Saturday, February 11, 2017

TIẾT NGUYÊN TIÊU (元宵节)

Hôm nay là rằm tháng Giêng mà không nhớ, đến tối khuya hôm qua mới nghe tin cuối ngày của TVB-HK có nhắc đến Nguyên Tiêu Tiết 元宵节 và chúc nhau mọi tốt đẹp nhất trong ngày lễ Tình nhân của Đông phương (東方情人节).
Có bạn nào biết được nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu chưa, nếu chưa thì cùng tôi nghiên cứu qua bài viết sau đây (Có mấy clip video về tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Sài Gòn trên youtube, các bạn vào đó đề xem). (LKH)


NGUỒN GỐC PHONG TỤC TẬP QUÁN
TẾT NGUYÊN TIÊU Ở TRUNG QUỐC:

Hằng năm Tiết Nguyên Tiêu (元宵节) rơi vào ngày rằm tháng giêng âm lịch. Tiết Nguyên Tiêu (元宵节), còn được gọi là "Tiết Thượng Nguyên" (上元节: Lantern Festival). Tiết Thượng Nguyên là một trong những lễ hội truyền thống của bộ phận dân tộc bạn và Hán tộc Trung Quốc, cũng là một trong những lễ hội truyền thống thuộc lĩnh vực vòng tròn văn hóa Hán tự cũng như của người Hoa ở nước ngoài.


Giới thiệu lễ hội

Mỗi năm, khi lễ hội mùa xuân vừa qua đi, thì mọi người bắt đầu nghinh đón tiết Nguyên Tiêu - một trong những ngày lễ hội truyền thống của Hán tộc Trung Quốc. Tháng Giêng là tháng đầu tiên của âm lịch, người xưa gọi đêm là "Tiêu" (宵), ngày Rằm tháng Giêng âm lịch lại là đêm trăng tròn của tháng đầu tiên trong một năm, cho nên gọi ngày rằm tháng giêng là Tiết Nguyên Tiêu, cũng là bắt đầu một năm mới (一元复始), là đêm mùa xuân trở lại trên mặt đất, mọi người cùng nhau chúc mừng, cũng giống như chúc mừng năm mới.
Tiết Nguyên Tiêu còn được gọi là Tiểu Chánh Nguyệt (小正月), Nguyên Tịch (元夕) hoặc Đăng Tiết (灯节) - là lễ hội quan trọng đầu tiên sau lễ hội mùa xuân. Lãnh thổ của Trung Quốc rộng lớn, lại có một lịch sử lâu dài. Theo truyền thống, phong tục, tập quán lễ hội đèn lồng các nơi trên toàn quốc đều không giống nhau. Vào đêm Nguyên tiêu, khi vầng trăng tỏa sáng treo lơ lửng trên bầu trời, thì lúc này mọi người cùng thắp một vạn chiếc đèn lồng để chúc mừng. Theo đó, người người ra ngõ thưởng trăng, chơi đèn lồng, thưởng đèn hoa, ăn Nguyên Tiêu, đoán câu đố… là một số phong tục quan trọng trong dân gian.


Nguồn gốc Lễ hội

- Kỷ niệm Hán Văn Đế bình định dòng họ Lữ (汉文帝纪念平吕)
Theo truyền thuyết lễ hội Nguyên tiêu là để kỷ niệm “Bình Lữ” (平吕) mà Hoàng đế nhà Hán thiết lập. Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang (汉高祖刘邦sanh 256 tr CN) băng hà, Lưu Doanh - con trai của Lữ Hậu nối ngôi xưng là Hán Huệ Đế (汉惠帝 sanh 210 tr CN). Hán Huệ Đế tánh tình yếu đuối, nhu nhược, thiếu quyết đoán, cho nên quyền lực dần dần rơi vào tay Lữ hậu. Sau khi Hán Huệ đế mang bệnh qua đời, Lữ hậu độc chiếm triều chính, bà đem thiên hạ họ Lưu biến thành thiên hạ của họ Lữ. Các lão thần trong triều, cũng như tông thất họ Lữ rất căm phẫn, nhưng vì Lữ hậu quá tàn độc, nên họ dám giận mà không dám nói.
Sau khi Lữ hậu qua đời, dòng họ Lữ luôn lo sợ không yên, sợ bị tổn thương và lật đổ. Vì vậy, người nhà tướng quân Lữ Lộc bí mật tập họp, âm mưu nổi loạn, triệt để đoạt lấy giang san họ Lưu.
Việc này đến tai Tề vương Lưu Tương (齐王刘襄) - tông thất họ Lưu, để bảo vệ giang san họ Lưu, Lưu Tương quyết định liên hệ với lão thần khai quốc là Chu Bột (周勃) và Trần Bình (陈平) bàn bạc kế sách khởi binh dẹp loạn bọn Lữ Lộc. Cuối cùng, mối loạn của gia tộc họ Lữ hoàn toàn diệt trừ.
Sau khi bình định xong họ Lữ, các quan văn võ phò Lưu Hằng (刘恒 202 tr CN) - con trai thứ hai của Lưu Bang lên ngôi, xưng hiệu là Hán Văn Đế. Văn Đế cảm nhận một cách sâu sắc rằng không đễ gì giành được sự hòa bình thịnh vượng, liền lấy ngày Rằm tháng Giêng - ngày dẹp tan "loạn dòng họ Lữ", làm ngày vui với dân chúng. Ngày này trong Kinh thành nhà nhà đều giăng đèn kết hoa, rộn rịp ăn mừng. Kể từ đó, ngày Rằm tháng Giêng đã trở thành ngày "chơi Nguyên Tiêu" (闹元宵) - một lễ hội dân gian, mọi người cùng chúc tụng lẫn nhau như lễ hội mùa xuân


Tiết Nguyên Tiêu cũng gọi là Tiết Đăng (灯节), phong tục đốt đèn trong đêm Nguyên tiêu bắt đầu từ triều đại nhà Hán, đến thời nhà Đường, hoạt động thưởng đèn càng phát triển, ngoài những ngọn đèn treo ở khắp mọi nơi từ trong hoàng cung, cho đến trên đường phố, còn có các loại đèn như: Đèn Luân (灯轮), đèn Lâu (灯楼) và đèn Thọ (灯树)...
Trong "Thập Ngũ Dạ Quán Đăng" (十五夜观灯), Đại thi hào Lư Chiếu Lân (卢照邻) - một trong bốn nhà văn học thời Sơ Đường (Vương Bột 王勃, Dương Quýnh 杨炯, Lư Chiếu Lân 卢照邻 và Lạc Tân Vương 骆宾王), đã mô tả sự rực rỡ của đèn hoa trong đêm nguyên tiêu như thế này:
"Tiếp Hán nghi tinh lạc
Y lâu tợ nguyệt huyền"
(接汉疑星落
依楼似月悬)
Tạm dịch:
Sông Hán nối nhau chòm sao rụng
Lầu cao giăng mắc dãy trăng treo


- Thuyết Tam Nguyên (三元说)
Tập tục chơi lễ hội Nguyên Tiêu bắt nguồn từ "Tam Nguyên Thuyết" của Đạo giáo; Thượng Nguyên: Hàm chứa đầy đủ ý nghĩa là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới. Nguồn gốc của lễ hội Thượng Nguyên trong "Tuế Thời Tạp Ký" (岁时杂记) có ghi rằng, đấy là theo khuôn mẫu cũ của Đạo giáo sĩ. Đạo giáo từng lấy ngày Rằm tháng Giêng trong một năm làm tiết Thượng Nguyên, ngày Rằm tháng Bảy làm tiết Trung Nguyên, ngày Rằm tháng Mười làm tiết Hạ Nguyên, được gọi chung là "Tam Nguyên". Cuối đời Hán, thờ vị Thần "Ngũ Đẩu Mễ Đạo" (五斗米道) - biệt phái quan trọng của Đạo giáo làm Thiên Quan, Địa Quan, Thủy quan. Cho rằng Thiên quan thì ban phúc, Địa quan luôn xá tội, Thủy quan sẽ giải nạn, đồng thời lấy Tam Nguyên phối hợp làm Tam quan. Còn cho rằng Thượng Nguyên Thiên quan sinh ngày rằm tháng giêng; Trung nguyên Địa quan sinh ngày rằm tháng bảy; Hạ nguyên Thủy quan sinh ngày rằm tháng mười. Vì vậy, ngày Rằm tháng Giêng được gọi là tiết Thượng nguyên.
Trong "Mộng Lương Lục" (梦粱录) của Ngô Tự Mục (吴自牧) thời Nam Tống có nói: "Lễ hội Nguyên tịch ngày rằm tháng giêng, là ngày Thượng nguyên được Thiên quan giáng phước". Cho nên tiết Thượng nguyên nên thắp nến.


- Vua Minh Đế thắp đèn kính Phật
Tiết Nguyên Tiêu là một lễ hội truyền thống đã có từ thời cổ đại Trung Quốc, do vua Hán Minh Đế (28-75) đề xướng, vì nghe nói Chư tăng Phật giáo có tục lệ vào ngày Rằm tháng Giêng thắp đèn kính Phật, chiêm ngưỡng xá lợi Phật, cho nên vua hạ lệnh trong ngày này bắt đầu từ trong Hoàng cung cho đến các tự viện, từ các sĩ phu cho đến hàng thứ dân đều phải thắp đèn kính Phật. Về sau, nghi lễ Phật giáo dần dần hình thành một lễ hội trọng đại. Lễ hội này trải qua từ cung đình cho đến dân gian và phát triển đến toàn quốc.
Từ nhà Tùy, Đường, Tống cho đến ngày nay, càng ngày càng phổ biến. Người tham gia ca múa đã lên đến hàng vạn, từ hoàng hôn cho đến bình minh, từ bình minh cho đến tối mịt mới ngưng. Theo đó, với những thay đổi của xã hội và thời đại, phong tục tập quán tiết Nguyên tiêu từ trước đã thay đổi đáng kể, nhưng đến nay vẫn là lễ hội truyền thống dân gian của Trung Quốc.

Lịch sử lễ hội

- Thời gian lễ hội & phong tục lễ hội
Hoạt động phong tục lễ hội và thời gian lễ hội của tiết Nguyên tiêu, là theo sự phát triển của lịch sử mà được kéo dài và mở rộng.


Triều đại nhà Hán chỉ một ngày, đời Đường ba ngày, đời Tống kéo dài năm ngày, đến triều đại nhà Minh bắt đầu thắp đèn từ mồng tám cho đến đêm mười bảy tháng giêng mới tắt đèn, trọn mười ngày. Tiếp nối với lễ hội mùa xuân, ban ngày nhộn nhịp như thành thị, ban đêm đèn tỏa sáng rất ngoạn mục. Đặc biệt các loại đèn rất tinh xảo, lại nhiều màu sắc, làm cho nó trở thành đỉnh điểm của hoạt động giải trí trong dịp tết. Đời nhà Thanh, tiết Nguyên tiêu còn tăng thêm hàng trăm nội dung vui chơi như múa rồng, múa sư tử, chạy thuyền gỗ, đi cà kheo, múa vũ đạo… nhưng thời gian lễ hội được giảm xuống từ bốn đến năm ngày.
- Lịch trình thay đổi của các triều đại
Đời Đường, sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có, thưởng đèn đêm Nguyên Tiêu rất hưng thịnh, bất luận là kinh thành hay thôn quê, đâu đâu cũng đều giăng đèn kết hoa, mọi người còn chế tạo các loại đèn cực to như đèn luân, đèn thụ, đèn trụ... đốt pháo hoa sáng rực khắp kinh thành, vô cùng náo nhiệt.
Đời Tống, lễ hội càng phong phú nhiều màu sắc. Nguyên tiêu thưởng đèn liên tục trong năm ngày, kiểu dáng của đèn phức tạp và đa dạng, quý khách đến thăm chơi thành phố của ánh sáng là một điều rất thoải mái dễ chịu. Nhà thơ Tân Khí Tật (辛弃疾 1140-1207) đời Tống đã viết: "Gió đêm đông khiến cho hàng nghìn cây đèn hoa rộ nở, gió càng thổi thì những ngọn nến hoa càng xao động, sao rụng như mưa" (东风夜放花千树,更吹落,星如雨), Ý nói đèn hoa trong đêm lễ hội Nguyên tiêu vào thời nhà Tống là vô số, khói đèn hoa giống như mưa sao. Thời đó người người còn phấn khởi đoán câu đố đèn, tức là các loại câu đố đèn được viết trên giấy dán trên đèn hoa, người đoán trúng sẽ nhận được một phần thưởng nho nhỏ. Đây là loại hoạt động vui chơi rất có ích cho trí tuệ được mọi người yêu thích, rất phổ biến, lưu hành rộng rãi.


Đời Minh, thời gian lễ hội dài hơn, bắt đầu thắp đèn từ mồng tám cho đến đêm mười bảy tháng giêng mới tắt đèn, trọn mười ngày, để hiển thị ca múa đời sống an bình, là lễ hội thưởng đèn dài nhất trong lịch sử của Trung Quốc.
Đời Thanh, người Mãn Châu vào Trung nguyên, cung đình không còn tổ chức lễ hội Nguyên tiêu, nhưng hội đèn trong dân gian vẫn còn ngoạn mục hoành tráng. Lễ hội Nguyên Tiêu nhà Thanh chỉ có ba ngày, nhưng ánh sáng của đèn chói chan, đèn cũng tinh vi hơn, kỳ ảo hơn, vẫn còn rất thu hút mọi người.
- Thời hiện đại
Lễ hội Nguyên tiêu rút ngắn là năm ngày, vẫn tiếp tục cho đến ngày nay
Đoán câu đố Nguyên Tiêu
Câu đố đèn trong thời Xuân Thu được gọi là "ẩn ngữ", đến đời Hán, Ngụy mới bắt đầu gọi là "câu đố". Đời Nam Tống có người đem câu ẩn ngữ viết trên chiếc đèn lồng. Sau triều đại Nam Tống, việc thưởng đèn hoa, đoán câu đố khiến cho không khí đêm Nguyên Tiêu vô cùng sôi động và ấm áp. Do các câu đố khó đoán trúng, khó giống như không thể nào bắn trúng chú cọp, cho nên cũng gọi là "Đăng Hổ" (灯虎), còn gọi là Văn Hổ (文虎).



Truyền thống chế tạo câu đố đèn xem trọng quy cách nhất định, nó đòi hỏi việc vận dụng kỹ thuật cao mới có thể chế ra câu đố tuyệt vời, là nghệ thuật văn học sáng tạo độc đáo của Trung Quốc.
Một năm nọ, vào dịp lễ hội Nguyên tiêu, vua Càn Long đem theo một số văn võ đại thần, hào hứng đi xem đèn lồng. Nhìn về bên trái thấy một loạt đèn lồng nhiều màu sắc, đẹp không sao tả xiết; nhìn bên phải đặc biệt lý thú với ý vị sâu xa. Xem đến lúc cao hứng vua Càn Long cùng các đại thần của ông cũng đề ra câu đố, bảo tất cả mọi người đoán thử. Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam (纪晓岚) suy nghĩ một lúc, liền múa bút viết hai câu liễn trên chiếc đèn cung đình:
"Hắc bất thị, bạch bất thị, hồng hoàng cánh bất thị. Hòa hồ lang miêu cẩu phưởng phất, ký phi gia súc, hựu phi dã thú.
Thi bất thị, từ bất thị, "Luận Ngữ" dã bất thị. Đối Đông Tây Nam Bắc mô hồ, tuy vi đoạn phẩm, dã thị diệu văn"
(黑不是,白不是,红黄更不是。和狐狼猫狗仿佛,既非家畜,又非野兽
诗不是,词不是,《论语》也不是。对东西南北模糊,虽为短品,也是妙文)
Tạm dịch:
"Không phải đen, không phải trắng, càng không phải màu đỏ vàng, phảng phất giống như cáo lang mèo chó, đã chẳng phải là súc sinh, lại không phải là dã thú.
Chẳng phải thi, chẳng phải từ, cũng không phải là "Luận Ngữ", mơ hồ đối với Nam Bắc Đông Tây, cho dù là sản phẩm ngắn, cũng là câu văn tuyệt diệu


Vua Càn Long tận dụng bộ não để xem, văn võ bá quan mỗi người vò đầu bức tai để đoán, nhưng làm thế nào cũng đoán không ra, cuối cùng hay là để Kỷ Hiểu Lam tự mình tiết lộ câu đố: Xai mê (猜谜: Giải câu đố). Vua Càn Long nghĩ.

Truyền thuyết lễ hội Nguyên tiêu

- Đông Phương Sóc và nàng Nguyên Tiêu
Tập tục ăn Nguyên tiêu cùng với truyền thuyết có liên quan đến câu chuyện vui. Kể rằng: Tương truyền vua Hán Võ Đế (157-87 trước CN) có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, bản tính hiền lành và hài hước. Một năm nọ vào mùa đông, tuyết rơi đầy trời, Đông Phương Sóc ngự hoa viên hái hoa mai cho vua. Khi ông bước vào cổng vườn, liền phát hiện có một cung nữ khóc lóc thảm thiết chuẩn bị lao đầu xuống giếng. Đông Phương Sóc vội vã bước về phía trước để giải cứu và hỏi lý do vì sao phải tự tử. Hóa ra đây là cung nữ tên Nguyên Tiêu, trong nhà còn có cha mẹ và một cô em gái, từ nhỏ sau khi tiến cung, nàng chưa một lần gặp lại người thân. Mỗi năm tháng Chạp đi qua rồi mùa Xuân lại đến, càng thương nhớ người thân hơn cả ngày thường. Nghĩ rằng không thể tận hiếu với cha mẹ, chi bằng chết đi còn hơn. Đông Phương Sóc nghe xong cảnh ngộ của nàng, rất cảm thông, liền đảm bảo với nàng, nhất định sẽ bày cách để nàng đoàn tụ với gia đình.


Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, ông bày một quầy bói toán trên Đại lộ Trường An, nhiều người tranh nhau để được ông xem bói cho mình. Thật bất ngờ, sở cầu của mỗi người đều giống như nhau là "đốt cháy thân thể vào ngày mười sáu tháng Giêng". Thời gian này, tại Trường An rất hoang mang sợ hãi. Mọi người đổ xô tìm hỏi giải nạn. Đông Phương Sóc cho biết: "Vào buổi tối ngày rằm tháng giêng, Hỏa thần quân sẽ phái một vị Xích Y Thần Nữ (nữ thần áo đỏ) xuống trần điều tra, bà là sứ giả phụng chỉ Ngọc Hoàng thiêu đốt Trường An, ta sao chép bài kệ cho các ngươi, có thể làm cho đương kim thiên tử nghĩ ra một biện pháp". Nói xong, ông ném một trang giấy đỏ, và đi rất nhanh. Mọi người cầm trang giấy màu đỏ, nhanh chóng đi đến hoàng cung cáo bẩm cùng hoàng thượng.
Vua Hán Vũ Đế xem qua, chỉ thấy trên trang giấy có dòng chữ: "Kiếp nạn tại Trường An, lửa đi vào cung khuyết, ngày mười lăm lửa trời, suốt đêm ắt diệt tuyệt". Xem xong trong long vua kinh sợ, vội mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến hỏi kế sách đề phòng. Đông Phương Sóc giả vờ suy nghĩ một lúc, rồi tâu: "Tôi nghe nói các vị thần lửa thích ăn nhất là bánh trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải đã thường nấu bánh trôi cho hoàng thượng ngự đó sao ? Vào đêm rằm có thể bảo Nguyên Tiêu làm bánh trôi, hoàng thượng thắp hương thượng cúng, truyền lịnh mỗi nhà trong Kinh thành đều phải làm bánh trôi, cùng dâng cúng cho Thần lửa. Lại truyền lệnh cho thần dân treo đèn khắp nơi, khắp kinh thành đốt pháo, bắn pháo hoa, giống như lửa dậy khắp kinh thành, như vậy mới có thể giấu được Ngọc Đế. Ngoài ra, nên thông báo bá tánh ngoài thành, vào tối mười lăm vào kinh thành thưởng đèn, lẫn trong đám đông sẽ giải trừ tai nạn". Sau khi vua nghe xong, rất vui, liền hạ chỉ lệnh cho mọi người làm theo lời tâu của Đông Phương Sóc.


Đến ngày Rằm tháng Giêng, trong thành Trường An giăng đèn kết hoa, du khách kẻ lại người qua vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ của cung nữ Nguyên Tiêu cùng chị em vào thành thưởng thức đèn hoa. Khi họ nhìn thấy một chiếc đèn Đại Cung giống tự dạng Nguyên Tiêu, kinh ngạc hét lớn: "Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!" Nguyên Tiêu nghe tiếng gọi, cuối cùng đoàn tụ với người thân của mình.
Một đêm náo nhiệt như thế, trong thành Trường An quả nhiên bình an vô sự. Vua Hán Võ Đế vui mừng khôn xiết, liền hạ lịnh từ đây về sau, mỗi năm vào ngày rằm tháng giêng đều nấu bánh trôi nước để cúng thần lửa, toàn kinh thành cũng theo lệ cũ là treo đèn kết hoa đốt pháo bông. Bởi vì bánh trôi nước Nguyên Tiêu làm rất ngon, do đó ngày này được gọi là lễ hội Nguyên Tiêu.
Đoán câu đố đèn lồng (猜灯谜)
"Đoán câu đố đèn lồng" (猜灯谜) còn được gọi là "chơi câu đố đèn lồng" (打灯谜), là một hoạt động được tăng cường sau lễ hội Nguyên Tiêu, xuất hiện vào thời nhà Tống. Triều đại Nam Tống, mỗi khi đến lễ hội Nguyên Tiêu, rất nhiều người tại thủ đô Lâm An đều chế câu đố và đoán câu đố. Bắt đầu là những người hiếu sự viết các câu đố trên một mảnh giấy, dán trên chiếc đèn lồng đủ loại màu sắc cho mọi người đoán. Bởi vì ẩn ngữ có thể gợi mở trí tuệ cho mọi người và rất nhiều lý thú, cho nên trong quá trình lưu truyền, đã được hoan nghinh sâu sắc bởi các tầng lớp khác nhau trong xã hội.


Phong tục tập quán lễ hội Nguyên Tiêu và ăn Nguyên Tiêu trong dân gian
Nguyên Tiêu làm bằng gạo nếp, hoặc không nhưn, hoặc có nhưn. Nhưn bánh bao gồm các nguyên liệu: Đậu, đường, quả sơn trà... Khi ăn, đều có thể nấu, rán, luộc, chiên, hấp. Ban đầu, mọi người gọi món ăn này là "Phù viên tử" (浮圆子: Tròn nổi trên nước), sau này gọi là "thang đoàn" (汤团: bánh trôi) hoặc "thang viên" (汤圆: bánh trôi), đây là phát âm tương tự của từ "Đoàn viên", lấy ý nghĩa đoàn viên, tượng trưng cho một gia đình đoàn tụ hạnh phúc hài hòa. Mọi người cũng dùng hoài niệm này chia tay cùng những người thân yêu, gửi gắm những nguyện vọng tốt đẹp cho cuộc sống trong tương lai.
Thanh Như dịch.
(Sưu tầm trên mạng)