Tuesday, December 13, 2016

CẶC BẦN VÀ DÁI MÍT


"Sóng vỗ, cặc bần run bây bẩy
Gió đưa, dái mít giãy tê tê." 

(Ca dao Nam bộ)


Tôi đã đọc qua mấy câu ca dao này nên khi vào trang của các bạn trong một group thấy có bạn post tấm hình, rồi đố :"Đố tất cả chị em bạn gái biết cây nầy gọi là cây gì đây?". Một bạn khác trả lời ngon lành: Cây "Cặc Bần" nên không thấy lạ lắm.
Đúng ra thì không có "cây cặc bần" mà chỉ có cây Bần hay còn gọi là Bần chua vì vị chua của nó.
- Tên khoa học: Sonneratia caseolaris (L.)
- Tiếng Anh: Apple Mangrove hay Crabapple Mangrove
- Tiếng Hoa: 海桑属
Câu thành ngữ "Cặc bần nhét nút chai" quá quen thuộc đối với người dân miền Tây sông nước. Nội dung của nó liên quan trực tiếp đến rễ của cây bần. Rễ bần có hai phần, phần ẩn dưới đất, phần mọc từ dưới bùn chĩa lên trời để hút dưỡng khí, lớn hơn ngón tay cái, dân miền Tây Nam Bộ cũng cho nó một tên cũng rất đặc biệt cặc bần! (Chúng sử dụng bộ lọc ở rễ để đào thải muối.) Phế căn hoặc rể sốp hay gọi là "cặc bần" được dùng thay thế và chế tạo nút chai và phao câu cá.


Hôm nay tôi không phải muốn "sửa lưng" các em mà muốn cho nó đúng, tục phải có căn "vừa thanh, vừa tục". Vây thì chơi luôn, mời các bạn đọc bài sau:

"CẶC VÀ DÁI"


Hồi còn sinh viên, một lần về miền Tây Nam bộ ăn đám giỗ, tôi có nghe một sản phẩm dân gian dưới hình thức cặp câu thơ đối rất ngộ nhưng lâu nay chưa thấy nhắc đến trong sách vở:

"Nước chảy, cặc bần rung bây bẩy
Gió đưa, dái mít giãy tê tê."


Hai câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Cái đặc sắc của nó là đưa cả “cặc” lẫn “dái” vào một hình thức thơ trang trọng.
Cũng có một dị bản của hai câu này (khác ở chỗ đổi “nước chảy” thành “sóng vỗ”):

"Sóng vỗ, cặc bần run bây bẩy
Gió đưa, dái mít giãy tê tê."

Có ở vùng sông rạch miền Tây Nam bộ thì mới hiểu được.
“Dái mít” thì hầu như ai cũng biết, đó là cách nói khác của “khóm mít”. Còn “cặc bần”?
Trước hết, xin nói ngay, “bần” là một loài thực vật. Học giả Vương Hồng Sển viết về cây bần như sau: “Bần là cây gỗ tạp, mọc dựa mé nước, rễ nhiều, bám theo đất phù sa mà làm cho đất có phần vững chắc không trôi khi sóng đánh. Cây bần có lá xanh rất đẹp, ban đêm đom đóm đậu nhiều trông rất xinh. Có trái, ăn với mắm sống rất ngon. Chúa Nguyễn Ánh được nếm qua, rất hài lòng và ban cho tên chữ là Thúy Liễu. Rễ của bần dùng làm nút ve được. Phân ra có loại bần-chua, trái lớn; và bần-ổi, trái nhỏ hơn và tương đối ít chua hơn. Xưa nay, nghề uốn và chơi kiểng, phàm cây kiểng lão và gốc bần quá già, khi nào gốc dẽ ra ngoài bờ ngoài nước thì gọi là nó chiếu thủy, ý nói bóng cây ấy làm dáng và dòm xuống nước”.


Sông rạch miền Nam có nhiều loại cây khá đặc trưng, đặc biệt là những cây “mở đất” như đước, mắm. Bần cũng thuộc loại cây có công trong quá trình Nam tiến. Loài bần có những sợi rễ ngoi lên từ mặt bùn đất trông khá gợi tình. Người dân gọi đó là “cặc bần” tương tự như người miền Trung gọi những cội dứa hoang có những rễ cây thon thon nhô đầu đâm ra rồi trườn xuống, lăm le đâm vào bờ suối là “cặc dứa”….
Về Cà Mau, bạn sẽ được biết về cây mắm, cây đước, cây bần với “cặc bần”, “cặc mắm”. Đó là những loài thực vật cứ như người nông dân lom khom trên vùng đất mới để đi tìm một chốn dừng chân và lặng lẽ, miệt mài sinh sôi nảy nở với vùng đất sình lầy để lấn biển và giữ đất.
Nguyễn Duy trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” có viết:

“Tôi về quê em – châu thổ mới bồi
sông Cửu Long giãn mình ra biển
đất cuồn cuộn sinh sôi và dịch chuyển
cây mắm cây tràm lặn lội mở đường đi”


Cây bần, cái tên gọi đã gần gũi với người nông dân nghèo, thường sống ở bờ sông, nửa ướt nửa khô, chơi với cá đùa với chim. Gốc bần trở thành “bến đò”, là nơi dân nghèo neo đậu chiếc xuồng nhỏ. Hầu như không một người dân nghèo miền Tây nào lại chưa từng nếm bát canh chua nấu bằng quả bần. Cây bần cũng là hình ảnh thân thương trong tâm hồn của người miền Tây Nam bộ xa xứ.
Trái bần lúc còn non, ăn cũng rất thú vị. Có một điều độc đáo là hoa bần rất… quý phái: màu trắng tím, cánh hoa đỏ đậm, mảnh, cao. Tiểu nhuỵ nhiều, đáy chỉ đỏ tím, quả bì dày, nạc chua chua; hột nhiều.
Hiện ở miền Tây còn có nhiều khu vực bần sống thành rừng lớn như ở các các huyện Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Cây bần đang bị khai thác vô tội vạ để làm củi và rễ làm nút bần xuất khẩu.


Bần tạo thành rừng phòng hộ khá tốt và góp phần ổn định hệ sinh thái nhưng nguy cơ phá bần nuôi trồng thủy sản đang báo động. Cái lợi trước mắt có khi làm người ta không ngần ngại “bần cùng hóa” những rừng bần.
Biết đâu có ngày nào đó, bạn sẽ không còn có cơ hội kiểm chứng cái… "cặc bần" trong câu ca dân gian trên đây?
Phan Văn Tú
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: