Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà là một trong những sản vật nối tiếng nhất của cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng được mọi người biết đến với màu sắc vàng chanh rất đẹp, hương vị thơm và thanh mát.
Tỉnh Hà Giang chỉ có 3 huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc là có hoa bạc hà mọc để làm nguồn mật cho ong. Vì điều kiện địa lý nằm trên núi cao, núi đá trập trùng, đặc biệt là thời tiết vô cùng khắc nghiệt nên khi cây bạc hà mọc lên và nở hoa là một điều quý hiếm.
Hoa bạc hà - loài cây hoang dại mọc trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Khi ong hút mật hoa thì mật ong bạc hà có mùi vị rất đặc trưng không nơi nào có được. Vì loại cây bạc hà mọc hoang dại, nên lượng mật ong bạc hà thu về không nhiều. Nên mật ong bạc hà có giá thành cao nhất trong các loại mật ong. Mật ong bạc hà thường được thu hoạch vào mùa đông.
Mật ong nguyên chất hoa bạc hà có màu vàng xanh tự nhiên. Màu của mật phụ thuộc vào tỷ lệ hạt phấn bạc hà có trong mật ong. Với mỗi tỉ lệ khác nhau, mật ong bạc hà có màu từ vàng chanh nhạt tới vàng chanh, vàng chanh đậm. Mùi của mật ong bạc hà thơm dịu rất riêng, vị ngọt lịm thơm mát.
Mật ong hoa bạc hà - vị thuốc quý của người Hà Giang.
Đặc biệt, trong quá trình sử dụng tuyệt đối không để mật ong trong tủ lạnh bởi nhiệt độ lạnh sẽ làm tăng nhanh quá trình kết tinh của mật ong. Khi đó bạn sẽ thấy các váng kết tinh xuất hiện trong chai. Lâu dần sẽ làm giảm chất lượng của mật ong.
Cháo ấu tẩu
Ấu tẩu còn có tên gọi khác là ô đầu và phụ tử. Ấu tẩu được người H'Mông trồng nhiều trên núi cao Hà Giang - vùng cực Bắc Tổ Quốc. Củ ấu tẩu tươi có màu đen bóng, vẻ ngoài gần giống như củ ấu ở dưới đồng bằng nhưng xù xì và nhiều cạnh sắc hơn.
Củ ấu tẩu có vị cay tê có tác dụng chữa bệnh rất tốt nhưng trong củ ấu lại có độc tố.
Mặc dù ấu tẩu có chất độc nhưng qua bí quyết của người H'Mông ở Hà Giang, vị thuốc này đã được chế biến thánh món ăn ngon, có tác dụng chữa bệnh. Trong đó, cháo ấu tẩu là món ăn đặc sắc nhất.
Thông thường cháo ấu tẩu phải nấu trong nồi cơm điện từ 5h chiều ngày hôm trước cho đến 6h sáng ngày hôm sau mới được, nếu nấu bằng bếp củi thì phải ninh với thời gian lâu hơn. Phải nấu lâu như vậy là để nhằm mục đích khử độc tố có trong củ ấu.
Khi củ ấu đã hết độc tố, sẽ được kết hợp với các nguyên liệu khác thành món cháo ấu tẩu đặc biệt. Nguyên liệu khác bao gồm gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và củ ấu đã hết độc tố. Bát cháo được cho thêm hành, rau mùi, trứng gà và thịt nạc thăn băm nhỏ.
Cháo ấu tẩu - món ăn lạ của người Hà Giang.
Muốn biết cháo ăn được hay chưa thì chỉ có một cách duy nhất là nếm cháo. Khoảng vài phút sau khi nếm cháo, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng, máu đông cứng lại... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, nếu không thấy tê đầu lưỡi thì có nghĩa là cháo đã được nấu xong và có thể ăn được.
Theo kinh nghiệm của những người nấu cháo ấu tẩu bán ở Hà Giang nhiều năm nay, khi nấu cháo, tuyệt đối không được nấu vào nồi áp suất. Nếu nấu vào nồi áp suất thì ấu tẩu sẽ nhanh nhừ nhưng lượng độc tố có trong củ ấu lại không phân hủy được hết. Nếu nấu đúng cách, cháo ấu tẩu sẽ có tác dụng giải cảm, khử độc trong cơ thể, chữa nhức mỏi lưng,...
Thịt bò khô Đồng Văn
Có thể nói thịt bò khô là một đặc sản quý của miền cao nguyên đá Đồng Văn. Bởi cách chế biến món ăn này khá công phu và mất nhiều thời gian.
Đầu tiên người ta chọn loại thịt bò tươi, ngon mà tốt nhất là thịt bắp bò. Thái thịt theo thớ dọc rồi ướp gia vị gồm muối, tỏi, ớt, rượu… Đợi cho gia vị thấm và từng thớ thịt, lấy que tre xiên và mang thịt đi hong khói hoặc sấy khô bằng than củi. Với cách làm này thịt có thể ăn ngay. Còn với đồng bào các dân tộc nơi đây, họ thường treo thịt lên gác bếp để khói hun thịt một cách tự nhiên. Càng để lâu thì thịt càng quắt lại và càng chín.
Tuy nhiên để có được một kg thịt bò khô nguyên chất, đúng kiểu của đồng bào, cần có sự chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, pha ướp gia vị hợp lý. Thịt bò khô đúng kiểu vùng cao phải có màu nâu óng, mặt ngoài vương bồ hóng, ám khói, dai, thơm.
Thịt bò khô Đồng Văn, Hà Giang
Dùng thịt bò khô Hà Giang là phải dùng chung với rượu ngô Hà Giang do bà con dân tộc chính tay chưng cất. Vị rượu này sẽ làm cho bò khô thêm phần hấp dẫn. Với những người không dùng được rượu, họ có thể ngồi ăn bò như một món ăn chơi, tráng miệng.
Quýt chum vỏ vàng
Quýt chum vỏ vàng được trồng sớm ở Bắc Quang - Hà Giang từ cuối những năm thập kỷ 70. Tính đến nay, diện tích trồng giống quýt chum này chiếm khoảng 3 - 5% trong tổng số diện tích cây ăn quả có múi của toàn tỉnh, năng suất cây ở độ tuổi 8 - 10 năm đạt khoảng 90 - 140 tạ/ha.
Giống quýt chum có vỏ hơi sần sùi, dễ bóc tách, ăn có vị ngọt, mát, mọng nước, thường sẽ có từ 3 - 5 hạt trong 1 quả, và 1 quả nặng từ 120 - 150g. Chiều cao cây trung bình, quả khi còn non có màu xanh lục đậm như đa số các loại quýt khác. Quả khi chín sẽ có màu vàng đỏ nhìn rất sặc sỡ và bắt mắt.
Theo người dân nơi đây, thời vụ trồng quýt nên vào cuối mùa mưa, trên đất bồi tụ, đất rừng mới khai phá,…. và cần thường xuyên tỉa các cành già cỗi, sâu bệnh, cành vượt, cành khô để tạo điều kiện cho tán cây được thông thoáng, khi ấy cây mới cho ra quả xum xuê.
Thành Trung / Theo: doanhnhan
No comments:
Post a Comment