Rất nhiều học giả cho rằng cuộc đời của Hồ Thích 胡適 (một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, sinh 1891 mất 1962) là một cuộc đời kiên trì theo đuổi chủ nghĩa tự do. Điều đáng quý là ông đã dùng thái độ ôn hòa để kiên định lí tưởng của mình trong suốt 60 năm trời. Ông không làm cho thời đại tức giận, cũng không bị cuốn theo xu hướng trốn tránh cuộc sống giống như văn nhân lúc bấy giờ. Ông hoàn toàn có lí do để đi về một trong hai thái cực đó. Nhưng con người này đã làm được một chuyện mà người có tính cách mạnh mẽ không làm được: Luôn dùng thái độ ôn hòa để phê bình thời đại đó, không gay gắt, không vờ vịt, không dối trá. Hãy nghĩ kỹ xem, với một thái độ ôn hòa như thế, ông lại có thể kiên trì sống trong một xã hội xấu xa, dơ bẩn trong hơn 60 năm trời; không phải là thánh nhân thì cũng là một nhân vật huyền thoại. Nếu tiến hành nghiên cứu tính cách của Hồ Thích đồng thời với bối cảnh xã hội mà ông sinh sống, mọi người sẽ phải ngạc nhiên trước những gì ông đã thể hiện.
Vì lập trường chính trị không giống nhau, nên khi còn sống, Lỗ Tấn nhiều lần viết bài phê bình, chỉ trích Hồ Thích. Sau khi Lỗ Tấn qua đời, Hồ Thích cũng nhiều lần nhắc đến Lỗ Tấn. Những lời phê bình này không tránh khỏi những sự phiến diện, định kiến về mặt chính trị, mặc dù vậy chúng cũng có một số nội dung mang tính khách quan. Điều này cho thấy rằng Hồ Thích là một con người độ lượng.
Tháng 11 năm 1936, Tô Tuyết Lâm gửi cho Hồ Thích một bức thư đề cập đến vấn đề ''thành quả của nền văn hóa mới đã bị phái tả cướp mất đồng thời cũng đề cập đến chuyện ''sau khi Lỗ Tấn qua đời, phái tả đã lợi dụng Lỗ Tấn như là thần tượng. Tích cực tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng của nhân vật này vào đầu óc tầng lớp thanh niên, chuyển sự chú ý của người dân vào Đảng Cộng Sản, chuẩn bị sức mạnh cho thế lực phản động''. Tô Tuyết Lâm yêu cầu Hồ Thích đứng ra làm công việc có tên gọi là “Cởi mũ áo của ‘tôn giáo Lỗ Tấn’”. Trong bức thư đó, Tô Tuyết Lâm còn mắng nhiếc Lỗ Tấn là ''kẻ ngụy phái tả'', ''một kẻ tiểu nhân nham hiểm, xảo quyệt, tên đao phủ trên văn đàn có ngòi bút ác độc, tàn bạo, có nhân cách bỉ ổi, xấu xa''.
Sau khi đọc xong, Hồ Thích viết thư trả lời nhà văn họ Tô như sau: ''Tôi rất đồng cảm với bà, nhưng tôi cho rằng không cần phải công kích những hành vi cá nhân của ông ta. Trước đây, Lỗ Tấn lớn tiếng công kích chúng ta, nhưng thật ra có làm cho chúng ta mảy may thiệt hại gì đâu? Bây giờ ông ấy chết rồi, chúng ta có thể gạt bỏ những chuyện nhỏ nhặt sang một bên, không nhắc đến nữa, mà hãy đi sâu vào thảo luận xem rốt cuộc tư tưởng của ông ấy có những gì, đã trải qua những lần thay đổi lớn nào, đánh giá xem những gì có giá trị, những gì không có giá trị; rất cuộc niềm tin và tín ngưỡng của ông ấy là gì, ông ấy phủ nhận cái gì. Nếu tiến hành phê bình như thế, có lẽ sẽ hiệu quả hơn.''
Ở đây, trước tiên Hồ Thích coi Lỗ Tấn là người bên kia ''chiến tuyến''. Kế đến, ông cho rằng đối xử với một người bên kia ''chiến tuyến'' như Lỗ Tấn thì không nên chấp nhặt vụn vặt, mà cần để mắt vào những vấn đề lớn, đối với từng vấn đề cụ thể có cách hành xử cụ thể. Trong bức thư đó, Hồ Thích còn viết: ''Khi đánh giá một người nào đó, nên giữ thái độ trung lập. Yêu mà vẫn nhận thấy chỗ xấu, ghét mà vẫn biết được chỗ hay của họ, thì mới có được thái độ trung lập. Lỗ Tấn cũng có ưu điểm, chẳng hạn như những tác phẩm văn học và tác phẩm nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử, đều là những công trình tuyệt vời. Nói Lỗ Tấn sao chép tác phẩm của Shionoya On, quả là một chuyện hết sức oan uổng. Chúng ta cần phải minh oan cho Lỗ Tấn trong chuyện này… Như thế mới làm cho những người phái tả phải tâm phục khẩu phục.''
Mục đích của Hồ Thích là ''làm cho những người phái tả phải tâm phục khẩu phục'', và thực tế là ông đã phủ nhận cách làm thô lỗ và đê hèn của Tố Tuyết Lâm. Đồng thời ở một chừng mực nhất định, Hồ Thích khách quan bảo vệ cho Lỗ Tấn trong bối cảnh những thế lực phản đối Lỗ Tấn làm rùm beng khắp nơi.
Một con người khoáng đạt không để tâm chấp nhặt chuyện nhỏ, mà coi trọng đến việc lớn. Khi khoan dung, độ lượng với người khác, đồng thời họ cũng tự mang lại cho mình một cuộc sống vui vẻ, thoáng đãng và rộng mở hơn.
(Sưu tầm trên mạng)
Sơ lược tiểu sử HỒ THÍCH:
Hồ Thích 胡適, sinh ngày 17/12/1891 thời nhà Thanh, là một nhà ngoại giao, nhà văn tiểu luận và nhà triết học Trung Quốc. Ngày nay ông được công nhận rộng rãi là người có những góp to lớn cho chủ nghĩa tự do và cải cách ngôn ngữ ở Trung Quốc. Ông là người có ảnh hưởng trong phong trào Ngũ Tứ, là một trong những lãnh đạo của phong trào Tân Văn hóa và đồng thời cũng là chủ tịch đại học Bắc Kinh. Ông được đề cử giải Nobel Văn học năm 1939. Ông quan tâm đến rất nhiều lĩnh khác nhau như văn học, lịch sử, phê bình văn học và giáo dục học.
Ông mất ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 24/02/1962.