rừng được xem là vô cùng có lợi cho môi trường và đất đai. Tái tạo diện tích đất bị tàn phá đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nước tự nhiên tốt hơn, các loài động thực vật có khả năng phục hồi tốt hơn, chất lượng không khí được cải thiện và thậm chí có nhiều lựa chọn giải trí ngoài trời hơn cho người dân địa phương.

Sebastião Salgado cho biết, trong vô số lợi ích, những hiệu quả tích cực nhất có thể nhìn thấy được từ việc trồng rừng của ông là:

+ Ngăn chặn nạn xói mòn đất đai gây nguy cơ lở đất.

+ Tám con suối đã quay trở lại và cung cấp nguồn nước dồi dào. Chúng chảy ngay cả trong thời kỳ hạn hạn nặng nề nhất.

+ 172 loài chim đã quay trở lại, 6 loài trong số đó hiện có nguy cơ tuyệt chủng. 33 loài động vật có vú đã quay trở lại, trong đó có hai loài đang bị tổn thương và sắp tuyệt chủng trên toàn thế giới. 293 loài thực vật đã trở lại. 15 loài bò sát đã trở lại. 15 loài lưỡng cư đã trở lại.

Sau 20 năm, từ một vết thương nội tâm tưởng khó chữa lành, Sebastião Salgado đã thực hiện một chuyến hành trình không tưởng để kết nối với thiên nhiên. Nó không chỉ chữa lành cho thế giới nội tâm của ông, mà nó còn chữa lành cho vùng đất quê hương ông.

Còn chúng ta, qua 2 cơn lũ lịch sử cách nhau 21 năm, vẫn chỉ thấy hàng chục hàng trăm ngàn ngôi nhà ngập tận nóc, bao của cải của người dân trôi theo dòng nước, bao mạng người bị cuốn trôi bởi lũ dữ hoặc chôn vùi dưới những quả trồi trọc bị xói mòn.

Và chúng ta còn phải đợi đến bao giờ nữa?

Lê Hồng Lâm
Link tham khảo:
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54733805


Friday, October 30, 2020

NGƯỜI XIN CẦN CÂU KHÔNG LẤY CÁ, NGƯỜI XIN CÁ KHÔNG LẤY CẦN CÂU, VÌ SAO CẢ HAI CÙNG CHẾT?

Muốn giúp đỡ người khác, hãy cho họ cần câu chứ không nên cho con cá. Vậy nhưng đôi khi, dù cho đi cả cần câu lẫn cá, chúng ta vẫn không giúp được họ. Tại sao lại như vậy?


1. Sống sót

Trước đây, có hai kẻ nghèo đói nhận được ân phước từ một trưởng lão: Đó là một cần câu và một giỏ cá lớn đầy những con cá tươi ngon.

Trong đó, có một người muốn giỏ cá và một người muốn chiếc cần câu, sau đó hai người đó đường ai người nấy đi.

Người nhận được giỏ cá đi kiếm củi nhóm bếp nấu cá, anh ta ăn như thuồng luồng, cá vẫn còn chưa chín dậy mùi thơm, trong nháy mắt anh ta đã húp hết cả nước canh. Không lâu sau, anh ta bị chết đói bên cạnh cái giỏ đựng cá trống rỗng.

Còn người đã xin cành câu kia tiếp tục chịu đựng cơn đói, kiên trì đi ra bờ biển. Đến lúc mà anh ta nhìn thấy màu xanh của biển cả ở một nơi không xa thì sức lực toàn thân đã cạn kiệt, anh ta chỉ có thể giương mắt nhìn dem theo niềm tiếc nuối vô hạn mà rời xa trần thế.

Lại có hai kẻ nghèo đói khác cũng nhận được một chiếc cần câu và một giỏ cá từ một vị tiên nhân. Nhưng hai người này không chia nhau mà quyết định cùng nhau ra biển kiếm tìm thức ăn.

Mỗi ngày họ chỉ ăn một con cá, vượt qua quãng đường bôn ba, cuối cùng họ cũng đến được biển.

Từ đó hai người bắt đầu bắt cá kiếm sống. Vài năm sau, bọn họ đã xây được nhà, có gia đình, con cái, thuyền cá của riêng mình và sống một cuộc đời an khang, hạnh phúc.

Đạo lý sinh tồn

Một người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, cuối cùng chỉ nhận được hạnh phúc ngắn ngủi, một người đặt mục tiêu xa vời, không phù hợp với hiện thực trước mắt cuối cùng cũng không thể đạt được mục tiêu.

Chỉ khi dung hòa giữa lý tưởng và hiện thực thì mới có thể trở thành người thành công. Có đôi khi, một đạo lý rất đơn giản nhưng lại đủ để trở thành thông điệp sâu sắc trong cuộc sống.

Tranh minh họa.

2. Gà tây muốn sống trên cây

Một con gà tây và một con trâu nói chuyện với nhau, gà tây nói: "Tôi ước gì có thể bay lên ngọn cây kia, nhưng tôi không có đủ dũng khí."

Trâu nói: "Tại sao bạn không ăn một ít phân của tôi, rất là có dinh dưỡng đó."

Nghe vậy, gà tây liền ăn một ít phân trâu, phát hiện ăn phân trâu quả thực có thể cung cấp đủ dinh dưỡng để nó có thể bay lên cành cây thứ nhất.

Ngày thứ hai, gà tây lại ăn nhiều phân trâu hơn và bay lên được cành cây thứ hai. Hai tuần sau, gà tây hãnh diện bay lên ngọn cây cao kia, nhưng không lâu sau, có một bác nông dân nhìn thấy gà tây liền bắn nó rơi từ ngọn cây xuống.

Đạo lý sinh tồn

Phân trâu có thể khiến bạn bay lên đến đỉnh cao nhưng không thể giữ bạn ở mãi nơi đó. Tương tự như vậy, người khác có thể đưa bạn lên đến đỉnh cao nhưng ở lại được đỉnh cao đó hay không thì phải tùy bản lĩnh của bạn.

Đừng chỉ chờ đợi hay dựa dẫm vào sức mạnh từ người khác, một khi bản thân bạn không hội tụ đủ điều kiện và khả năng đủ để ngồi vững ở một vị trí nào đó, chắc chắn sẽ có ngày bạn sẽ phải trả giá, có thể đó sẽ là một cú ngã rất đau hay thậm chí là mất mạng.

Hãy trở thành một con người khôn ngoan, chuẩn bị sẵn cho mình những điều kiện cần có, tận dụng thêm sự hỗ trợ từ người khác, chắc chắn bạn sẽ vươn tới và trụ vững trên những đỉnh cao mà mình khát khao.


3. Con thỏ muốn an nhàn

Con quạ đứng ở trên cành cao, cả ngày chẳng làm gì. Thỏ nhìn thấy thế, liền hỏi: "Tôi có thể giống bạn không, cả ngày không cần làm cái gì cả?"

Quạ liền đáp: "Đương nhiên, làm gì có gì là không thể chứ." Nghe vậy, thỏ liền bắt đầu ngồi xuống dưới gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng nhiên, có một con sói xuất hiện, nó nhảy lên vồ lấy thỏ và sau đó nuốt chửng nó.

Đạo lý sinh tồn

Nếu bạn muốn ngồi không mà chẳng làm gì cả, thì bạn bắt buộc phải đứng ở một vị trí cao, rất cao. Chỉ khi đó, mới không ai có thể "động" đến bạn. Mà để đứng được ở vị trí rất cao đó, bạn cần phải có năng lực và bản lĩnh hơn người.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

KHÁM PHÁ Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG CỦA CHUỒN CHUỒN TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Người Việt chúng ta chắc hẳn quá quen thuộc với câu ca dao “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, vậy còn trong các nền văn hóa khác trên thế giới thì loài côn trùng này có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!


Sự thật về chuồn chuồn

Chuồn chuồn là loài côn trùng tuyệt đẹp đã tồn tại hơn 300 triệu năm qua. Những con chuồn chuồn đầu tiên xuất hiện có kích thước lớn hơn rất nhiều so với loài chuồn chuồn ngày nay. Theo đó, hóa thạch của một con chuồn chuồn khổng lồ có đôi cánh dài khoảng 76cm từ kỷ Permi đã được tìm thấy ở bang Kansas, Mỹ.

Không giống như nhiều loài côn trùng khác, chuồn chuồn hoàn toàn vô hại. Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều câu chuyện thần thoại. Chúng còn được đặt nhiều biệt danh vì tính lẩn tránh, đôi cánh xinh đẹp và kiểu bay thất thường của nó. Một số biệt hiệu độc đáo dành cho loài vật này:

  • Cây kim mạng của ác quỷ (Devil’s Darning Needle): Vì người ta cho rằng chuồn chuồn sẽ khâu miệng những đứa trẻ xấu tính khi chúng ngủ.
  • Bác sĩ rắn (Snake Doctor): Chuồn chuồn được xem là loài vật bảo hộ rắn, sẽ giúp lũ rắn khâu vết thương hoặc giúp chúng hồi sinh.
  • Đầy tớ của rắn (Addant’s Servant): Tên gọi này có nguồn gốc từ cái tên “gwas-y-neidr” trong tiếng Wales vì mối liên hệ của chuồn chuồn và rắn.
  • Øyenstikker: Tên chuồn chuồn trong tiếng Na Uy, có nghĩa là Mắt Xì Phé.

Mặc dù đa số các câu chuyện thần thoại kể về loài vật này đều mang ý nghĩa tiêu cực, nhưng nó lại là loài côn trùng có ích cho con người. Do đó, ở Nhật Bản chuồn chuồn rất được tôn kính và nó cũng chính là biểu tượng văn hóa quốc gia của đất nước Mặt Trời mọc.

ở Nhật Bản loài vật này rất được tôn kính

Chuồn chuồn (Odonata) là một bộ côn trùng có hơn 5.000 loài khác nhau trên thế giới. Đồng thời, chuồn chuồn cũng là một trong những loài côn trùng bay nhanh nhất trên thế giới, một loài ở Australia có tốc độ bay đạt đến 578km/giờ.

Mắt của những con chuồn chuồn được cấu tạo bởi nhiều vật kính nhỏ ghép lại với nhau, gọi là mắt kép. Nhờ vậy mà chúng có thể quan sát thế giới xung quanh với 360 độ. Nhưng chúng lại không có tầm nhìn rõ ràng như con nhiều và nhiều loài động vật khác. Tuy nhiên, đổi lại chúng có thể nhìn thấy ánh sáng cực tím và tia phân cực, cho phép chúng điều hướng dễ dàng hơn.

Màu sắc đẹp mắt của cánh chuồn chuồn

Mỗi mắt của chúng được tạo nên từ 30.000 đơn vị thị giác được gọi là ommatidia, mỗi đơn vị này chứa đựng một thủy tinh thể và hàng loạt các tế bào nhạy cảm ánh sáng. Nếu con người có thể nhìn thấy màu sắc kết hợp giữa xanh dương, đỏ, xanh lá thì chúng lại có thể cảm nhận đến 33 loại khác nhau cùng với sự nhạy cảm ánh sáng ở mức cao. Cùng với đó, mỗi ommatidia hấp thụ một màu sắc ánh sáng có quang phổ, bước sóng khác nhau nên chúng có thể “thưởng thức” tới 10 triệu màu sắc.


Không chỉ vậy, chuồn chuồn còn có 3 con mắt nhỏ hơn được gọi là ocelli, có khả năng phát hiện chuyển động nhanh hơn so với cặp mắt kép to lớn. Những ocelli này nhanh chóng gửi thông tin trực quan tới các trung tâm dây thần kinh vận động của chúng, cho phép chúng phản ứng trong một phần nhỏ của một giây. Mặc dù chuồn chuồn không phải là loài côn trùng duy nhất sở hữu mắt ocelli (một số loài ong bắp cày và ruồi cũng có đặc điểm này) nhưng chúng sở hữu những con mắt phụ phát triển nhất.

Bởi đôi mắt to của chuồn chuồn có khả năng cảm nhận được những chuyển động nhanh, nên mắt chuồn chuồn sẽ có hai điểm mù. Do đó nếu như bạn muốn đến gần con chuồn chuồn để quan sát kỹ hơn hoặc chụp hình nó, bạn hãy tiếp cận từ phía dưới hoặc phía sau. Nó sẽ không bao giờ trông thấy bạn ở hai vị trí này.

Vẻ đẹp của chuồn chuồn

Ngoài ra, khả năng di chuyển của chuồn chuồn là nhờ vào đôi cánh óng ánh rất đẹp mắt, có thể vẫy 30 lần/giây. Mặc dù tốc độ này không quá nhanh, nhưng bù lại chúng là loài có sức mạnh lớn nhất trong thế giới côn trùng. Đôi cánh của chúng đủ mạnh để cho phép chúng bay lượn ngay cả trong những cơn gió mạnh nhất.

Loài vật này mang một số đặc tính kỳ diệu. (Ảnh từ blogspot)

Ngoài chuyển động đơn giản lên và xuống, những đôi cánh cũng có thể giúp chúng di chuyển về phía trước và sau, hoặc cũng có thể xoay ở nhiều góc độ. Những hoạt động phức tạp này giúp côn trùng đạt được nâng, giảm lực kéo, và thực hiện các động tác nhào lộn.

Chuồn chuồn có thể làm được điều này là vì cánh của chúng có cơ chế bay trực tiếp, tức là chúng sử dụng các cơ trên cánh để làm cánh vận động, từ đó nâng cơ thể nó lên khỏi mặt đất. Trên mỗi cánh có một bộ cơ chính nằm tại điểm gốc (nơi cánh nối liền với cơ thể) và một bộ cơ nằm ngoài cánh. Bộ cơ chính hoạt động đầu tiên, nó làm cánh di chuyển lên, bộ thứ hai tạo ra cú đập cánh xuống. 2 bộ cơ hoạt động song song xen kẽ với nhau tạo ra hành động đập cánh lên xuống cho côn trùng.

Một trong những điều thú vị là đôi cánh của chúng di chuyển không phụ thuộc vào nhau trong suốt chuyến bay, khi cánh trước đập lên thì cánh sau đập xuống. Trong đoạn video dưới đây, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt mà chúng ta vừa nói ở trên khi quan sát con chuồn chuồn hổ phách miền Đông (Eastern Amber Wing).

Biểu tượng của chuồn chuồn

Giống như rồng, chuồn chuồn đã trở thành loài vật bất tử trong nhiều câu chuyện thần thoại trên toàn thế giới. Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra tên tiếng Anh của loài vật này (dragonfly) cũng được bắt nguồn từ rồng (dragon).

Dragonfly. (Ảnh từ doowans)

Người Mỹ bản địa tin rằng loài côn trùng này thực sự là một con rồng. Đó là con rồng bị sói đánh lừa biến thành một con chuồn chuồn. Trong thân thể của một con côn trùng nhỏ bé, nó sẽ không thể nào trở lại hình dạng ban đầu của mình được.

Ngoài ra, đối với người Mỹ bản địa loài vật là biểu tượng của sự nhanh nhẹn, ảo tưởng và cả sự thay đổi. Đây chính là ba đặc điểm chung của loài chuồn chuồn được biết đến trên toàn thế giới. Những con côn trùng xinh đẹp này cũng được xem là thế lực tà ác trong nhiều nền văn hóa. Trong đó, biệt danh “cây kim mạng của ác quỷ” có nguồn gốc từ một huyền thoại kể rằng: Chuồn chuồn sẽ tìm kiếm những đứa trẻ xấu xa và khâu miệng của nó khi đứa trẻ đang ngủ.

Riêng biệt danh “bác sĩ rắn” xuất phát từ truyền thuyết chuồn chuồn sẽ đi theo rắn để khâu vá vết thương, hoặc giúp những con rắn hồi sinh.

Ngoài ra, trong nhiều nền văn hóa khác, chuồn chuồn đại diện cho vẻ đẹp và sự kiều diễm, nên nó thường được sử dụng trong nghệ thuật và thơ ca. Khi này, chuồn chuồn được đặt một số biệt danh khác như “gáo nước” ở Anh, “pha lê cổ” ở Trung Quốc. Riêng người Celtic gọi chuồn chuồn là “cây kim lớn có cánh”, vì hình dáng cơ thể của nó trông giống như một cây kim.

Chuồn chuồn có mang đến may mắn không?

Mặc dù chuồn chuồn mang ý nghĩa tiêu cực trong nhiều nền văn hóa, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn quy chụp là nó mang điềm xấu. Bởi ở một số nền văn hóa khác, chúng từng được xem là dấu hiệu may mắn cho ngư dân. Cụ thể, ở những nơi có chuồn chuồn bay lượn sẽ có rất nhiều cá để đánh bắt, hoặc nếu nó bay cao quá đầu ngư dân thì đây sẽ được xem là một điềm báo may mắn.

Chuồn Chuồn có đem lại Sự may mắn ?

Trong lịch sử, biểu tượng của chuồn chuồn còn được sử dụng để ám chỉ tình yêu đôi lứa và người ta cho rằng nó là loài vật mang đến sự may mắn. Ngày nay, loài vật này được mọi người sử dụng như là thứ có thể giúp họ buông bỏ quá khứ, thay đổi cuộc sống và khám phá những giấc mơ.

Ý nghĩa của chuồn chuồn

Tương tự như loài bướm, loài vật này được nhiều nền văn hóa xem như loài vật mang nhiều đặc tính huyền diệu. Điều này là do vòng đời sinh trưởng của chúng và một phần còn là vì sự biến đổi màu sắc của cả con đực và con cái khi chúng già đi.

Cụ thể hơn, chuồn chuồn mang một số đặc tính kỳ diệu như:

  • Vòng đời
  • Linh hồn
  • Sự biến đổi và tái sinh
  • Cảm xúc
  • Tính siêu việt
  • Sự biến đổi

Ngoài ra, chuồn chuồn cũng liên quan đến khả năng thích nghi hoặc khả năng “trôi theo dòng chảy”. Người ta tin rằng chuồn chuồn có thể di chuyển nhịp nhàng theo nhiều chiều khác nhau. Nó chính là sứ giả của những giấc mơ và ảo mộng. Loài vật này còn được cho là có sự liên kết với các nàng tiên, linh hồn thiên nhiên và các vương quốc của những sinh vật huyền bí khác.

Chuồn Chuồn có đem lại Sự may mắn ?

Chưa hết, loài vật này còn được xem là một điềm báo. Theo đó, nếu một con chuồn chuồn rơi vào tay bạn, nó được xem là điều may mắn. Nhưng nếu bạn trông thấy chúng trong những giấc mơ, hoặc đột nhiên nó xuất hiện trong cuộc sống của bạn, thì đó là một dấu hiệu cảnh báo bạn cần phải thận trọng. Nó có thể là một thứ gì đó trong cuộc sống của bạn đang bị mất kiểm soát, hoặc bí mật nào đó của bạn có nguy cơ bị tiết lộ.

Tú Văn, theo owlcation


SINH RA NHƯ THẾ NÀO KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG LÀ LỚN LÊN NHƯ THẾ NÀO

Một danh nhân từng viết: “Giáo dục mà không có tình thương, cũng như hồ mà không có nước”. Hay có câu khác tương tự: “Giáo dục chính là yêu thương, giống như mãi ở nơi đó đốt đèn, giữ cửa chờ đợi săn sóc.”

Sinh ra như thế nào không quan trọng, quan trọng là lớn lên như thế nào. Ảnh: Internet

Một đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình giàu sang, cha mẹ đứa trẻ chắc chắn không để con phải sống cực khổ như một đứa trẻ nhà nghèo, bữa đói bữa no. Còn một đứa bé sinh ra trong gia đình nghèo khó, cha mẹ đứa trẻ đương nhiên cũng không thể cho con một cuộc sống sung túc như con nhà giàu mà phải trải qua một cuộc sống thiếu thốn về vật chất.

Trên thực tế, chỉ cần lật lại lịch sử, chúng ta có thể thấy thành công của những danh nhân thế giới hay những nhân vật vĩ đại không quyết định ở hoàn cảnh sống mà là ở cách giáo dục. Sách giáo dục của Gia Cát Lượng từng viết:

“Tĩnh mà tu thân, kiệm để dưỡng đức, nếu không sống đạm bạc thì không thể có ý chí sáng suốt, nếu tâm không tĩnh lặng thì không thể đạt được những gì cao xa. Người quân tử khi học là phải tĩnh lặng, rồi mới có trí tuệ thực sự để học hỏi, không học thì không có tài năng rộng lớn, không có chí hướng thì cũng không thể thành tài được.”

Trong sách có nhắc đến một từ “kiệm”, có thể nói tiết kiệm là phẩm chất luôn có của một con người, không phân biệt gái trai,người giàu kẻ nghèo. Giáo dục là khi còn nhỏ, nhất định phải sáng tỏ bản chất của “thị” và “phi”, phải hiểu được những sự vật sự việc cơ bản. Giáo dục là phẩm cách tu dưỡng tốt đẹp trong con người được thể hiện ở vẻ đẹp nho nhã dung hòa bên ngoài, làm cho con người trở nên “hữu xạ tự nhiên hương”.

Do đó, khi được hưởng một nền giáo dục tốt, họ sẽ có được chuẩn mực tốt đẹp. Khi đạt được thành công thì không tỏ thái độ đắc ý kiêu ngạo. Khi thất bại thì không làm mất ý chí. Có chức có quyền vẫn giữ được lương tri và lòng trắc ẩn. Khi mắc sai lầm nhất định sẽ tự mình kiểm điểm chứ không trách người, chối bỏ trách nhiệm.

Giáo dục không chỉ phụ thuộc vào điều kiện sống tốt hay kém, mà gia đình và nhà trường phải tặng cho con một món quà vô giá. Đó chính là thắp lên ngọn đèn tri thức cho tâm hồn trẻ thơ sáng tạo thế giới.

Sinh ra trong một gia đình thiếu thốn nhưng có giáo dục, con cái sẽ ý thức được làm thế nào để thực hiện và phát huy được bản thân. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện và giáo dục tốt, con cái sẽ biết được làm thế nào để phát triển được ưu thế của bản thân trong tương lai.

Vì vậy, giáo dục là linh hồn của việc nuôi dưỡng, là cơ sở thành người và là hệ thống công trình phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần của con trẻ.

Giáo dục con trẻ là một bộ môn khoa học và không phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng. Giáo dục con trẻ là tri thức và cũng là sự thử thách trong cách dạy con của bản thân các bậc phụ huynh.

Theo SKCĐ

MỘT TIÊN CHẤP HAI TINH

Ảnh: Youtube

Ngọc hoàng nhận được đơn kiện của dân miền Trung nước Việt, tức tốc cho vời Sơn tinh:

- Ông làm ăn thế nào mà để tai họa liên tiếp đổ lên đầu dân đen, đồi lở núi trượt gây bao tang tóc cho nhân gian!?

Sơn tinh gãi đầu:

- Thưa, oan có đầu nợ có chủ, nguồn cơn đâu phải tại Sơn tinh này! Nếu không có mưa lũ triền miên thì làm sao lở đất, nên chuyện này phải hỏi Thủy tinh!

Thủy tinh được gọi đến, cũng gãi đầu gãi tai:

- Sơn tinh hồ đồ rồi, hàng ngàn năm qua ta gây mưa lũ cũng chỉ là làm theo lệnh Ngọc đế, nay vì thủy điện miền Trung nước Việt quá dày đặc nên hậu quả thiên tai ngày càng nặng nề. Có những đoạn sông chỉ 60 cây số mà đến 5-6 nhà máy thủy điện; cứ tính bình quân mỗi MW công suất dự án thủy điện phải phá một hecta rừng để làm hồ, thì liệu còn lại bao nhiêu cây rừng giữ cho đất khỏi lở? Cho nên phải bắt thằng... Thủy điện ra chịu tội!

Ngọc đế ngơ ngác không biết Thủy điện là đứa nào để triệu tập. Sau khi gãi đầu đến rụng tóc, Ngọc đế phán:

- Thôi, để ta trả lời dân là lỗi không phải do Sơn tinh, Thủy tinh hay Thủy điện chi cả mà do... “biến đổi khí hậu” là xong!
 
Ảnh: Official

Nói xong, Ngọc hoàng lẩm bẩm:

- Cũng may còn một Thủy khác giúp dân tình phần nào đỡ khổ...

Dù Ngọc hoàng nói nhỏ nhưng Sơn tinh, Thủy tinh vẫn nghe được, đồng thanh hỏi lại:

- Thủy nào nữa ạ?

- À, là cô ca sĩ Thủy Tiên đó mà!

Người Già Chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online

Thursday, October 29, 2020

NGỐC MỘT CHÚT MỚI LÀ HẠNH PHÚC, THÔNG MINH QUÁ CHỈ MỆT MỎI THÂN MÌNH

Làm người, khờ khạo một chút sẽ hạnh phúc, sống quá thông minh sẽ mệt mỏi. Nghĩ quá nhiều, tâm trạng dễ phiền muộn; quan tâm quá nhiều, dễ mẫn cảm đa nghi; bận tâm quá nhiều, dễ nghĩ đến được mất.


Làm người, ngốc nghếch một chút, thì có thể thản nhiên đối đãi sự tình. Có câu rằng: “Kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc”, khờ khạo một chút, cũng không phải thể hiện rằng chỉ số thông minh thấp, hoặc là người chậm hiểu, mà là đối với nhân sinh có một phần thấu hiểu, một phần thản nhiên.

Cơ hội tới, thì gắng sức tranh thủ làm cho thật tốt. Đối với những thứ không thể đạt được, thì có thể mỉm cười bỏ qua; tình cảm không thể với tới được, thì cũng có thể buông bỏ nhẹ nhàng.

Những người ngốc nghếch như vậy, lòng dạ sẽ càng rộng rãi, cũng dễ dàng thỏa mãn, tâm tình khoái hoạt. Làm người, ngốc nghếch một chút, không đi so đo thì cuộc sống càng tự tại.

Làm người, ngốc nghếch một chút thực ra vẫn tốt hơn, quá tính toán sẽ mệt chính mình


Với người tham món lợi nhỏ, kẻ ‘ngốc’ cũng không ngại mà nhượng lại họ vài phần.

Với người ham sĩ diện bề ngoài, cũng không ngại mà khen ngợi họ vài câu.

Với những người thích a dua nịnh hót, thì yên lặng rời xa, không để ý tới nữa.

Không phải là nhìn không thấu, mà là không nói ra.

Không phải không cảm thấy tổn thương, mà là mặc kệ.

Kẻ ngốc nghếch, thông thường lại có thể hiểu được bao dung và cảm ân.

Làm người, ngốc một chút, sẽ không bao giờ thiệt thòi

Hạnh phúc kỳ thực rất đơn giản, chỉ cần hiểu được khi nào nên tiến, nên thoái.

Có những người nhìn không thuận mắt, thì không để ý tới nữa.

Có chút lý lẽ nói không rõ ràng, thì thôi không giải thích nữa.

Có chút tư tưởng nghĩ không thông, thì thôi không cần vướng bận.

Không tranh giành là một loại trí tuệ, cũng là một loại từ bi, buông tha chính mình, cũng buông tha người khác. Làm người, ngốc một chút, kỳ thực cũng không có chút gì là thiệt thòi.
Không yêu cầu quá nhiều đối với thân nhân, thì gia đình sẽ hòa thuận.
Không tranh chấp quá nhiều với người yêu, thì tình cảm mới bền lâu hạnh phúc.
Không cùng bạn bè tính toán chi li, thì tình bạn càng thêm vững chắc.
Làm người ngốc một chút, học cách khiến cuộc sống của mình trở nên vui vẻ, không nóng vội mưu cầu, không so đo quá nhiều.

Xưa nay có bao nhiêu người thông minh quá lại bị thông minh hại? Từ nay trở đi, làm một người khờ khạo, không để những sự tình thế tục làm phiền lòng, như vậy mới có thể bình thản giữa cuộc đời, mới đạt được cảnh giới thong dong tự tại.

Nguồn: Tinhhoa


NHỮNG LẦM TƯỞNG TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC TRUNG QUỐC


Xuyên suốt chiều dài 5000 năm lịch sử, dưới ảnh hưởng của nhiều vùng văn hóa khác nhau, Trung Quốc sở hữu nền ẩm thực đặc sắc hơn thảy với sự kết hợp tinh tế giữa hương, sắc, vị, thị. Chính sự đa dạng của nó đã dẫn đến nhiều lầm tưởng trong văn hóa ăn uống của đất nước này.


Cầu kỳ về hình thức


Sự du nhập từ văn hóa phương Tây đã tạo nên nét cầu kỳ trong bài trí món ăn ở Trung Quốc. Không chỉ quan tâm đến hương và vị, các đầu bếp để mắt hơn đến “thị giác” món ăn, họ mong muốn gây ấn tượng với thực khách ngay từ vẻ ngoài bắt mắt của món ăn. Nhưng thực chất, người Trung Quốc ban đầu không quá đặt nặng việc bài trí cũng như hình thức món ăn và thậm chí có xu hướng đơn giản hóa. Họ thường đựng thức ăn vào một tô hoặc đĩa lớn rồi rắc thêm vài đoạn hành nhấn nhá bên trên. Món ăn càng đắt tiền là món ăn phải đạt đủ độ ngon về mùi vị, bỏ qua hình thức bề ngoài. Đặc biệt, họ cũng thích dùng các dụng cụ ăn uống đơn giản và gần như chỉ sử dụng đũa gắp trong hầu hết bữa ăn.

Người Trung Quốc thích ăn cơm

Dù gạo được xem là lương thực chính yếu của Trung Quốc và giữ vị trí lớn trong các bữa ăn mà chúng ta thường gọi là cơm nhưng thực chất người Hoa lại dành tình yêu lớn hơn cho bột mì - thứ nguyên liệu làm ra các món mì sợi, bánh bao và sủi cảo trứ danh.

Mì kéo được xem là một nghệ thuật ẩm thực đặc trưng bậc nhất của người Hoa. Theo quan niệm, sợi mì kéo càng dài càng thể hiện cuộc sống trường thọ. Mì thường được ăn kèm cùng nước súp hầm từ xương và rau củ hay trộn với thịt cùng nước sốt, hoặc đôi khi dùng với nước sốt để riêng. Một bát mì thơm phức, nước dùng bắt mắt, bỏ thêm một chút vị cay là thứ điểm tâm không thể chối từ bởi bất kỳ người Trung Quốc nào.


Bên cạnh mì kéo, người dân Trung Quốc còn dùng bột mì để gói bánh bao kèm theo nhân thịt cùng các loại rau hoặc màn thầu không nhân. Mẻ bánh nghi ngút khói đầy hấp dẫn trở thành thứ không thể thiếu trong nền ẩm thực xứ Trung Hoa. Họ ăn bánh bao vào bất cứ bữa nào trong ngày, có thể để lót bụng hoặc ăn như bữa chính.

Đã từng đến Trung Quốc hay chỉ đơn giản ngồi trước màn hình xem phim cũng dễ nhận thấy người Hoa rất thích dùng bánh chẻo (sủi cảo) thay cơm. Vỏ bột mì cán mỏng gói nhân rồi đem hấp hoặc thả vào nước dùng. Sủi cảo mang ý nghĩa đoàn viên, sung túc trong văn hóa của Trung Hoa.

Ăn nhiều những món chiên xào


Bánh quẩy, bánh kếp, cơm chiên dương châu, Chow Mein (mỳ xào), vịt quay… là những món nổi tiếng của Trung Quốc và khiến chúng ta nghĩ rằng đây là quốc gia của nền ẩm thực nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, Trung Quốc là cái nôi của đa trường phái ẩm thực, trừ vùng Quảng Đông thiên về các món chiên, rán phức tạp và cầu kỳ thì đa số các vùng còn lại đều có xu hướng thưởng những món thanh đạm và áp dụng các phương thức ninh, hầm, hấp là chính.

Ai cũng có thể ăn cay


“Cay” tuy là một trong năm hương vị chủ đạo (ngọt, cay, chua, mặn, đắng) của nền ẩm thực Trung Hoa nhưng không phải ai cũng có thể chịu được cảm giác tê cay nơi đầu lưỡi, hơi nồng xộc lên mũi và cái nóng râm ran nơi cuống họng. Chỉ có những vùng đặc trưng ở phía Tây và phía Nam Trung Quốc như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hồ Nam… mới “chuộng” sử dụng ớt trong các món ăn hàng ngày. Có lẽ hình ảnh của những nồi lẩu ngập ớt, những món xào rực sắc đỏ đã ghi vào đầu du khách về một đất nước ngập tràn vị cay.

Uống nhiều rượu bia


Được xếp hạng trong những quốc gia uống nhiều rượu nhất thế giới nhưng ít ai biết người Trung Quốc lại có sở thích dùng trà nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Trà trở thành thứ không thể thiếu trên bàn ăn, nó đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và đời sống ẩm thực của người dân Trung Hoa. Trà được dùng trong suốt bữa ăn nhằm cân bằng lại khẩu vị mỗi khi chuyển sang một món mới. Đặc biệt, thay vì mời rượu trong những buổi gặp mặt, người Trung Quốc thường dùng tiệc trà để tiếp đãi khách quý.

Văn hóa ẩm thực Trung Hoa còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón du khách đến khám phá. Hãy để tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism giúp du khách có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến thăm quốc gia rộng lớn này nhé!

Theo: Viet Viet Tourism

VÌ SAO CÁC BẬC THÁNH HIỀN THƯỜNG CÔ ĐỘC?

Câu nói nổi tiếng: “Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều cô độc” đã được lưu truyền trong một thời gian dài. Tuy nhiên, có mấy ai hiểu được ý vị chân thực của sự cô độc đó?

Vì sao các bậc thánh hiền tự cổ chí kim đều “tịch mịch”? Ấy là bởi họ đã coi nhẹ mọi sự trên thế gian, lánh xa cõi hồng trần ô trọc để tâm thái tĩnh lặng tựa mặt hồ. (Ảnh qua ĐKN)

Trong cuốn “Tiểu song u ký” có câu đối rằng: “Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc; Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”, nghĩa là: ‘Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn; Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan’.

Câu đối này đã nói lên cảnh giới siêu phàm thoát tục của các bậc cao nhân: Nếu có thể xem vinh nhục cũng nhẹ nhàng như đóa hoa sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm được bình lặng.

Và nếu có thể xem công danh lợi lộc đến rồi đi cũng thất thường như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ nội tâm được vô vi thanh tịnh. Do đó, được mà không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh mà không kinh động, nhục cũng không bận lòng.

Lý Bạch, người được coi là bậc “thi tiên” đắc Đạo, từng để lại hai câu thơ trong bài “Thương tiến tửu” như sau: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch; Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Tạm dịch: ‘Thánh hiền xưa nay đều tịch mịch; Chỉ phường thánh rượu mới lưu danh’.

Vì sao các bậc thánh hiền tự cổ chí kim đều “tịch mịch”? Ấy là bởi họ đã coi nhẹ mọi sự trên thế gian, lánh xa cõi hồng trần ô trọc để tâm thái tĩnh lặng tựa mặt hồ.

Danh, lợi và tình rất dễ khiến con người ta bị sa ngã. Nhưng những bậc Thánh nhân sẽ không lạc vào trong những vùng vẫy bất tận này. Trong dòng chảy cuộc đời, họ vẫn giữ được sự liêm chính và không chấp nhận hạ thấp bản thân mình, vậy nên thỉnh thoảng khó tránh sự đơn độc.

Trong quá khứ, Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi quay mặt vào vách đá hết 9 năm trước khi ông khai ngộ. Những vị Giác Giả như thế sẽ không bị ảnh hưởng bởi những ảo tưởng trong thế giới con người; cũng sẽ không chạy theo những sở thích tầm thường hay những vui sướng nhất thời. Họ là những người quyết tâm theo đuổi ý nghĩa chân chính của cuộc đời.

Mọi thứ trong thế gian này chỉ là tạm bợ, không trường tồn. Do đó, bậc trí giả không bao giờ coi hạnh phúc, đau khổ, được và mất là quan trọng. Họ hiểu rằng “vạn sự vạn vật đều có nhân duyên”. Tuy nhiên, vì họ có những cách nhìn khác biệt về mọi sự trên thế gian, trong con mắt của người thường, những bậc trí giả này dường như thật khác thường và cô đơn.

Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi quay mặt vào vách đá hết 9 năm trước khi ông khai ngộ. (Ảnh: Kknews) 

Dưới con mắt của các bậc trí giả, mọi thứ trong thế gian con người đều có nhân duyên. Do vậy, họ không vui mừng hay ưu phiền về những thứ này. Họ tĩnh như nước vậy. Mặc dù vậy, họ vẫn có công việc trong xã hội, gia đình và bạn bè, nhưng tâm của họ đã vượt ra khỏi thế giới trần tục. Họ có hiếu với cha mẹ, nghĩa hiệp với bạn bè, cung kính với người thân, và làm tốt công việc của họ.

Chúng ta thường nói rằng “mỗi người đều có chí hướng khác nhau” hay “mỗi người đều có số phận khác nhau” – về cơ bản, chính là có cách sống khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi rất khó cho người thường hiểu được cách tư duy như vậy. Một số người đã ngộ ra được điều gì đó huy hoàng và vĩnh hằng hơn là những thứ của người thường. Ngộ ra được chân lý vĩ đại hơn, họ thấy rằng mọi chúng sinh đều đang đau khổ, và từ đó phát sinh lòng từ bi với chúng sinh.

Lão Tử có câu: “Thượng thiện nhược thủy”, ý rằng cảnh giới cao nhất của cái thiện cũng giống như nước vậy. Chỉ có những bậc cao nhân khi đã thấu hiểu mọi sự trên đời, minh tỏ mọi lẽ thế gian mới có thể điềm nhiên mà đối mặt với tất cả.

Trung Quốc cổ xưa có rất nhiều bậc cao nhân như thế. Ví như Đào Tiềm trồng hoa cúc và hoa sen. Lý Bạch uống rượu và thưởng thức ánh trăng. Tô Thức chợp mắt trên chiếc giường mây.

Còn ở Việt Nam, Nguyễn Trãi lui về ở ẩn, làm bạn với thiên nhiên: “Láng giềng một áng mây bạc, Khách khứa hai ngàn núi xanh”. Nguyễn Bỉnh Khiêm lánh đời, xa rời nơi thế sự: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn, người đến chốn lao xao”

Thế gian náo nhiệt, cuộc sống tưng bừng, hết thảy mọi vật đều lôi cuốn con người ta vào cái vòng xoáy bất tận mà không thể nào thoát ra được.

Trăm năm trôi qua trong nháy mắt, đến khi mọi sự qua đi rồi con người ta mới nhận ra rằng tâm hồn mình đã bị che mờ bởi bụi hồng trần, bị chất nặng bởi những cám dỗ trong thế giới vật chất này.

Trong sự hỗn loạn ấy, chỉ có tâm tĩnh lặng của các bậc thánh nhân mới có thể vượt lên cái si mê cuồng dại của con người thế gian.

Tuệ Tâm (t/h)

PARKIA SPECIOSA - LOAI ĐẬU THÁCH THỨC TÂM LÝ NGƯỜI ĂN

Được công nhận là món ăn ngon nhưng Parkia Speciosa cũng là loại đậu hôi nhất với nhiều thực khách lần đầu nếm thử.


Parkia Speciosa là một loại đậu hạt to với rất nhiều tên gọi đi kèm như bitter bean, stink bean, petai, peteh, sataw… Đây là loại đậu rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.


Tại các nước du lịch Đông Nam Á, khách du lịch sẽ thường xuyên bắt gặp đậu Parkia Speciosa được bày bán trong các chợ truyền thống tại địa phương. Đậu Parkia Speciosa rất dễ nhận biết bởi nó kích cỡ to và thường được treo bán ngay trước quầy hàng khi đậu còn cả vỏ xanh.




Tùy theo văn hóa ẩm thực ở mỗi quốc gia mà món đậu Parkia Speciosa sẽ được chế biến theo các công thức khác nhau. Nếu chế biến loại đậu này theo công thức đơn giản nhất là nướng đậu trên lửa cho chín rồi tách lấy hạt thưởng thức.


Đậu Parkia Speciosa được dùng như nguyên liệu để xào nấu các món ăn hàng ngày. Điển hình trong đó là món đậu Parkia Speciosa xào tôm, thịt để ăn kèm cơm, hoặc cho đậu Parkia Speciosa vào nấu cùng các món cà ri kèm tỏi, ớt và đủ loại gia vị đậm đà.



Đậu Parkia Speciosa có hàm lượng axit amin cao và chứa nhiều hợp chất được công nhận là có tác dụng ổn định huyết áp, giảm căng thẳng, hạn chế ợ nóng… Tuy nhiên, mặc dù đậu Parkia Speciosa được công nhận là món ăn ngon nhưng đặc điểm mà người dân địa phương ở đây khuyên bạn nên dè chừng là bởi món đậu này có mùi rất hăng nồng và khó ngửi.



Đối với những người chưa quen ăn thì khi cho món đậu này vào miệng nhai thử sẽ có cảm giác mùi hăng nồng xộc ngay lên mũi. Và một khi bạn đã nếm thử thì mùi hăng của đậu Parkia Speciosa sẽ theo bạn cả ngày, nhất là hơi thở khó chịu sẽ khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp.

Theo Doanhnhan+
Link tham khảo: