Hàm nghĩa chân chính của: 'Chí ở học hành'
Khổng Tử từng nói: “Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi nghe bất kỳ điều gì cũng thấy thuận tai, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
(Nguyên văn: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”).
Khổng Tử 15 tuổi bắt đầu chí ở học hành, “Học" ở đây chính là “Đạo". Thế nào là Đạo? Chính là chân lý, là ý nghĩa của sinh tồn và cũng là giá trị tồn tại của sinh mệnh. Vậy nên Khổng Tử chuyên cần nghiên cứu sách vở, chu du liệt quốc, bái kiến Lão Tử... cũng lại chính là sự thể hiện chân thực chí hướng cầu đạo của mình.
Khổng Tử 15 tuổi lập chí tìm đạo, 30 tuổi từ cảm tính mà nhận định mình đã tìm được đạo, hơn nữa cũng nhận định bản thân đã có một phần thể ngộ nhất định. Khổng Tử không ngừng tu hành, không ngừng thăng hoa, đến năm 40 tuổi, ông đã không còn sự ngộ nhận gì đối với những điều bản thân chứng ngộ được. Cũng có nghĩa là Khổng Tử đã từ nhận thức cảm tính thăng hoa lên thành lý tính, minh bạch chân lý.
Khổng Tử. (Ảnh: Pexels)
Cuộc đời Khổng Tử không ngừng thăng hoa về nhận thức. Đến 50 tuổi, biết được sứ mệnh bản thân, ông liền đi “Truyền Đạo" và từ năm 55 tuổi ông bắt đầu chu du liệt quốc. Đương nhiên, mục đích chu du liệt quốc không phải là muốn tìm kiếm một chức quan mà là hồng truyền Đạo. Khổng Tử không bài xích việc làm quan cho nên ông có thể làm quan thì làm quan, có thể dừng thì dừng, có thể lâu thì lâu, có thể nhanh thì nhanh.
Trong quá trình truyền Đạo đương nhiên sẽ gặp phải những người tâm thái khác nhau, có người lý giải được, có người không dễ gì mà tiếp thụ, lại có người chế giễu, khinh thường… nhưng cũng có người tôn trọng mà từ đó theo cùng. Trong cả quá trình đó đều không ngừng khảo nghiệm tâm tính của ông. Vì ông là người đang tu hành giữa đời thường, không phải là vào núi sâu tịch cốc, cách biệt thế nhân bên ngoài, nên cũng lại có một số ẩn sĩ chê cười ông. Ông dẫu biết truyền Đạo cho thế nhân trong loạn thế là điều không dễ, biết là rất khó làm nhưng vẫn cứ làm.
Khổng Tử tiếp tục truyền Đạo đến năm 60 tuổi, lúc này tâm tính ông đã đề cao tới tầng thứ: “Nghe bất kỳ điều gì cũng thấy thuận tai”. Bất luận là tai nghe, mắt thấy điều gì, tâm của ông đều bất động. Đây chính là biểu hiện của tâm đại nhẫn. Không Tử chu du liệt quốc tất cả 13 năm, mãi đến năm 68 tuổi mới trở về Lỗ quốc.
Khi đến năm 70 tuổi, ông đã đạt đến cảnh giới có thể: "Tùy tâm mà làm nhưng vẫn không vượt ngoài quy tắc". Khổng Tử nhất ý nhất niệm, nhất ngôn nhất hành, nhất cử nhất động đều ở trong Đạo. Cũng có nghĩa là ông đã tu đến tầng thứ nên có của mình, công thành viên mãn. Mấy năm cuối đời ông đã: Định “Lễ Nhạc”, tán “Chu Dịch", tu “Xuân Thu", mãi đến năm 73 tuổi mới hoàn thành sứ mệnh của mình mà rời khỏi nhân thế.
Năm 73 tuổi Khổng Tử rời khỏi nhân thế. (Ảnh: Tượng Khổng Tử/Wikipedia)
Phải chăng Đạo của Khổng Tử là 'Vô Thần luận'?
Có người nói: Đạo mà Khổng Tử truyền là Vô Thần luận, không bàn về sống chết, nguyên do chủ yếu là vì đoạn đối thoại giữa ông và Quý Lộ. Quý Lộ hỏi Khổng Tử phương pháp phụng sự người chết, Khổng Tử đáp: “Người còn chưa thể phụng sự, sao có thể phụng sự quỷ?”.
Quý Lộ lại hỏi: “Dám hỏi chết là thế nào?”
Khổng Tử lại đáp: “Đối với việc sống còn chưa thể tỏ tường minh bạch, sao có thể biết được việc chết?”
(Nguyên văn: Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ”?, “Cảm vấn tử?” viết: “Vị tri sinh yên tri tử?”).
Trên thực tế, thời cổ xưa con người ai cũng đều tin vào sự tồn tại của linh hồn, Thần Phật; con người sau khi chết đi xuống âm phủ sẽ thành ma, lên trên trời thành Thần. Đương nhiên đệ tử của Khổng Tử cũng vậy. Khi họ hỏi Khổng Tử những điều tương tự, thì đều là đang ôm giữ tâm thái của người thường. Cho nên, rất nhiều người đều nghĩ: Người chết rồi sẽ ra sao? Thần Tiên có cuộc sống thế nào? Làm Thần Tiên có gì tốt? Linh hồn sẽ ăn gì, làm thế nào để tế lễ linh hồn, v.v...
Tuy nhiên, chân chính tu luyện là tu cái tâm của chính mình, trọng điểm không nằm ở chỗ thờ phụng, cúng tế quỷ thần ra sao. Cũng tựa như trong Phật giáo có cuốn “Kim Cang Kinh", trong đó viết:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
”Tạm dịch:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.
Rất nhiều những hình thức, nghi lễ thờ phụng quỷ thần đều là Pháp hữu vi, mà đã là 'hữu vi' thì sao có thể tu thành vô lậu? Sao có thể tu thành chính quả? Con người chúng ta cũng vậy, thờ cha, cúng mẹ, lễ bái đền chùa là để nhìn lại tâm mình, tu thiện trừ ác, làm được như vậy mới có thể có được sự bảo hộ của Thần Phật chứ không phải lên chùa thắp nhang mà cầu cúng để xin cái này, cầu cái kia,v.v. Nếu như chỉ cần cầu mà được thì thiên hạ hà tất phải cực khổ tranh giành đấu đá?
Khổng Tử hy vọng học trò của mình tinh tấn thực tu, tu luyện trọng điểm cần đặt ở chỗ tu dưỡng tâm tính, làm sao có thể trong khi ứng xử giữa người với người mà tu tâm dưỡng tính, từ đó mà không ngừng thăng hoa, chứ không phải là thờ phụng tế lễ quỷ Thần. Và đương nhiên cũng không nên có hứng thú với những vấn đề tri thức, con người vốn dĩ không xứng đáng để biết được những việc của Thần, nguyên nhân bởi con người thường dùng nhân tâm mà nghĩ bàn những việc của Thần, đây lại là điều vô cùng bất kính. Muốn biết những điều của Thần Tiên thì hãy tu luyện để trở thành Thần Tiên, khi ấy tự thân sẽ biết. Quỷ sống thế nào, mọi người đều nghe được rồi, còn lo lắng trở thành quỷ không? Vậy nên Khổng Tử nói: “Triêu văn Đạo, tịch khả hỹ”. (Sớm nghe Đạo, chiều chết cũng được). Kỳ thực, nghe được Đạo chính là điều quý báu nhất của đời người, không gì có thể so bì.
Tu luyện là tu chính cái tâm của mình. (Ảnh minh hoạ)
Nội hàm chân chính của “Trung Thứ" trong tư tưởng Khổng Tử
Thế nào là “Trung"? Đương nhiên không phải như một số điều trong sách của Trung quốc ngày nay dạy, như là: “Trung với đế vương, trung với cha mẹ, trung với quyền uy"... Đạo “Trung Thứ" của Khổng Tử mới là hàm ý chân chính nhất của Trung. "Trung" ở đây chính là trung thành với lương tâm, công việc, thân phận và bổn phận của bản thân, cũng chính là đạo lý: "Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử". Dùng một chữ để khái quát chính là tu “Chân". Vì Chân cho nên mỗi người đều nên Thiện với bổn phận của mình, chân thành cống hiến tài năng của chính mình.
Nho gia xiển dương: “Chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", chẳng phải là khuyến khích người ta theo đuổi công danh lợi lộc. Khi một người có tâm ngay chính, ý niệm chân thành tu dưỡng bản thân ắt tự nhiên có thể 'tề gia', khi một người chư hầu tu chân, đương nhiên có thể 'trị quốc', làm một người thiên tử tu chân, thiên hạ ắt cũng tự nhiên thái bình. Nếu như ai ai cũng có thể làm được như vậy, ắt nhân gian sẽ là một cảnh thái bình thù thắng, không uổng mỹ danh: “Bán bộ Luận ngữ trị thiên hạ" (chỉ cần nửa bộ Luận ngữ đã đủ để trị vì thiên hạ thái bình). Trung hiếu, nhân ái, tín nghĩa, hoà bình, lễ nghĩa, liêm sỉ đều từ trong "Chân" mà ra, cũng chính là lấy Chân là căn bản.
Tiếc thay Nho sinh sau này không có ai đạt được tầng thứ mà Khổng Tử đạt đến, cũng không ai có thể liễu giải được hàm nghĩa chân chính trong những lời Khổng Tử dạy. Họ đem những tư tưởng của Khổng Tử giải thích một cách thế tục hóa, công danh hoá. Sau này Đổng Trọng Thư lại đem học thuyết âm dương thêm vào tư tưởng của Khổng Tử, cộng thêm Hán Vũ Đế tôn sùng Nho thuật khiến cho Trung Quốc trở thành Chính - Giáo hợp nhất, đem chính trị và Nho giáo hoà vào làm một... và cũng kể từ đó, Nho giáo mất đi nội hàm chân chính của mình. Tới đời Tống Minh sau này lại thêm vào tư tưởng của Phật giáo, khiến cho tư tưởng của Khổng Tử hoàn toàn biến chất.
Tiếp sau mấy nghìn năm, Nho sinh chỉ là xem tư tưởng của Khổng Tử như một thứ thể loại triết học để nghiên cứu, lấy nó làm công cụ để truy cầu danh lợi. Có nhiều người mang rất nhiều những vấn đề của Trung Quốc đùn đẩy trách nhiệm cho Khổng Tử, cho rằng tư tưởng của ông khiến cho người Trung Quốc trở thành ngu trung, ngu hiếu, tuân thủ trật tự, tôn sùng quyền bính, hình thành nên một thứ văn hoá thối nát. Đây quả là sự liễu giải sai lầm và lệch lạc về tư tưởng của Khổng Tử.
Khải Chính (biên dịch)
Tác Giả: Khất Nguyện
No comments:
Post a Comment