Monday, December 12, 2016

KỲ THÚ ĐÀ LẠT

Tôi có đến Đà Lạt trong lần về Việt Nam mấy mươi năm trước. Dù chỉ ở đây có đôi ngày nhưng cũng dạo chơi khá nhiều nơi như : đồi Cù, vườn Hồng, thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, thác Prenn, nhà thờ con gà... và nhất là tận mắt ngắm căn nhà 100 nóc mà bây giờ không còn nữa. Tối nào cũng ra cái nhà hàng gần chợ Đà Lạt để ăn tả bín lù và uống rượu dâu. Có một câu chuyện là lạ tôi mới đọc, nó nói về Đà Lạt:


KIẾN TRÚC KỲ THÚ ĐÀ LẠT VÀ LỮ TRÚC PHƯƠNG

Đà Lạt và những "người điên" ­ những tâm hồn nghệ sĩ mà vẫn được người ta gọi là "điên" bởi sự độc đáo và khác biệt

LỮ TRÚC PHƯƠNG - ­QUÁI KIỆT PHỐ NÚI 



Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Nhưng thời buổi này, không phải bao giờ đàn ông cũng làm được cái việc mà cuộc đời phân công. Vậy mà ở Đà Lạt, có một người vẽ nhà như… chơi! Chơi ở đây được hiểu là sự say mê sáng tạo bất chấp những khuôn thước, nếu không muốn nói là luôn gây ấn tượng bất ngờ. Người ta liệt ông vào những “quái kiệt” của phố núi… KTS Lữ Trúc Phương ­ người đàn ông ngoài lục tuần có vóc người toát lên vẻ gì đó rất “classic” ­ nhưng nhắc đến ông, có người bảo ngay: đấy là tay “phá phách” siêu hạng.

CON GÀ NẶNG 8 TẤN -­ LÀNG GÀ K'LONG


Làng K’long dưới chân núi Voi (Đức Trọng ­ Lâm Đồng) ngổn ngang những hàng quán thổ cẩm K’ho. Những chuyến xe tour du lịch Tây ba­lô ghé vào đây mua thổ cẩm và để tận mắt thấy con gà chín cựa cao 3m5, nặng 8 tấn sắp sửa được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam. Ít ai biết con gà khổng lồ ấy đã đứng đó… há miệng 26 năm nay mà chưa chịu… gáy như ý tưởng ban đầu của người cha đẻ nó. Kiến trúc sư Lữ Trúc Phương kể vào năm 1978 ­ 1979, ông được đặt hàng làm một công trình cấp nước dân sinh cho dân vùng K’long này. Sau khi nghiền ngẫm ý tưởng về công trình dân sinh kết hợp văn hóa, ông “đẻ” ra con gà này để nó chứa nước cung cấp cho cả làng. Con gà gắn với truyền thuyết lễ vật Sơn Tinh cưới Mỵ Nương: “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. “Tôi định làm con gà xong thì tiếp tục xây voi chín ngà ở hồ Tuyền Lâm và ngựa chín hồng mao ở hồ Đa Nhim”, ông giải thích.


Khởi phát từ ý tưởng đó, ông cùng người bạn là nhà điêu khắc Thụy Lam khăn gói về đây, ăn bo bo để xây con gà khổng lồ cho làng K’long. Thời điểm đó, đây là một sáng tạo đầy liều lĩnh về thể nghiệm sử dụng chất liệu bê tông. Và với công trình này, Lữ Trúc Phương là người đầu tiên ở Việt Nam khai sinh ra bê tông vỏ mỏng đưa vào công trình điêu khắc khổng lồ. “Ngay từ đó, tôi đã có ý định tạo điểm nhấn không gian cho vùng này, mục đích kêu gọi đầu tư du lịch văn hóa bản địa”. Ý tưởng ấy hôm nay đã là sự thật. Mỗi ngày, làng K’long đón vài ba chiếc xe 50 chỗ vào tham quan đời sống dân tộc bản địa, chụp ảnh và mua thổ cẩm…


Và ý định đưa nước từ con mương gần đó lên để con gà lọc nước cho cả làng uống, đồng thời tạo bộ phận xử lý bên trong giúp nước chảy làm con gà cất tiếng gáy… được xem là ngộ nghĩnh nhưng đã gặp trở ngại từ địa phương. Công trình dở dang. Mãi đến nay, con gà vẫn há miệng làm phông cho nhiều du khách đi qua làng chụp ảnh lưu niệm. Rồi cứ thế, người này mách bảo người kia, rằng ở K’long có con gà lớn nhất thế giới…

HOÀI NIỆM NHÀ TRĂM MÁI

Trong cuộc đời sáng tạo của mình, tìm kiếm không chỉ là ý thức trách nhiệm mà là một phản xạ nghệ thuật khi ông đặt cây thước kẻ và cây bút chì lên trang giấy ca rô đề án trên bàn. Từ thái độ ấy, ông đi tìm sự độc đáo, không có phiên bản. Kiến trúc của Lữ Trúc Phương vượt ra ngoài tính tiện nghi sử dụng thông thường mà hướng đến cái đẹp công năng. Sự nhuần nhuyễn trong tư duy, sự hòa quyện giữa tính kỹ thuật và một tâm thức sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc đã phá đi môi trường kiến trúc dễ dãi và khuôn thước, thực dụng, bất chấp thiên nhiên, thẩm mỹ và nhu cầu văn hóa.


Năm 1992, nhiều tờ báo và Hội kiến trúc sư Việt Nam đã xôn xao, lên tiếng trước vụ ngôi nhà trăm mái ở đường Đinh Tiên Hoàng của kiến trúc sư Lữ Trúc Phương bị chính quyền địa phương dở bỏ vì nhiều lý do, trong đó có việc đất đai “chiếm dụng bất hợp pháp, cơi nới trái phép”. Sự thực là sau 17 năm sống trong ngôi nhà hai mái được chuyển nhượng khất nợ từ một viên sĩ quan ngụy, ông Phương đã nghĩ đến chuyện biến ngôi nhà 2 mái thành… 100 mái lấy tên là “Tổ ấm Âu Lạc”, dựa theo truyền thuyết Lạc Long Quân ­ Âu Cơ. Và thế là sau 5 năm, ngôi nhà vỡ vạc hình hài và trở thành điểm ghé chân tham quan của du khách đến Đà Lạt. Nhiều ý kiến của những nhà kiến trúc, giới chuyên môn đã được ghi lại trong hai tập lưu bút của ngôi nhà này. Nhờ đó, Đà Lạt có thêm một công trình kiến trúc tạo ấn tượng và giữ chân khách.


Đây là một công trình kết hợp tính truyền thống và hiện đại về ý tưởng cũng như kỹ thuật xây dựng. “Khi thiết kế và phá ngôi nhà 2 mái để bắt tay biến nó thành nhà 100 mái, vợ tôi đã không thông cảm, hai vợ chồng lục đục với nhau suốt 3 năm tu sửa ngôi nhà…; và chúng tôi bất hòa cho đến bây giờ!”. Bởi khi ngôi nhà đã lợp xong 98 mái tạm bợ bằng giấy dầu thì… người của chính quyền địa phương kéo sang giải tỏa, ban đầu là vì thực thi Luật đất đai, sau là vì lấy lý do ngôi nhà không đảm bảo an toàn, lôi kéo nhiều khách du lịch trái phép… Nhiều lý do được đưa ra để kéo đổ ngôi nhà khiến gia đình vợ chồng con cái ông phải khóc ròng. Bề ngoài, người đàn ông ấy tỏ vẻ cứng rắn và trầm lặng, nhưng bên trong là một nỗi đau như cắt khi nhìn tác phẩm, đứa con đẻ của mình bị kéo đổ một cách oan uổng.


Dù sao thì sự cũng đã rồi. Ông bị bạn bè trong giới gọi là “khùng”, có người dè bỉu bảo ông “chơi trội”. Ông lật cho tôi xem những dấu ấn, hoài niệm về ngôi nhà trăm mái trong hai cuốn sổ. Ông kể hồi đó, có một du khách Pháp sau khi tham quan nhà trăm mái đã nhìn thẳng vào mắt ông mà nói: “Tôi nói ông đừng buồn, ông đúng là một tên khùng! Nhưng tôi thích cái khùng của ông!”. Lúc bấy giờ, chưa ai dám nói thẳng với ông điều đó. Vừa kể chuyện, nhà kiến trúc sư vừa lật lại hai tập sổ lưu niệm giấy A4 dày cộm và xem lại những ý kiến tán thưởng của du khách, bạn bè khắp nơi. Đôi mắt ông thoáng buồn. Ngôi nhà trăm mái Âu Lạc mới đó thôi mà đã là hoài niệm.

ĐƯỜNG LÊN TRĂNG


Nhiều người đã đứng trước ngôi nhà ống ngang có kích thước 5x20 mét ở dãy phố lầu đường Phan Bội Châu ­ Đà Lạt và thở dài: “Không biết ông khùng lại chơi trò gì nữa đây?”. Rồi họ tò mò bước vào quán cà phê Đường lên trăng. Quán là một không gian xếp đặt nhiều ngẫu tượng, chi tiết đậm chất văn hóa dân gian. Chủ quán thắp nến đi trước, cầm theo một sơ đồ rối tít rối mù ngõ ngách, hướng dẫn một nhóm khách đi “thám hiểm” Đường lên trăng. Mở ra trong đêm là những hang sâu, luồn lách qua những động đá nhân tạo dẫn xuống hun hút dưới mặt đất.

Dọc chuyến hành trình huyền ảo ấy, có thể gặp nhiều tượng gỗ gắn ngẫu hứng hai bên tay vịn, trên những vác xi măng sần sùi thô mộc hay chui vào miệng một con cá khổng lồ đi xuống thủy cung gặp vua thủy tề, những mặt nạ phù thủy, những chiến binh của biển cả… Rồi từ đó, du khách có thể mò mẫm lên những bậc đá trèo lên cao theo một đường hang thông nho nhỏ, có chỗ vừa chui lọt người để… lên trăng gặp chị Hằng. Có đoạn nến tắt tối mù, tiếng người dẫn đường nói vọng trong hang sâu: mai sau chúng tôi sẽ đặt lên trục hang một thang máy để du khách có thể nhấn nút lên xuống từ thủy cung đến cung trăng!


Sau khi nhà trăm mái bị phá bỏ, ông kiến trúc sư có máu khùng này lại bắt tay và công trình đường lên trăng. Một nhóm thợ xây đã cùng ông chui vào chui ra trong cái ‘tổ ong” bê tông cốt thép. Chính thợ xây có lúc cũng không biết họ đang làm cái công trình kỳ quặc gì. Chỉ có ông, trầy tay trầy chân vì phải trực tiếp điều hành, xây dựng ý tưởng. Ông đã đục xuyên đất từ dãy phố lầu sang một khu vườn trên đồi cao của mình một hướng thông để làm hang động. Đặc biệt, cái hầm này đi qua dưới hai con đường hằng ngày người ta vẫn qua lại. Khi phát hiện ra, chính quyền lại một lần nữa gây khó dễ cho ông, mặc dù theo thiết kế công trình, ông đã đảm bảo tính an toàn và độ kiên cố của công trình. “Tôi đã tuân giữ một nguyên tắc đặt ra cho mình trong thực hiện Đường lên trăng: không thấy, không nói, không nghe”.


Và như thế, suốt 10 năm qua, quán cà phê Đường lên trăng với hai gian lầu bê tông, cây cối, tượng, đất um tùm bên ngoài vẫn chưa đủ để du khách hình dung, còn có một ngõ lên trăng sâu hun hút và cao thăm thẳm. Bởi những lối đi khám phá thú vị xuyên qua lòng đất. Đây thực sự là một tác phẩm xếp đặt nhiều ấn tượng, một kiểu kiến trúc nặng tính cảm thụ và khám phá hơn sử dụng vào mục tiêu kinh tế, thu lợi trước mắt… “Tôi có thời gian dài thực tập công trình ở Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương tại Campuchia. Những công trình như kiến trúc Angkor luôn là sự ám ảnh đối với tôi. Đó là những công trình không thể tìm thấy phiên bản”, ông Phương nói về ý tưởng thiết kế quán cà phê kỳ lạ này.

TÌM KIẾM SỰ KỲ DỊ

Bản lĩnh nghệ sĩ luôn đầy ắp nơi người đàn ông này. Trong căn nhà bề bộn máy móc, đồ án, giấy tờ và tranh tượng ngổn ngang, ông không rảnh tay với những công trình mới. Những ý tưởng thiết kế kỳ dị luôn được bật ra từ tiềm thức của ông. Hiện tại, ông đang cùng nhà điêu khắc Thụy Lam xây một tượng Phật (sẽ là tượng lớn nhất Việt Nam) cao 31,6m gần chùa Vạn Linh (Núi Cấm, xã Thất Sơn, huyện Tịnh Biên ­ An Giang). Bên trong tượng có hệ thống lọc nước điện tử, chứa 5.000 lít nước sinh hoạt. Đó là một thế giới triết lý nhà Phật: Nhãn, Nhỉ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Công trình này do công ty TNHH Nam Long (Cần Thơ) đặt hàng. Vừa lúc đó, ông làm đồ án cho công trình khu du lịch sinh thái “Cầu treo bến nước” trên một hòn đảo giữa hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) với cụm khách sạn Mã Đà có hình dạng ba tượng Phúc, Lộc, Thọ cao 33m, có nhiều tầng, có thể di chuyển bằng thang máy, ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi bên… trong tượng!


Hơn 20 năm sống ở Đà Lạt, Lữ Trúc Phương theo đuổi, kiếm tìm sự kỳ dị, độc đáo trong sáng tạo như một cuộc hành trình đầy cô đơn, lặng lẽ. Ngoài đời, đó là người đàn ông ít cười. Nếu có, thì đó cũng chỉ là những nụ cười đầy vẻ ưu tư. Nếu nhìn những công trình ấn tượng lạ của ông, người ta bảo ông khùng là có lý. Riêng tôi, khi tiếp cận con người thực của ông, lại nhận ra đó là một gã đàn ông luôn trằn trọc đi tìm kiếm những điều kỳ dị thêm vào thế giới vốn đang ngày càng cũ đi vì những khuôn thức cũ. Dù biết đó cũng chỉ là những ảo tưởng của giới nghệ sĩ thiêu thân đổi lấy những giá trị đích thực và có khi phù phiếm của sáng tạo!

Theo SGTT