Tuesday, January 3, 2023

AVATAR 2: TỪ THẾ GIỚI KỲ ẢO CỦA RỪNG ĐẾN SỰ HUYỀN DIỆU CỦA BIỂN

Sau 13 năm giãn cách, Avatar tái xuất với tập 2, ‘‘Avatar, the way of water’’ (Avatar : Con đường của nước), ra rạp từ giữa tháng 12/2022. Theo AFP, hai tuần sau khi ra mắt, phim đã nhanh chóng gặt hái thành công ban đầu, với hơn một tỉ đô la doanh thu. Pháp là nước đứng thứ ba về số người xem, sau Mỹ và Trung Quốc. Thành công lớn của Avatar tập 1 từng gây nhiều lo ngại về nguy cơ công chúng hẫng hụt với tập kết tiếp. Vì sao Avatar 2 tiếp tục thu hút?

Một áp phích quảng cáo phim Avatar 2, Châtelet les Halls. Ảnh chụp ngày 30/12/2022. © Trong Thanh/Redac Viet/RFI

Nhiều năm sau trận đại chiến đập tan cuộc tấn công huỷ diệt của ‘‘người Trái đất’’, cộng đồng Na’vis của thủ lĩnh Jake Sully một lần nữa đứng trước nguy cơ diệt vong. Thủ lĩnh Jake Sully – ‘‘avatar/hoá thân’’ của một cựu quân nhân thuỷ quân lục chiến, phẫn uất trước tham vọng hủy diệt thổ dân Na’vis của đồng loại, đã phản bội lại người Trái đất (trong tập 1) – giờ đây trở thành một thủ lĩnh nổi dậy đáng gờm. Các lực lượng của người Trái đất đồn trú trên hành tinh Pandora coi Jake Sully là kẻ phiến loạn nhất thiết phải diệt trừ, để có thể tiếp tục công cuộc khai thác khoáng sản quý hiếm tại các vùng đất của người Na’vis.

Tập 2 của Avatar của đạo diễn James Cameron tiếp tục đưa công chúng đến với cuộc kháng cự của cộng đồng Na’vis chống lại những tham vọng chinh phục của con người “Trái đất’’. Nhưng địa bàn kháng cự giờ đây chuyển từ núi rừng sang đại dương, nơi bộ lạc Na’vis của Jake Sully lánh nạn với sự bảo trợ của một cộng đồng Na’vis khác, người Metkayina - dân cư biển.

Sự quyến rũ của biển: Hấp dẫn phải chăng chỉ do kỹ thuật - kỹ xảo ?

Một lý do thành công của bộ phim được đông đảo giới quan sát – dù tán thưởng hay không tán thưởng bộ phim - nhìn nhận là nằm ở khía cạnh kỹ thuật, trong đó có việc quay phim với tốc độ 48 hình ảnh/giây (HFR), tức gấp đôi tốc độ thông thường, cho phép chuyển tải được sự chuyển động mềm mại và liên tục như thực, kỹ thuật đặc biệt hiệu quả với môi trường nước. Nhiều chuyên gia điện ảnh nói thậm chí nói đến việc Avatar 2 mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ hình ảnh trong điện ảnh nói chung, vào lúc mà điện ảnh đang đứng trước thách thức cạnh tranh sống còn với truyền hình. Thế giới sinh vật biển, vốn là thế mạnh của đạo diễn bậc thầy, nổi tiếng với các tác phẩm về đại dương, như Titanic hay Abyss, tiếp tục được chăm chút.


