Monday, October 25, 2021

CON HÀ KHÔNG CÓ RĂNG VÌ SAO VẪN KHOÉT THỦNG CẢ ĐÁ?

Con hà tuy nhỏ nhưng là loài động vật siêu phá hoại, chúng phá hủy các tảng đá, thân tàu. Trên các bãi biển, có những tảng đá lỗ chỗ như tổ ong do hà bám. Chúng làm thế nào để có thể phá hủy được loại vật chất cứng rắn này, trong khi không hề có răng?


Con hà (Chthamalus stellatus) là loài động vật chân khớp đặc biệt (do chân đã bị tiêu biến) thuộc cận lớp Cirripedia trong phân ngành Giáp xác, và do đó nó có họ hàng với cua và tôm hùm, chứ không phải động vật thân mềm như con hàu.

Con hà là loài động vật siêu... ăn bám. Chúng sống bám trên các vật thể như vách đá, tàu thuyền, các loài động vật khác... trong suốt cuộc đời, không di chuyển dù chỉ 1mm.

Con hà tuy nhỏ nhưng là loài động vật siêu phá hoại đối với ngành hàng hải. Hà bám vào bề mặt kim loại tiết ra chất kết dính cực kỳ bền chặt làm hỏng lớp sơn bảo vệ bề mặt kim loại gây ra ăn mòn và rỉ sét. Một chiếc tàu bị hà bám kín thân thì tốc độ sẽ giảm đi 50%.


Con hà phải chịu một phần trách nhiệm cho thất bại bi thảm của người Nga trước Nhật Bản trong hải chiến ở eo biển Tsushima năm 1905. Hạm đội cực mạnh của Nga đã bị con hà "xâm chiếm" trong hành trình 1 năm từ biển Baltic đến biển Nhật Bản dẫn đến việc xuống cấp đáng kể và trở thành mồi ngon cho người Nhật.

Chúng là nguyên nhân hình thành tên địa danh Bãi Cháy ở Việt Nam. Tương truyền, để tránh mối đe dọa của hà với thuyền bè, ngư dân ở vùng này mỗi khi đi biển về lại phải lật úp thuyền đốt lửa để chống hà bám, làm cả bãi biển trong như bốc cháy.

Không chỉ gây hại cho tàu thuyền, con hà cũng gây ra nhiều chấn thương cho các cư dân vùng biển vì vỏ của chúng rất sắc nhọn, dễ dàng cắt đứt da thịt người nếu dẫm phải.

Từ chất kết dính mà con hà tiết ra khi bám vào tàu thuyền, người ta đã chế tạo ra loại keo hà dùng để vá tàu khi bị thủng.

Trong ẩm thực, con hà là một loại thực phẩm ngon và giàu dinh dưỡng. Chúng thậm chí còn là một đặc sản của ở biển Hạ Long của Việt Nam. Con hà rất giàu kẽm nên được coi là món ăn rất tốt cho sinh lý đàn ông. Nhưng đây là loài động vật rất "chảnh", chúng ta không thể nuôi chúng theo phương thức nhân tạo mà chỉ có thể khai thác từ tự nhiên.

Con Hà không răng sao khoét thủng cả đá?

Thì ra, con hà tiết ra một chất dịch có tính axit cao, làm cho đá mềm ra. Sau đó, chúng dùng chân và vòi làm điểm tựa rồi xoay xoay toàn thân để cho những gai trên vỏ cứng của chúng cọ xát vào đá và làm đá vỡ vụn. Chúng cứ kiên nhẫn đào khoét suốt đời và tạo ra các hang động trên đá.

Nếu không có đá để đục lỗ, loài hà này sẽ chết. Các nhà khoa học đã nuôi thử chúng trong các bể nước không có đá. Mặc dù được cung cấp đầy đủ thức ăn, hà vẫn không lớn được, vỏ trước bị khép lại, chân co vào và còm cõi đến chết.

Con hà tiết ra một chất dịch có tính axit cao, làm cho đá mềm ra.

Hà đá không chỉ đào hốc trên đá mà còn đục khoét ngay trên vỏ ngoài của các loài trai, hàu. Trên một vỏ hàu có thể tìm thấy khoảng mươi con hà đá, trông như những điếu xì gà nằm gọn trong các hốc nhỏ do chúng tạo ra.

Hà sống trên đá lại có hình dạng như quả trứng nhọn đầu. Chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và làm các công trình xây dựng ở các hải cảng bị đục khoét lỗ chỗ như tổ ong.

Hà đá chỉ chịu thua đá hoa cương. Chính vì vậy mà người ta phải phủ đá hoa cương lên mặt ngoài các công trình xây dựng ở hải cảng, ở các vùng khai thác dầu khí ven biển.

Theo: Tiền Phong