Tuesday, December 6, 2016

MAY MÀ BIA DỞ


Tuần rồi, nghe nói Singha đang khuyến mãi ở một nhà hàng nằm gần bệnh viện Vạn Hạnh, cả nhóm bạn cùng đến để thưởng thức thứ bia láng giềng trước khi viết bài này. Ngụm bia đầu tiên làm ta nghe như ngậm phải con nhím chưa kịp xù lông trong miệng. Sau khi chiêu xuống khỏi cổ họng là một làn hương ngan ngát. Uống người để ngẫm đến ta…
Không phải chỉ riêng tôi, mà những người tôi đã giao tiếp, nói chuyện về bia, đều công nhận bia Việt dở nhất so với bia các nước láng giềng. Kể cả những nhãn hàng nước ngoài vào làm bia tại Việt Nam.
Người Việt thích thế?
Dở cũng đúng, vì như ông Hirofumi Kishi, tổng giám đốc bia Sapporo Việt Nam, thừa nhận: với người tiêu dùng Việt, chúng tôi nhận thấy rằng bia ngon nhất là loại bia mà họ đã quen uống. Người Việt uống bia không thích vị đắng nên hầu hết các loại bia ở Việt Nam nhạt hơn so với bia ở Nhật.


Một tiêu chí hoàn toàn ngược với các hãng bia toàn cầu. BBC dẫn lời ông Chris Giles, người sở hữu Surebrew, công ty phân tích hoá học và cung cấp các thiết bị lưu trữ men bia: đối với hãng khởi nghiệp, cần phải đầu tư nhiều để làm cho bia có hương vị đồng nhất, nhất là các công ty đa quốc gia. Men bia phải nhất quán. Ông Gearoid Cahill ở hãng Guinness cho biết công ty của ông phải tính đến nhiều yếu tố để bảo đảm hương vị bia đồng nhất. Nước dùng để làm bia Guinness cần phải kiểm tra nồng độ calcium do lượng calcium nhiều hay ít có thể gây ức chế các enzyme giúp chuyển hoá tinh bột thành đường.


Còn nhớ trong một chuyến đi Singapore lần đầu, vừa bước xuống sân bay, làm thủ tục nhập cảnh xong, đã có người trong đoàn của tôi đến mượn passport. Thấy tôi hơi ngạc nhiên, ông ta giải thích, mỗi passport mua được sáu lon Heineken miễn thuế. Ông phân trần: “Heineken bên này ngon lắm”. Một ông cán bộ khá to của hãng này ở Việt Nam lại khăng khăng rằng Heineken Việt Nam ngon nhất. Phủ binh phủ thôi chớ nếu vậy làm sao Heineken của Pháp loại chai 200ml sống phà phà ở thị trường Sài Gòn?


Điều đó không lạ khi mà gần đây nhiều nhãn hàng bia hàng xóm bắt đầu thâm nhập mạnh vào thị trường bia lớn nhất nhì Đông Nam Á. Beerlao, dòng bia nấu bằng gạo lài ủ với men bia, hoa bia, mạch nha nhập từ Đức, cho vị dịu và thơm. Beerlao được tạp chí Time và giới giang hồ du lịch bầu chọn là ngon nhất châu Á. Từng đoạt hai giải vàng chất lượng năm 2006 và 2010 và một giải bạc năm 2003 của Monde Selection – viện Chất lượng quốc tế đầu tiên ở Bỉ. Giờ loại bia này đang show hết cỡ tại Việt Nam.


Trong khi đó dòng bia Chang sinh sau đẻ muộn của Thái đoạt bốn huy chương vàng, coi mòi đang lấn lướt Singha kinh niên và chiếm lĩnh thị trường. Angkor beer của Campuchia cũng đậm đà làm sao. Có lần đi ăn sáng ở Phnom Penh, tôi mới phát hiện Angkor beer có cả bia stout, loại bia đen nhiều hương vị, đậm hơn bia lager. Cũng không lạ gì khi mà San Miguel là nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài mà sang Việt Nam lâu rồi chẳng ngoi lên nổi, dầu khuyến mãi liên tục. Những ông Tây bà Đầm ghiền bia San Miguel phải cất công tìm đến cái tiệm gần trên đường Hai Bà Trưng chỗ sắp đâm ra Tôn Đức Thắng, để uống loại bia nhập cho hợp khẩu vị.

Việt Nam chẳng mấy khi có giải nào. Mãi đến năm nay mới có bia 333 chai – một thứ nửa pilsner nửa lager – của Sabeco đoạt một giải AIBA của Úc. Giải này có hàng trăm nhãn bia khác đều đoạt cùng lúc. Còn theo hãng tin Bloomberg, trong 13 loại bia ngon nhất không hề có tên bia Việt Nam, nhưng lại có tên bia của hàng xóm phương Bắc.


Mắc bệnh sợ ly trống
Vậy mà, các hãng ao nhà từng tự hào ít nhiều rằng người Việt uống bia nhiều nhất Đông Nam Á. Lý giải điều này như thế nào? Có người đùa rằng dân bia Việt phần lớn mắc bệnh Cenosillicaphobia chăng? Tức là bệnh sợ ly trống ấy. Cũng có người lý giải rằng may mà bia dở chớ không phải như ông Vũ Hữu Định tự an ủi “may mà có em” khi giáp mặt với xứ Plei buồn triền miên. Cho nên người Việt chỉ uống chừng đó? Còn mà ngon hả? Con số phải rượt người Đức chạy rớt dép.


Như mà nhìn dưới con mắt của người dân Babylone, xứ Lưỡng Hà tổ tiên của nghề làm bia, thì thôi rồi, những kẻ làm bia dở như ông gì phát biểu ở trên, đều đáng bị phạt dìm xuống nước cho tới chết.
Bia ngon cũng một phần tuỳ thuộc vào nguồn nước. Nước giàu khoáng sẽ cho ra những loại như bia Guiness. Bia giữ khách lại ít nhiều tuỳ thuộc tiện ích. Như cái xứ Chùa Tháp vừa sản xuất bia mấy mươi năm nay, lại biết làm cái nắp giựt cho chai bia của mình. Điều này những người làm trong ngành nước có gas lẫn bia bọt đều biết sự khó khăn hơn nắp chai đóng chặt.


Xưa lơ xưa lắc, cái xứ tổ nghiệp làm bia Sumer ở Babylone đã làm ra bia. Sách vở ghi là khoảng 5500 – 4000 trCN. Bảo trợ bia là nữ thần Ninkasi, đấng ban cho con người sự sướng khoái. Bài thơ cổ nhất từ thời có chữ viết của nhân loại là bài Tụng ca nữ thần Ninkasi, trong đó nói về công thức làm bia. Và còn nói trách nhiệm của người phụ nữ nội trợ là làm bia và bánh mì cho gia đình. Nên cũng không lạ là các đấng bảo hộ bia đều là thần nữ. Dea Latis, nữ thần bia của Celt. Nephthys, nữ thần bia của Ai Cập. Nokhubulwane, nữ thần nông nghiệp, mưa và bia của Zulu. Siduri, nữ thần lên men của Babylone cổ. Siris nữ thần bia của Lưỡng Hà. Vậy thì những “bà nội trợ khổng lồ” ở xứ ta nên nhớ lại vai trò đó. Và nhớ hình phạt của dân Sumer.
Ngữ Yên – Thái Hoãn
(Sưu tầm trên mạng)