Dạo này cộng đồng mạng rộ lên mốt: bất cứ sự thị phi nào cũng được gắn mác bánh GATO. Chắc "bị" mời sinh nhật nhiều quá nên lúc nào cũng thèm bánh sinh nhật. Xưa kia lâu lâu mới được mời đi sinh nhật một vài lần, bây giờ mở facebook, đập ngay vào mắt dòng thông báo: "hôm nay sinh nhật 20 bạn trong friendlist của bạn" thì đúng là bó tay thật.
Ghen ăn tức ở là một thành ngữ ám chỉ tính cách khó chịu với thành công của người khác. Nói đúng hơn, đó là một dạng thức tâm lý không chấp nhận thất bại của chính mình. Thật ra, tâm lý không chấp nhận thất bại cũng chẳng phải là xấu gì, nếu không muốn nói là nó cũng có mặt tích cực của nó. Nghĩa là, khi bạn không cam chịu thất bại, thì bạn mới có mục đích mà phấn đấu, nhờ vậy mới có tiến bộ. Nhưng khi tâm lý không chấp nhận thất bại bị làm quá lên, nghĩa là, thay vì lấy sự thành công của người khác làm động lực, chúng ta lại đi moi móc những mặt chưa hoàn hảo của họ, rồi khoét sâu vào đó, và tỏ rõ sự khinh thường sự thành công đó, mặc dù nếu là ta, ta cũng ước ao và thèm khát được thành công như họ. Thái độ bất phục một người giỏi hơn ta, được thể hiện bằng hành động như vậy, trở thành một thói xấu khó ưa nổi.
Ghen ăn tức ở là một thành ngữ ám chỉ tính cách khó chịu với thành công của người khác. Nói đúng hơn, đó là một dạng thức tâm lý không chấp nhận thất bại của chính mình. Thật ra, tâm lý không chấp nhận thất bại cũng chẳng phải là xấu gì, nếu không muốn nói là nó cũng có mặt tích cực của nó. Nghĩa là, khi bạn không cam chịu thất bại, thì bạn mới có mục đích mà phấn đấu, nhờ vậy mới có tiến bộ. Nhưng khi tâm lý không chấp nhận thất bại bị làm quá lên, nghĩa là, thay vì lấy sự thành công của người khác làm động lực, chúng ta lại đi moi móc những mặt chưa hoàn hảo của họ, rồi khoét sâu vào đó, và tỏ rõ sự khinh thường sự thành công đó, mặc dù nếu là ta, ta cũng ước ao và thèm khát được thành công như họ. Thái độ bất phục một người giỏi hơn ta, được thể hiện bằng hành động như vậy, trở thành một thói xấu khó ưa nổi.
Tại sao chúng ta lại xấu tính như vậy? Câu trả lời sẽ được nhâm nhi từng chút một. Nhưng trước hết, thử nhận diện vài biểu hiện của nó xem sao...
1. THẦN TƯỢNG.
Chắc các bạn còn nhớ một vài hình ảnh của các fan cuồng Việt Nam khi được đón tiếp các bạn làm nghề giải trí Hàn Quốc khi sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam. Xin lỗi nếu tôi không dùng từ "ngôi sao", bởi đơn thuần, xét cho cùng, ngành nào cũng có "sao" cả, Gọi họ là người "làm nghề giải trí" là công bằng cho tất cả các ngành nghề khác.
Quay trở về việc đón tiếp và gặp gỡ họ. Nếu việc yêu thích của bạn đơn thuần là muốn tung hoa, tặng vật phẩm, xin chữ ký, chụp hình chung, vỗ tay tán thưởng... như là những cách biểu hiện cho tình cảm của mình dành cho họ thì tôi thấy cũng bình thường. Nó bình thường như bao nhiêu trạng thái bộc lộ tình cảm khác mà chúng ta vẫn thường hay thể hiện. Thế nhưng, khi tình cảm đã vượt lên trên mức bình thường, biến họ trở thành thần tượng của ta, coi họ là hoàn hảo đến mức tuyệt đối, được gặp gỡ họ là cơ hội nghìn năm có một, đến mức ngay cả cái ghế họ ngồi cũng trở thành linh thiêng đến mức phải ôm hôn nó một cách thắm thiết... thì cách biểu hiện tình cảm như vậy lại trở thành quá đà đến mức xấu xí.
"Thần tượng" là tượng hình hóa một nhân vật mà mình yêu thích đến mức coi họ như một vị thần. Có thể bạn thần tượng một ngôi sao truyền hình, một cầu thủ bóng đá, một nhà toán học, một nhà tỷ phú, một nhà văn, một nhà sư hay đơn giản đó là bạn gái hay bạn trai của bạn. Ý tưởng "thần tượng" không xấu, nếu bạn coi họ là một hình mẫu mà bạn cần phấn đấu để đạt tới. Nhưng nó sẽ trở thành xấu khi bạn tuyệt đối hóa đến mức thành hoàn hảo. Thực tế KHÔNG CÓ AI TUYỆT ĐỐI HOÀN HẢO cả, vì thế, khi bạn tuyệt đối họ như vậy, bạn vừa tách bạn ra khỏi thực tế cuộc sống, vừa đẩy bạn sống trong ảo tưởng. Và nếu sự thật về "thần tượng" một ngày nào đó bị đổ vỡ, chính bạn chứ không phải là họ, sẽ khiến bạn hoang mang vì mất niềm tin, sẽ khiến bạn chới với vì mất đi sợi dây níu bám. Đấy là mình tự làm khổ mình.
2. ĐỐ KỴ
Đố kỵ là tâm lý bất phục một người nào đó được người khác thừa nhận là tài giỏi hay xinh đẹp. Có hai nguyên nhân dẫn đến tâm lý độ kỵ nảy sinh: Thứ nhất, chủ thể được khen ngợi là người mà tự nhiên ta không thích, chẳng cần lý do gì. Ví dụ như cô tân hoa hậu Kỳ Duyên chẳng có ân oán gì với ta cả, nhưng vì ta không thích khuôn mặt của cô ấy, mà BGK lại phong cô ấy là hoa hậu, thế là tự nhiên ta ghét cô ta. Thứ hai, chủ thể khen ngợi là người ta thích, nhưng họ lại không thích ta, mà lại thích kẻ khác, và vì thế ta ghét "kẻ khác" vì họ cướp mất người ta thích. Ví dụ này thường rất hay gặp trong tình yêu, mà ta hay gọi là ghen tuông.
Biểu hiện thường gặp nhất của tâm lý đố kỵ chính là: nhìn thấy bất cứ cái gì, từ khuôn mặt cho đến cử chỉ, hành vi, lời nói... của người ta ghét đều thấy xấu, đều thấy ghét, đều ngứa mắt, đều không ưa nổi. Họ cười thì bảo giả tạo, họ làm từ thiện thì bảo PR kệch cỡm, họ dễ thương thì bảo đóng kịch... Còn lỡ họ có chút xíu hành động thiếu dễ thương thì ta lại hả hê ra mặt, cứ như việc họ làm xấu lại trở thành chiến thắng của chính ta vậy.
Như tôi đã nói, nếu đố kỵ chỉ đơn giản là không phục họ, nhưng sẽ phấn đấu để giỏi hơn họ, thì đố kỵ sẽ là động lực rất lớn cho sự tiến bộ của ta. Nhưng đố kỵ sẽ trở thành tính cách khó sống nổi, nếu chỉ vì ta thua kém họ mà thành ra soi mói, đả kích, chê bai bất cứ việc gì họ làm. Tệ hơn nữa, lỡ họ có làm điều gì đó không tốt, ta hả hê ăn mừng như bắt được vàng. Thái độ đó khiến bạn còn tệ hơn cả hành động xấu mà họ vô tình phạm phải, bởi lẽ, nó biến bạn trở thành đồng lõa với cái xấu, a dua với cái xấu, đắc thắng với cái xấu.
3. ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CHO CĂN BỆNH SỐ ĐÔNG NÀY?
Trong thời gian vừa qua. tôi đã nghe khá nhiều lời than thốt lên đầy đau đớn: "những người tài năng ơi, sang nước ngoài mà sống thôi, ở Việt Nam sống không nổi đâu", Tại sao thói đố kỵ lại trở thành căn bệnh trầm kha của cả một đất nước thế này??
Tôi nhận thấy điểm chung của chúng ta là sự tự tôn dân tộc khá lớn. Ai cũng tự hào vì lịch sử Việt Nam đã từng chiến thắng tất cả các cường quốc trên thế giới, ở hầu hết các thời điểm lịch sử quan trọng. Những chiến thắng hiển hách này trong lịch sử đã vô tình đẩy tâm lý của cả một dân tộc, mặc dù được liệt vào quốc gia đang phát triển (nghĩa là nước nghèo), vẫn cứ cho mình là quốc gia anh hùng. quốc gia vĩ đại... Thêm vào đó, với lợi thế địa lý vừa có rừng vừa có biển, vừa có tài nguyên khoáng sản, vừa có thắng cảnh danh lam... khiến căn bệnh tự tôn dân tộc càng lúc càng trở nên trầm trọng.
Sự tự tôn này khi bị đẩy lên thái quá, nó lại biến chứng sang một biểu hiện khác: sự tự ti của cả một đất nước. Người ta vẫn thường hay tự hỏi: tại sao một đất nước có anh hùng mọc lên như nấm sau mưa, có tài nguyên khoáng sản dồi dào, có điều kiện địa lý giao thương thuận lợi... mà nghèo thì vẫn cứ nghèo? Rồi người ta lại hỏi tiếp: tại sao một đất nước được lãnh đạo bởi một chủ nghĩa thần thánh, với trí tuệ vượt tầm thời đại mà lãnh đạo đi đâu cũng kè kè tờ giấy tập đọc như đứa trẻ lên ba? tham nhũng vẫn là quốc nạn muôn đời mà trớ trêu thay, chính kẻ hô hào chống tham nhũng lại chính là kẻ tham nhũng... Thực tại nhức nhối như thế khiến dân tình trở nên bi quan, và từ bi quan người ta cảm thấy xấu hổ, nhỏ bé, khiếp nhược...
Bệnh tự ti khi bắt đầu phát tác thì tâm lý hướng ngoại của người dân càng trở nên cao trào. Bất cứ cái gì của nước ngoài đều trở nên tuyệt vời, hoàn hảo đến lung linh. Từ những ngày lễ tôn giáo của phương Tây, đến cung cách ăn mặc, giao tiếp, ngôn ngữ, âm nhạc, kịch nghệ.... thậm chí cứ là người nước ngoài đều được người dân trong nước thèm khát đến ngưỡng mộ, cung kính. Vì thế mới nở rộ ra hiện tượng hôn hít ngay cả cái ghế ngồi của ngôi sao ca nhạc, mà khi viết đến đây, tôi cũng cảm thấy rùng mình.
Bệnh tự tôn sau những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử đi vào trong huyết quản của từng cá nhân, khiến mỗi người đều cho mình là nhất. Bất cứ ai giỏi giang, được người khác công nhận đều đáng ghét như nhau. Họ săm soi từng chân tơ kẽ tóc để biến sự thành công của người khác trở nên tầm thường và nhỏ bé. Kết hợp với sự tự ti như đã nói ở trên, họ coi sự thành công của đồng bào mình là bình thường so với quốc tế, mặc kệ chính sự thành công đó đã được quốc tế công nhận. Giáo sư Ngô Bảo Châu hay cậu bé Đỗ Nhật Nam chính là nạn nhân nằm giữa thái cực của sự tự tôn và sự tự ti thái quá này của cả một đất nước.
4. GIẢI PHÁP NÀO CHO TÂM LÝ SỐ ĐÔNG
Thật ra, nêu lên giải pháp cho song đề này khá dễ dàng, chỉ cần đưa ra một hiệu lệnh: "đừng tự tôn quá đáng, đừng tự ti quá đà". Nhưng khoảng cách để đi từ hiệu lệnh đến thực tiễn là cả một chặng đường dài, mà kết quả của nó thì mênh mông không kể xiết.
Tôi chỉ xin đưa ra vài vấn đề nhỏ để các nhà viết sử Việt Nam suy ngẫm: một đất nước tự hào với những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử để dành cho được độc lập tự do so với một đất nước không cần chiến thắng bất kỳ ai vẫn giữ vững sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước nào tự hào hơn??
Và khi ta đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu cho sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thì câu hỏi được đặt ra là: cái gì cần độc lập? cái gì cần tự do? độc lập - tự do cho cái gì?... Nếu ta chỉ đơn thuần đưa người Việt nên lãnh đạo trong khi từ chính sách phát triển đến văn hóa đều bắt chước ngoại bang thì ta đã thật sự độc lập chưa? nếu sau khi giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược trong khi người dân của nước ấy vẫn phải gánh đủ thứ thuế trời ơi đất hỡi chẳng khác gì chị Dậu khi xưa thì người dân đã có tự do chưa? và độc lập - tự do đấy, nhưng đại bộ phận dân chúng vẫn chẳng thay đổi được điều kiện và môi trường sống, ngoại trừ một vài nhóm có quyền lực trong tay, thì chúng ta thật sự được giải phóng chưa???
Tôi đã nêu một vài nghi vấn nhỏ, có thể nó chẳng ăn nhập gì đến chủ đề này trong bài viết, nhưng như có lần tôi đã trả lời phỏng vấn của một phóng viên về vấn đề gỡ bỏ sư tử ngoại lai ở các đền chùa. Câu trả lời tôi đặt ra là: Các anh chị lấy gì để thay thế những con sư tử đá đó??!! Nếu người dân còn chưa tin yêu văn hóa của chính mình, thì ngày đó, sự tự tôn chỉ dẫn đến sự tự ti mà thôi.
Đố kỵ hay Thần tượng chỉ là hai mặt của một vấn đề
Vấn đề đó là: ta chưa biết ta là ai và ta có gì
Thì ta vẫn thần tượng người nước ngoài và coi khinh người trong nước
Ở mức độ vĩ mô, bệnh của chúng ta là sự tự tôn không đúng cách dẫn đến tự ti của cả dân tộc
Và nguyên nhân chung chỉ có thể là: Chúng ta không biết chúng ta ở đâu và chúng ta có gì
Chữa bệnh này rất đơn giản:
Hãy tin tưởng những gì chúng ta đang có và khiêm tốn hơn với những gì chúng ta đã đạt được.
MỘT SỰ THẬT GIẢN ĐƠN:
Việt Nam vẫn chỉ là một nước nghèo
Và công dân Việt Nam vẫn cần phải học hỏi không ngừng mới có thể vươn lên.
Trí Không
(13/12/2014)
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment