Tình cờ hôm nay đọc được một bài mà có vẻ như là một liên quan đến "nhì nàng bỏ guốc" lắm đáy. (LKH)
TIỆC "BỎ GUỐC"
Chú Tam làm bữa tiệc nhỏ, ăn mừng vợ đẻ thằng cu đầy tháng. Thằng cu kháu khỉnh, đầu tròn, miệng rộng, trán cao, tai to, mắt lớn. Cái thằng trông “dễ ghét” quá. Nhìn mãi không chán. Ông bà ngày trước gọi tiệc này là tiệc “bỏ guốc”.
Vì sau tiệc này, chị vợ đẻ đầy tháng có thể đi chân đất mà không sợ bị nhiễm bệnh. Cơ thể sau một tháng vất vả nằm đẻ đã trở lại khoẻ mạnh và đủ sức đề kháng. Thế là “bỏ guốc” được rồi. Vợ được “bỏ guốc”, người chồng luôn phấn khởi vì chực sẵn một tương lai... gì không biết.
Lúc tôi vào, không khí đang cao điểm nói chữ nghĩa tào lao. Nông dân khoái nói chữ nghĩa tào lao lắm. Quả thật, không có gì vui nhộn cho bằng nói chữ nghĩa tào lao. Tất cả cũng trí tuệ cả đấy, nhưng đều là trí tuệ tào lao. Chú Ất nốc rượu vào, dõng dạc nói một hơi:
- Sống mãi không chết là “khổng tử”. Chết tai nạn giao thông đường bộ là “tử lộ”. Chết trong hầm lò là “tử cống”. Thầy chết là “sư tử”. Chết trong chùa là “tự tử”. Chết già theo luật tự nhiên là “lão tử”. Hút xì ke bị nhiễm lạnh chết là “hàn phi tử”. Chú tiểu chết là “tăng tử”. Chết...
Bác Bách khoác tay ngăn lại, nói lớn tiếng:
- Xì-tốp. Xì-tốp. Tiệc vui không nên nói việc chết chóc. Hãy nói việc khác. - Bác chỉ tay vào ngay chú Châu ngồi cạnh, bảo tiếp - Chú chữ nghĩa đầy mình, hãy chuyển hướng đi sáng sủa hơn. Hôm nay là tiệc “bỏ guốc” mà. Nào nhanh lên.
Chú Châu tợp một cốc rượu ngâm chuối hột, nuốt nghe kêu cái tót. Chú uống rất nhanh, cứ ngỡ cái ly chạy luôn vào họng, nhưng việc xúi quẩy này không bao giờ xảy ra. Uống xong, chú khà một cái nghe sướng tai. Đúng là rượu khà, trà chép. Chú nói thuộc lòng, không cần suy nghĩ:
- Chú tiểu cao 1 mét 8 là “cao tăng”. Chú tiểu hai chân đầy lông gọi là “chân tu”. Vua nhức đầu sổ mũi là “long não”. Chỗ vua ngự gọi là “long đền”. Yêu người trong nước là “nội tình”. Yêu người nước ngoài là “ngoại tình”. Nhà văn té xuống hố là “văn hào”...
Anh Dự liền cắt ngang, cãi:
- Chữ “văng” của nhà văn không có “g”. Trật rồi.
Chú Châu cũng không vừa, liền đốp lại:
- Tiếng nói miền Trung Nam Bộ khi phát âm thì “văn” và “văng” đều như nhau. Đây là khẩu ngữ đặc sản, không phải chữ viết. Trật sai cái nỗi gì?
Chú Tam chủ nhà phấn khởi nói:
- Thông qua. Thông qua. Không cãi nữa. Bữa nay là ngày vui của tôi. Chấp nhận nhà văn sụp hầm là “văn hào”. Tôi xin tiếp tục đặc sản “nho” nhà quê như sau: Này nhá, rinh một người qua khỏi đầu mình là “cử nhân”. Người không đi giật lùi được là “tiến sĩ”. Người lúc nào cũng tới có mặt một chút, rồi lủi mất là “thạc sĩ”. Uống dữ tợn là “tu sĩ”. Người gặp nạn là “hoạ sĩ”...
Lúc này, cụ Én tay cầm dù, từ cổng đi vào:
- Các chú bàn luận thứ gì mà vui vẻ thế?
- Dạ thưa “nho” vườn. Mời cụ ngồi, uống cốc rượu, đóng góp cho vui, cụ nhé. - Chú Tam chủ nhà đon đả rót rượu mời.
- Nho vườn à? Đâu rồi? Sao không thấy ở đây? Thế có ngọt không? - Cụ Én hỏi.
Bác Phong trả lời:
- Thưa, chua lắm, cụ ạ. Quá chua. Mục đích để tiêu thực và giải rượu thôi. Mời cụ nâng ly.
Cả bàn đồng loạt phấn khởi nâng ly. Lúc này chị vợ đẻ đầy tháng của chú Tam bưng một đĩa thịt gà xé phay đặt vào giữa bàn. Chị vợ đẻ dậy trông hồng hào trắng trẻo quá chừng. Không khí lại cực kỳ hưng phấn và mấy chùm “nho” nhà quê lại tiếp tục chua loét chua loe...
Ngô Phan Lưu
Theo: Báo Nông Nghiệp Việt Nam