DÂN CHƠI CẦU BA CẲNG
Từ đâu có hỗn danh “dân chơi cầu Ba Cẳng”?
Trong thế giới ngầm, thế giới ăn chơi, để phân biệt đẳng cấp và vị trí của người chơi, giới chơi và cách chơi, giang hồ thường đặt cho một hỗn danh để ngầm quy ước vai trò quan trọng hay thể hiện đúng vị thế, dấu ấn của dân chơi.
Hỗn danh “dân chơi cầu Ba Cẳng” ra đời trước năm 1975 và lưu truyền đến nay để nhắc về một lớp đàn anh “ngang trời dọc đất” nhưng dám chơi mà không dám chịu, đụng chuyện thì tránh né. Hỗn danh này còn được gắn cho một tay anh chị do Mã Ban cầm đầu một nhóm ăn chơi thuở xưa, nhưng sau đó gác kiếm, rút lui khỏi giới giang hồ về với đời thường một cách lặng lẽ.
Tranh minh họa: Xuân Lộc |
Cầu Ba Cẳng không còn cẳng nào
Trước hết phải khẳng định cầu Ba Cẳng là một cây cầu có thật. Theo bút ký của nhà văn Trương Đạm Thủy, vùng Q.6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng. Ngày ngày, dân bụi đời ưa tụ tập ở đó để cờ bạc, đá gà, ăn nhậu gây mất trật tự và vẻ khó coi cho khu Chợ Lớn mới. Đêm đêm dân chơi đi… “bắt bò lạc” là mấy em gái ăn sương cũng thường coi cầu Ba Cẳng là điểm hẹn để tìm một đêm vui. Vì thế mà cái tên “cầu Ba Cẳng” lần hồi đã trở nên nổi tiếng. Đi xa hơn, loại dân chơi nào bị coi là chơi không đẹp, chơi nhếch nhác, chơi thiếu… mỹ quan thì bị thiên hạ gán cho cái tên “dân chơi cầu Ba Cẳng”.
Còn theo ghi chép của Hội những người yêu Sài Gòn, trước 1954, thành phố Sài Gòn thường quen được gọi là “Sài Gòn - Chợ Lớn” để phân biệt như hai khu vực. Một vùng do đại đa số người Việt sinh sống, còn vùng kia là người Việt gốc Hoa buôn bán làm ăn phát triển (từ Q.5 tới Q.11, trừ Q.9 thành lập sau này thuộc vùng Sài Gòn).
“Cầu Ba Cẳng” thuộc vùng Chợ Lớn bắc qua một cái vàm (ngã ba kinh rạch) của kinh Hàng Bàng, do quan Khâm sai người Pháp (không nhớ tên và thời điểm) ra lệnh xây dựng. Lúc đầu mang tên cầu Khâm Sai. Do một trận hỏa hoạn lớn ở đường Gia Long, người ta đổ xô lên cầu chen lấn, đứng xem quá đông khiến cầu bị sập. Sau đó cầu được xây lại thành ba nhánh bằng bê tông cốt sắt vững vàng hơn. Dân chúng trong vùng không còn gọi là cầu Khâm Sai nữa mà gọi theo hình dáng xây dựng là “cầu Ba Cẳng”. Cầu nằm cuối đường, phía sau chợ Kim Biên P.13, Q.5, thuộc Chợ Lớn. Cầu Ba Cẳng nay không còn nữa. Xưa, cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, sau đó được lấp thành đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe, Q.6. “Cầu Ba Cẳng” nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hũ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành, còn chân kia ở bến Vạn Tượng. Cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập hoàn toàn.
Dân chơi "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn"
Hỗn danh “dân chơi cầu Ba Cẳng” ngụ ý là dân giang hồ không có tính toán, mưu lược, chơi ẩu, cứ thấy có chuyện gì lạ là nhào ra xía vô, không nghĩ gì tới lợi hại, như kiểu thấy hỏa hoạn ở tuốt đường Gia Long rồi kéo nhau lên cầu coi cho thỏa ý tò mò tới độ cầu bị sập, sinh ra tai nạn. Khi nói “dân chơi cầu Ba Cẳng” còn một ngụ ý khác nữa, ám chỉ là dân giang hồ dám làm mà không dám chịu, chuyên tránh né, không dám hiên ngang chống đỡ với đối lực, từ câu chuyện kể. Năm 1955, có một đám côn đồ sau khi làm việc phi pháp bị hai cảnh sát rượt đuổi. Chúng chạy lên cầu Ba Cẳng. Vì cầu có ba hướng lên xuống mà cảnh sát chỉ có hai người, do đó chỉ chặn được hai ngả. Bọn này cứ như chuột, lúc nào cũng có ngả hở thoát thân. Tóm lại, các dạng dân chơi chuyên lừa đảo để kiếm tình, kiếm tiền, dụ khị đàn ông, lừa bịp đàn bà, theo các dạng bát nháo trên đều có thể liệt vào hạng “dân chơi cầu Ba Cẳng”.
Sài Gòn trước 1975, dân chơi tứ chiếng tràn ngập và là mảnh đất anh tài hội tụ. Lớp người Hoa thời kỳ đó rất nhộn nhịp, bởi Hòn ngọc Viễn Đông lúc đó đâu đâu cũng có những phố xá ăn chơi sành điệu bậc nhất. Sài Gòn lúc đó như chiếc bánh ngọt được các băng nhóm giang hồ chia nhỏ thành lãnh địa riêng rồi phân nhau hùng cứ. Vì vậy, các bậc đàn anh, đàn chị giang hồ nổi lên cát cứ khắp nơi. Chính quyền vô cùng đau đầu, đã lập ra danh sách đen các bậc anh chị có “số má”, với những hỗn danh có tiếng vang để lùng bắt nhằm ổn định an ninh trật tự.
Theo nhiều tài liệu, thời kỳ đó một nữ A xẩm Tiều nán (người Triều Châu) ở gần Chợ Lớn mới (chợ Bình Tây, Q.6, TP.HCM ngày nay) góa bụa giữa lúc nửa chừng xuân. A xẩm đi nấu ăn cho nhà giàu kiếm tiền nuôi đứa con trai lớn tên Mã Ban ăn học. Mã Ban học tiểu học rồi trung học dành cho học sinh người Hoa ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, thay vì học hành chăm chỉ thì Mã Ban lại lao vào ăn chơi khiến cho người mẹ nghèo rất buồn khổ. Bị mẹ la mắng nhiều, thương mẹ, Mã Ban quyết định tự lập kiếm tiền để ăn chơi. Không tiền, không nghề nghiệp, Mã Ban thu thập đàn em để làm bảo kê, chuyên xử lý các băng nhóm quậy phá. Có tiền rủng rỉnh, Mã Ban cùng đám đàn em lao vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Thời gian sau, Mã Ban được một đại gia người Hoa quý mến, gả con gái cho. Nhằm giúp Mã Ban trốn quân dịch, người cha vợ lắm tiền nhiều của của Mã Ban đã đút lót cho viên chức cao cấp để Mã Ban trở thành cảnh sát viên của Tổng nha cảnh sát. Từ đó, Mã Ban nổi lên với những cuộc ăn chơi đàn đúm, sử dụng súng rulo bá phát và luôn có những người đẹp nổi tiếng vây quanh.
Sau khi Sài Gòn phỏng giái, năm 1984, Mã Ban đã rũ bỏ nghiệp giang hồ, quay về cùng vợ con, mở nhà hàng ăn uống ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, do vẫn còn máu chơi hào phóng nên chẳng bao lâu buôn bán lỗ lã, dẹp tiệm. Từ đó, bắt đầu cuộc sống khó khăn, vợ bệnh, con đau, không tiền bạc, Mã Ban từ một tay anh chị phong lưu trở thành tay trắng. Dân chơi “cầu Ba Cẳng” lại lưu danh thêm một đàn anh vào danh sách để nhắc nhớ quá khứ oanh liệt Sài Gòn - Chợ Lớn ngày xưa.
Sao Khuê
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment