Saturday, February 4, 2017

SÓNG GIÓ CỦA CUỘC ĐỜI

Trên thế gian này, cuộc sống đầy dẫy những sự bất trắc, bất như ý, con người phải bon chen quanh năm suốt tháng để sống còn, phải tranh đấu một cách vất vả để vươn lên, để vượt qua những cơn sóng gió của cuộc đời, những bước thăng trầm của thế sự.


Con người thường mang tâm trạng hoang mang, âu lo, sợ hãi khi hướng về tương lai, không biết rồi đây ngày mai mình sẽ ra sao, cuộc đời của mình sẽ như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra cho mình và người thân của mình? 
Cho nên con người thường mong muốn mọi chuyện được bình yên, suông sẻ, may mắn, chuyện gì cũng đều tốt đẹp như ý. Lòng mong muốn cao độ đó thường dẫn tới sự cầu nguyện, van xin Trời Phật ban cho những điều mơ ước vượt tầm tay, tưởng chừng như ngoài khả năng của con người.
Chúng ta cần nên biết rằng:
Đức Phật không phải là thần linh, không ban phước giáng hoạ cho bất kỳ một ai. Cũng không có lý do nào Đức Phật ban phước lành cho riêng mình, mà không ban cho người khác. Thực ra, đạo Phật giảng dạy nhiều phương pháp hành trì, gọi là "vô lượng pháp môn", để giúp con người tự lực, mạnh mẽ vượt lên trên mọi sóng gió phiền não, khổ đau của cuộc đời, bước ra khỏi vòng trầm luân sanh tử, tự tạo cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chính mình.


Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
Thắp lên với Chánh Pháp".
Nghĩa là chúng ta hãy tự thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của chúng ta, bằng cách học hiểu những lời dạy của Đức Phật, và đem áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, để thấy được sự mầu nhiệm của Chánh Pháp, để tự cứu mình và giúp đỡ người khác.
Kính thưa quí vị,
Tôn giáo chỉ là phương tiện giúp cho đời sống tâm linh của con người được bình an. Muốn được bình an, con người cần phải thiện tâm.


Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Con người không nên chấp chặt bất cứ tôn giáo nào hiện hành và tự cho đó là tôn giáo tốt nhất.
Hình thức của tất cả các tôn giáo hiện hành đều có tính chất mê tín.Từ sự mê tín ngu si tin tuyệt đối vào một tôn giáo nào đó, cũng đều đưa đến sự cuồng tín hung hăn.
Sự cuồng tín hung hăn này đưa đến sự tấn công niềm tin và cách thức hành đạo của các tôn giáo khác. Nhiều khi và nhiều người tấn công luôn đồng đạo bởi sự thấp kém hiểu biết của các người mê tín và cuồng tín này.
Tóm lại trình độ hiểu biết về tâm linh của con người tuy có khác nhau, con người theo nhiều tín ngưỡng hay tôn giáo khác nhau. Nhưng người nào thấy được, hiểu được, thực hành được chân lý, người đó đạt được sự bình an trong tâm trí ngay trên cõi đời này, ngay trong đời sống hiện tại.


Chân lý đó chính là sự thật, vượt trên tất cả các hình thức truyền bá của các tôn giáo hiện hành. Điều đó gọi là chánh tín.
Điều nào tôn giáo này công nhận, nhưng các tôn giáo khác không công nhận, điều đó không phải là chân lý, không phải là sự thật. Điều đó gọi là mê tín.
Tránh được mê tín, chiêm nghiệm chánh tín, tâm con người được bình an, thế giới được hòa bình, chúng sanh được an lạc.
Hãy buông bỏ mọi thứ tâm cố chấp, nên hiểu rằng:
Không cần phải thờ phượng Ðức Phật Thích Ca, hay bất cứ vị Phật nào, vị Bồ Tát nào, chỉ cần sống đúng theo tinh thần bát chánh đạo, bất cứ người nào cũng đều được an lạc và hạnh phúc, cao hơn nữa, đều được giác ngộ và giải thoát.


Bằng như ngược lại, lập bàn thờ Phật tại gia, đi chùa lễ lạy, mà không sống đúng theo tinh thần bát chánh đạo, dù là Phật tử tại gia hay xuất gia, cũng chẳng có ích lợi gì!
Ðó mới thực là chí công vô tư, mới thực là chánh đạo vậy.
Kính thư,
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

No comments: