Hồi nhỏ tôi có nghe ba má tôi hay nói, lúc trước lâu lắm rồi có loại cá cháy ngon lắm, thịt rất ngọt, rất béo, kho lạt chan bún hoặc nấu canh chan bún ăn thì rất là tuyệt vời nhưng bây giờ thì ít và hiếm lắm dường như tuyệt chủng rồi. Tôi chỉ nghe nói vậy chớ chưa từng ăn qua dù gia đình tôi ở miệt sông nước Cần Thơ có và ăn đủ thứ cá đồng, cá sông nhưng đặc biệt rất ít ăn cá biển.
Mấy chục năm trôi qua mà bây giờ lại nghe nhắc lại con cá cháy, không biết các bạn có ai biết và ăn qua chưa. Nếu chưa biết thì cùng nhau đọc bài này và chờ cơ hội về VN tìm ăn một lần cho biết nếu thật sự nó vẫn còn tồn tại.
CÁ CHÁY
Khi những ngọn gió chướng thổi qua làm rạo rực dòng sông Hậu bao la, thổi bung những bông xoài nhú quả xanh non cũng là lúc dòng sông xuất hiện từng đàn cá cháy. Cá cháy là đặc sản của riêng vùng đất nhỏ nằm bên sông Hậu, xã Tích Thiện (Trà ôn - Vĩnh Long), vùng gặp nhau giữa nước trong và nước lợ. Cá cháy nhiều xương nhưng thịt rất ngon. Cá cái có mang cặp trứng to chật cả khoang bụng, ăn rất bổ, béo.
Giống cá cháy thật lạ kỳ, vừa rời khỏi mặt nước đã vĩnh viễn từ giã cuộc đời, dù người ta có cẩn trọng thả nó ngay tức khắc trong lườn ghe đầy nước. Vì vậy, khi đánh bắt được mẻ lưới khấm khá phải mang ra chợ bán ngay. Muốn có cá ngon phải thức sớm trước khi mặt trời mọc. Những tiếng rao cá cháy vang vang trên sông xa đầy ắp sương mù như mời gọi.
Ăn cá cháy có nhiều cách. Cá được kho mặn trên bếp lửa riu riu để xương cá mềm nhừ. Đây là món ăn dài ngày trong gia đình, thậm chí có thể làm quà tặng cho người thân ở nơi xa. Ngoài ra, có thể nấu canh chua với các loại rau thơm như bạc hà (dọc mùng), đậu bắp, giá, bông điên điển hoặc có thể rim cả con, bên dưới đáy nồi lót một lớp mía. Cá cháy cũng có thể dùng để nấu cháo. Cháo nấu nhừ, cho cá cháy nguyên con đã đánh sạch vẩy vào nồi, đun sôi cho đến khi cá chín, gắp ra gỡ thịt, bỏ xương. Cháo cá cháy thường ăn với rau tần ô (cải cúc), rau đắng đất, xà lách, chút lá gừng non xắt nhuyễn.
Món trứng cá cháy cũng rất hấp dẫn. Ai đã được ăn một lần trứng cá cháy sẽ nhớ mãi không quên. Ngoài vị béo không ngậy, hương vị thơm ngon khiến đã ngồi ăn thì không muốn đứng dậy. Gỏi cá cháy là món ăn cầu kỳ. Món này phải có đủ các thức rau ghém, rau thơm, chuối chát, khế chua để cuốn chung với thịt cá cháy, phải có nước chấm riêng biệt dành cho nó.
Ngoài sự ngon lành bổ béo của trứng cá và thịt cá cháy, sẽ thú vị hơn nếu bạn được thưởng thức món xoài xanh băm nhỏ thả vào nồi canh cá đang sôi. Chất chua dìu dịu của trái xoài chưa kịp chín như đã ướp tẩm đầy hương thơm trong ngọn gió chướng, kích động mạnh mẽ vị giác, như tăng thêm độ hương nồng của miếng cá và chùm trứng.
Rất nhiều người chỉ kén cá cháy thay vì cá lóc trong việc làm nguyên liệu chính cho món bún mắm. Bởi nhờ hương vị của cá cháy mà món ngon càng thêm ngon. Đáng tiếc là do môi trường nước thay đổi, cá cháy không còn nhiều như trước.
(theo Memo Travel)
CÁ CHÁY KHO RIM
Sóc Trăng có loại cá rất đặc biệt từ tên gọi đến các món ăn: cá cháy.
Cá cháy có ở Sóc Trăng và gắn liền với sự tích một chi họ. Tương truyền: cách đây một thế kỷ, ở vùng Đại Ngãi ven sông Hậu của Sóc Trăng có chàng ngư phủ người Hoa nghèo nhưng hiền lành, đẹp trai. Cứ khoảng tháng 2 âm lịch hằng năm, mùa cá chay, chàng ngư phủ lại đánh bắt đem bán khắp vùng.
Đại Ngãi bấy giờ có ông quan tri huyện nhà ở Bố Thảo (nay thuộc xã An Ninh, huyện Mỹ Tú) rất mê món cá cháy. Hôm nào đánh bắt được con cá to, chàng trai không quản đường xa, lội bộ hàng chục dặm đem bán cho quan. Ông quan có cô tiểu thư xinh đẹp cũng mê món cá cháy như cha mình. Ngày qua ngày, cô tiểu thư phải lòng chàng ngư phủ lúc nào không biết. Một hôm, cô gái nắm mộng thấy Ngư thần bảo: “Món cá cháy mà mỗi ngày cha con ngươi ăn chính là sính lễ cầu hôn của con trai ta đó!”. Quan tri huyện vốn hiền từ nhân hậu, lại mê món cá cháy nên mê luôn chàng ngư phủ nghèo kiết xác, gả luôn con gái cho chàng. Theo truyền thuyết trên, chàng ngư phủ và nàng tiểu thư là khởi tố của một chi họ Tạ nguời Hoa ngày nay ở Sóc Trăng. Họ Tạ muôn đời nhớ ơn loài cá cháy.
Cá cháy sống ở vùng nước ngọt, giống cá chẻm, cá bẹ, thân tròn, mau trắng bạc, vảy to, mỗi con cân nặng từ 1-2kg. Tháng 2 âm lịch, cá cháy đổ về vùng Đại Ngãi đẻ trứng, dân trong vùng tổ chức đánh bắt bằng chài lưới hoặc đáy. Thịt cá cháy tuy nhiều xương (xương sống có 3 ngạnh) nhưng mềm ngọt.
Cá cháy mua về làm sạch, khứa từng khoanh. Mía cây róc vỏ, chặt khúc, chẻ làm 4 hoặc 6. Xếp một lớp mía, một lớp cá, cứ thế khi nào hết thì thôi. Nêm nếm đường, bột ngọt, nước mắm, mỡ. Xong, lấy cục gạch sạch dằn lâu rồi nồi lửa riu riu kho cho đến khi xương cá rục như cá mòi hộp mới nhắc xuống xắt hành để vô. Có người khi kho để thêm cà chua càng ngon. Nhờ cục gạch nén, kho như vậy xương cá rục mà thịt vẫn chắc, thấm gia vị.
Cá cháy để ăn với cơm. Múc cá ra tô, rắc tiêu hoặc ớt bột lên, bằm xoài sống vào, trộn sơ. Cơm nóng chan chút nước kho, gắp cá, xoài để lên ăn. Thịt cá có vị bùi, béo, thấm chất ngọt rất “hoang dã” của mía cộng với xoài chua tạo nên cái ngon đặc biệt, độc đáo na ná như cá mòi hộp nhưng ngon hơn nhiều. Ăn vào những buổi trời mưa rất ngon miệng và tốn cơm!
NGUYỄN HOÀNG TUẤN
(Hương vị quê nhà, SGTT Xuân 1996)
No comments:
Post a Comment