Sunday, September 3, 2023

KHÔNG CÓ ĐỨC HẠNH THÌ KHÔNG CÓ TỰ DO

Các Tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ tin rằng điều thiết yếu của một xã hội tự do chính là đức hạnh. Đôi khi thuật ngữ họ sử dụng là “tự kiểm soát.”

Các Tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ tin rằng điều thiết yếu của một xã hội tự do chính là đức hạnh. Đôi khi thuật ngữ họ sử dụng là “tự kiểm soát.” (Ảnh: Getty Images)

Nó có nghĩa là gì? Tham khảo lịch sử hàng ngàn năm triết học và thần học, đầu tiên là những người Hy Lạp như Aristotle, và sau đó là các nhà thần học Cơ Đốc Giáo như Augustine thành Hippo và Thomas Aquinas, các Tổ phụ lập quốc hiểu “đức hạnh” là hành vi (cụ thể hơn, là thói quen) phù hợp với điều thiện. Nhà triết học Aristotle và nhà thần học Aquinas định nghĩa đó là sự hành xử theo “lý do đúng đắn”. Do đó, đức hạnh là sự sẵn sàng hy sinh những đam mê của một người cho một điều cao đẹp hơn, đó là “lý do đúng đắn”.

Theo truyền thống, bốn “phẩm chất cốt lõi” thời cổ đại là thận trọng, dũng cảm, tiết độ; và công bằng. Sách Trí huệ trong Kinh Thánh (8:7) đã liệt kê những đức tính tương tự. Thần học Cơ Đốc Giáo có thêm ba “đức tính”, đó là đức tin, hy vọng; và tình yêu (ban đầu được tìm thấy trong 1 Cô-rinh-tô 13, do Thánh Phao-lô viết). Do đó, “bảy tội lỗi chết người” nổi tiếng là trái ngược với những đức tính này: sắc dục, ham ăn, tham lam, lười biếng, phẫn nộ, đố kỵ và kiêu ngạo.


Ngài Benjamin Franklin, trong “Tự truyện” của mình, đã liệt kê một loạt các đức tính tương tự:

  1. Biết chừng mực: Ăn không no, uống không nhiều.

  2. Im lặng: Chỉ nói những gì có ích cho người khác hoặc cho chính mình. Tránh trò chuyện vặt vãnh.

  3. Trật tự: Hãy đặt mọi thứ đúng chỗ. Hãy làm mọi việc đúng lúc.

  4. Quyết tâm: Quyết tâm thực hiện những gì bạn phải làm. Làm tốt những gì bạn đã quyết tâm.

  5. Tiết kiệm: Chỉ chi tiêu cho những gì tốt cho người khác hoặc bản thân, tức là không lãng phí gì cả.

  6. Chăm chỉ: Không phí thời gian – luôn làm việc gì đó có ích – giảm thiểu mọi hành động không cần thiết.

  7. Chân thành: Không lừa dối hay gây tổn thương. Hãy suy nghĩ một cách vô tư và chính trực, và nếu bạn nói, hãy nói một cách phù hợp.

  8. Công bằng: Không phạm sai lầm bằng cách làm tổn hại hoặc bỏ qua những lợi ích thuộc bổn phận của bạn.

  9. Trung dung: Tránh cực đoan. Hãy nhẫn chịu những tổn thương và uất hận.

  10. Sạch sẽ: Không để cơ thể, quần áo, hoặc nơi ở bẩn thỉu.

  11. Sự yên tĩnh: Không bị phiền nhiễu bởi những chuyện vặt, những tai ương ai cũng có thể gặp phải hoặc những điều không thể tránh khỏi.

  12. Thanh bạch

  13. Khiêm tốn: Hãy noi gương Chúa Giêsu và Socrates.

Chân dung ngài Benjamin Franklin (1767) (Ảnh: Wiki)

Hãy chú ý những gì mỗi đức tính yêu cầu: tự chủ; giới hạn bản thân. Thật vậy, cả triết học và thần học từ lâu đều coi đức hạnh đồng nghĩa với hạnh phúc – do đó, đối với Jefferson, “theo đuổi hạnh phúc” có nghĩa là một cái gì đó gần với “tự do theo đuổi điều tốt” hơn là “tự do làm bất cứ điều gì tôi muốn.” Điều đầu tiên làm cho một xã hội tự do có thể tồn tại. Điều thứ hai sẽ phá hủy nó, bởi vì việc từ bỏ các đức tính tốt luôn bao hàm sự vi phạm tính chính trực của con người – hoặc là chính chúng ta, hoặc (thường xuyên hơn) là những người khác. Khi các cá nhân và gia đình không bài trừ, hoặc sửa chữa những vi phạm như vậy, thì một công cụ mờ ám là chính phủ sẽ “sửa chữa” nó. Khi một người không kiểm soát được chính mình, thì ai đó, hoặc một thứ gì đó khác sẽ kiểm soát họ – đó là nhà nước.

Các Tổ phụ lập quốc đã nhận thức sâu sắc về thực tế này.

Ví dụ, trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình, ngài George Washington đã nói đến mối gắn kết này khá mạnh mẽ, bao gồm cả sự liên hệ rộng rãi đến Kinh Thánh:

“Không có chân lý nào thấu tỏ hơn là, trong nền kinh tế và tự nhiên có tồn tại một sự ràng buộc vĩnh cửu giữa đức hạnh và hạnh phúc; giữa nghĩa vụ và lợi ích; giữa những nguyên tắc chân chính của một chính sách trung thực, cao cả và phần thưởng là sự thịnh vượng và lòng trung thành nơi công chúng: Vì chúng ta phải vững tin rằng ân huệ của Thiên Chúa không bao giờ có thể được mong đợi ở một quốc gia coi thường các chân lý vĩnh hằng về trật tự và lẽ phải, đây là điều mà chính Thiên Chúa đã định ra [xem Châm ngôn 14:34]: Và vì việc gìn giữ ngọn lửa thiêng liêng của tự do cũng như vận mệnh của mô hình Chính phủ Cộng hòa được xem là sự trông cậy cuối cùng và sâu sắc [của Chúa] trong khảo nghiệm được trao gửi cho người dân Hoa Kỳ.”

Tương tự như vậy, Tổng thống John Adams đã nói rõ mối liên hệ này :

“Thế giới không có chính phủ nào được trang bị sức mạnh để chống lại những dục vọng khó kiềm chế của con người thông qua đạo đức và tín ngưỡng. Sự tham lam, thù hận mạnh mẽ hay sự liều lĩnh đều có thể phá vỡ các quy định khắt khe nhất trong Hiến Pháp của chúng ta dễ như một con cá voi xuyên qua một cái lưới. Hiến Pháp của chúng ta chỉ dành cho một dân tộc có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không phù hợp với chính phủ của bất kỳ quốc gia nào khác.”


Nói cách khác, một bản Hiến Pháp cho một dân tộc tự do nhất thiết phải có tiền đề là họ sẽ thực hiện một mức độ tự trị chưa từng thấy ở bất kỳ xã hội nào khác.

Trong cuộc Cách mạng giành độc lập, anh họ của ngài John, ngài Samuel Adams nổi tiếng, đã bày tỏ quan điểm tương tự trong một câu nói nổi tiếng về công thức vĩ đại cho tự do: “Nếu Đạo đức và Tri thức được phổ biến trong Nhân dân, họ sẽ không bao giờ bị nô lệ. Đây sẽ là sự Bảo đảm tuyệt vời của họ”.

Đối với các Tổ phụ lập quốc, có giáo dục là một phần thiết yếu của một xã hội tự do, và là một phần của đức hạnh. Sự ngu dốt và tự do không đi đôi với nhau về lâu dài – một xã hội đã bị bão hòa về truyền thông như của chúng ta ngày nay có lẽ đã quên mất điều này. Thay vào đó là một hệ tư tưởng khác, họ trở nên ngụy biện, lôi kéo và nói dối những dữ kiện và bằng chứng.

Ngài Samuel, khi viết thư trả lời cho người anh họ khi ấy vừa trở thành Phó Tổng thống (John), đã khẳng định lại điều này ở một khía cạnh khác:

“Hãy để các vị Thần, và các Nhà triết học, các Lãnh tụ chính trị sáng suốt và các Nhà yêu nước kết hợp những nỗ lực cải biến thời đại này lại, bằng cách khắc sâu trong tư duy dân chúng về tầm quan trọng của việc giáo dục con trai và con gái của họ – thấm nhuần trong tâm thanh thiếu niên sự kính sợ và từ bi của Thần, cùng lòng bác ái phổ quát; và tuân theo những nguyên tắc tuyệt vời đó, Tình yêu Tổ quốc – dẫn dắt họ thực hành Nghệ thuật tự kiểm soát bản thân. Nếu không có điều này, họ không thể hành động khôn ngoan trong chính phủ của các xã hội dù lớn hay nhỏ. Nói tóm lại là dẫn dắt họ tham gia tìm hiểu và thực hành các đức tính cao quý của hệ thống Cơ Đốc Giáo.”

Trong diễn văn chia tay của mình với quốc gia non trẻ, ngài Washington đã sử dụng khoảnh khắc trọng đại cuối cùng này trước dân tộc để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa đức hạnh và tự do:

“Có một sự thật là đức hạnh hay đạo đức là cái gốc thiết yếu của một chính phủ của nhân dân. Thực tế, nguyên tắc này có ảnh hưởng đến hầu hết mọi loại chính phủ tự do. Ai trung thành với nó mà lại có thể thờ ơ chứng kiến những nỗ lực làm lung lay nền tảng của quốc gia?”


Ông thậm chí còn đi xa đến mức nói rằng bất cứ ai phá hoại đạo đức đều không thể là một người yêu nước:

“Trong tất cả những khuynh hướng và thói quen dẫn đến sự thịnh vượng về chính trị, thì tín ngưỡng và đạo đức là những trụ cột không thể thiếu. Sẽ là vô nghĩa khi một người tuyên bố tôn vinh lòng yêu nước nhưng lại lật đổ những trụ cột của hạnh phúc này, vốn là sự công nhận rõ ràng nhất về bổn phận của con người và công dân. Một chính trị gia đúng nghĩa, tương đương với một người ngoan đạo, phải biết trân trọng và gìn giữ chúng. Một cuốn sách không thể đề cập hết tất cả mối liên hệ của những trụ cột đó với hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng… Và chúng ta hãy thận trọng với những suy nghĩ cho rằng đạo đức có thể được duy trì mà không cần tín ngưỡng. Cho dù người ta có thừa nhận bất cứ điều gì về ảnh hưởng của nền giáo dục tinh hoa đối với những tư duy cá biệt, thì cả lý trí và kinh nghiệm đều không cho phép chúng ta kỳ vọng rằng đạo đức quốc gia có thể tồn tại mà không tuân theo các nguyên tắc tín ngưỡng.”

Chúng ta có thể trích dẫn rất nhiều ví dụ khác, nhưng điểm chính ở đây là: đối với các Tổ phụ lập quốc, đức hạnh và tự do luôn song hành cùng nhau. Có cái này mà không có cái kia là vi phạm quy luật căn bản của tự nhiên.

Nếu chúng ta mong muốn duy trì một xã hội tự do ở Hoa Kỳ, chúng ta không thể bỏ qua, chứ đừng nói đến việc gièm pha, sự cần thiết của đức hạnh trong cuộc sống của cá nhân và cộng đồng.

Joshua Charles 

Joshua Charles là tác giả của những tác phẩm bán chạy nhất, nhà sử học, nhà nghiên cứu và diễn giả quốc tế. Ông là một người bảo vệ đầy nhiệt huyết các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ, nền văn minh Do Thái-Kitô Giáo, và đức tin Công Giáo mà ông chuyển sang trong năm 2018. Ông rất thích kể chuyện và giúp đỡ người khác kể ra những sự thật tuyệt vời.

Joshua Charles
Lý Bình biên dịch



No comments: