Ảnh: TLTG
Khi còn lục lọi sách báo xưa ở đường Nguyễn Thị Minh Khai cuối thập niên 1990, tôi được nghe người bán sách cũ cho biết về những tập sách nghe có vẻ thú vị này, nhưng không tìm đâu ra để đọc. Cuối cùng, sau gần hai mươi năm, một người bạn ở nước ngoài đã gửi về bản chụp đủ cả bốn tập.
Chuyện nghệ sĩ sân khấu làm báo, viết báo tuy hiếm nhưng không phải không có. Năm 1955 và 1956, một bài trên tờ Thời Nay cho biết đã có hai số báo Xuân do nghệ sĩ Tường Vi chủ biên, đăng cả phần lý lịch về các đào kép và soạn giả cải lương. Năm 1962, nghệ sĩ Thành Được làm tờ “Xuân Cải Lương”, được cho là “rất đáng khen về mặt kỹ thuật”. Rất tiếc hầu như không ai biết mặt mũi cuốn này ra sao.
Giai phẩm Thanh Minh - Thanh Nga có bốn tập nhưng không rõ ra được có vậy thôi hay còn tập nào nữa. Mỗi tập dày cả trăm trang. Chủ biên là Trần Đình Thuyên, tổ chức bài vở dưới quyền của bà bầu Thơ, trưởng đoàn.
Tập đầu tiên kỷ niệm năm thứ 14 sáng lập đoàn (29.5.1950 - 29.5.1964) và tập cuối kỷ niệm lần thứ 17 (29-5-1967). Năm 1964, đang giữa giai đoạn có thể nói là cực thịnh của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga sau 14 năm tồn tại, được coi là đoàn cải lương “sống dai nhứt” thời đó nên những người sáng lập quyết định ra tờ giai phẩm đầu tiên.
Ảnh: TLTG
Bốn cuốn giai phẩm ra liên tiếp từng năm này dễ được hình dung là ấn phẩm nghiệp dư, lưu hành nội bộ của các nghệ sĩ không quen viết lách. Nhưng cho dù hình thức không bắt mắt như tờ báo chuyên nghiệp, đọc qua mới thấy số người viết gạo cội thời đó tham gia bài vở khá nhiều như: nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà văn Sơn Nam, nhà văn kiêm soạn giả Ngọc Linh, nhà văn Thanh Nam, nhà báo Trần Tấn Quốc, nhà thơ Kiên Giang, nhà thơ Mộng Tuyết, nhà văn Sĩ Trung,…
Ngoài ra còn có một số bài viết khác của soạn giả nổi tiếng trong đoàn hay cộng tác với đoàn như các soạn giả Năm Châu (với bài tùy bút Hạnh phúc sân khấu, tập 16), Hà Triều, Hoàng Khâm, Nguyễn Phương và các bài tâm sự, suy nghĩ về nghề nghiệp của nghệ sĩ Hoàng Giang (Bài học bản thân), Việt Hùng – Ngọc Nuôi (Kỷ niệm vui buồn), Hữu Phước (Tôi chỉ là đứa con nghệ thuật)
Ảnh: TLTG
Bài viết “Một ánh sao rơi” của nhà văn kiêm soạn giả Ngọc Linh (tập 15) là một bài viết có giá trị tư liệu về nghệ sĩ Tư Út là kép chính của đoàn Phụng Hảo có tiếng một thời đã mất trên đường lưu diễn ở Nam Vang năm 1947 khi diễn cùng với nghệ sĩ Phùng Há.
Tập kỷ niệm năm thứ 17 (tập cuối), công bố một tư liệu quý là “Nhựt ký” của cố nghệ sĩ Năm Nghĩa, chồng của bà Bầu Thơ và cha dượng của nghệ sĩ Thanh Nga.
Ảnh: TLTG
Nhà báo kỳ cựu Trần Tấn Quốc giữ tập nhật ký này sau khi bầu Năm Nghĩa mất năm 1959, công bố sau tám năm. Trong đoạn trích, người đọc thấu rõ nỗi lo lắng của Năm Nghĩa trong hoàn cảnh lận đận của đoàn Thanh Minh lúc vừa được hai tuổi, đang là trưởng đoàn ông tự thấy có trách nhiệm với gia đình và đoàn hát, khi còn cha mẹ, vợ yếu con thơ, hai con là dưỡng nữ Thanh Nga vừa mới lên mười, Bảo Quốc còn đang chập chững.
Ảnh tư liệu vai diễn của Nghệ sĩ Thanh Nga
Bài viết “Nhận xét về Bảo Quốc” dự báo về một tài năng nghệ thuật sau này. Tác giả “Người Áo Xanh” điểm qua các vai của ông: cậu bé trong vở “Thầy cai tổng Bồi”, cậu Tiết trong vở “Bóng chim tăm cá”, cho đến vai công tử trong “Người dừng chân đêm mưa” khi đã bắt đầu thủ vai người lớn. Lúc đó, ông chưa diễn hài nên bài viết còn hy vọng về những vai chính kịch đang diễn, không nhắc đến vai hài nào.
Ảnh: TLTG
Truyện ngắn “Người nghệ sĩ già trong khám tối” đáng được đăng trong một tờ báo xuân. Tác giả Trần Đình Thuyên viết về một nhóm tử tù hơn năm mươi người tổ chức một đêm hát cải lương trong tù với tuồng tích về một tên thực dân và người dân thuộc địa. Truyện đơn giản mà cảm động trong những đoạn mô tả một nhóm tù hát cải lương, mỗi người bị cùm một góc mà đóng vai của mình khiến khán giả trong khám tối phải quay đầu liên tục để theo dõi diễn tiến câu chuyện.
Những bài viết như hồi ký “Nhập cát sô” (Trần Đình Thuyên, 16), “Bàn về thành kiến xướng ca vô loại” (Sơn Nam, 16) “Nhật ký của Năm Nghĩa”, “Nhớ bà Bầu” (Trần Tử Văn, tức Trần Tấn Quốc, sao lục ở tập 16 và bài viết ở tập 17), “Nghệ sĩ trong khám tối” (Trần Đình Thuyên, 17), “Nợ tằm” (Truyện ngắn Sĩ Trung, 17) đều là những bài đặc sắc, có phát hiện mới, có thể đăng trên các giai phẩm đặc biệt của báo chí thời ấy.
Các bài viết về nghề nghiệp được chú trọng. Từ số 17 ra đời năm 1967, chủ trương của bà bầu Thơ là: “chúng tôi muốn đưa nội dung tập giai phẩm lên một mức cao hơn mọi năm: phản ánh sinh hoạt của đoàn là phần phụ, nói lên những vấn đề liên quan đến sân khấu là phần chánh” (lời trưởng đoàn).
Do đó, có hàng loạt bài theo định hướng này xuất hiện như : “Đoàn hát của bà bầu Thơ tiêu biểu với sắc thái độc đáo: Tuồng xã hội” của Phong Vân, “Những cảm nghĩ của nghệ sĩ Út Trà Ôn” của Phi Sơn, “Nghệ sĩ và quần chúng” (Thành Được ghi lại cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ Năm Châu và Cẩm Thi), “Tại sao Thành Được chiếm huy chương vàng giải Thanh Tâm” (Cẩm Thi), “Thanh Nga và vở tuồng Sân khấu về khuya” (Phi Sơn), “Luật pha màu” (Loka - họa sĩ sân khấu), “Diễn viên, người là ai?” (Soạn giả Ngọc Linh), “Đặc tính của cải lương miền Nam” (Huy Trường), “Hai tiếng cải lương” (Thành Được), “Xã hội trên sân khấu” (Duy Tích)… trao đổi về các vấn đề học thuật sân khấu, như xuất phát cải lương từ đâu, cải lương khác ca kịch và thoại kịch thế nào, phân tích nghệ thuật diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng có thành tựu trong diễn xuất, hoặc bàn về kỹ thuật thiết kế sân khấu.
Đến số thứ 4, giai phẩm này đã lớn lên dần biến thành một tờ tạp chí của giới sân khấu miền Nam trước 1975.
Ảnh: TLTG
Vì sao các tập giai phẩm này có thể thu hút nhiều cây bút lớn của Sài Gòn thời đó như vậy? Trước hết đó là tầm ảnh hưởng của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, đứng đầu lúc ấy về tuồng xã hội với các vở diễn nổi tiếng như Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Sân khấu về khuya, Đôi mắt người xưa, Tấm lòng của biển... Quy tụ nhiều soạn giả tài danh như Tư Trang, Năm Châu, Duy Lân, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Nguyễn Phương,.. và các nghệ sĩ hàng đầu như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Chí Hiếu, Bảo Quốc, trong đó các nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được đều đoạt giải sân khấu Thanh Tâm.
Ảnh tư liệu vai diễn của Nghệ sĩ Thanh Nga
Đoàn trở thành đoàn cải lương có quy mô lớn, được ái mộ nhất miền Nam và thường xuyên được chính phủ miền Nam đưa ra quốc tế diễn đại diện văn nghệ quốc gia. Bà Bầu Thơ giỏi điều hành đoàn hát đến độ giới sân khấu gọi bà là “bầu của những ông Bầu, bà Bầu”.
Đọc qua bốn tập giai phẩm này, thấy rõ tình cảm của các cây bút góp mặt, từ các cây bút lão thành như nghệ sĩ Năm Châu, Trần Tấn Quốc... đến các tác giả trẻ đều thể hiện sự quý mến đoàn hát, kính trọng và nể phục bà Bầu Thơ, yêu mến cô con gái, nghệ sĩ tài danh Thanh Nga. Họ tự hào về đại ban này, như trong bài mở đầu giai phẩm đầu tiên với bài thơ của soạn giả Hoa Phượng: “14 năm cát bụi lầm/ 14 năm mấy thăng trầm biển dâu/14 năm mấy nhịp cầu/ cầu mười bốn nhịp: bảy sầu, bảy vui…/”. Và ông kết luận: “Trên trời: sao lạ ngàn ngàn/ Dưới trời: sân khấu đứng hàng đầu sao!”.
Ảnh tư liệu vai diễn của Nghệ sĩ Thanh Nga
Điều thú vị, trong mấy tập này có vài bài thơ của ngôi sao sân khấu Thanh Nga như các bài “Nguyện cầu”, “Bài ca 16”. Lúc đó, cô hơn hai mươi tuổi nhưng giọng thơ còn trong trẻo như thơ học trò. Bài thơ “Bài ca 17” là tâm sự về đời nghệ sĩ trong giai phẩm thứ 4, kỷ niệm năm thứ 17 (1967):
Từng đêm rồi từng đêm
Điểm trang và trang điểm
Chuông reng rồi chuông reng
Diễn ca rồi ca diễn.
Ra sân khấu từ khi lên tám
Bấm đốt tay: mười bảy năm tròn
Lời khen chê nghe chừng nhiều lắm
Bao niềm vui là mấy u buồn!
Đường nghệ thuật thênh thang thăm thẳm
Bước đi hoài chưa thấy chồn chân
Mai này trên chặng đường mười tám
Tôi vẫn còn đi giữa thế nhân.
Đêm nay, rồi đêm mai
Điểm trang còn trang điểm
Không chỉ vì mình đây
Vì những người đối diện.
29-5-67
Thanh Nga
Sau tập 17, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga còn ra tiếp giai phẩm nào không? Sau đó là chiến cuộc năm Mậu Thân khiến các đoàn hát tạm ngưng hoạt động. Vài năm sau, đầu thập niên 1970, phim Hồng Kông tràn ngập thị trường giải trí miền Nam, làm ảnh hưởng nặng nề đến sự tồn vong của giới sân khấu từ cải lương đến thoại kịch. Nhiều đoàn phải dẹp tiệm, rã gánh.
Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga không nằm ngoài quy luật, sống lay lắt cho đến năm 1975.
Các bài viết trong bốn cuốn giai phẩm trên giúp lưu giữ những kỷ niệm trong nghề và tình mến mộ của khán giả đối với đoàn Thanh Minh – Thanh Nga suốt một phần tư thế kỷ, từ khi thành lập vào năm 1950 cho đến năm 1975, dù lúc thăng lúc trầm. Sau đó sức hút của đoàn còn duy trì trong vài năm nữa cho đến khi nghệ sĩ Thanh Nga nằm xuống năm 1978.
Phạm Công Luận
(Trích "Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm" - Công ty Phan Book xuất bản)