Nhà phê bình điện ảnh Anais Bordage mô tả cảm giác hút hồn của những cảnh trong lòng biển: “Ngay từ khi những cảnh dưới biển bắt đầu, tôi quên bẵng là mình có một cơ thể, một bộ phận bàng quang, một công việc và nhiều hoá đơn phải trả. Tôi đã hoàn toàn chìm đắm trong vẻ đẹp của phong cảnh và sự mượt mà của hình ảnh. (…) Mỗi nhành san hô, mỗi con sao biển, mọi tạo vật trong nước đều mang một tình cảm vô bờ bến. Cho dù bộ phim kéo dài ba giờ đồng hồ, ta vẫn có thể tiếp tục sống cùng với cái vũ trụ kỳ diệu ấy thêm ba tiếng nữa. Trên thực tế, tôi mong muốn biết rõ về từng con cá trong bộ phim này” (Slate.fr).

Tuy nhiên, vẻ đẹp như trên của biển trong phim chưa nói đủ lý do khiến phim bộ phim hấp dẫn với những người hâm mộ. Đối với một bộ phận công chúng, phim tuy xem được, nhưng việc kéo dài đến tận 3 giờ 12 phút đồng hồ khiến Avatar 2 có phần trở nên nhàm chán. Những người chỉ trích Avatar 2 tập trung phê phán bộ phim đầu tư quá mức cho kỹ thuật, và, theo họ, có sự tương phản dễ thấy ngân sách và công nghệ kỹ thuật được huy động với nội dung của phim (bài “Avatar 2 : au-delà du tour de force technologique, La voie de l’Eau” conte-t-elle une belle histoire?, RTL, 13/12/2022).

Dân đại dương mở lòng với người tha hương

Tương tự như với Avatar phần đầu, Avatar 2 ngay khi ra mắt lập tức bị nhiều chỉ trích quyết liệt. Một trong các tiếng nói chỉ trích tiêu biểu là của nhà nhân chủng học Philippe Charlier, giám đốc nghiên cứu bảo tàng Quai Branly, Paris. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Le Point sau khi xem phim, ông Philippe Charlier đả kích đạo diễn Avatar 2 đã có một cái nhìn hoàn toàn mang tính ‘‘lý tưởng hoá’’, đầy ảo tưởng về cộng đồng dân cư biển Metkayina (dựa trên nguyên mẫu thổ dân Maori, nam Thái Bình Dương). Nhà nhân chủng học ví sai lầm này với điều mà ông gọi là sự ngộ nhận của những người thám hiểm châu Âu thế kỷ XVIII, khi coi các cư dân xa xôi mà họ mới tiếp xúc lần đầu là những người “hoang dã tốt bụng”.


Điều đáng nói ở đây là việc cộng đồng Metkayina mở lòng đón những người lánh nạn từ rừng núi chính là cánh cửa đầu tiên mở ra cho người Na’vis của thủ lĩnh Jake Sully đến với biển cả kỳ diệu. Việc nhà nhân chủng học chỉ trích cái gọi là ‘‘lý tưởng hoá’’ cộng đồng thổ dân có nguy cơ tước đi ở người thưởng thức phim khả năng nhìn nhận cánh cửa đầu tiên này.

Cộng đồng Metkayina và bộ lạc của Jake Sully, cùng là người Na’vis, nhưng sống trong những nền văn hoá khác biệt sâu sắc. Để bộ lạc của Jake Sully kết nối được với biển, khách và chủ đều phải mở lòng. Nhà nhân chủng học Perig Pitrou - giám đốc nghiên cứu CNRS, phụ trách chương trình nghiên cứu về ‘‘Nhân chủng học về sự sống’’ (thuộc Laboratoire d’Anthropologie Sociale của Collège de France) – ghi nhận việc mở cửa với văn hoá của người khác như giá trị trung tâm của bộ phim:

‘‘Điều mà tôi thấy cực kỳ hấp dẫn trong tập 1 của Avatar, và điều này được làm sâu thêm trong tập 2, đó là việc suy ngẫm về sự tồn tại của nhiều nền văn hoá, cùng tồn tại trên cùng một hành tinh, các văn hoá vốn khác biệt sâu sắc về mặt bản thể. Các nền văn hoá như vậy có thể xung đột với nhau, nhưng cũng có thể thiết lập một quan hệ mang tính hoà bình. Thông điệp mang lại hy vọng trong bộ phim mà tôi nhận thấy, đó là, ngay cả những kẻ ác cũng có thể tiếp thu. Đây là cái mà tôi cho rằng làm nên giá trị của bộ phim. Đó là khả năng không bị đóng kín trong các tập quán của nền văn hoá mà mình sống trong, mà liên tục xem xét lại văn hoá của chính mình, trong các tương tác với những người thuộc văn hoá khác’’ (Radio France).


Thoát khỏi cái ‘‘mình-trung tâm’’ để nhìn lại Trái đất với con mắt khác

Avatar 2 cũng như Avatar 1 nói về một hành tinh tưởng tượng, nằm cách xa Trái đất nhiều năm ánh sáng. Theo nhà nhân chủng học Perig Pitrou, bộ phim của đạo diễn James Cameron có dụng ý mang lại cho khán giả một cái nhìn mới, mà ông gọi là ‘‘thoát khỏi cái nhìn lấy mình là trung tâm”:

“Nỗ lực này tham gia vào một trào lưu chung hướng đến một hiệu ứng gọi là ‘‘thoát khỏi cái nhìn lấy mình làm trung tâm’’ (décentrement), để mang lại một cái nhìn mới mẻ về chính hành tinh của chúng ta, xuất phát từ không gian bên ngoài Trái đất, để hướng về Trái đất. Hiện tại, có nhiều dự án theo hướng này, trong đó các nhà nhân chủng học tham gia, ngoài các nghiên cứu về các cộng đồng bản địa truyền thống. Theo hướng này, các nhà nhân chủng học tìm hiểu về đời sống sinh học tại các hành tinh có khả năng có sự sống. Có đến hàng tỉ hành tinh có khả năng có sự sống, mà hiện tại chúng ta chỉ biết được khoảng vài nghìn. Thực tế là việc tưởng tượng một số hình thái khác của sự sống có thể xuất hiện ở những nơi khác, có thể giúp chúng ta tương đối hoá những gì diễn ra trên chính hành tinh chúng ta” (Radio France).

Rời xa khỏi Trái đất về không gian và thời gian với Avatar 2, để rồi trở về nhìn lại Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, rất có thể là một dụng ý chính của đạo diễn James Cameron. Tuy nhiên, bản thân Avatar 2 cũng là một sự trở về. Trở về với biển cả - cội nguồn của sự sống trên Trái đất. Hành trình đến với đại dương trong lặng lẽ của những vị khách rừng xanh là một tuyến ngầm trong Avatar 2, dường như ít được nói đến. Tiếp xúc với ‘‘cây linh hồn’’, lắng nghe những bài học của biển. Những bài học về hơi thở, về ngọn lửa trong lòng,… về biển cả bên ngoài, biển cả trong mình… biển cho đi và lấy lại…, nước liên kết mọi thứ, sự sống với cái chết, ánh sáng với bóng tối…


Sự im lặng của con người và sự mầu nhiệm của biển

‘‘Avatar 2, Con đường của nước’’, cũng có thể dịch là “Avatar 2, Đạo của nước”, là bộ phim về sự huyền diệu của biển cả, của sự cộng thông của con người với biển cả huyền diệu. Sự huyền diệu là điều không thể nói thành lời. Có lẽ vì vậy mà phim Avatar 2 rất kiệm lời. Để đến được với cái huyền diệu của biển cả, đến với tinh thần bất tử của biển, trái tim cần chậm lại, lòng cần lắng lại.

Không ít nhà bình luận điện ảnh hay khán giả đã không hài lòng vì cốt truyện của Avatar 2, bị coi là quá sơ sài (đối thoại cũng gần như rất ít). Nhưng ít ai để ý, chính sự kiệm lời ấy, cùng hạn chế về tình tiết ấy, cho phép nhân vật chìm sâu trong kết nối với sự mầu nhiệm của biển, qua cảm thức trong mình. Dường như đó cũng là chủ ý của nhà đạo diễn. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật được nhiều người coi là tiêu biểu nhất trong phim Avatar 2 chính là Kiri. Cô con gái nuôi của cặp vợ chồng thủ lĩnh Jack Sully và Neytiri thường lặng lẽ hướng đến một thế giới khác, vượt ra những tranh chấp, đối kháng của cuộc sống thường. Kiri có lẽ nghe được những điều mà đa số không nghe được.

Tâm hồn trẻ thơ và nữ tính giúp thể nhập với sự huyền diệu của biển cả. Tsireya, cô con gái của thủ lĩnh bộ tộc dân biển, chính là người đã sớm mở lòng đón nhận những khách tị nạn đến từ rừng núi. Tsireya cũng là người đã sớm hiểu ra mối quan hệ kỳ lạ giữa Lo’ak, người con trai thứ hai của thủ lĩnh Jack Sully với Payakan, một ‘‘tulkun’’ đơn độc, vốn bị cả cộng đồng trên bờ và dưới biển nghi kỵ, xa lánh, ruồng bỏ, coi là độc ác (tulkun là loài cá voi bốn mắt thân thương của cộng đồng Metkayina).

Sự cộng thông với sinh giới, với biển, qua tâm hồn trẻ thơ là làn sinh khí âm thầm xuyên suốt Avatar 2. Dòng chảy ngầm ấy đôi khi nổi lên rõ ràng, đôi khi đan xen với những hành động bạo tàn của những thế lực ‘‘người Trái đất’’, làm bật lên cảm xúc về sự đối kháng triệt để giữa hai xã hội. Hình ảnh cậu bé Lo’ak bước vào bụng cá voi Payakan, để giao tiếp với tâm hồn cá, tương phản với hình ảnh nhóm người săn cá voi cũng chui vào bụng cá, nhưng để khai thác một thứ chất quý rất đắt tiền trong cơ thể cá. Hai hành động chui vào bụng cá, mang ý nghĩa trái ngược, nêu bật bản chất của hai thế giới. Một bên dựa trên sự hài hoà, tình thương, con người sống trong mối quan hệ cộng sinh với thiên nhiên, sinh giới, bên kia là công nghệ, phương tiện vật chất, vũ khí tối tân, với tham vọng dùng sức mạnh tàn bạo để chiếm đoạt.


Mẹ Eywa và ‘‘Đất Mẹ’’

Cuối năm 2022 này, đúng vào lúc Avatar 2 ra mắt, cộng đồng quốc tế sau 2 tuần lễ họp tại Montreal, Canada, đã đạt một thỏa thuận lịch sử, trong đêm ngày 18 qua ngày 19/12, hướng đến bảo vệ trước mắt 30% diện tích đất liền và biển. Lần đầu tiên, Đất Mẹ (Mother Earth) được ghi vào một hiệp ước của Liên Hiệp Quốc, như cội nguồn của sự sống. ‘‘Đất Mẹ’’ – vốn là quan niệm ngàn đời của các cộng đồng thổ dân, dân cư bản địa – nay trở thành một quan điểm chính thức của thế giới. Đất Mẹ là của tất cả, tất cả có nghĩa vụ bảo vệ.

Với người Na’vis trên hành tinh Pandora – thế giới do đạo diễn James Cameron tưởng tượng ra –, toàn bộ hệ sinh thái được hài hòa là nhờ có Eywa, linh hồn Mẹ. Từ Avatar đến Avatar 2, từ thế giới kỳ ảo của rừng đến sự huyền diệu của biển,James Cameron tiếp tục chuyển đến thế giới thông điệp bảo vệ Mẹ Thiên Nhiên, theo cách của mình. Thông điệp của ông đã và đang được thế giới lắng nghe.

Trọng Thành
Theo: RFI Tiếng Việt