Wednesday, July 5, 2017

VỤ HỐI LỘ NƠI CỬA PHẬT

Bộ phim tập truyền hình "Tây Du Ký" vừa kết thúc tuần trước (7/2014) trên đài truyền hình TVB Hong Kong, bộ phim thật hay, có lẽ từ diễn viên đến kỹ xảo điện ảnh phải nói là hay nhất từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi xem trọn bộ phim, để rồi thấy cái kết cục hết sức là ngộ nghĩnh của câu chuyện "hối lộ" trắng trợn nơi cõi Phật, ngài A Nan và ngài Ca Diếp đòi quà của Tam Tạng trước khi cho kinh, và không có quà nên cho kinh không có chữ, sau đó thầy trò quay trở lại, hối lộ cái bình bát bằng vàng rồi mới nhận được kinh có chữ. Lạ quá phải tìm xem tại sao có chuyện như vậy, có một số bài trên mạng lên án vụ hối lộ nơi cõi Phật nhưng cuối cùng tôi đồng ý với bài viết của tác giả Dũ Lan Lê Anh Dũng. (LKH)


MẬT MÃ VIỆC ĐÁNH ĐỔI BÌNH BÁT
Truyện Tây du kể rằng:
“A nan, Ca diếp dẫn Đường tăng xem khắp tên các bộ kinh một lượt, đoạn nói với Đường tăng: Thánh tăng từ phương Đông tới đây, chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng? Mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho.
Tam tạng nghe xong nói: Đệ tử là Huyền Trang, vượt đường sá xa xôi, chẳng chuẩn bị được quà cáp gì cả.
Hai vị tôn giả cười nói: Hà! Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất.” [TDK X 1988: 168]
Đọc tơ lơ mơ, lắm người bảo rằng A nan và Ca diếp đòi ăn hối lộ! Thực ra, làm gì có chuyện vòi vĩnh của đút lót ở cửa Phật!
Trong mười đại đệ tử của Phật, ông Ca diếp đứng hạng ba, A nan đứng thứ mười, đều đắc quả A la hán, dứt bỏ hết các lỗi lầm (nhứt thiết lậu tận), không lẽ lại vướng lụy vì chút của cải vụn vặt của thế gian ư?


Theo lịch sử Thiền tông Ấn Độ, Phật Thích ca (Phật tổ) là Sơ tổ, Ca diếp là Nhị tổ, A nan là Tam tổ. Bậc giác ngộ đã lìa thế gian, thoát vòng sanh tử, làm sao có thể mở miệng vòi của lót tay?
Khi Hành giả (Tề thiên) khiếu nại sự việc bị đòi lễ vật, Phật tổ cười nói: “Nhà ngươi cứ bình tĩnh. Việc hai người [A nan, Ca diếp] vòi lễ các ngươi, ta đã biết rồi. Có điều kinh không phải trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được.” [TDK X 1988: 172]
Rốt cuộc, khi đổi kinh vô tự để lấy kinh có chữ, Đường tăng vẫn bị đòi dâng lễ vật. “Tam tạng chẳng có vật gì dâng, đành bảo Sa tăng mang ra chiếc bát tộ vàng (...) A nan nhận lấy chiếc bát, tủm tỉm cười.” [TDK X 1988: 173]
Tại sao Tam tạng chẳng có vật gì dâng? Thực ra Tam tạng còn có hai bảo vật của Phật Quan âm tặng: chiếc cà sa báu và cây thiền trượng. Thế thì tại sao lại chỉ dâng cho A nan chiếc bình bát?
Trong đời sống xuất gia, bình bát (patra) vốn là biểu tượng của nhà tu khất thực (khất sĩ trì bát). Nhưng chiếc bình bát bằng vàng nguyên là của vua Đường tặng cho ngự đệ (em vua) kết nghĩa. Vì thế, trong tình huống này, nó còn tượng trưng cho của cải và danh vọng ở thế gian.
Ngoài ra, nói rằng Tam tạng chẳng có vật gì đem theo là ám chỉ kẻ xuất gia tu hành không còn tư hữu (tăng vô nhất vật). Để lãnh kinh báu của Phật, dâng nạp bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải xuất gia, lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.


Hành động của Đường tăng ở đây là ẩn dụ, có tính cách biểu tượng. Theo truyền thống đạo học thì đạo pháp không thể truyền thụ dễ duôi (đạo pháp bất khinh truyền), cho nên kẻ học đạo, muốn thọ pháp, phải đánh đổi. Đánh đổi có nhiều hình thức.
Khi Thái tử Cồ đàm tìm đạo giải thoát, Ngài đã phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương.
Khi Thần Quang (tức Huệ Khả, Nhị tổ Thiền tông Trung Hoa) cầu đạo với Sơ tổ Bồ đề Đạt ma, và bị từ chối, Ngài đã tự mình chặt lìa cánh tay trái dâng lên thầy. Đó là ngụ ý sẵn sàng đánh đổi sinh mạng phàm phu để thọ lãnh đạo giải thoát tối thượng của thiền môn.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: