Phùng Đạo (882 – 954) tên chữ Khả Đạo, hiệu Trường Lạc Lão, là người Cảnh Thành Doanh Châu (thị trấn Giao Hà thành phố Bạc Đầu tỉnh Hà Bắc ngày nay). Ông đã phụng sự qua 5 triều đại, 8 gia tộc, 13 vị hoàng đế, “tại các triều đại không rời các vị trí tể tướng, tam công, tam sư”, làm quan hơn 40 năm, quả là xứng danh “Bất Đảo Ông” (yếu nhân không thể đánh đổ) trong lịch sử quan trường ở Trung Hoa.
Các Nho gia đương thời đều đánh giá cao tác phẩm để đời Vinh khô giám (榮枯鑑) của Phùng Đạo, đặc biệt là quan điểm của ông về tiểu nhân và quân tử trong thời loạn. Cuốn sách đã giúp người đời sau nhận diện những tiểu nhân lẩn khuất quanh mình, tránh bị chúng lừa gạt, hãm hại.
5 góc nhìn nhận diện quân tử – tiểu nhân
Người quân tử không kết bè phái, gặp tai họa một mình hứng chịu. Tiểu nhân kết giao vì lợi, cái lợi của họ là có người trợ giúp.
Quân tử kết bạn là bằng hữu tâm giao, tiểu nhân hội tụ bè cánh là lợi giao. Do đó, đối với người quân tử mà nói, bằng hữu quý ở tinh chọn. Còn đối với tiểu nhân thì đương nhiên là quảng giao, hỗn tạp.
Người quân tử không muốn kéo bè kết phái, còn tiểu nhân thì có một bầy bạn bè danh lợi.
Nếu một người bên mình có rất nhiều bạn bè rượu thịt, thì đó là tiểu nhân, không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Quân tử không bè phái. (Ảnh minh họa: minghui.org)
Người nhân đức chú trọng dùng hành động để trả ơn, kẻ tiểu nhân chỉ cảm ơn cửa miệng mà chẳng động thủ giúp ân nhân của mình.
Chính nhân quân tử sẽ nguyện ý dùng hành động để báo đáp ân nhân, còn kẻ tiểu nhân thường chỉ cảm ơn ngoài cửa miệng mà trong bụng nghĩ mình đắc lợi Trời cho.
Thọ ân dẫu một giọt cũng nên nghĩ báo đáp cả suối nguồn. Người quân tử vô cầu mà được gia ơn, nội tâm đầy cảm kích, nguyện mang nợ ân nhân suốt đời, sẽ dùng hành động thực tế để báo đáp.
Kẻ tiểu nhân khi thọ ân sẽ nghĩ rằng mình được lợi, chỉ nghĩ cách thu lợi nhiều hơn, còn về báo ân thì chẳng hề bận tâm.
Một người thọ ơn mà không nghĩ đến báo đáp, chắc chắn là kẻ tiểu nhân rồi.
Người quân tử thực tâm nghĩ cho kẻ dưới, tôn trọng bề trên, không làm điều tổn hại danh dự bản thân. Kẻ tiểu nhân làm vui lòng bề trên, dung túng kẻ dưới làm việc xấu, hành ác.
Cách mà bậc đại phu lựa chọn hành động, vì bàn dân thiên hạ hay chỉ để bề trên vui lòng, sẽ quyết định nhân phẩm của họ.
Người quân tử mưu cầu yên vui – thái bình cho thiên hạ, họ trọng danh dự và đương nhiên luôn hành động quang minh, chính trực.
Kẻ tiểu nhân suy xét hành động vì tiền đồ của bản thân, vậy đương nhiên họ lựa chọn làm vui lòng bề trên, đón ý thượng cấp.
Nếu một người làm ngơ trăm họ, bóp méo sự thật, chỉ một mực đón ý lấy lòng bề trên, thì đó chính là kẻ tiểu nhân, không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Nếu một người bóp méo sự thật, chỉ một mực đón ý lấy lòng cấp trên, thì người đó là tiểu nhân. (Ảnh: zing.vn)
Người quân tử kiên định với lý tưởng, kẻ tiểu nhân vì lợi ích mà bán đứng đạo lý.
Bậc quân tử không chấp nhận sự sỉ nhục về tinh thần, kẻ tiểu nhân không chịu được sự khốn khổ về thân thể, vật chất.
Mạnh Tử nói bậc trượng phu xả thân vì nghĩa lớn. Đối với người quân tử mà nói, lý tưởng và nguyên tắc sống của bản thân không thể bị chà đạp hoặc làm ô uế. Tiết tháo, nhân nghĩa của họ còn quan trọng hơn sinh mệnh.
Còn đối với tiểu nhân, chân lý có thể bán đứng được, danh dự có thể trả giá được.
Một người mà quá xem trọng vật chất và coi nhẹ tinh thần, sẵn sàng vì lợi ích mà bán đứng đạo lý, thì chắc chắn là kẻ tiểu nhân rồi.
Quân tử xuất ngôn từ tâm, tiểu nhân bán rẻ lương tâm. Đạo bất đồng, phẩm giá cũng tự khắc đối nghịch.
Người quân tử ngôn hành thuận theo đạo lý, kiên định đức tin, sinh tử vì lý tưởng.
Kẻ tiểu nhân thì coi nguyên tắc là công cụ, tìm sơ hở để luồn lách, mưu lợi.
Nếu một người trong lòng không có chút kính sợ nào, không tuân thủ chuẩn mực ước thúc bản thân, coi đạo đức là cái khăn che mặt, đặt tư cách lên bàn cân để mặc cả định giá… thì rõ ràng là tiểu nhân rồi.
5 “vị thuốc đặc trị” kẻ tiểu nhân
Nhân nghĩa đôi khi hại người quân tử, nhưng lại bỏ qua kẻ tiểu nhân, do đó không nên lạm dụng nhân nghĩa.
Người quân tử nhân nghĩa quá, có lúc cũng bị tiểu nhân hãm hại. Những người quá coi trọng nhân nghĩa thường bỏ sót, tha tội kẻ tiểu nhân. Vì vậy, không nên lạm dụng nhân nghĩa. Đối với kẻ tiểu nhân phạm ác nghiệp tày trời, nên thu hẹp sự từ bi, giảm bớt sự nhân nghĩa, vị tha.
Lấy đức báo oán, vậy lấy gì báo đức?
Đối đãi với người quân tử thì ngôn hành phải quân tử, đối phó với kẻ tiểu nhân thì phải dùng chính pháp. Chỉ cần nội tâm không hổ thẹn là được rồi.
Kẻ tiểu nhân sợ người mạnh, kẻ gian xảo hèn hạ cần phải bị trấn áp.
Tiểu nhân sở dĩ là tiểu nhân vì họ biết mềm nắn rắn buông, gặp kẻ cứng rắn hơn thì họ sợ. Do đó, đối đãi với tiểu nhân thì nhất định không được sợ mà phải dùng đạo lý để phản biện mạnh mẽ, cho họ thấy bạn không phải là kẻ dễ bắt nạt.
Tiểu nhân khác với kẻ ác, kẻ ác tự có kẻ ác trị, nhưng tiểu nhân gặp người mạnh hơn họ thì lập tức ‘co vòi’ lại ngay.
Tình cảm không nên bộc lộ hết, sự việc không nên phô bày hết, thuận theo thời vận biến đổi mà nắm thời cơ trị kẻ tiểu nhân.
Ở cùng với tiểu nhân, nếu không thể tránh được cùng làm chung, thì cần phải biết ẩn mình.
Không nên khinh suất bộc lộ quan điểm, cũng không nên nhẹ dạ nói với họ điểm tốt/xấu, mạnh/yếu của mình, cũng không bình phẩm người khác với họ hoặc khi có mặt họ. Những lời vô tâm có thể trở thành vũ khí để họ để công kích người nói ra.
Thuận theo tình thế biến đổi, người giỏi ẩn mình sẽ đợi được thời cơ thích hợp để trị kẻ tiểu nhân.
Thuận theo tình thế biến đổi, người giỏi ẩn mình sẽ đợi được thời cơ thích hợp để trị kẻ tiểu nhân. (Ảnh: ximalaya.com)
Giả sợ hãi mà thực ra là nhẫn nại, bề ngoài cung kính, bên trong e dè, cũng khiến kẻ tiểu nhân bị mê hoặc, chủ quan
Làm người chính trực thì dù trong lòng rực lửa cũng chớ biểu thị ra ngoài. Trong lòng e dè họ, lại rất cung kính với họ, thì dẫu lòng dạ họ xấu tệ đến đâu đi nữa cũng bị mê hoặc, chủ quan mà không xuống tay với bạn.
Biết cách chế ngự tâm trạng mình, khiến họ không để ý đến bạn, cảm thấy bạn vô tích sự, dần dà sẽ lơ là cảnh giác. Đến lúc đó quay giáo phản kích thì tốn ít sức mà dễ thành công.
Giao tiếp với tiểu nhân thì không nên nói lý lẽ trực ngôn, can gián điều sai thì phải giỏi biện luận, không chê trách là được rồi.
Tiểu nhân không coi trọng lý lẽ và thảo luận nguyên tắc, các tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu đối với họ không có ý nghĩa gì hết.
Kẻ tiểu nhân hành xử theo nhận thức và thế giới quan khác, với loại này không thể dùng lời lẽ mà thuyết phục được. Do đó, chớ đem sự thật ra mà nói đạo lý, mà chê trách, vì ngoài việc khiến cho họ hận bạn không quên ra thì chẳng có tác dụng gì. Côn trùng mùa hè đâu có thể nói chuyện băng tuyết được.
Tranh luận với tiểu nhân chỉ phí lời nên tốt nhất là: đường lớn đến chân trời, mỗi người đi một bên.
Tăng Quốc Phiên – đại công thần trong triều Mãn Thanh (Trung Quốc), đã đánh giá: “Bộ sách Vinh khô giám đã nói hết bí kíp của tiểu nhân, cuộc đời vinh nhục. Nó khiến kẻ tiểu nhân toát mồ hôi, khiến người quân tử rợn tóc gáy. Quả là bộ kỳ thư có một không hai trong suốt 2.000 năm”.
Theo Sound of Hope
Nam Phương biên dịch
No comments:
Post a Comment