Vụ rò rỉ 11,9 triệu hồ sơ tài chính đang gây rúng động dư luận khi hé lộ tên của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett lại không xuất hiện trong danh sách.
Từ trái sang, nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates; tỉ phú đầu tư Warren Buffet, nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos.
Theo trang Daily Mail, vụ rò rỉ 11,9 triệu hồ sơ liên quan đến tài chính đang gây rúng động thế giới khi chỉ ra tài sản bí mật của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới đã hết nhiệm kỳ hoặc đương nhiệm, những nhà tỷ phú, người nổi tiếng.
Tuy nhiên, các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, bao gồm Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett, lại không xuất hiện trong vụ rò rỉ có tên Hồ sơ Pandora này. Cựu Tổng thống Donald Trump được đề cập do liên quan đến một dự án khách sạn ở Panama, nhưng Hồ sơ Pandora dường như không tiết lộ thông tin mới nào đáng kể về tài khoản của ông.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, sự vắng mặt của nhiều tỉ phú giàu nhất nước Mỹ có thể là do chính sách thuế quá hào phóng với họ ở trong nước. Một số chuyên gia khác suy đoán rằng giới siêu giàu ở Mỹ có thể sử dụng các “thiên đường thuế” khác nhau, như Quần đảo Cayman, vốn không được đề cập trong hồ sơ.
Cụ thể, Hồ sơ Pandora liệt kê 130 tỷ phú được cho là chủ sở hữu các tài khoản nhưng không bao gồm bất kỳ cá nhân giàu có nhất nào của Mỹ. Các nhà phân tích tài chính suy đoán những người giàu có ở Mỹ - như Jeff Bezos, Warren Buffet, Elon Musk và Bill Gates - có ít động lực hơn để sử dụng các ‘thiên đường thuế’ ở nước ngoài do mức thuế ở trong nước họ phải trả thấp.
Một số trong hàng chục người nổi tiếng được gọi tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Reuters
Theo một báo cáo của Forbes được công bố vào tháng 6, có 25 người giàu nhất nước Mỹ đã trả 'mức thuế thực' chỉ là 3,4% trong khi tài sản của họ tăng trưởng 401 tỷ USD từ năm 2014 đến 2018.
Nhà sáng lập Amazone, Jeff Bezos được cho là đã trả mức thuế thực chỉ 0,98% trong khi nhà đầu tư Buffet và tỉ phú công nghệ Elon Musk trả mức thuế lần lượt là 0,1% và 3,27%.
Vào năm 2018, ông Bill Gates còn thừa nhận rằng mình cần phải trả nhiều thuế hơn. “Vua phần mềm” nói với CNN vào thời điểm đó: “Tôi cần phải trả thuế cao hơn… Tôi đã trả nhiều thuế hơn, hơn 10 tỷ USD, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người giàu như tôi phải trả mức thuế cao hơn đáng kể nữa”.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích Hồ sơ Pandora cho rằng các nhân vật giàu có của Mỹ có thể đã sử dụng các công ty khác hoặc tài khoản nước ngoài ở các khu vực pháp lý khác nhau để che giấu tiền của mình. Hồ sơ Pandora chỉ bao gồm tài liệu rò rỉ của 14 tổ chức dịch vụ tài chính đang hoạt động ở Thụy Sĩ, Singapore, Síp, Belize và Quần đảo Virgin thuộc Anh.
"Thiên đường thuế" ngay tại Mỹ
Nhưng nếu như người Mỹ vắng mặt trong danh sách các nhân vật bị gọi tên trong Hồ sơ Pandora, thì bản thân nước Mỹ lại có liên quan.
Các tài liệu từ Hồ sơ Pandora, Tổ chức Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) và tờ Washington Post đã xác định gần 30 quỹ tín thác có trụ sở tại Mỹ có liên quan đến người nước ngoài, mà công ty của họ bị cáo buộc hành vi sai trái và vi phạm nhân quyền. Tất cả đều có trụ sở tai Sioux Fall, bang South Dakota.
Đặc biệt, bang South Dakota đã trở thành một trung tâm mới cho các giao dịch tài chính không rõ ràng, sánh ngang với Quần đảo British Virgin và Thụy Sĩ. Các quỹ tín thác trong tiểu bang này đã tăng gấp bốn lần quy mô trong vòng 10 năm lên 360 tỷ USD nhờ các đạo luật bảo vệ tài sản khỏi bất kỳ khiếu kiện dân sự nào như ly hôn.
Edward Snowden, tác giả của vụ rò rỉ thông tin từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) khét tiếng năm 2013 đã chế nhạo vụ Hồ sơ Pandora, cho rằng ngành công nghiệp tài chính hải ngoại vẫn tiếp tục vận hành bất chấp “hai vụ rò rỉ ngày tận thế”, được gọi là Hồ sơ Panama vào năm 2016.
“Mặt hài hước của câu chuyện hết sức nghiêm túc này là, thậm chí cả sau hai vụ rò rỉ ngày tận thế của các công ty tài chính/luật ở nước ngoài, ngành công nghiệp này vẫn tập hợp cơ sở dữ liệu khổng lồ của sự hủy hoại và dán nhãn chúng là ‘cấm rò rỉ’”, Snowden đăng trên Twitter.
Bang Nam Dakota đã gia nhập các “thiên đường thuế” hải ngoại quen thuộc, bao gồm Quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, Hong Kong và Belize với quy mô các quỹ tín thác tăng gấp bốn lần trong vòng 10 năm lên 360 tỷ USD. Hồ sơ Pandora đã tiết lộ cách một trong những công ty ủy thác lớn nhất trong bang xác nhận rằng họ có khách hàng trải khắp 54 quốc gia, bao gồm hơn 100 tỷ phú.
Một trong những nguyên nhân khiến South Dakota trở thành "thiên đường thuế" là giới chính trị gia của bang đã thông qua những luật cho phép bảo vệ nhiều hơn và mang lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng của những quỹ tín thác như vậy.
Trong khi đó, Washington đã tiếp tục từ chối tham gia một thỏa thuận năm 2014, vốn được Quần đảo Cayman và Luxembourg ủng hộ, yêu cầu các tổ chức tài chính của Mỹ chia sẻ thông tin mà họ có về tài sản của người nước ngoài.
Tờ Washington Post tuyên bố: “South Dakota hiện là đối thủ của các khu vực pháp lý nổi tiếng không rõ ràng ở châu Âu và Caribe về bí mật tài chính”.
Luật tiểu bang của South Dakota cung cấp cả sự bảo vệ và tính chất bí mật của các tài khoản tiền được gửi trong phạm vi nước Mỹ. Thông thường, chính phủ sẽ đánh thuế bất kỳ khoản lãi nào thu được từ tài khoản, nhưng ở Nam Dakota, tài sản được bảo vệ khỏi mọi khiếu nại dân sự như ly hôn hoặc tố tụng pháp lý. Chúng chỉ không được bảo vệ khỏi các cuộc điều tra tội phạm.
Ngày 3/10, ICIJ đã công bố Hồ sơ Pandora, hé lộ cách người giàu giấu tiền trong các tài sản ở nước ngoài. Hồ sơ Pandora nêu chi tiết hơn 29.000 tài khoản ở nước ngoài – gấp đôi con số trong Hồ sơ Panama năm 2016, có liên quan đến các quan chức tại 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Báo cáo cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới, các chính trị gia quyền lực, tỷ phú, người nổi tiếng, các nhà lãnh đạo tôn giáo và những kẻ buôn bán ma túy đã che giấu các khoản đầu tư vào các biệt thự, tài sản độc quyền bên bờ biển, du thuyền và các tài sản khác như thế nào trong một phần tư thế kỷ qua. Theo báo cáo, nhiều tài khoản được lập nhằm trốn thuế và che giấu tài sản vì những lý do đáng ngờ khác.
Các chuyên gia cho rằng vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora sẽ gây lo ngại vì việc che giấu tài chính có thể ảnh hưởng đến công dân trong nhiều thế hệ khi góp phần làm trầm trọng thêm chênh lệch giàu nghèo và nạn tội phạm, như buôn bán ma túy, tấn công bằng mã độc tống tiền, buôn bán vũ khí…
Theo: Soha
No comments:
Post a Comment