Tôi biết mặt cây đủng đỉnh từ ngày bất đắc dĩ xếp bút nghiên lên núi Hòn Chảo ở Vạn Giã làm rẫy. Kỷ niệm khó quên của loài cau này để lại không lấy gì làm dễ chịu.
Ông thần ngứa đủng đỉnh
Hồi đó, việc đầu tiên của những người phát rẫy là phải dựng một cái chòi để ban ngày nấu ăn nghỉ trưa, đến khi bắp ra trái phải ở đêm ở ngày trên rẫy, vừa canh khỉ, kéc, vừa canh người. Không giống như những dân rẫy khác bằng lòng với cái chòi trệt lợp mái và vách bằng đủng đỉnh, hoặc những người tính kế lâu dài, trét vách bằng đất, hai anh em tôi làm một cái chòi cách mặt đất tầm hơn đầu người.
Thằng em vác rựa đi tìm cột miệng không ngớt lảm nhảm: “Lội bùn nhơ băng lau lách xuyên đêm, sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm…” giữa núi rừng hoang dã. Khi đã dựng chòi xong, đến phần lợp mái và vách, chúng tôi bắt đầu đi tìm đủng đỉnh.
Lá đủng đỉnh lợp dày, trụ được một hai vụ bắp, thân đủng đỉnh chẻ từng thanh, vót bỏ ruột đan sạp. Và trái đủng đỉnh do không biết đã làm hai anh em ngứa phát khùng. Tắm suối cũng không hết. May nhờ một tiều phu gánh củi về ngang con suối Rễ, thấy cảnh gãi sồn sột của bọn tôi, liền hiểu ngay.
Ông bèn chỉ cách: “Chụm lửa lên rồi hơ lửa mới hết ngứa”. Trời cái ngứa đáng sợ nhường nào. Bây giờ mới biết trái đủng đỉnh có nhiều calcium oxalate tạo thành raphides – tức là các tinh thể hình kim, gây ngứa.
Nhưng phi đủng đỉnh bất thành chòi, chúng tôi không có chọn lựa nào khác. Có thể lợp mái tranh, nhưng trảng tranh nằm ở tuốt trên gần vai Hòn Chảo, lên xuống hết hơi, mà không gánh được bao nhiêu tranh.
Chỉ biết đủng đỉnh có vậy. Tịnh không biết rằng củ hủ đủng đỉnh là một món ăn ngon hơn củ hủ dừa nhiều, vì ít ngọt hơn.
Một tấm vé về lại ngày gian khó
Ông bạn ở Cần Thơ điểm nhãn cho tôi món đủng đỉnh, nhưng dặn phải mang ơn thành phố Cần Thơ. Chợt nhớ đến con đường Nguyễn Văn Cừ ở dưới đó, đoạn từ giao điểm đường 91B, quận Ninh Kiều chạy dài tới chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, một con đường dài mấy cây số toàn trồng đủng đỉnh ở dải phân cách. Đủng đỉnh làm nhớ một thời. Nhiều người dân Cần Thơ nói đùa rằng con đường này đám cưới quanh năm.
Buổi chiều một ngày cuối tháng 11/2016. Bóng tối chầm chậm lan nhoè trên một con kinh tại Cần Thơ. Tiếng chim yến rích rích cùng với tiếng đập cánh bên trên, tiếng ghe máy thi thoảng trì trệ đi qua dưới kinh. Đó là buổi lễ điểm nhãn cho tôi về món củ hủ đủng đỉnh xào thịt bò. Củ hủ chặt xong phải ngâm dấm pha với nước muối để thịt nó không bị đen nâu lại. Nói nó cầu không được vì đủng đỉnh không còn đất hoang để mọc dại, muốn chặt ăn lúc nào thì chặt.
Ngày xưa thứ củ hủ này cũng là một nguồn đạm cho những người lặn lội Trường Sơn. Nhưng chắc lúc ấy chặt xuống là ăn liền, làm gì phải rề rà ngâm nước muối dấm, chờ ướp thịt bò. Và làm gì có một không gian nhàn nhã bên một bờ kinh với những thứ tiếng động hậu cảnh dịu dàng! Mà nếu không có hậu cảnh sông nước này, món ăn mất ngon một phần. Đúng là đủng đỉnh ngồi nhâm nhi củ hủ đủng đỉnh.
Củ hủ đủng đỉnh so với củ hủ dừa giống như xe hơi so với xe gắn máy những lúc trời mưa, những lúc kẹt xe. Nó không ngọt và không béo như củ hủ dừa. Xào với thịt bò, hai thứ san sớt kiểu ngọt của nhau cho nhau, tạo thành một sự hoà hợp lạ lẫm. Và cũng như củ hủ dừa, củ hủ đủng đỉnh cũng có thể xào với nhiều thứ tôm tép, cá hoặc làm gỏi. Tôi còn bị ám ảnh bởi ngứa nên nghe ray rứt nhẹ trong miệng.
Tôi nghĩ con suối Rễ ở Hòn Chảo nơi quê nhà vẫn còn đó, không biết đủng đỉnh mọc ven suối nghiêng buồng trái soi bóng xuống mặt nước như một sơn nữ đang tắm những ngày xưa gian khó có còn không, để có thể lấy lại tấm vé về chốn cũ, ăn món cầu không được, ước không thấy ở những phố thị bây giờ: củ hủ đủng đỉnh.
Ngữ YênTheo TGTT