Wednesday, February 1, 2023

ĐI TÌM "TỨ LINH" CỒN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Long – Lân – Quy – Phụng tạo nên bức tranh sông nước quyến rũ ở Đồng bằng sông Cửu Long.


Cùng nằm giữa sông Tiền, nhưng cồn Long và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, còn cồn Quy và cồn Phụng lại thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Để ngắm vẻ đẹp của cả “tứ linh” cồn, du khách thường lựa chọn điểm đầu tiên là cầu Rạch Miễu – cây cầu dây văng lớn thứ 3 của Đồng bằng sông Cửu Long nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Từ đây nhìn về phía đông, hình ảnh “tứ linh” cồn nổi lên trên sông nước, vừa có thế “long chầu hổ phục”, vừa quyến rũ hiền hòa.


Lên xuồng xuôi theo dòng nước, cồn Lân (hoặc Ly) còn có tên gọi là cù lao Thới Sơn sẽ là điểm đến đầu tiên. Đây là cồn lớn nhất trong “tứ linh” cồn với đặc trưng là những vườn cây trái xum xuê. Đây được mệnh danh là cù lao xanh, quanh năm cho hoa thơm trái ngọt, mùa nào thức nấy.

Du khách sẽ được thưởng thức các loại trái cây miệt vườn do mình tự hái và ăn đến khi nào no bụng, nếm thử vị ngọt thanh mát của trà mật ong dân dã, hoặc tham quan các cơ sở sản xuất kẹo dừa, bánh tráng,..

Trong những ngôi nhà lá đơn sơ, du khách sẽ được lắng nghe đờn ca tài tử và thưởng thức ẩm thực miệt vườn như cá tai tượng chiên xù, cá trê nướng, cá lóc hấp bầu, lẩu cá kèo,..

Khám phá vườn dừa và thưởng thức đặc sản kẹo dừa ở cồn Lân. Ảnh: tourhe.net

Tiếp tục xuôi về phía đông là cồn Phụng. Mặc dù rất gần cù lao Thới Sơn, nhưng cồn Phụng lại thuộc tỉnh Bến Tre, là một điểm du lịch phượt nổi tiếng ở miền Tây. Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh. Theo chuyện xưa kể lại thì người dân nơi đây nhặt được một chiếc chén có hình chim phụng nên đã truyền nhau đổi tên cồn thành cồn Phụng.

Ngoài không gian xanh mượt của cây cối, miệt vườn, cồn Phụng còn thu hút bởi những đặc sản hấp dẫn được chế biến tỉ mỉ, khéo léo, cùng những hoạt động vui chơi giải trí đặc trưng của miền sông nước như câu cá sấu, tát mương bắt cá, tắm sông, chèo thuyền,.. Cồn Phụng còn có tên gọi là cù lao Đạo Dừa, bởi đây từng là nơi hành lễ của một môn phái gọi là Đạo Dừa trong những năm đầu thế kỷ 20 với những tín điều khác lạ.

Mặc dù không được công nhận và đã chấm dứt hoạt động từ lâu, nhưng khu di tích Đạo Dừa rộng 1.500m2 cũng được nhiều du khách đến thăm bởi kiến trúc kỳ lạ của nó.

Di tích Đạo Dừa thu hút bởi vẻ khác lạ. Ảnh: bentretourist.com

Rời cồn Phụng, du khách sẽ xuôi xuồng đến cồn Long, hay còn gọi là cù lao Tân Long, hay cồn Rồng. Cồn Long trước đây chỉ là một gò nhỏ nổi trên sông, nhờ phù sa bồi đắp mà hình thành một cồn đất.

Trước đây cồn Long được mệnh danh là “vương quốc đánh cá”, bởi những người dân đầu tiên ra sinh sống tại đây làm nghề đánh cá, nhưng nay đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả bởi đất cồn chủ yếu từ phù sa nên rất hợp để trồng các loại cây trái như sầu riêng, sơ ri, chôm chôm, ổi không hạt, cam, xoài, vú sữa,…

Đến thăm cồn Long, du khách sẽ được nghe kể chuyện về nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam, tìm hiểu về truyền thuyết hình thành tên gọi cồn Long và thưởng thức đặc sản cây trái thơm ngào ngạt nơi đây.

Cồn Long đang ngày càng phát triển. Ảnh: Nhịp sống phương Nam

Cồn Quy là cồn nhỏ nhất cũng là chặng dừng chân cuối cùng trên chuyến xuồng khám phá “tứ linh” cồn. Cũng như các cù lao đất trên sông Tiền, cồn Quy cũng nối tiếng nhờ cây trái miệt vườn, nhưng nhiều nhất là nhãn. Đặc biệt người dân cồn Quy có nghề nuôi ong từ hoa nhãn nên mật có vị đậm đà rất riêng.

Cồn Quy xinh đẹp và quyến rũ. Ảnh: Daily Travel Vietnam

Chuyến đi xuồng khám phá “tứ linh” cồn tạo cho du khách cảm giác bình yên khi đến với miệt vườn sông nước. Phong cảnh xanh mướt quyến rũ, cây trái ngọt ngào và con người thân thiện nơi đây sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó quên.

Theo: VOV



No comments: