VÌ SAO RƯỢU KỴ ĐÀN BÀ???
Phải nói ngay kẻo hiểu lầm. Tựa đề bài này không có nghĩa là rượu vô hại với đàn ông, cũng hại đến nơi đến chốn nhưng không ác liệt như với phụ nữ!
Lời thật khó tránh mất lòng nhưng không riêng gì ở nước ta, đâu đâu cũng thế, nếu tưởng bàn nhậu chỉ dành cho giới mày râu thì lầm. Số phụ nữ thuộc nhóm “thiếu rượu bia chịu không nổi” rõ ràng đang tăng với vận tốc đáng ngại! Đáng nói là nhiều bà tìm đến rượu bia khi bước vào tuổi mãn kinh vì tình trạng cô đơn lúc đó thường rõ nét. Đó lại là thời điểm đúng lý phải lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe vì mối đe dọa của nhiều căn bệnh nghiêm trọng như loãng xương, ung thư… thì quý bà lại để cho độ cồn có cơ hội đánh nguội ngón đòn đo ván! Đó là chưa nói đến số các cô hãy còn rất trẻ đang có khuynh hướng chứng minh không thua đàn ông chút nào khi ngồi vào bàn nhậu! Kết quả là số phu nhân và tiểu thư ngã bệnh vì rượu, nếu nói theo nghĩa thống kê, thậm chí vừa càng lúc càng đông, vừa với nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn xa cánh đàn ông.
Có một điều chắc chắn. Đó là nhiều bà chưa biết cơ thể phái yếu rất nhạy cảm với độ cồn, nghĩa là vừa dễ say, vừa dễ bị hại vì rượu, nếu so với phái mạnh trong cùng liều lượng! Lý do là vì cơ thể phụ nữ thiếu một loại men mang tên alcoholhydrogenase có công năng trung hòa độc chất của rượu bia ngay trong dạ dày để chất này không kịp ngấm vào máu và sau đó tấn công lá gan. Chất men quan trọng này trong cơ thế quý bà hoặc thiếu hẳn, hoặc tuy có nhưng hoạt động với công suất cao lắm chỉ bằng phân nữa nếu so với đàn ông. Hậu quả là đàn bà cho dù uống ít lại dễ say hơn quý ông. Đó cũng là lý do khiến nhiều bà bị cảnh sát giao thông phạt vạ oan uổng khi xét độ cồn trong máu dù nạn nhân quả thật chỉ mới lai rai chưa được đến ba sợi!
Không chỉ có thế. Lá gan của phái yếu cũng mong manh hơn. Bằng chứng là, theo thống kê ở nhiều nước châu Âu, số phụ nữ bị xơ gan đã tăng gấp ba lần trong ba thập niên vừa qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ ung thư vòm hầu, thực quản, gan, ruột, và nhất là ung thư vú cũng bội tăng thấy rõ ở số phụ nữ quen dùng rượu bia. Giáo sư Helmut Seitz, chuyên gia về bệnh do nghiện rượu ở Đức, đã quả quyết là phụ nữ chỉ cần tiêu thụ khoảng 18g rượu mỗi ngày đủ để dễ bị ung thư vú. Với 30g rượu mỗi ngày thì tỷ lệ ung thư vú tăng gần 10%! Ở lượng 80g mỗi ngày, bất kể với rượu nào cũng thế, kể cả rượu thuốc, rượu vang, tỷ lệ vướng ung thư vú tăng đến 50%!
Seitz vì thế khuyên các bà, các cô nếu phải đồng hành với rượu bia, chẳng hạn vì lý do nghề nghiệp, không nên quên một số biện pháp giúp ẩm khách giữ khoảng cách với nguy cơ lệ thuộc rượu bia. Đó là áp dụng:
Thể dục dưỡng sinh để vừa thư giãn, vừa tăng cường sức đề kháng
Chú trọng chế độ dinh dưỡng dồi dào chất đạm để bảo vệ lá gan và niêm mạc dạ dày như với đậu nành, phấn hoa, tảo spirulina …
Bổ sung các loại sinh và khoáng tố dễ thất thoát vì rượu bia như B1, B6, C, kẽm, selen, manhê…
Tham gia sinh hoạt cộng đồng để tâm trạng trầm uất đừng thừa nước được thả câu.
Tắt máy mỗi khi ghi nhận dấu hiệu kẹt xe trong sinh hoạt nghề nghiệp, gia đình… bằng cách nghỉ ngơi với hình thức sao cho trái ngược với nhịp sinh hoạt căng thẳng hàng ngày và nhất là đúng nghĩa thư giãn, nghĩa là không mang công việc vào chương trình nghỉ dưỡng.
Giới hạn tối đa việc dùng thuốc an thần vì đó là đòn bẩy dẫn đến khuynh hướng nhậu nhẹt vì thuốc ngủ và rượu bia có chung điểm tương đồng trong cơ chế tác dụng. Đó là cả hai đều trấn an hệ thần kinh trong giai đoạn đầu, khi mới dùng thuốc, khi tập tễnh chén chú chén anh.
Uống ngay lượng nước lớn ngay sau mỗi bữa nhậu. Ăn chay vài ngày sau lần bí tỉ. Áp dụng thường xuyên các loại trà dược thảo có công năng giải độc cho cơ thể như atisô, rau má, râu bắp…
Và đừng bao giờ uống mà không ăn.
Ai cũng rõ, cách tốt nhất để đừng bị hại vì độ cồn là cương quyết nói không với chuyện nhậu nhẹt. Khuyên dễ nhưng khó thực hiện khi stress hầu như lúc nào cũng chiếm thế thượng phong. Chỉ còn nước chọn giải pháp tương đối. Nếu cần uống cứ uống nhưng đừng quên thướng thức rượu bia khác xa với nhậu nhẹt đến say xỉn! Đó cũng chính là khoảng cách từ lá gan khỏe mạnh đến mô gan xơ cứng. Khoảng cách đó dù dài hay ngắn đều không nằm trong tầm tay của thầy thuốc!
Sau hết, y khoa nếu xa rời mục tiêu xã hội chỉ còn là nghề thuốc trên sách vở. Rượu bia đúng là không hạp với phận má hồng, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Bằng chứng là nhiều bà, nhiều cô nào có uống giọt nào nhưng cả đời gian truân vì trúng nhằm ông chồng quyết chọn Lưu Linh làm thầy! Rượu không uống mà đau đầu, mất ngủ, trầm uất… mới oan làm sao!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (03/12/2012)