Thành ngữ tương quan: Không rét mà run, hoặc: chỉ hươu bảo ngựa.
Trung Quốc đại lục chỉ tại vùng sông Hoài thuộc Trường Giang mới có trâu nước, nơi vùng sông Hoài ngày xưa được gọi là Ngô vì vậy mà trâu ở đó còn được gọi là trâu Ngô. Trâu nước có một cặp sừng vừa cong vừa lớn, rất thích lăn lộn trong bùn nước, tuy nhiên nó lại rất sợ nóng. Khí hậu phương Nam rất nóng bức, mặt trời lại chói chang, trâu nước vừa trông thấy mặt trời thì toàn thân liền phát nóng, hơi thở hổn hển. Có một lần trâu nước nhìn thấy mặt trăng thì tưởng rằng đó là mặt trời, vì vậy mà vô cùng sợ hãi, ngay lập tức hơi thở trở nên gấp gáp, do vậy mà mới có câu “Trâu sợ bóng trăng”.
Vì vậy, trong truyện "Phong Tục Thông Nghĩa - Dật văn" của Ưng Thiệu đời Hán có câu "Ngô ngưu suyễn nguyệt" (Trâu đất Ngô thở hổn hển khi nhìn thấy mặt trăng). Về sau, câu thành ngữ "Ngô ngưu suyễn nguyệt" này bắt đầu phổ biến rộng rãi khắp nơi.
Trong cuốn "Thế Thuyết Tân Ngữ" có câu chuyện về “Ngô ngưu suyễn nguyệt”. Một đại thần của Tấn Vũ Đế là Mãn Phấn rất sợ gió. Có lần ông ngồi cạnh Tấn Vũ Đế, cửa sổ phía bắc có tấm bình phong lưu ly khá chắc chắn, rất kín, nhưng trông có vẻ như gió vẫn có thể luồn vào. Mãn Phấn biết rằng, bình phong này dày và sẽ không có gió lọt qua, nhưng trên mặt ông vẫn lộ ra vẻ sợ hãi, bất giác rùng mình. Khi nhìn thấy thế, Vũ Đế đã cười nhạo khiến Mãn Phấn ngượng ngùng trả lời: "Thần giống như trâu đất Ngô, hễ nhìn thấy mặt trăng là sẽ nghĩ đó là mặt trời, sợ đến nổi thở hổn hển".
Người đời sau sử dụng câu thành ngữ này để chê cười những người khi gặp việc gì cũng sợ hãi quá mức, đồng thời câu thành ngữ còn được dùng để khuyên người đời không nên chỉ dựa vào sự phỏng đoán mà đưa ra kết luận sai lầm, cũng không nên vội vàng đánh giá một sự việc khi chưa tìm hiểu chân tướng của sự việc đó.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment