Châm trà 7 phần, rót rượu 8 phần mới là thích hợp nhất, nhiều quá hoặc ít quá đều bị cho là thiếu lễ nghi (ảnh minh họa: Darooru)
Người xưa thường giảng về chữ “Kính”, “kính người, kính vật”; kính trời, kính đất, kính sách; kính tổ tiên, kính trưởng bối, kính khách, kính cả bạn bè.
Ngay cả khi cùng nhau thưởng trà, chúc rượu cũng cần phải cung kính. Tục ngữ có câu: “7 phần trà, 8 phần rượu, 3 khấu đầu”. Trong cách kính trà, chúc rượu cũng có một vài quy tắc, lễ nghi mang nội hàm văn hóa.
Tô Đông Pha và điển cố nổi tiếng về trà đạo
Dân gian có lưu truyền một điển cố về “7 phần trà, 8 phần rượu” như sau:
Lúc Tô Đông Pha bị giáng chức đến Hoàng Châu, Hồ Bắc. Trước khi rời đi, Vương An Thạch có lời thỉnh nhờ rằng, khi nào trở về kinh đô, nhớ mang cho ông một ít nước của sông Dương Tử ở vùng Trung Hiệp.
Ba năm sau, Tô Đông Pha trở lại kinh thành khảo hạch, trên đường cố ý đến Tam Hiệp để lấy nước, nhưng lại mải mê ngắm phong cảnh hai bên bờ sông, đi qua Trung Hiệp mới nhớ tới chuyện lấy nước.
Vì thế ông vội vàng kêu người lái thuyền quay lại, người lái thuyền nói nước sông Tam Hiệp chảy xiết như vậy, khó mà quay đầu lại. Nước Tam Hiệp chảy xuôi dòng, nước ở Hạ Hiệp chẳng phải cũng chảy từ Trung Hiệp về hay sao?
Tô Đông Pha suy nghĩ, thấy cũng phải, liền lấy nước ở Hạ Hiệp đi kinh thành. Tới nơi ông đưa nước cho người bằng hữu, Vương An Thạch thấy thế rất vui, giữ lại cùng nhau thử trà mới. Ông lấy ra trà Mông Đỉnh mà Hoàng Thượng ngự ban, dùng nước đó mà pha trà.
Trà Mông Đỉnh (hay còn gọi là Mông Đỉnh Cam Lộ) là một loại trà quý nổi tiếng của Tứ Xuyên (ảnh: Sohu)
Trà pha xong, Vương An Thạch đích thân rót một chén cho Tô Đông Pha và một chén cho mình, nhưng chỉ có bảy phần trà. Tô Đông Pha thầm nghĩ: “ Lão già này thật keo kiệt, một chén trà cũng không rót cho đầy”.
Vương Lão nhấp một ngụm trà rồi nhíu mày bình phẩm: “Nước này là nước ở Hạ Hiệp, không phải nước ở Trung Hiệp”.
Tô Đông Pha bất giác giật mình, liền thành thật nói rõ ngọn nguồn câu chuyện.
Vương An Thạch chậm rãi nói: “Nước tại Thượng Hiệp chảy quá nhanh, còn nước tại Hạ Hiệp lại chảy quá chậm. Nước tại Trung Hiệp chảy vừa phải. Bệnh của tôi là do ‘trung tiêu’, và do đó cần nước sông tại Trung Hiệp để mở kinh mạch. Nước sông Dương Tử mà pha trà thì nước ở Thượng Hiệp làm trà bị nồng, nước ở Hạ Hiệp làm trà bị nhạt, nước ở Trung Hiệp là vừa phải. Hôm nay trà ngấm vào nước rất chậm, cho nên tôi biết đây là nước từ Hạ Hiệp.”
Lúc này Đông Pha như bị dội một gáo nước lạnh, hoàn toàn tỉnh ngộ.
Thế nào là “7 phần trà, 8 phần rượu?”
Vương đại nhân còn nói thêm: “Tôi châm trà bảy phần, hẳn trong lòng ông cho rằng lão phu keo kiệt?”
Bị nói trúng, Tô Đông Pha liền vội vàng nói: “Tôi nào dám!”
“Nước sông Dương Tử không dễ lấy, chính ông cũng biết, không cần lão phu nhiều lời. Lại thêm trà Mông Đỉnh được tiến cống, một năm chỉ cống nạp 365 lá trà, khoảng 20 cân, Hoàng Thượng ban thưởng, tiền cũng không mua nổi. Châm trà bảy phần, là để trân quý trà, cũng là để bày tỏ tôn kính người tặng. Rót cho đầy ly, liệu ông còn cảm thấy quý sao? Rượu ngon dẫu đầy bình cũng chỉ nên rót tám phần”.
Tô Đông Pha nghe xong, không nói được lời nào.
Từ đó về sau câu chuyện lưu truyền như một điển cố về trà đạo “7 phần trà, 8 phần rượu”.
Nghệ thuật trà đạo (ảnh minh họa: Twitter)
Châm trà nên rót bảy phần, mời rượu tám phần mới là thích hợp nhất, nhiều quá hoặc ít quá đều bị cho là thiếu lễ nghi.
Khi rót trà vào ấm, tay phải cầm quai, tay trái giữ nắp, khi rót trà trước mặt khách, nên theo thứ tự khách trước, chủ sau. Sau khi rót một lượt trà, đặt lại ấm trà trên bàn, vòi không được hướng về phía khách.
Người xưa có câu: “Trà đầy chẳng trọng khách”, nâng tách trà đầy sẽ khiến khách không vui, thứ hai là tách trà vừa nóng vừa đầy, sẽ khó cầm khó uống, nước trà có thể rơi vãi hoặc đổ, vừa mất phong thái lại thiếu lễ nghi.
Ý nghĩa về “3 khấu đầu” trong trà đạo
Tương truyền thời vua Càn Long tại vị, từng cải trang vi hành tới vùng Giang Nam.
Một lần khi ông đến Tô Châu du ngoạn, các quan địa phương nghe tin liền vội vàng tìm kiếm khắp nơi, phát hiện vua Càn Long đang uống trà một mình trong quán trà. Mọi người liền ngây ra, không biết hành lễ như thế nào? Nên đứng hay nên quỳ? Nếu quỳ thì sẽ lộ thân phận Hoàng Đế vi hành ở đây, ngộ nhỡ có thích khách ảnh hưởng tới an nguy của ngài thì không được. Nhưng cũng không thể không biểu thị kính ý trước vua, cho nên bọn họ bèn khấu đầu.
Khi vua Càn Long nhìn thấy sự bối rối của các quan, liền bật cười. Vì vậy ông đã khéo léo chụm hai ngón trỏ và giữa lại rồi gõ lên bàn ba tiếng. Ý tứ rằng khi các quan hành lễ, thì ông dùng ba cái gõ thay cho ba khấu đầu để đáp lễ. Đây chính là nguồn gốc của lễ trà trong trà đạo, khi mời trà thì người ta thường gõ ba cái lên bàn.
Dùng ngón trỏ và ngón giữa gõ nhẹ xuống bàn ba cái bày tỏ sự tôn trọng với người đối diện. (Ảnh: Sohu)
Ba khấu đầu trong trà đạo còn có quy tắc riêng.
1. Người trẻ kính trưởng bối
Chụm gập cong năm ngón tay lại, tâm bàn tay úp xuống bàn, dùng năm ngón tay chụm đó gõ vào mặt bàn ba cái, tương đương với bái lạy bậc trưởng bối ba lần.
2. Bạn bè kính nhau.
Chụm ngón trỏ và ngón giữa vào nhau rồi gõ vào bàn 3 cái, tương đương với chắp tay khấu đầu ba cái để thể hiện sự tôn trọng.
3. Trưởng bối kính người trẻ
Có thể dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa gõ vào mặt bàn, tương đương với gật đầu.
Thông qua cách thưởng trà của trà đạo, chúng ta có thể thấy được văn hóa truyền thống của người xưa có nội hàm thật sâu sắc. Lấy trà để hành Đạo, dùng trà để tu dưỡng bản thân, thể hiện lễ kính với vạn sự vạn vật.
Chân Mỹ / Theo: Sohu
No comments:
Post a Comment