(Ảnh minh họa: Danish Hazimi Fahrurrazi từ Pixabay)
Học sinh của Zeno of Elea, một triết gia Hy Lạp cổ có lần thỉnh giáo ông: “Thưa thầy, tri thức của ngài nhiều hơn tri thức của con gấp bội. Ngài trả lời câu hỏi lại vô cùng chính xác, nhưng vì sao ngài thường nghi ngờ về câu trả lời của mình?”
Zeno of Elea tiện tay vẽ hai vòng tròn một to, một nhỏ lên bàn, và chỉ vào hai vòng tròn đó nói rằng: “Diện tích vòng tròn to là tri thức của ta. Diện tích vòng tròn nhỏ là tri thức của các con. Tri thức của ta nhiều hơn các con. Bên ngoài các vòng tròn là phần vô tri của các con và ta. Chu vi của vòng tròn to lớn hơn vòng tròn nhỏ, nên có thể ta biết nhiều hơn các con, nhưng đồng thời cũng tiếp xúc với phần vô tri nhiều hơn. Đây chính là nguyên nhân vì sao ta thường hoài nghi bản thân mình.”
Về sau, quan điểm của Zeno of Elea được đúc kết trong một câu danh ngôn: “Biết càng nhiều, càng có thể phát hiện sự vô tri của bản thân.”
Ngẫm lại, khi chúng ta vừa tìm hiểu một sự việc nào đó, thường có cảm giác như mở ra một cánh cổng của thế giới mới. Ví như học thổi sáo sẽ cảm thấy bản thân mình quả là một thiên tài âm nhạc. Nhưng nếu bạn hỏi những người chơi nhạc lâu năm, họ thường sẽ nói rằng, mình không giỏi chơi nhạc. Điều này hoàn toàn không phải là sự khiêm tốn, mà là vì sau khi khám phá nhiều hơn, quả thực họ đã nhận thức được sự rộng lớn của nó và rất nhiều khiếm khuyết của bản thân. Như thể học ba năm đầu vô địch thiên hạ, học ba năm sau lại hoài nghi cuộc đời.
Cùng với việc tiếp tục học tập, nghiên cứu chuyên sâu, đại đa số mọi người sẽ dần phát hiện ra thiếu sót của mình. Điều này kỳ thực là một quá trình rất hợp lý: Sau khi tiêu trầm và định vị lại bản thân, cuối cùng con người mới có thể nhận thức chuẩn xác về năng lực của chính mình.
Quy tắc một phần năm của sự vô tri
(Ảnh: 용한 배 từ Pixabay)
Tờ báo “HuffPost” của Mỹ từng tiến hành một cuộc điều tra dân ý, nêu ra một vài quan niệm hết sức vô lý cho người dân, ví như mặt trời quay xung quanh trái đất, xổ số là phương thức đầu tư rất tốt, người càng cao khi chạy bộ càng dễ thiếu ôxy… để mọi người bình chọn. Kết quả lại cho thấy, với mỗi quan niệm vô lý này, đều có khoảng 20% số người tin theo một cách mù quáng.
Đây chính là “Nguyên tắc một phần năm (1/5) của sự vô tri” nổi tiếng, nghĩa là một quan niệm dẫu vô lý, tức cười tới mức nào, thì vẫn có 20% số người trên thế giới tin theo một cách mù quáng. Một số người thiếu tri thức, hoặc nhận thức có trở ngại, có vẻ như đây là mà điều chúng ta không thể tưởng tượng được.
Vậy nên, đó cũng là lý do vì sao chúng ta không nên tranh biện với những người có tầng thứ tư duy và cảnh giới khác nhau. Bởi lẽ cuộc tranh luận sẽ chỉ như “ông nói gà, bà nói vịt” mà thôi.
Nhiều người thường nói, cách tốt nhất để ứng phó với những kẻ tự phụ là để họ trở nên càng tự phụ hơn. Nếu bạn sửa lại kết quả của họ, có thể sẽ đắc tội với họ. Sau này, một ngày nào đó, khi đụng phải tường, họ sẽ có cơ hội trưởng thành hơn.
Lê Minh
Nguồn: trithucvn
No comments:
Post a Comment