Lên mạng lục một hồi thì thấy rất giống kẹo đậu phọng có mè trắng mà trong dịp tết hay để chung với những viên đậu phọng bọc đường và loại kẹo đậu phọng, thường được người miền Nam gọi là "thèo lèo cứt chuột". Kẹo "Sìu châu" thì được làm khác một chút. Mời các bạn:
Kẹo Sìu Châu - quà quê đặc sản xứ thành Nam
Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.
“Xuân có kẹo Sìu, Xuân đượm sắc
Tết có thơ Vỵ, Tết Nguyên Hương!”
Nhắc đến hai câu thơ ấy ngày Tết đến xuân về, người ta nhớ ngay tới vị ngọt ngào, giòn tan của kẹo Sìu Châu xứ thành Nam, thứ kẹo quyện giữa hạt vừng, hạt lạc và bàn tay khéo léo của con người nơi đây làm cho vị tết thêm đậm đà, tinh khiết.
Nếu có dịp về đất Nam Định những ngày này, không khí làm kẹo Sìu nhộn nhịp khắp các lò, các xưởng. Bởi đây là thứ kẹo thường được ưa chuộng vào những ngày Tết, một miếng kẹo nhấm nháp cùng ly trà xanh, chúc tụng nhau đầu xuân được xem là nét văn hóa vẫn còn lưu giữ trong nhiều gia đình.
Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Ngay cái tên kẹo Sìu Châu cũng gây cho nhiều người sự tò mò, thích thú. Theo người dân Nam Định, cái tên kẹo Sìu Châu đã có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Cửa hàng đó được đặt trước đền Triều Châu ngay bến Ngự sông Vị hoàng (con sông lấp nổi tiếng trong thơ Tú Xương), nên nhân dân quanh vùng quen gọi là kẹo ngon trước cửa đền Triều Châu, rồi gọi đơn giản hơn cho dễ nhớ là kẹo Triều Châu, rồi thành kẹo Sìu Châu hay kẹo Sìu như ngày nay.
Nguyên liệu làm kẹo Sìu châu rất dễ kiếm, gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Lạc chọn làm kẹo phải được chọn lọc cẩn thận từ những hạt lạc to, mẩy, bóng vỏ và tròn, khi rang chín phải giòn, thơm bùi, vỏ săn lại. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại vừng sẽ làm cho kẹo Sìu ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau. Sau khi vừng và lạc rang chín sẽ được tách vỏ, sẩy cho thật sạch.
Khâu tiếp theo nấu đường với mạch nha trên bếp to lửa, khi hỗn hợp đường sôi lên thì cho lạc và vừng vào đảo đều tay sao cho lạc và vừng quyện lấy nhau cho đến khi sóng sánh màu nâu hồng là được. Bước cuối cùng là đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để kẹo chống ẩm và nhanh tay cán mỏng kẹo để cắt thành phên hay chia thành từng miếng vuông nhỏ cho vừa miệng.
Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.
Ngày nay, kẹo Sìu Châu được biết đến là thứ kẹo quê dân dã không thể thiếu khi Tết đến xuân về và là thứ kẹo ngon rất đỗi tự hào của vùng đất học, đất văn xứ Thành Nam.
Nguyễn Thu Hường
Nguồn: vnexpress