Saturday, August 6, 2016

ĐỪNG GIẾT CHIM ÉN

Nay… thấy người ta, đồng bào của tôi đang dấy lên phong trào săn, bắt, giết chim én để nhậu nhẹt, tôi thật buồn hết sức. Tài hèn của tôi có mấy chữ này thay lời kêu gọi: anh em ơi dừng tay!


Trên thế giới, không phải bây giờ, mà từ xa xưa tới nay, các nước văn minh, thành phố nào cũng có chim bay lượn, đậu, nhảy nhót trên mặt đất, trên mái nhà, trong công viên, ở những nơi xe dừng trên xa lộ…
Sinh hoạt của chim trở thành hoạt cảnh trong đời thường, đời bình thường, của con người có văn hóa, văn minh.
Nhiều người đi Vatican chụp hình chung với chim, hình ảnh chim và người thân thiện tạo nên nhóm từ:  môi trường thân thiện.
Bạn tôi định cư bên Canada, ngày trước ở Việt Nam, ông làm nghề khai thác lâm sản, ông theo đạo Phật, rất “kiệm” chuyện sát sinh, nhưng cái nghề “đốn” cây thì thỉnh thoảng cũng có đi săn thú, bắn chim vừa để chơi, vừa để thưởng thức “của lạ” của trời…
Từ ngày ông và gia đình qua Canada đoàn tụ với các con, ông bà tuổi cao nên không phải làm gì cả, nhà nước lo trọn gói, ông bà chỉ đi chơi, hết Chùa tới Nhà Thờ, hết nơi đông đúc tới nơi vắng vẻ…nơi nào cũng tạo ấn tượng:  Con người và muôn vật như bạn bè.
Ruồi, muỗi, ong, rắn rết hiếm khi thấy được (không hiểu tại sao) chớ nai, hoẵng, chim đủ loại thì thường trông thấy.  Thấy nhiều nhất là chim bồ câu, chim sáo, chim sẻ.

Sân chợ nào cũng đầy chim bồ câu, se sẻ và sáo vì ở những nơi này chúng dư thừa thức ăn do con người “lén” cảnh sát vung ra cho chúng.
Bạn tôi chụp hình với chim, có con đậu trên mũ của ông, có con đậu trên vai ông, có nhiều con lẩm đẫm đi theo ông đòi ăn, nũng nịu như con nít…
Cảnh sát khuyên người dân không nên cho chim ăn vì chúng sinh sản nhiều, phóng uế nhiều, khổ cho thành phố, nhưng người dân chấp hành đó…rồi quên ngay.
Ở thành phố New York, có lệnh ban bố rõ ràng: không cho bồ câu ăn, chúng phát triển mau quá, dơ quá…có thể làm trở ngại cho giao thông và ảnh hưởng vệ sinh, nhất là các mái nhà…
Chim vẫn cứ đầy!
Nghĩ bâng quơ: nếu thành phố không có chim…chắc thành phố chết!

Chưa nói các nơi, đúng hơn là thành phố, nơi có cư dân, gần biền như Santa Monica, Long Beach, chim hải âu to như con heo sà xuống cùng khắp để đòi ăn, chúng còn kêu la chí chóe như mèo kêu nhưng không ai dám đụng đến chúng vì nếu làm chúng đau đớn (như lấy cây xua đuổi, ném đá) là phạm tội hành hạ loài vật…
Mà phạm tội thì ở tù!

Tạm biệt chim én… lên mâm
Ở thành phố Santa Barbara, miền Nam California, là một thành phố rất đẹp – đẹp nhờ có nhà Thờ đẹp, xe cộ đẹp, nhà cửa sang trọng, đường sá sạch như lau, hầu như ai cũng giàu (người đi làm mướn như cắt cỏ, làm nghề hớt tóc, cắt móng tay…) cũng giàu vì tiền lương lãnh nhiều, đời sống vật chất đầy đủ. Tại đây hai từ thiếu thốn không nghe ai nói, không nghe ai than.

Đặc biệt, ngoài mọi loài chim thành phố nào cũng có, còn có chim én!  Chim én ở Mỹ rất ít, có lẽ vì tới mùa Đông lạnh quá, chim én không ở được.
Riêng ở Santa Barbara thì có chim én, chúng được mọi người  cưng quý vô cùng, không ai có hành động nào làm tổn thương chúng cả.
Hàng năm chim én ở thành phố này chừng sáu tháng thôi, từ tháng Tư tới tháng Mười thì chúng bay đi hết, bay đi đâu người ta không biết, có lẽ về Nam Châu Mỹ, dưới đó gần đường xích đạo, mùa Đông phía Bắc là mùa Xuân hay Hè phía Nam.
Chim én rời Santa Barbara không ồn ào náo nhiệt, chỉ ồn ào náo nhiệt khi chúng quay trở về, cuối tháng Ba hay đầu tháng Tư, khi hoa đào nở rực (mùa Xuân nước Mỹ bắt đầu vào các tháng Ba hoặc Tư).
Khi chim én bay về, bạn mà đọc báo thường xuyên sẽ thấy báo đưa tin rất trang trọng:  Đón Mừng Chim Én!

