Tuesday, August 1, 2017

THỦY CHUNG


THỦY CHUNG 
thơ Vũ Đình Liên.

Năm nay đào lại nở 
Chật đường chợ hàng hoa 
Từ đáy sâu quá khứ 
Ông đồ lại hiện ra 

Sáng nay mưa chớm lạnh 
Nắng nằm trên giấy hồng 
Một đám người ngồi cạnh 
Có nhà thơ ngồi cùng 

Tôi xin đôi câu đối 
Cụ rọc tờ giấy điều 
Bàn tay xưa viết nối 
Những nét chữ thân yêu 

Bài thơ "Ông Đồ" mới 
Dưới bút cụ nở ra 
Tôi chân thành chép lại 
Đánh dấu một mùa hoa 

Chỉ thêm lời ghi chú 
Vần thơ xưa, thơ nay 
Thuỷ chung một lòng cũ 
Dù vui buồn đổi thay.

(1974)


Sơ lược tiểu sử tác giả:
Tên thật được lấy làm bút danh, sinh ngày 12-11-1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18-1-1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần thắng lợi cho phong trào thơ mới bằng một bài thơ (chỉ một thôi) xuất sắc Ông đồ, lần đầu in trên báo Tinh Hoa năm 1936. Trước và sau Ông đồ, ông có viết một số bài thơ khác, nhưng chất lượng ở khá xa Ông đồ. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên. Quả vậy, từ năm sáu chục năm nay, nói tới Vũ Đình Liên là người ta nhớ ngay đến Ông đồ và chỉ Ông đồ đã đủ tôn xưng một nhà thơ.


Từ kháng chiến chống Pháp cho đến khi tạ thế, Vũ Đình Liên dồn sức lực vào công việc sư phạm: viết giáo trình, dạy tiếng Pháp và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ Bôđơle (Beaudelaire, nhà thơ Pháp). Thỉnh thoảng có làm thơ, thơ như ghi chép chuyện đời, như thù tạc với bạn bè, không mang đăng báo. Vũ Đình Liên lúc sinh thời vẫn tới gặp gỡ ở Hội nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã là người thơ của quá khứ rồi. Hình như ông không đọc và không trao đổi gì về thơ đương đại.
Nguồn: Thi Viện