Thầy phong thủy nói rằng: “Thế đất này có núi bao quanh, phong tàng khí tụ, đích thực là một nơi phong thủy đại vượng”. (Minh hoạ NTD Việt Nam)
Vào thời nhà Thanh, ở huyện Thiệp tỉnh An Huy có một vị phú ông họ Từ. Khi thân nhân qua đời và cần nơi chôn cất, ông Từ đã đi khắp nơi tìm thế đất phong thủy. Nhưng dù đã lặn lội qua núi nam bể bắc, dạo qua hết núi cao đèo rộng nhưng ông vẫn chưa tìm được mảnh đất nào ưng ý. Một lần, khi tình cờ đi ngang qua gian nhà tranh của một người tiều phu nọ, ông Từ nghe thấy có thầy phong thủy nói rằng: “Thế đất này có núi bao quanh, phong tàng khí tụ, đích thực là một nơi phong thủy đại vượng”.
Ông Từ nghe xong bèn hỏi: “Thầy nói đất này đại vượng, thế vì sao người ở đây lại bần cùng nghèo khổ như thế này?”.
Thầy phong thủy cười khà khà đáp lại: “Là vì mảnh đất này chỉ thích hợp với âm trạch, không phù hợp cho dương trạch đó thôi”.
Ông Từ cho rằng đây là nơi lý tưởng để mai táng mộ phần, bèn cho người đến gặp vị tiều phu kia và ngỏ ý muốn mua lại mảnh đất mà ông ta đang sống. Ông lão đáp: “Đây là đất đai tổ tiên để lại, cho dù có trả cả núi vàng biển bạc thì lão đây cũng không thể bán”.
Lúc ấy, trong nhà ông Từ có một vị thực khách họ Chu (thời cổ đại, thực khách là người sống gửi thân trong gia đình quyền quý, thường giúp chủ nhân trù tính mọi việc). Chu tiên sinh vốn là người đa mưu túc kế, có tài ăn nói và luôn biết cách thu phục lòng người. Nhưng dẫu có dùng hết vốn liếng thì anh ta vẫn không cách nào thuyết phục lão tiều phu được.
Bất đắc dĩ, Chu tiên sinh đành cáo từ ra về. Nhưng vừa ra đến cửa, anh ta bỗng thấy một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp đang gánh củi trở về. Chu bèn hỏi: “Đây có phải là viên ngọc minh châu của nhà ta không?”.
Ông lão đáp: “Vợ chồng lão không có con nối dõi mà chỉ có một mụn con gái ấy thôi”.
Chu tiên sinh hí hửng trở về thưa với chủ nhân: “Lão gia, tôi có diệu kế này đảm bảo sẽ giúp lão gia được như ý! Nhà lão ấy có một cô con gái cũng trạc tuổi công tử út nhà ta, hơn nữa lại chưa xuất giá, cũng chưa hề hứa gả cho ai. Lão gia nghĩ xem, sao ta không nhân cơ hội này kiếm một nàng dâu. Ván đã đóng thuyền thì muốn gì mà không được, lúc ấy chẳng phải việc này sẽ dễ như trở bàn tay sao?”.
Ông Từ nói: “Gì chứ? Lão ta chỉ là kẻ đốn củi, sao có thể thông gia với nhà ta được?”.
Chu tiên sinh đáp: “Ngài hà tất phải câu nệ như thế, quan trọng là ngọc về với chủ. Khi đã có trong tay mảnh đất ấy rồi, thì chuyện cô ta ở hay đi đều tùy ngài định đoạt”.
Gia đình của người tiều phu sống trên mảnh đất âm trạch tốt, bị người ta giả thông gia lừa chiếm mất. (Ảnh: "Người tiều phu" của Katsushika Hokusai / Do Freer and Sackler Art Museum cung cấp)
Ông Từ cho là phải, bèn phái Chu đến làm mối, ngỏ ý kết thông gia. Ban đầu, ông lão tiều phu cho rằng gia cảnh hai bên không môn đăng hộ đối nên một mực cự tuyệt. Nhưng sau đó, vì nể Chu tiên sinh năm lần bảy lượt tới cầu thân, lời lẽ cũng có vẻ hòa nhã chân thành, nên ông mới thuận lòng. Hôn sự chẳng mấy chốc cũng được cử hành chóng vánh. Nhà họ Từ vội vã tổ chức hôn lễ không phải vì muốn đôi trẻ sớm thành thân mà là vì còn có mưu đồ khác, nhưng vợ chồng ông lão tiều phu cả đời nghèo khổ, không biết rõ về quy cách lễ nghi trong các nhà quyền quý, cũng không khắt khe đòi hỏi. Họ cho rằng, để con gái sớm có nơi có chốn, tìm được đấng lang quân như ý mới là tâm nguyện cả đời của mình.
Sau khi hai nhà kết thông gia, ông Từ nói với lão tiều phu: “Nhà tôi còn rất nhiều gian phòng trống, sao ông bà không dọn đến ở đó? Ái nữ nhà ta vừa mới thành thân, nếu sáng tối đều được gặp cha mẹ thì sẽ không còn gì phải lo lắng nữa rồi”.
Ông lão vô cùng cảm động, và vì thương con nên đã bàn với vợ chuyển đến sống ở nhà họ Từ.
Thời gian đầu, ông Từ vờ tiếp đãi vợ chồng thông gia như bạn bè thân thích. Đến khi quen thân và thấy cơ hội đã chín muồi, ông bèn nhắc lại chuyện mảnh đất năm xưa. Ông lão tiều phu không nghĩ ngợi gì mà chỉ vui vẻ nói: “Chúng ta đã thành thông gia, ngài đừng nên khách khí thế làm gì. Gian nhà dột nát ấy đến nay vẫn bỏ không, vậy hãy coi đó là món quà tôi tặng cho ngài đi”.
Cuối cùng, ông Từ cũng có được mảnh đất mà ông hằng mơ ước bấy lâu. Nhà họ Từ bèn chọn ngày lành tháng tốt, tìm thầy phong thủy định huyệt đào hố, sau khi đào sâu xuống ba thước thì thấy một bia đá bị khuyết một góc, trên mặt bia viết: “Cư thử tuyệt, táng thử cát” (Cư trú ở đây thì nghèo khổ tuyệt tử tuyệt tôn, mai táng ở đây thì may mắn tốt lành).
Mãi đến lúc này ông Từ mới hiểu vì sao thầy phong thủy nói: nơi này chỉ phù hợp cho an táng mộ phần, không thích hợp cho người còn sống.
Từ khi hạ táng tại mảnh đất ấy, nhà họ Từ càng ngày càng ăn nên làm ra, phát lộc phát tài, trở thành gia tộc giàu có trong vùng. Ông Từ cũng nhân cơ hội vung tiền mua quan bán tước, để con trưởng một bước làm huyện lệnh Thiểm Tây, còn con trai thứ thì đỗ đạt trong kỳ thi Hương. Cứ như vậy, nhà họ Từ đã trở thành gia đình quan chức nức tiếng tại địa phương. Còn cậu con trai thứ ba, cũng chính là con rể của ông lão tiều phu thì suốt ngày ăn chơi đàng điếm, thường hay qua lại chốn thanh lâu, cũng không ngần ngại rước ả ca kỹ về làm tiểu thiếp. Khi vợ chính vừa mới bày tỏ chút ý kiến, cậu ta liền trở mặt, lạnh lùng ruồng rẫy, khiến quan hệ vợ chồng gần như tan vỡ.
Cô con gái của người tiều phu không còn cách nào khác đành thưa rõ mọi chuyện với cha mẹ chồng, nhưng ông Từ không những không quan tâm mà còn buông lời mai mỉa: “Cái thứ sinh ra trong gia đình thấp kém như ngươi thì biết gì, đầu óc nông cạn thiển cận mà cũng đòi lên mặt dạy đời sao? Con trai ta là công tử đại gia, nay ngủ chỗ nọ, mai nghỉ chỗ kia là chuyện rất bình thường, dẫu có tam thê tứ thiếp cũng là chuyện thường tình, sao có thể lấy một ả con nhà nông làm vợ lẽ được?”.
Người tiểu thiếp thấy ông Từ bênh vực mình nên lại càng thêm hống hách, ngày nào cũng nói xấu vợ cả trước mặt chồng, không những thế còn bịa đặt những điều không ai thấy hòng vu cáo hãm hại nàng. Cô con gái của ông lão tiều phu bị vu hãm mà không cách nào thanh minh nên trong lòng âu sầu buồn bã, ngày càng héo hon tiều tụy rồi qua đời. Người mẹ già mất con quá đau buồn nên cũng sớm từ trần. Còn ông lão tiều phu thì bị đuổi ra đường, đành thất thểu lê từng bước trở về căn nhà cũ xưa kia. Ông khuỵu xuống bên ngôi mộ mới của nhà họ Từ rồi khóc lóc thống thiết, cuối cùng vì quá bi phẫn mà lìa đời. Một gia đình vì vậy mà nát tan...
Còn cậu con trai thứ ba, cũng chính là con rể của ông lão tiều phu thì suốt ngày ăn chơi đàng điếm, thường hay qua lại chốn thanh lâu. (Ảnh: Shutterstock)
Một ngày nọ trời nổi giông bão, tiếng sét đùng đoàng trúng vào phần mộ nhà họ Từ khiến mộ huyệt nổi lên, hơn nữa còn đánh vỡ quan tài. Ông Từ hay tin, bất đắc dĩ phải sai người thay áo quan mới rồi lại đem chôn cất một lần nữa. Khi đào sâu xuống, người ta thấy dưới lòng đất có một mảnh bia đá, trên đó khắc dòng chữ: “Nghĩa tắc cát, bất nghĩa tắc tuyệt” (Người có nghĩa thì được may mắn cát tường, kẻ bất nghĩa thì tuyệt tận tuyệt tôn).
Thì ra, đây là đoạn văn tự tiếp theo, đồng thời cũng là mảnh vỡ thất lạc của tấm bia năm xưa.
Sau khi cải táng, người con trai thứ ba nhà họ Từ không rõ nguyên nhân gì bỗng đột ngột qua đời. Đến năm thứ hai, người con trai thứ lên kinh thành tham gia Lễ Bộ thí, nhưng mới đi được nửa đường thì bất ngờ ngã xe mà chết. Người con trai trưởng làm quan ở Thiểm Tây, vì chiếm hữu quân lương phi pháp mà bị xử tử hình. Từ gia từng một thời khét tiếng trong vùng, đến nay chỉ trong chớp mắt đã lụn bại, tuyệt tử tuyệt tôn. Ông Từ phải sống cô độc những năm cuối đời không nơi nương tựa, trôi dạt nay đây mai đó, sống lưu lạc bơ vơ, cuối cùng quá ưu phẫn bi thương mà chết. Còn người thực khách họ Chu thì sao? Một lần tình cờ đi qua phần mộ của Từ gia, Chu tiên sinh thấp thoáng nhìn thấy ông lão tiều phu chắp tay hành lễ với mình rồi quay người vào trong ngôi nhà cũ nát. Anh ta thất kinh bừng tỉnh và hoảng loạn chạy thẳng về nhà, kể với gia nhân những gì mình chứng kiến. Lời chưa nói xong Chu tiên sinh bỗng kêu lên: “Ông lão đốn củi đến rồi!”, rồi nôn ra máu mà chết.
Đông Hồ cư sỹ Tiền Nhân Phu đời Minh có thơ rằng:
Tầm san bổn bất vi thân mưu
Đại bán đa nhân phú quý cầu
Khẳng tín nhân gian hảo phong thủy
Sơn đầu bất tại tại tâm đầu
Tạm dịch:
Vào núi chẳng phải chuyện hôn nhân
Bởi cầu phú quý giả ân cần
Tin rằng nhân gian phong thủy tốt
Chẳng ở núi non ở trong tâm
Lại có nhà phong thủy viết:
Hành quá tiền san hựu hậu san
Tầm long bất kiến hựu không hoàn
Tưởng ứng tương khứ vô đa lộ
Chỉ tại linh đài phương thốn gian
Tạm dịch:
Đi hết núi trước lại núi sau
Khắp chốn long mạch chẳng thấy đâu
Linh ứng tìm đường không nhiều lối
Nào hay ở tại chính tâm này
Rất nhiều người tin rằng phong thủy dưỡng nhân, nhưng ít ai biết rằng: nhân dưỡng phong thủy. Cho dù có tầm long yểm mạch, thì phong thủy bảo địa cũng chỉ khởi tác dụng với người có đức và sống nhân nghĩa. Còn những kẻ thất đức lại bất nhân bất nghĩa, thì cho dù tìm được thế đất tốt, có được nơi phong thủy thịnh vượng thì cũng sẽ sớm lụn bại, thân bại danh liệt. Người ta vẫn nói “đức năng thắng số”, và “phong thủy tốt nhất chính là dưỡng tâm” là vì vậy.
Minh Hạnh / Theo: NTD