Học trong thành ngữ: ‘Tang lâm đảo vũ’ - Rừng dâu cầu mưa
Trong lịch sử các triều đại các nước Á Đông, khi có thiên tai, hạn hán thì rất nhiều bậc quân vương lập đàn cầu Trời cho mưa thuận gió hòa và xuống chiếu tự trách tội bản thân đã không làm tròn bổn phận của người đứng đầu quốc gia. Câu thành ngữ "Tang lâm đảo vũ", nghĩa là "Rừng dâu cầu mưa" là điển tích về lễ cầu mưa sớm nhất được ghi chép trong sử sách.Năm ấy hạn hán kéo dài, dân chúng lầm than, Thành Thang mộc dục trai giới, lập đàn tế Thần cầu mưa.
Khi Thành Thang tại vị, xuất hiện hạn hán kéo dài. Thái sử gieo quẻ rồi phán rằng: “Cần giết một người để tế Thần cầu mưa.”
Thành Thang nói: “Việc ta muốn làm chính là để cứu người nên mới cầu mưa. Nếu thực sự phải chọn cách giết người để tế Thần cầu mưa, thì hãy chọn ta làm người đó.”
Sau đó Thành Thang mộc dục trai giới, cắt tóc và móng tay, móng chân, cưỡi bạch mã, kéo theo sau chiếc xe ngựa được trang trí đơn giản, trên thân cuốn cỏ bạch mao, tại ruộng dâu bỏ hoang coi bản thân như một tế phẩm dâng lên Thần để cầu mưa, hướng lên Thần Phật, nêu ra 6 điều tự kiểm điểm về bản thân:
“Là do chính sách con đưa ra có chỗ không thoả đáng;
Do con quản lý bất thiện, khiến từ đó dân chúng thất nghiệp, bách tính không có chốn nương thân;
Có thể do cung thất của con xây dựng quá cao, quá xa hoa;
Hay bởi vì con tin nghe phi tần mà lộng quyền loạn chính?
Có thể vì chính sách con đưa ra không nghiêm mà quan lại công nhiên tham ô hối lộ;
Có lẽ do con không dụng người lành để cho kẻ nịnh hót tiểu nhân đắc thế...”
Thành Thang còn chưa nói hết, hàng nghìn dặm xung quanh trời đã đổ mưa to.
Chú thích
1- Thành Thang: (1675 TCN - 1588 TCN) họ Tử, tên Lý, tên khác là Thiên Ất. Ông lật đổ vua Hạ Kiệt - một vị vua hoang dâm vô đạo, lập ra triều đại nhà Thương, tại vị 30 năm (1783 TCN - 1754 TCN).
2- Mộc dục trai giới: tắm rửa, kiêng rượu kiêng thịt, ngủ riêng
3- Cỏ bạch mao: còn gọi là ti mao, là một loại rễ cây dùng để làm thuốc, có vị ngọt.
Hoàng đế Thành Thang (1675 TCN - 1588 TCN). (Ảnh: Wikipedia)
Thành Thang lập quốc chưa lâu, xuất hiện hạn hán kéo dài không dứt, liên tục suốt 7 năm ròng. Trong 5 năm cuối, tình trạng trở nên vô cùng nghiêm trọng, nắng nóng gay gắt, sông cạn giếng khô, cây cối tiêu điều, nông dân nuôi trồng đều không có thu hoạch, cuộc sống người dân vô cùng khổ cực.
Để giải quyết hạn hán, Thành Thang cho lập đàn tế Trời cầu mưa. Nhưng 7 năm trôi qua, mà chẳng có nổi một giọt mưa rơi xuống. Thành Thang quyết định chọn một vườn dâu làm địa điểm lập đàn tế, đích thân mang theo rất nhiều quần thần chủ trì lễ cầu mưa, nhưng cũng không cầu được mưa xuống. Thành Thang liền lệnh cho người đến gieo quẻ, quẻ viết: “Cần lấy người làm vật tế.”
Thành Thang nói: “Ta là vì dân mới cầu mưa, nếu nhất thiết phải dùng người để tế, thì hãy lấy thân thể của ta!” Ông hướng lên Trời và khấn: “Tội do một mình con, xin Người đừng trách phạt chúng dân, vạn dân nếu có tội, cũng hãy để một mình con gánh chịu. Không thể vì sự bất tài của con mà liên lụy tới sinh mệnh bách tính phải chịu Thiên Đế Quỷ Thần trách phạt”.
Nói rồi ông tự kiểm điểm với Trời về 6 sai lầm của bản thân. Tinh thần dũng cảm quên mình vì dân này của Thành Thang đã khiến dân chúng ai nấy đều cảm phục và biểu dương không ngớt.
Lật lại lịch sử của các triều đại xưa, các vị hoàng đế có nhân đức đều có một điểm chung, đó là họ luôn coi các tai hoạ nghiêm trọng xảy đến với quốc gia đều là bài học cảnh tỉnh do Thiên Thượng giáng xuống, là bởi Ông Trời không hài lòng với cách cai trị của họ, cũng chính là nhắc nhở họ cần “tu đức" hơn nữa. Thậm chí có vị vua còn xuống chiếu trách tội bản thân (tội kỷ chiếu), coi tất cả tai hoạ mà dân chúng phải chịu đều là do bản thân đã phạm lỗi mà thành, bởi vì sách lược cai trị thất bại mà người dân phải chịu nhận sự trừng phạt của Thiên Thượng.
Đó chính là tư duy trị quốc của các vị Hoàng Đế thời xưa: “dĩ đức phối Thiên” (Quyền lực vua do Trời trao, chỉ người có đức mới được Thiên mệnh, mất đức thì cũng mất Thiên mệnh). Do đó khi một vị Hoàng Đế thật lòng vì dân mà cầu khấn, đức của ông sẽ làm cảm động được cả Đất-Trời, dư âm của đức ấy lan toả khắp trần thế. Mà Thành Thang - vị vua lập ra triều đại nhà Thương, chính là một vị Quân Vương như vậy.
(Điển tích được ghi lại trong các sách như: “Lữ Thị Xuân Thu - Quý Thu Kỉ - Thuận Dân Thiên", “Mặc Tử", “Tuân Tử", “Quốc ngữ", “Thuyết Uyển”,v.v…)
Nếu thời nay liên tục xuất hiện các thiên tai nhân họa, bạn nghĩ rằng nên lý giải những sự tình đó như thế nào cho đúng đắn?
Hoàng Hoa biên dịch
(Theo tài liệu Văn hóa truyền thống của trang Chánh Kiến)