Thị Trưởng thành phố Santa Barbara cùng với toàn dân ai ai cũng ra trước nhà, ra phố, công viên mừng đón chim én!
Cảnh đón chim én rất vui, rất ấm áp lòng người… người Mỹ tôn trọng muôn vật không phân biệt (ngoại trừ những loài vật nào nguy hiểm hay truyền bệnh truyền nhiễm thì mới “cách ly” hay tiêu diệt (bằng cách nào người dân không biết, khi không thấy ruồi muỗi, rắn rết…thì vui thôi).
Bạn mình ơi… tôi không ca tụng nước Mỹ, không ca tụng người Mỹ, họ không là Tổ Quốc tôi, không là đồng bào của tôi, nhưng phải nói ngay tình: nước Mỹ, người Mỹ không xấu!
Tôi có quen biết một số bạn bè người Mỹ theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Mormong…họ rất tao nhã và lịch sự; đặc biệt những người Mỹ quy y đạo Phật thì khỏi phê bình: họ hiền như Phật, điềm đạm và tuyệt đối không làm đau đớn bất cứ con vật nào!
Tôi viết nãy giờ chủ đích là gợi ý như một cảnh báo đau lòng xin mọi người vì hai chữ Thân Thiện mà buông tha cho lũ chim én ở quê nhà.
Tôi đọc báo trong nước thấy bà con mình đang tổ chức săn bắt chim én đại quy mô vì mùa Xuân đang về, mùa mưa sắp tới, mùa gieo mạ sắp tới, chim én bay đi bắt sâu bọ trên đồng ruộng giúp nông dân…

Vậy mà có một số người chuyên nghiệp săn bắt chim, hết chim rừng, đến chim sẻ, nay đến chim én, họ đang hành động!
Báo Dân Trí, tờ báo đề cao trí thức của nhân dân có bài rất dài, có hình ảnh đính kèm nói về chuyện người ta đang giăng bẫy bắt chim én!
Tôi, người viết bài này, không theo một đạo nào nhưng có tìm hiểu tín ngưỡng và có lòng ngưỡng mộ những người truyền đạo, tôi “vâng lời” họ:  Không Sát Sinh, Không Làm Đau Đớn Tha Nhân.
Xưa tôi có nhập ngũ, là lính chiến đấu, đúng ra là sĩ quan chỉ huy, tôi tác chiến nhưng quân luật và quân kỷ luôn luôn khuyên bảo chớ giết người, chuyện chiến tranh là chuyện đương nhiên có chết chóc, có thắng có thua, phải hạn chế tối đa việc đối xử vô nhân đạo với đối phương.
Tôi từng có huy chương được gắn trên chiến trường, mỗi huy chương của tôi là máu, là nước mắt, tôi biết, tôi trân trọng kể cả tôi ân hận.

Nhưng mà…thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế…thôi!  Thời gian đi lính có hạn, thời gian ăn năn sám hối thì vô hạn.  Người lính xuôi tay nhắm mắt mới xong nhiệm vụ.
Tôi biết thương yêu quý trọng những người lính trẻ đã hy sinh đời mình, trong số đó có em tôi, có anh tôi, bản thân tôi… chưa anh hùng, càng thêm thương Tổ Quốc xiết bao!
Nay… thấy người ta, đồng bào của tôi đang dấy lên phong trào săn, bắt, giết chim én để nhậu nhẹt, tôi thật buồn hết sức. Tài hèn của tôi có mấy chữ này thay lời kêu gọi: anh em ơi dừng tay!
Chim én là chim báo mùa, chúng là cái đồng hồ báo thức lương tri và lương tâm chúng ta, chúng là chuông điểm mùa thu hoạch mới, nhiều hay ít thành đạt là ở chúng còn sinh tồn hay bị tiêu diệt.
Tôi tha thiết xin các nhà sư hãy xắn tay áo cà sa lên phất phất cho chim én bay đi, bay xa khỏi cạm bẫy của u minh; hàng năm các ông làm lễ phóng sinh để làm chi nếu không phải ngay lúc này và thường xuyên sao?


Tham, sân, si…tội nghiệp quá!
Tôi thương biết bao những vị linh mục ở Santa Barbara, các ông ra lệnh, hay đích thân giật chuông chào mừng chim én bay về…
Đời thái bình không riêng chỉ có con người là vui!
Tôi thành thật bày tỏ lòng biết ơn những ai đã đọc bài này và cho tôi niềm tin:  chúng ta ai cũng có trái tim!
Trần Vấn Lệ
Theo TGTT