Ngày tam nương theo văn hóa truyền thống lưu truyền là những ngày rất xấu. Ngày nay, mỗi khi khởi sự làm một việc quan trọng xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà,… người ta đều tránh những ngày này để khỏi chuốc lấy thất bại. Vậy hư thực ra sao?
VÌ SAO DÂN GIAN KIÊNG KỊ NGÀY "TAM NƯƠNG" ?
VÌ SAO DÂN GIAN KIÊNG KỊ NGÀY "TAM NƯƠNG" ?
Tam nương có nghĩa là ‘ba người đàn bà’ gồm Muội Hỷ, Đát Kỷ và Bao Tự làm sụp đổ ba triều Hạ, Thương, Tây Chu trước Công Nguyên. Trong suốt thời đại của mình, họ được coi là ‘hồng nhan họa thủy’ (紅顏禍水) mang lại sự xui xẻo cho mọi người liên quan. Ba trang tuyệt sắc được coi là “làm loạn” nhất lịch sử Trung Quốc, với sắc đẹp ma mị khuynh thành đổ quốc gây không biết bao nhiêu là tang thương cho thiên hạ, bài học nghiêm trọng đến nỗi các triều đại sau đó dẫu là ở chế độ nào cũng giáo dục con cháu, gia đình, quốc gia không để phạm phải lỗi lầm tương tự
Các ngày tam nương, gồm sáu ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22, và 27 tính theo âm lịch mỗi tháng được cho là ngày sinh và mất của ba nhân vật này.
1. MUỘI HỶ (妹喜) mê hoặc vua Kiệt (tức Lý Quý, cai trị vào khoảng năm 1600 trước Công Nguyên), làm sụp đổ nhà Hạ
Muội Hỷ vốn là mỹ nhân người nước Hữu Thi – một chư hầu của nhà Hạ. Theo sử sách, Hạ Kiệt là ông vua tàn bạo, thích gây chiến tranh đàn áp các chư hầu. Hạ Kiệt mang quân đi đánh nước Hữu Thi, nước Hữu Thi không chống nổi bèn dâng mỹ nữ Muội Hỷ và xin Hạ Kiệt lui quân. Hạ Kiệt được nàng Muội Hỷ bèn tha cho nước Hữu Thi.
Hạ Kiệt sủng ái Muội Hỷ, tăng cường bóc lột nhân dân để hưởng lạc. Sự tàn bạo của Kiệt khiến nhiều bộ tộc nổi dậy chống lại. Nhân dân oán ghét nên nguyền rủa cho Kiệt mau chết.
Muội Hỷ có 1 sắc đẹp tuyệt trần hiếm có nhưng tính khí thất thường. Bình thường, nàng thích đội mũ, đeo kiếm như võ tướng. Thậm chí khi giao hoan, nàng cũng thích cương vị của phái mạnh. Nàng có 1 nụ cười tuyệt đẹp nhưng rất ít khi cười. Hạ Kiệt vốn là ông vua hoang dâm, hậu cung lúc nào cũng đầy mỹ nữ nhưng chỉ sủng ái mỗi người đẹp có khuôn mặt lạnh như tiền. Khi lâm triều, Muội Hỷ ngồi trên đùi Hạ Kiệt xem Hạ Kiệt tiếp kiến quần thần. Vua Kiệt suốt ngày bám lấy nàng, không lo gì chính sự.
Muội Hỷ tuy rất đẹp nhưng từ sáng đến tối không hề có 1 nụ cười, chỉ khi nghe tiếng xé lụa mới lộ vẻ tươi cười nên vua Kiệt đã hạ lệnh mỗi ngày chuyển một số lớn lụa đến để xé cho nàng nghe.
Dù sống trong cung điện nguy nga nhưng Muội Hỷ vẫn chưa bằng lòng. Nàng bắt vua Kiệt xây cho 1 cung điện mới nguy nga tráng lệ hơn. Ở trước cung điện xây 1 cái đài cao bằng ngọc gọi là Dao đài để ngắm phong cảnh “tửu trì” (ao rượu). Tửu trì rộng lớn đến mức có thể đi thuyền ra ngắm cảnh. Bả rượu dùng để đắp 1 con đê bao quanh có chu vi 10 dặm. Trên đê bả rượu có khoảng 3000 trai gái đứng chầu trực sẵn sàng đợi lệnh. Trên đài cao đặt mấy chiếc trống lệnh. Hạ Kiệt xuống lệnh, tiếng trống vang trời, 3000 người theo tiếng trống lệnh, nhoài người ra như kiểu trâu uống nước, mông chổng lên trời, thò cổ chúc đầu xuống tửu trì uống rượu. Cảnh tượng đó khiến Muội Hỷ và Hạ Kiệt ha hả cười.
Các đại thần can ngăn vua Kiệt như Quan Long Bàng đều bị xử chết.
2. ĐÁT KỶ (妲己) mê hoặc vua Trụ (tức Đế Tân, cai trị khoảng năm 1154 TCN – 1066 TCN), làm sụp đổ nhà Thương
Dân gian lưu truyền Đát Kỷ nguyên là cáo chín đuôi thành tinh tu thành hình người – hóa mỹ nhân để dẫn dụ vua Trụ – trước mê hoặc Trụ Vương đắm chìm trong sắc dục, sau dần biến thành hôn quân vô đạo.
Tô Đát Kỷ, 16 tuổi, 1 bông hoa rực rỡ đẹp tuyệt trần: mắt nàng long lanh như sương mai, da mịn màng tựa như lụa, nước da hồng hào, mũi cao thẳng, miệng hoa nhỏ, môi đỏ thắm, dáng đi uyển chuyển, giọng nói trong trẻo.
Truyện Phong thần cho rằng Đát Kỷ thực ra chỉ là người bình thường, nhưng trên đường dâng nạp cho Trụ Vương đã bị Hồ ly tinh nhập xác để thực hiện nhiệm vụ làm cho Trụ Vương mê muội gây sụp đổ nhà Thương, tạo điều kiện cho nhà Chu thu phục thiên hạ. Tuy nhiên, do thực hiện nhiệm vụ quá tàn ác và hại chết quá nhiều người, sau bị Khương Tử Nha chém chết.
Trụ Vương và Đát Kỷ là 1 cặp được nhắc đến trong lịch sử Trung Quốc với sự phẫn nộ của nhiều người. Tương truyền, trong cung Trụ có 1 nơi dành riêng cho thú vui của vua Trụ. Vua Trụ, Đát Kỷ cùng các mỹ nhân thường xuyên vui chơi trụy lạc tại đây. Họ ra lệnh dùng roi đánh khắp người các con vật thật đau, để hằn lên vết đỏ, rướm máu, rồi mang nướng lên để thưởng thức, đem thịt treo thành rừng, gọi là nhục lâm. Nơi này được thiết kế với những hồ nhỏ, vua Trụ cho đổ rượu vào đầy hồ, gọi là tửu trì, rồi cùng Đắc Kỷ và các mỹ nhân xuống tắm rượu.
Có lần Đát Kỷ bất hòa với thân thuộc của vua là Tỷ Can, bắt ông này phải moi tim ra. Một vị quan giỏi xem tinh tượng, bói toán cũng vì bất hòa mà bị bà cho cột lưng vào cột nung đỏ, cháy cả lưng. Trụ Vương còn cho xây cung “Lộc Đài” vuông mỗi bên 3 dặm, cao ngàn thước, quy mô lớn chưa từng thấy, phải dùng đến hàng vạn thợ xây, xây 7 năm mới xong.
“Bào lạc” là một tội ác mang dấu ấn của Đát Kỷ, Trụ Vương. 1 ống đồng dài, khi sử dụng mang ống đồng nhét đầy than đỏ bắc ngang qua hố lửa, bắt tội nhân cởi hết quần áo giày dép ra và chạy từ đầu này sang đầu kia của ống đồng. Quan thần trong triều bấy giờ bị tàn sát vô tội vạ.
3. BAO TỰ (褒姒) mê hoặc Chu U vương (tức Cơ Cung Niết, cai trị 781 TCN – 771 TCN), làm sụp đổ nhà Tây Chu
Chu U vương si mê vẻ đẹp u buồn của Bao Tự, tìm mọi cách để lấy lòng mỹ nhân làm nàng vui vẻ cười nói, vua U ra lệnh ai làm mỹ nhân cười sẽ được thưởng ngàn lạng vàng.
Nhà thơ Lý Bạch viết: “Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim” (美人一笑換千金 Ngàn vàng đổi lấy một nụ cười người đẹp). Mỹ nhân thích nghe tiếng lụa bị xé, vua U cho xé lụa ngày đêm để nàng vui, thậm chí còn cho đốt lửa trên các hỏa đài để đánh lừa các chư hầu đem quân về cứu Thiên tử nhà Chu (vua U). Bao Tự đứng trên lầu cao, nhìn cảnh chư hầu mắc lừa, cười ngặt nghẽo.
Hậu quả, sau này thành bị quân Khuyển Nhung vây khốn nguy ngập, vua U cho đốt lửa trên hỏa đài gọi cứu thì các lộ quân chư hầu không thèm về cứu vì đinh ninh là trò lừa bịp cốt làm vui lòng người đẹp.
Suy nghĩ: Hạ Kiệt, Trụ vương và Chu U sẽ không trở thành hôn quân vô đạo, mất cả giang sơn nếu biết “kiêng kỵ” trước cám dỗ của sắc dục, bị dẫn dắt và thao túng đến mức không điều ác nào không làm, người xưa đặt định ra “ngày tam nương” chắc chắn muốn lưu lại bài học giáo huấn “vạn ác dâm vi chủ” cho con người đời sau.
Bruce Phan – tổng hợp
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment