Monday, October 11, 2021

HÌNH NGƯỜI TRÊN NGỌC BÍCH HÀNG CHÂU BIẾN ĐỔI CÁCH NHÌN SỬ TRUNG HOA

Một người nhăn mặt đội chiếc mũ gắn lông vũ tinh tế cưỡi trên lưng con quái vật hung tợn.

"Vua Tông".- Ảnh: Chris Vile/Mustang Films

Người này hẳn phải rất mạnh mẽ, thậm chí có thể siêu nhiên, bởi ông dễ dàng khuất phục được con mãnh thú có móng vuốt sắc nhọn có cặp mắt lồi này.

Nhưng chính xác thì ông ta là ai? Là pháp sư? Là thần thánh? Và tại sao ông lại buộc các nhà sử học phải xây dựng lại bỏ dòng thời gian quy ước về lịch sử Trung Quốc vốn đã được chấp nhận?

Đầu năm nay, khi đang quay Những Kho báu Vĩ đại nhất Trung Quốc, bộ phim tài liệu truyền hình mới gồm sáu phần của BBC World News, tôi đã bắt gặp nhân vật bí ẩn này, được khắc trên một tác phẩm chạm khắc ngọc bích cổ, rất đẹp, hiện thuộc về Bảo tàng Tỉnh Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu.

Được gọi là 'tông', đó là ngọc chạm khối hình vuông ở bên ngoài và ống tròn bên trong.

Nó được các nhà khảo cổ học tìm thấy từ một nghĩa trang dành cho những người tinh hoa của một xã hội phát triển cao hồi cuối Thời kỳ Đồ đá Mới, trong Thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, ở địa điểm Lương Chử (Liangzhu), nằm cách Thượng Hải khoảng 160km về phía tây nam.

Từ trước tới nay, các nhà sử học vẫn nói rằng triều đại được ghi nhận sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc là nhà Thương, trị vì trong Thời đại Đồ đồng vào Thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Ống ngọc hình trụ được các nhà khảo cổ học tìm thấy ở một nghĩa trang thuộc xã hội cuối Thời Đồ đá mới. Ảnh: GettyImages

Đồ tạo tác bằng đồng phức tạp - thực phẩm được dùng để cúng bái và bát đựng rượu vang; những chiếc rìu nghi lễ được tô điểm bằng khuôn mặt đẫm máu cười - đã được khai quật từ các phố thị thời nhà Thương ở nơi thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, dọc theo sông Hoàng Hà.

Nhiều món đồ vật được trang trí với khuôn mặt giống như mặt nạ của một con quái vật với đôi mắt lồi và sừng cong, con 'thao thiết', mà ý nghĩa chính xác của nó vẫn còn được tranh luận.

Tuy nhiên, những khám phá gần đây tại Lương Chử, địa điểm nằm ở vùng hạ Lưu vực Sông Dương Tử, cách hơn 965km về phía đông nam An Dương, kinh đô cuối cùng của nhà Thương, đã kéo dài thêm niên đại tiêu chuẩn lịch sử Trung Quốc ngược về quá khứ.

Điều này, theo các nhà khảo cổ học, là bởi khu dân cư thời cổ đại đầy ấn tượng ở Lương Chử này chính là nơi đã có một nền văn minh rực rỡ, rất phát triển cả 1.700 năm trước sự ra đời của nhà Thương.

Cùng thời với nền văn minh Cyclades cổ đại ở Biển Aegean ở phương Tây, đây có thể là xã hội có cấu trúc nhà nước sớm nhất ở Đông Á.

Một số học giả thậm chí còn cho rằng nguồn gốc của mô típ 'thao thiết' nổi tiếng, có từ thời nhà Thương, chính là quái vật mắt ếch được vẽ trang trí trên các đồ tạo tác Lương Chử, trong đó có món đồ 'tông' - được gọi là 'vua tông' bởi trọng lượng đầy ấn tượng của nó, 6,5kg - mà tôi thấy ở Bảo tàng Tỉnh Chiết Giang.

Đầu năm nay, các di tích khảo cổ đổ nát tại Lương Chử đã được công nhận là Di sản Thế giới Unesco.

Ngày nay, du khách sẽ thấy ngạc nhiên trước những đồ tạo tác phi thường được lấy từ thành phố đó, nay được đặt tại Bảo tàng Lương Chử đẹp đẽ do kiến ​​trúc sư người Anh David Chipperfield thiết kế.

Được trưng bày là nhiều món đồ khác làm bằng ngọc bích, trong đó có đầu rìu được dùng để làm lễ, lược trang trí và những cái đĩa tròn có lỗ ở giữa, trông giống như viên kẹo bạc hà Polo quá khổ, được gọi là 'bích'.

Nằm dưới chân núi Thiên Mục Sơn (Tianmu), khu đô thị đông dân cư chính của Lương Chử là một thị trấn kiên cố bao quanh khu vực hình chữ nhật rộng khoảng 740 mẫu Anh (299 ha), được bảo vệ bởi một hệ thống hào và tường đất rộng ít nhất 19,8m.

Du khách có thể đi qua một trong tám 'thuỷ môn' - điều mà như lời các nhà khảo cổ học Colin Renfrew và Bin Liu, khiến nơi đây trở thành "thị trấn nơi các hào nước cũng có nhiều như những con lộ".

Biểu tượng công dân?

Sự tinh tế của nền văn minh từng rất phát triển tại Lương Chử trong khoảng 3300-2300 trước Công nguyên được chứng minh không chỉ ở chỗ người ta đã tìm kiếm được những đồ tạo tác quý giá từ nghĩa trang dành cho giới danh giá của thị trấn, mà còn từ một hệ thống các con đập quy mô với các công trình thủy lực rộng khắp, và những cánh đồng lúa được cai quản cẩn thận nằm quanh khu vực.

Những thứ này đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm thường xuyên cho cư dân thị trấn.

Trong khu dân cư này, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một hố gạo cháy khổng lồ - "có lẽ đã bị cháy trong một vựa lúa nằm trong cung điện gần đó và sau đó bị vứt bỏ," Renfrew và Liu nói.

Khu phố thị Lương Chử nằm dưới chân núi Thiên Mục Sơn - được bảo vệ bởi một hệ thống các hào nước. Ảnh: Getty Images

Rõ ràng, sau đó, nhờ vào tổ chức xã hội và thành thạo các kỹ thuật tưới tiêu, người Lương Chử thừa thãi rất nhiều lương thực - và điều này đã đem lại cho họ một chất kích thích quan trọng đối với nền văn minh: sự xa xỉ thời gian.

Không phải lo miếng cơm manh áo hàng ngày, giới thượng lưu Lương Chử trở nên say mê nghệ thuật.

Hãy xem nỗi ám ảnh của họ với ngọc bích, một loại khoáng chất rất khó chế tác mà các nghệ nhân thời đó đã miệt mài chạm khắc để tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp đem chôn trong mộ phần.

Trong quá khứ, giới học rộng tài cao của Trung Quốc tin rằng triều đại sớm nhất biết đến giá trị của ngọc là triều nhà Chu vốn tồn tại trong một thời gian dài sau thời nhà Thương, vào Thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên.

Thế nhưng những bằng chứng thu thập được từ Lương Chử lại cho thấy thật ra không phải thế.

Và 'vua tông' mà tôi nhìn thấy đã được chạm khắc từ một loại ngọc có màu kem thuần khiết, gọi là nephrite - được cho là loại đẹp nhất trong tất cả các loại ngọc Lương Chử.

Điều gây ấn tượng với tôi là nó đẹp và sắc sảo và tối giản đến mức nào - nếu bạn không thạo với loại tạo tác này và nếu có ai đó nói với bạn rằng nó đã được chạm khắc bởi nhà điêu khắc hiện đại Thế kỷ 20 Constantin Brancusi, bạn hẳn sẽ tin.

Sự dư thừa lương thực khiến người Lương Chử có rất nhiều thời gian nhàn rỗi. Ảnh: Getty Images

Và chính xác thì ý nghĩa quan trọng của 'mô típ con người / quái thú' đó, như một số nhà sử học nghệ thuật mô tả là gì?

Do không có bất kỳ ghi chép nào từ Lương Chử, cho nên các học giả chỉ có thể suy đoán.

Vào lúc này, chúng ta không thể chắc chắn rằng liệu nhân vật này là một vị thần hay là một người trong giới tinh hoa Lương Chử - mà trong giới đó có một số người đội mũ gắn lông vũ - như pháp sư hay đạo sỹ.

Hoặc, như Renfrew và Liu nêu ra, mô típ này có thể được hiểu "theo nghĩa xã hội, chẳng hạn như đại diện cho cộng đồng thương gia của thị trấn Lương Chử".

Nói cách khác, có lẽ giải pháp cho lời đố trong thiết kế khó hiểu này là nó là một loại biểu tượng công dân, giống như phù hiệu ở phương Tây.

Alastair Sooke
BBC Culture
Link tiếng Anh:

No comments: