Sunday, September 3, 2023

SẢN VẬT HÀ GIANG (PHẦN 1)

Khi nhắc đến Hà Giang, nhắc đến cao nguyên đá Đồng Văn chúng ta không chỉ biết đến những điểm du lịch nổi tiếng hay những lễ hội văn hóa độc đáo,... Mà nơi đây còn là mảnh đất đặc biệt với những sản vật quý hiếm, khiến ai bước chân đây cũng háo hức tìm tòi, khám phá và thưởng thức một lần.


Hồng không hạt Quản Bạ

Nhắc đến sản vật nổi tiếng Hà Giang, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ quên những vườn hồng trĩu nặng, căng mọng nơi núi cao Quản Bạ. Hồng không hạt nơi đây thuộc loại hồng ngâm, là giống địa phương đã được đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y...) trồng từ lâu đời, đồng thời nó được bảo tồn và phát triển.

Hồng không hạt ở Quản Bạ, Hà Giang

Quản Bạ có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển, địa hình khá bằng phẳng, có nơi có độ dốc dưới 20 độ, tầng đất dày, ít bị xói mòn. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm nên hồng không hạt cho chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Cây ra hoa kết quả từ tháng 3 đến tháng 7, thời vụ thu hoạch kéo dài trong 3 tháng, có tính rải vụ cao. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích hồng không hạt trên địa bàn có gần 96ha. Trong đó, trên 56ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 560 tấn/năm.

Sau khi thu hoạch, người dân đem ngâm nước sạch từ 3 - 5 ngày đêm tuỳ theo độ chín, quả to hay nhỏ để loại bỏ vị chát của hồng. Quả ăn ngọt đậm, giòn và nhiều bột mịn, vỏ quả cứng, thịt quả chắc nên rất dễ bảo quản và vận chuyển.


Hồng không hạt Quản Bạ trở thành sản phẩm thứ 56 trong cả nước được xác lập và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của tỉnh Hà Giang sau mật ong Mèo Vạc và cam sành Hà Giang, đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất của Việt Nam.

Cam sành Hà Giang

Hà Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam sành lớn nhất cả nước, được trồng tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình. Trong đó, huyện Bắc Quang là nơi trồng và giao thương cam sành lớn nhất tại Hà Giang.


Cam sành Hà Giang có đặc điểm riêng dễ nhận biết là quả to và tròn, vỏ sần sùi, khi chín có màu vàng ươm, lõi cam vàng, có hạt, ăn có vị ngọt đậm đà, có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, quả cam có cùi dày nên có thể để đến 20 ngày vẫn không bị hỏng. Cam sành có thể ăn trực tiếp hoặc vắt lấy nước, pha chế sinh tố, nước ép,…

Cam sành Hà Giang là một trong những đặc sản nổi tiếng cả nước.

Cam sành Hà Giang có tỉ lệ dinh dưỡng rất cao, đạt chuẩn orgamic, an toàn, tỷ lệ đường cao, vitamin C, B1, B3, kali, khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe. Ăn cam sành thường xuyên sẽ giúp da dẻ hồng hào, ngăn ngừa mụn, tránh được các bệnh cảm cúm thông thường, tốt cho tim mạch,…

Với giá trị dinh dưỡng cao có lợi cho sức khỏe cam sành Hà Giang đã được mọi người biết đến và trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất địa đầu Tổ quốc này.

Chè Shan Tuyết Cao Bồ

Xã Cao Bồ có 11 thôn, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, trong đó có đến 96% là dân tộc Dao. Chè Shan Tuyết chỉ thích hợp điều kiện môi trường ở độ cao 1.300m trở lên so với mực nước biển. Đây là giống chè quý hiếm, cây chè cao tới vài mét, có cây tuổi hàng trăm năm. Chè có búp to màu trắng xám, dưới lá có phủ một lớp lông tơ mịn, trắng nên người dân gọi là chè Shan Tuyết.

Những búp chè tươi non, đặc biệt khi hái chè thì cũng phải hái rất nhanh, nếu không búp sẽ bị già, chè không đồng đều sẽ bị kém chất lượng.

Những cánh chè Shan Tuyết sau khi hái về sẽ được sấy khô tự nhiên hoặc xao thủ công trên lò nóng. Nhưng để sấy khô chè chuẩn vị phải kể đến là phương pháp sấy chè của người Dao, đó là cho chè vào ống giang rồi sấy trên bếp lửa.

Chè Shan Tuyết được cho vào ống giang rồi sấy khô trên lửa.

Những cánh chè sau khi sao khô sẽ được nhồi vào ống nứa, vầu tươi, vừa giúp chè không hỏng, còn giúp tạo hương vị đặc biệt cho loại chè Shan Tuyết Cao Bồ hảo hạng nhờ chất nhựa từ nứa tươi tiết ra qua các khâu chế biến.

Những ống chè sau khi đã được nhồi chặt, sẽ được bà con hơ trên bếp lửa và giữ ở gác bếp, để đảm bảo chè không mốc. Cách sấy chè độc đáo này hiếm nơi nào có được. 


Do mang lại giá trị kinh tế rất cao nên chè Shan Tuyết Cao Bồ không bán nhiều ở thị trường trong nước mà chủ yếu là dành để xuất khẩu. Mỗi năm, xã Cao Bồ xuất khẩu một lượng khoảng 200 tấn chè Shan Tuyết sang một số nước châu Âu, châu Á như: Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Rượu thóc Nàng Đôn

Rượu thóc Nàng Đôn là sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng đất địa đầu cực bắc Tổ Quốc, được chưng cất theo phương pháp cổ truyền từ thóc nương, nấu bằng men lá gia truyền, cùng với nguồn nước ngầm tự nhiên, tinh khiết trên núi cao.


Quá trình sản xuất rượu thóc được người dân xã Nàng Đôn thực hiện hoàn toàn theo phương pháp cổ truyền, được thực hiện rất tỷ mỷ, tuần tự từ khâu làm men lá, hấp thóc đến khi chưng cất.

Men lá được làm từ 36 loại lá cây được hái từ rừng tự nhiên, trong đó có một số cây thuốc quý như: Hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì, bình vôi, thủ phục linh, đỗ trọng, cam thảo, sâm cau, nhân trần, bạch mao căn, kê huyết đằng, ngưu tất,…

Nguyên liệu thảo dược để làm men lá phục vụ nấu rượu thóc

Thóc nương sau khi được làm sạch sẽ để nguyên vỏ đem rửa sạch, đãi loại bỏ hạt lép, sau đó đem đi luộc. Sau khi thóc được luộc trong chảo gang từ 4 - 5h, người nấu rượu thóc đổ thóc ra các nia lớn, cho thóc nguội dần đi, sau đó dùng men lá rắc trộn đều để ủ lên men trong vòng 24h.

Sau khi trộn men với thóc, người nấu rượu cho thóc vào các chum sành để hạ thổ và ủ trong khoảng 30 ngày liên tục trước khi đem chưng cất rượu bằng nguồn nước ngầm tự nhiên.

Nấu rượu thóc thủ công tại các làng bản.

Rượu thóc Nàng Đôn sau khi được nấu xong, cho vào chum sành lớn ủ từ 6 tháng cho tới 1 năm rồi đem sử dụng. Để rượu thóc được tinh khiết hơn và có mùi thơm thanh quyến rũ, người nấu rượu chưng cất hai lần. Sau khi chưng cất 2 lần, rượu thóc có mùi thơm thoang thoảng thanh cao, uống vào ngọt thanh, không sốc, êm nhẹ, thơm mùi nếp nương, không bị đau đầu.

Thành Trung / Theo: doanhnhan