Mới đây, quan điểm này được chia sẻ trên một diễn đàn mạng với câu chuyện như thế này:
Một cô gái hỏi: "Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?"
Ông già bán dừa trả lời cô gái: "Thưa cô, 10 ngàn 1 trái."
Cô gái nói: "Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ, không được tôi đi chỗ khác."
Người bán dừa trả lời: "Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả".
Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng.
Cô ấy cùng bạn tới một quán ăn sang trọng. Hai cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra.
Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 950 ngàn, cô gái đưa 1 triệu và nói với ông chủ quán: "Khỏi trả lại tiền thừa".
Người chia sẻ quan điểm viết thêm: "Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có. Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp. Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi chúng ta mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá hào phóng với những người không cần sự hào phóng của chúng ta?".
Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần đến chúng. Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động "kỳ quặc" đó thì ba tôi nói: "Đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thiện".
ĐẾN NHÀ HÀNG MẶC CẢ NGƯỜI TA CHÊ, CÒN MUA HÀNG CHỢ KHÔNG BIẾT MẶC CẢ NGƯỜI TA CƯỜI
Quan điểm trên, dù không mới những lập tức gây ra tranh cãi từ phía người dùng mạng. Người đồng tình thì xác nhận, quả thực có một nghịch lý như thế ngoài đời. Phe này cũng chỉ trích những người "keo kiệt" như trên, và cho rằng không nên hãnh diện khi bớt được vài ngàn đồng từ những người bán hàng rong.
"Tôi thấy nhiều người rất phân biệt đối xử. Với người "cùng đẳng cấp" hoặc "thượng đẳng", họ bỏ qua cái tôi, họ thể hiện như mình cũng giàu có vì sĩ diện. Còn với những người "kém đẳng cấp" hơn, họ lại tỏ ra khinh miệt mà không màng đến sự vất vả của người ta. Bớt 5 - 10 ngàn với mình là được lợi ít, nhưng họ thiệt nhiều, bằng mấy chục % giá trị hàng hóa rồi đó!" - tài khoản Minh Lam viết.
Mặc cả ở nhà hàng là việc hiếm khi xảy ra, vì có nguyên tắc riêng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng không nên đơn giản quy chụp cách ứng xử đó là hào phóng hay keo kiệt, vì việc mặc cả khi đi chợ và tip cho nhân viên ở nhà hàng là hai vấn đề không tương đương.
Nick Phương Trà phân tích: "Mình nghĩ thế này nhé, người bán rau bỏ công nhiều hơn là bỏ vốn. Nếu đã buôn bán thì có quyền trả giá. Cảm thấy giá không hợp lý thì không bán chứ không ai ép cả. Người làm nhà hàng họ bỏ rất nhiều vốn, tư duy, chất xám, nhân công. Họ cũng niêm yết giá cả, cảm thấy không hợp túi tiền thì khách không vào. Đừng lấy một chữ nghèo ra để áp đặt người khác phải chiều mình, phải cảm thấy ăn năn khi họ thương lượng.
Có rất nhiều người tiêu tiền cho bản thân rất tính toán nhưng ăn uống xã giao với bạn bè thì lại rất hào sảng. Vì họ không tính là tiền mà họ tính là mối quan hệ họ nhận được khi chi đồng tiền đó".
Tài khoản Thiên Anh cũng cho rằng: "Đi đến đâu thì có nguyên tắc đó. Bạn đến nhà hàng mặc cả người ta chê, còn mua hàng chợ không biết mặc cả người ta cười. Không có gì là nghịch lý cả, vì khi bạn hào phóng với người giàu, bạn được lòng, được thuận lợi, hoặc người sẽ cho bạn một thứ gì đó. Còn hào phóng vs người nghèo, người ta chỉ mang ơn bạn thôi".
Theo: Pháp Luật & Bạn Đọc / Soha
No comments:
Post a Comment